|
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu giá một kg cá ngựa lên tới 2 triệu đồng. |
Cá ngựa còn có tên gọi là Hải Mã, sống nhiều ở vùng biển nước ta và một số nước. Theo kinh nghiệm dân gian, việc dùng cá ngựa một đôi sấy khô có thể chữa liệt dương ở nam giới và hiếm muộn ở phụ nữ. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu giá một kg cá ngựa lên tới 2 triệu đồng. Sự đánh bắt và mua bán tràn lan như hiện nay thì chẳng mấy mà cá ngựa sẽ bị tuyệt chủng.
Tại một đại lý thu mua cá ngựa nằm trên đường Trần Phú, Q.5, TP. Vũng Tàu, giá cá ngựa bán buôn vào thời điểm này là 1,7-1,9 triệu đồng/kg, tuỳ theo loại lớn hay nhỏ. Từ tháng 4 đến tháng 9, gió chướng ít, mỗi con trăng thấp nhất cũng gom được khoảng nửa tấn cá ngựa. Như vậy chỉ tính riêng khu vực làng cá Bến Đá - Bến Đình (TP. Vũng Tàu) với khoảng hơn 10 đại lý thu mua cá ngựa lớn nhỏ, đủ cho thấy số lượng cá ngựa bị đánh bắt nhiều đến mức nào.
Hoạt động mua bán cá ngựa ở TP. Vũng Tàu sôi động khi những chiếc ghe cào đánh bắt khơi xa trở vào bờ. Từ đội ngũ chuyên thu mua lẻ hàng ngày ngồi trực sẵn tại cửa biển Sao Mai, đến những người chèo đò bán quà vặt, hễ thấy ghe cập cảng là nhốn nháo gặng hỏi: "có cá ngựa bán không?"... Giá một cặp cá ngựa phơi khô, loại trung bình được ngư dân bán với giá 7.000 đồng. Tuy nhiên số lượng bán lẻ rất ít, phần lớn ngư dân gom lại và bán cho đầu nậu vì "lớn nhỏ gì họ cũng mua hết", một ngư dân nói.
Dù mua lẻ hay mua buôn thì đường đi của cá ngựa cũng tới các "tổng đại lý" (như của chủ M.), sau đó xuất sang Trung Quốc, rồi lại... trở về Việt Nam trong một thang thuốc Tàu được quảng cáo là trị bách bệnh. Một lượng nhỏ cá ngựa được tiêu thụ trong thị trường nội địa, tại các tiệm thuốc đông y và một số cửa hàng bán đồ lưu niệm ở các khu du lịch, đôi khi có mặt cả trong nhà hàng đặc sản.
Nghe nói ở Sài Gòn có một quán ăn chuyên về món cá ngựa tươi tẩm bột rán thu hút được khá đông thực khách là các đấng mày râu. Ăn xong khách có thể mua một vài con còn đang bơi lội trong tủ kính, đánh thuốc mê và ngâm vào nước đá mang về cho bà xã ở nhà "thử cho biết". Chiêu này chưa thấy xuật hiện ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng những bình rượu cá ngựa "ông uống bà khen" thì từ quán cóc vỉa hè đến quán hạng sang đều có.
Ngư dân cho biết cá ngựa sinh sống ở tầng đáy nên chỉ ghe lưới cào mới đánh bắt được, mà loại ghe này ở Bà Rịa-Vũng Tàu có gần nghìn chiếc. Những năm trước cá ngựa có nhiều ở vùng biển nước ta nhưng nay đã khan hiếm, hiện chỉ có nhiều ở vùng chồng lấn giữa Việt Nam, Indonesia và Philipines, vì nơi đây ít tàu thuyền đánh bắt. Không những phơi khô nhiều nông dân còn mang sẵn rượu ra biển để ngâm cá ngựa sống. Cách này có vẻ tốt hơn, bởi mua cá đã ngâm khô rất dễ nhầm với cá đã ngâm rượu lấy nước cốt từ trước đó.
Tại nhiều cửa hàng mỹ nghệ ở TP. Vũng Tàu người ta bày bán hàng rổ cá ngựa khô, có kèm cách chỉ dẫn "đốt thành than uống" bệnh nào cũng một kiểu như vậy. Để tránh cho cá ngựa không bị kiến đục mắt, đục bụng làm mất giá trị,các cửa hàng còn đem ủ cá với thuốc long não, một loại độc dược chống côn trùng độc hại. Không chỉ thế người ta còn ngâm cá ngựa vào chai rượu nửa lít, dán lên đó nhãn"trị hiếm muộn" để moi tiền du khách.
Trước đây, các chủ ghe không quan tâm lắm đến nguồn lợi thu được từ cá ngựa nên để bạn ghe ăn chia với nhau. Nhưng từ khi cá ngựa có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu thì một số chủ ghe cũng muốn có phần trong đó. Không những vậy chủ ghe còn khuyến khích tài công đến những vùng biển có nhiều cá ngựa để thả cào, bởi 1kg cá ngựa đôi khi trị bằng mấy tấn cá bò. Vì thế mà cá ngựa đang có nguy cơ bị cạn kiệt, "Viagara đại dương" có nguy cơ bị tuyệt chủng giống nòi.
Các nhà khoa học ở Cần Thơ đã nghiên cứu và đưa ra một số kết luận về khả năng nuôi cá ngựa tăng trọng bằng Artemia và tôm cám. Nhưng theo một số chuyên viên của Viện Hải dương học, cá ngựa không sống được lâu trong môi trường nhốt, vì chúng ăn mồi sống. Được biết, để ngăn chặn tình trạng cá ngựa bị đánh bắt và buôn bán tràn lan như hiện nay, một số nước đã hạn chế đánh bắt và cấm xuất khẩu cá ngựa. |
(Theo Tiền Phong) |