Nhân kỳ họp IMF và APEC sắp tới:
Việt Nam phải giành lấy thời cơ
11:25' 25/09/2003 (GMT+7)
GS. Phạm Đỗ Chí.

Thị trường tiền tệ thế giới đang biến động. Các đồng tiền mạnh ở châu Á ra sao và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào? GS. Phạm Đỗ Chí trả lời phỏng vấn giới báo chí về những vấn đề nóng bỏng liên quan đến biến động tiền tệ hiện nay trên thế giới và khu vực (từ Vientiane, Lào).

- Tại sao đồng yên chuyển động mạnh hôm thứ hai (22/9) và thị trường Tokyo đi xuống 4,2%?

- Vấn đề cần bàn là tiền tệ châu Á đang đảo ngược con dốc của khủng hoảng 1997-1998... Từ vài tháng nay, với phục hồi kinh tế được thể hiện qua sức mạnh của các chỉ số thị trường chứng khoán. Phần lớn các đồng tiền châu Á đã lên mức cao nhất từ 3 năm nay. Group of seven (G-7) vừa họp cuối tuần qua sửa soạn cho kỳ họp thường niên của IFM-WB vào tuần này, đã ra thông cáo sẽ áp dụng hệ thống tỷ giá uyển chuyển cho phép thay đổi tỷ giá dễ dàng hơn. Nhất là Nhật Bản với sự bổ nhiệm của một Bộ trưởng Tài chính mới, ông Sadakazu Tanigaki, có khuynh hướng sẽ ít can thiệp vào thị trường ngoại tệ hơn, tức là cho phép tiền yên được lên giá dễ dàng hơn so với tiền đô la. Trước đây Ngân hàng Quốc gia Nhật đã bỏ ra 81 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2003 để giữ cho đồng đôla Mỹ không xuống giá quá nhiều, tránh thiệt hại cho xuất khẩu của Nhật.

Thị trường chứng khoán Tokyo xuống giá, nhất là cổ phiếu của những hãng chuyên xuất khẩu, vì e ngại đồng yên lên mạnh sẽ làm hại xuất khẩu của Nhật và chặn đà phục hồi mới nhen nhúm của Nhật Bản từ hai quý qua (GDP tăng 3,9% trong quý 2, lần đầu tiên tăng mạnh từ nhiều năm nay).

- Bàn về hội nghị tài chính của nhóm APEC ở Phuket vào tháng 10 tới, ông đã tiên đoán về các thay đổi về tiền tệ lớn ở châu Á sắp xảy ra, nhất là áp lực của Hoa Kỳ và khối châu Âu với tiền Trung Quốc. Đây có phải là các dấu hiệu bắt đầu?

- Đúng thế. Thật ra các tiền baht, won, new Taiwan (NT) dollar tương ứng của Thái, Hàn Quốc và Đài Loan đã đạt mức cao nhất từ gần ba năm qua so với tiền Mỹ. Nay với triển vọng các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ bớt can thiệp để chặn sự xuống giá của đôla Mỹ, giới đầu tư cũng như đầu cơ ngoại tệ sẽ đẩy mạnh các đồng tiền này mà bớt đi các e ngại bị các ngân hàng trung ương can thiệp phản pháo bất ngờ, nhất là trước thềm hội nghị IMF tuần này.

- Vấn đề Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ ra sao?

- Đây là vấn đề cần bàn quyết định chiều hướng toàn thể tiền tệ châu Á. Với sức phát triển trên 8% của GDP năm nay và xuất khẩu vẫn tăng vụt, Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ, thêm được 60 tỷ USD vào quỹ ngoại tệ của họ trong 6 tháng đầu năm 2003.

GS. Phạm Đỗ Chí tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Trường University of Pennsylvania, hiện là cố vấn kinh tế của Chính phủ Lào và tại Ngân hàng Nhà nước Lào.

Trước đây ông là đại diện thường trú và chuyên viên kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Lào, và giáo sư kinh tế và tài chính tại American University, Washington, D.C.

Ông là chủ biên của ba cuốn sách kinh tế Việt Nam: Đánh thức con rồng ngủ quên (2001 và tái bản 2002), Thử thách của hội nhập (2002), Hành trình một kinh tế gia Việt (2003) và của cuốn Làm gì cho nông thôn Việt Nam sắp phát hành vào tháng tới.

Giới doanh thương Hoa Kỳ đang tạo áp lực mạnh với Tổng thống Bush để đòi hỏi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, bắt đầu bằng việc áp dụng một hệ thống tỷ giá uyển chuyển hơn như trong thông cáo của G-7 cuối tuần rồi.

Trung Quốc đang cố chống lại áp lực quốc tế này, nhưng về lâu dài khó từ chối việc lên giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống 6,5-7 NDT/USD so với mức 8,3 NDT/USD bây giờ. Lúc đó thật sự các tiền mạnh khác của châu Á như NT dollar (Đài Loan), won (Hàn Quốc), dollar Singapore và tiền baht (Thái Lan) mới sẽ vọt lên theo so với dollar.

Các nước châu Á cũng có lý do đòi Trung Quốc lên giá tiền NDT để giữ sức cạnh tranh của họ, và sẵn sàng để tiền của họ lên giá hơn so với đồng đôla.

- Ông từng bàn về việc lập Quỹ Tiền tệ châu Á, đây có phải lúc?

- Đây là thời điểm thuận lợi nhất cho sự ra đời tổ chức này. Các nước châu Á đang dư giả ngoại tệ để đóng góp gây vốn thành lập quỹ dự trữ này và đang có tư thế mạnh với các nước Âu - Mỹ và với IMF. Định chế quốc tế mới này sẽ giúp châu Á bớt bị ảnh hưởng của phương Tây lúc có khó khăn về kinh tế tài chính hơn là nhờ đến IMF như trong quá khứ.

- Các thay đổi tiền tệ trên sẽ có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

- Vì sự lên giá của các đồng tiền mạnh châu Á, nhất là tiền NDT của Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại quốc doanh và tư nhân trong nước có thể phải nghĩ đến việc duyệt lại cơ cấu thành phần khối dự trữ ngoại tệ cũng như cơ cấu các món nợ bằng ngoại tệ.

Ngoài ra Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều về vấn đề xuất khẩu. Qua việc các tiền châu Á lên giá và Việt Nam vẫn giữ tiền đồng trượt giá từ từ như trong vài năm nay sẽ giúp tiền Việt Nam xuống giá thêm, nhất là so với tiền USD, để tăng giá xuất khẩu và nâng cao giá nội địa cho các mặt hàng nông sản hầu vực dậy khu vực nông thôn trước buổi hội nhập thị trường thế giới.

- WTO vừa đổ vỡ, lý do ra sao, có ảnh hưởng gì đến kỳ họp thượng đỉnh APEC sắp tới ở Bangkok?

- Sự đổ vỡ của hội nghị WTO ở Cancun tuần trước do bất đồng ý kiến trong thương thảo về thương mại nông nghiệp cho thấy tầm quan trọng của vấn đề trợ cấp nông nghiệp (trợ nông) được áp dụng mạnh mẽ ở các nước phát triển công nghệ và được hỗ trợ bởi thuế quan cao là rào cản xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển.

Đàm phán về vấn đề này sẽ tiếp tục để đòi nhượng bộ từ Mỹ trong kỳ họp APEC sắp tới, nhất là phía Thái Lan có thể chủ động đòi hỏi nhượng bộ về việc Mỹ kiện vụ tôm đông lạnh nhập khẩu từ 16 nước châu Á.

- Việt Nam có cần lên tiếng gì về vấn đề này?

- Cần lắm chứ, vụ tôm đông lạnh sẽ đi theo vụ cá tra, cá ba sa, cần tiếp tay đồng minh với Thái Lan để đòi chính Tổng thống Bush can thiệp.

Kinh nghiệm thực tế về biện pháp Mỹ ngăn chặn cá tra và tôm nhập khẩu cho thấy Việt Nam cần gấp rút gia nhập WTO, liên minh với các nước bạn, tăng cường khả năng thương thuyết cùng áp lực, vận động hành lang để có thêm phương tiện bảo vệ nông dân trong nền kinh tế toàn cầu.

Quan trọng nhất là đòi các nước phát triển giảm bớt trợ nông và mở rộng thị trường cho các nông sản nước ngoài vẫn đang được tranh luận gay go trong khuôn khổ WTO.

- Còn cần sửa soạn gì nữa về phía Việt Nam?

- Sẽ có rất nhiều phái đoàn thương mại đầu tư đi cùng trong 21 phái đoàn tham dự. Việt Nam hẳn sẽ phải giành lấy thời cơ này để kêu gọi FDI trở lại bằng vài biện pháp hấp dẫn cần tuyên bố trong dịp này: ổn định, luật đầu tư mới, các biện pháp thuận lợi thêm, tiềm năng du lịch, cải thiện môi trường đầu tư...

- Còn vấn đề gì sẽ nổi bật bên lề hội nghị APEC?

- Nhân kỳ họp này, các nước châu Á sẽ thấy rõ nhu cầu và thúc đẩy việc thành lập một hiệp hội kinh tế tương lai: ASEAN + Hàn Quốc + Trung Quốc + Nhật Bản. Vai trò ASEAN sẽ mờ nhạt dần và Việt Nam có thể đóng vai trung gian mời sự tham dự của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vì Việt Nam là nước đông dân thứ hai sau Indonesia trong nhóm 10 nước ASEAN.

Tất nhiên trong vai trò này Việt Nam có thể nghĩ đến việc đòi hỏi một số quyền lợi như việc ba quốc gia này cần bỏ bớt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

(Theo Tuổi Trẻ) 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xây dựng ngành hàng không hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh (25/09/2003)
Đất đai - nỗi ''ám ảnh'' lớn của DN (25/09/2003)
Hàng Việt Nam sẽ "rộng đường'' vào thị trường Trung Quốc (25/09/2003)
Cơ hội để mua sắm thiết bị tại Triển lãm Power-Gen ASIA 2003 (24/09/2003)
Từ 1/1/2004, áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế (24/09/2003)
Ảnh hưởng không lớn đến thương mại với Việt Nam (24/09/2003)
Xuất khẩu dệt may sang Nhật tăng trở lại (24/09/2003)
Giá vàng tăng, ngân hàng khó vay vốn hơn (24/09/2003)
TP.HCM lấy đâu ra 175.000 tỷ đồng xây dựng cầu đường? (24/09/2003)
Hội nghị đường sắt ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội (24/09/2003)
TP.HCM sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11% (24/09/2003)
Các dự án xây dựng "đụng" đâu sai đó (24/09/2003)
Ngành thép và cuộc 'sửa mình' khắc nghiệt (24/09/2003)
Khai thác tiềm năng phát triển vùng biên giới Việt - Lào - Campuchia (24/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang