Xuất khẩu thủy sản vào EU tăng 67%
14:51' 23/09/2003 (GMT+7)
Sản lượng mực xuất khẩu giảm mạnh do nguồn lợi bắt đầu cạn kiệt.

(VietNamNet) - Bộ Thủy sản hôm nay (23/9) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng tốt, đạt 225 triệu USD. Kim ngạch 9 tháng đạt 1,64 tỷ USD, đạt trên 71% kế hoạch năm, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2002. Hiện các thị trường đang có nhu cầu lớn về các sản phẩm nuôi sinh thái, với giá cao hơn 20-30%.

Tôm vẫn là mặt hàng có giá trị cao

Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu trong số các thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam, với tỷ trọng 36,5% về giá trị, tăng 30,4% so cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản dành vị trí thứ hai, chiếm tỷ trọng 25%, tăng 6,9%. Đặc biệt là xuất khẩu thuỷ sản vào EU tiếp tục tăng, với mức đột biến, 67%. Đây là mức tăng trưởng cao, cho thấy các DN chế biến đã có những bước đi tích cực, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, tổng số cơ sở chế biến thuỷ sản đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là 152/332 cơ sở (45,8%). Số các DN có code vào châu Âu là 100. Điều đáng lưu ý là thị trường Trung Quốc và Hongkong chỉ chiếm gần 7,3% giá trị xuất khẩu, giảm tới 52,5% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Thuỷ sản, tôm đông lạnh vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 46% về giá trị, tăng 14,3%, đứng thứ hai trong số các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ, sau Indonesia. Tiếp đến là cá đông lạnh với 19,6%, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2002. Mực khô xuất khẩu giảm, chỉ bằng 46,8% so cùng kỳ do sự biến động nguồn lợi tại các ngư trường và nguy cơ dịch SARS tại Trung Quốc, Hongkong.

Để bảo đảm chỉ tiêu 2,3 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản trong năm nay, thời gian tới, Bộ Thuỷ sản sẽ tập trung tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tôm để chủ động đối phó nếu vụ kiện xảy ra. Bộ cũng sẽ họp với các địa phương để ổn định tiêu thụ cá tra, basa.

Thiệt hại gần 10.000 tấn thuỷ sản

Áp thấp nhiệt đới vừa qua đã gây mưa lớn kéo dài, làm úng ngập nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản. Thái Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, ước tính khoảng 9.640 tấn sản phẩm bị cuốn theo dòng nước. Tuy vậy, tôm nuôi bị ảnh hưởng không lớn, hiện các mô hình nuôi tôm công nghiệp phát triển tốt, một số nơi thu hoạch đạt năng suất cao.

Đến nay, phong trào nuôi cá đồng tại các tỉnh vùng lũ ĐBSCL phát triển mạnh. Giá tôm hùm nuôi tiếp tục tăng ở mức có lợi cho người nuôi. Mô hình nuôi cá mú (song) trong ao đất đang được phổ biến rộng rãi cho người nuôi. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 90.000 tấn, đưa sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng đầu năm ước đạt 799.000 tấn, bằng 73% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác xa bờ không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão số 5 và áp thấp nhiệt đới. Các tàu khai thác xa bờ đạt hiệu quả tốt, nhất là ở Kiên Giang với các ngư trường biển Đông và biển Tây. Nguồn lợi giống tự nhiên giáp xác và nhuyễn thể xuất hiện nhiều. 9 tháng đầu năm, sản lượng hải sản khai thác đạt trên 1,123 triệu tấn, bằng 80% kế hoạch năm.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
ĐBSCL sẽ chỉ còn 700.000-800.000ha đất ngập mặn (23/09/2003)
Gạo xuất khẩu Việt Nam đang vững giá (23/09/2003)
Đã huy động 1.250 tỷ đồng trái phiếu đô thị TP.HCM (23/09/2003)
Từ 1/11, tổng kiểm tra mặt hàng điện thoại di động (23/09/2003)
Quy định lệ phí cấp phép hoạt động điện lực (23/09/2003)
Số phận 40 nhà máy đường sẽ ra sao? (23/09/2003)
Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO (23/09/2003)
Khai mạc hội nghị các nhà tài trợ cho nông nghiệp (22/09/2003)
Sửa luật để giảm can thiệp vào hoạt động của tổ chức tín dụng (22/09/2003)
Mua nền chợ hơn 5 năm chưa được sử dụng (22/09/2003)
Cục Thuế TP.HCM sẽ phong toả tài khoản DN nợ thuế (22/09/2003)
Thị trường vải ở TP.HCM ế ẩm (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế cần hướng nhiều hơn đến người nghèo'' (22/09/2003)
Giá vàng lên đến 713.000 đồng/chỉ (22/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang