|
TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM. |
Đề án điều chỉnh khu đô thị công nghiệp (KCN) TP. HCM đến năm 2010 đang được Viện kinh tế, Ban quản lý các KCX-KCN và Viện Quy hoạch TP.HCM phối hợp thực hiện để có thể công bố vào cuối năm nay. TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, cơ quan chủ trì dự án, đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, vì sao lại phải điều chỉnh quy hoạch tại KCN?
- Trong quy hoạch các KCN trước đây cũng chưa tính đến phát triển KCN với quá trình đô thị hoá, tức là nó phải phát triển song hành với sự phát triển của các khu dân cư và hoạt động dịch vụ... Thực tế tại các địa bàn có các KCN ra đời thời gian qua đều tạo ra sự đô thị hoá một cách "cưỡng bức", dân cư tăng vọt và hoạt động dịch vụ cũng phát triển mạnh một cách tự phát làm phát sinh những vấn đề kinh tế - xã hội rất phức tạp từ giao thông, nhà ở, vệ sinh môi trường... Do đó không thể xem các KCN tồn tại như một "ốc đảo" được mà nó phải gắn kết với vấn đề phát triển đô thị, phải đặt nó trong mối tương quan với phát triển đô thị bền vững. Việc điều chỉnh quy hoạch lần này cũng nhằm giải quyết vấn đề di dời, tái bố trí các xí nghiệp nằm rải rác trong 40 cụm công nghiệp xen lẫn với các khu vực dân cư hiện nay, đặc biệt là các xí nghiệp nằm trong danh sách ô nhiễm của thành phố.
- Liệu các địa phương khác có chịu nhận những nhà máy gây ô nhiễm, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: ''Muốn khuyến khích cái gì, không khuyến khích cái gì, ngành công nghiệp này vào hay không vào khu vực nào đó thì phải có chính sách cho họ. Lần này chúng tôi cũng đã được UBND thành phố giao nhiệm vụ không chỉ là vấn đề mặt bằng quy hoạch mà cả hệ thống chính sách một cách đồng bộ. Tất cả các vấn đề từ chuyện phát triển công nghệ gì, ai làm, bằng cách nào, định hướng đầu tư trong nước và nước ngoài, đào tạo công nhân, xây dựng hạ tầng như thế nào, gắn với phát triển đô thị ra sao, giải quyết môi trường... sẽ có chính sách cụ thể.
Ngoài ra chúng tôi còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế phối hợp với các địa phương nhằm giúp tổ chức bố trí các KCN một cách hợp lý nhất, các địa phương phân công nhau chứ không cạnh tranh nhau''. |
- Chúng ta di dời những doanh nghiệp gây ô nhiễm là để đưa vào các khu vực, địa bàn có đủ điều kiện để xây dựng một hệ thống xử lý ô nhiễm, chứ không có nghĩa là chúng ta bê nguyên cái ô nhiễm chỗ này đưa vào chỗ khác theo kiểu "đánh bùn sang ao". Cũng xin nói thêm là trong quy hoạch điều chỉnh, chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Nói gì thì nói, ô nhiễm cũng sẽ không xử lý tuyệt đối được. Do đó, ngành nào có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thì dứt khoát không bố trí vào khu vực thượng nguồn, doanh nghiệp gây ô nhiễm không khí thì tính toán cả hướng gió. Tóm lại, trong quy hoạch điều chỉnh, chúng tôi sẽ tính toán những nhóm ngành tương đối lớn, có phân loại nhóm kỹ thuật cao, không ô nhiễm, ô nhiễm nguồn nước, rồi ô nhiễm không khí...
- Những KCN đang nằm trong các khu vực dân cư hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào?
- Như tôi đã nói, KCN không thể là một "ốc đảo" mà nó phải thông với khu vực dân cư, vấn đề quan trọng là những KCN đó có hệ thống xử lý ô nhiễm tốt hay không thôi. Đối với những tồn tại trong vấn đề giao thông tại các KCN này, theo tôi, do thời gian qua chúng ta làm KCN nhưng chưa làm đồng bộ, thiếu hệ thống hạ tầng kết nối... Do vậy KCN chỉ là khu đất vài trăm hecta được khoanh lại, nhà đầu tư vào san lấp mặt bằng, làm hạ tầng là xong.
Trước đây chúng ta có quan điểm rằng làm KCN là làm hạ tầng KCN nhưng thật ra cái quan trọng hơn, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư lớn hơn là hạ tầng kết nối giữa khu dân cư với KCN và giữa các KCN với nhau. Để có mấy trăm hecta đó, lẽ ra đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào phải lớn hơn đầu tư bên trong KCN mới phát triển bền vững được. Tôi lấy ví dụ các KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Tân Bình, nếu toàn bộ hạ tầng kết nối giữa các KCN này được đầu tư đồng bộ sẽ giảm chi phí vận chuyển, đồng thời kết nối các KCN lại với nhau, giúp các KCN phân công sản xuất.
- Ông có thể phác thảo diện mạo của các KCN trên địa bàn trong thời gian tới?
- Khi KCN có quy mô tương đối lớn, nó phải gắn kết với khu dân cư xung quanh để hình thành cái gọi là "tiểu đô thị công nghiệp". Các "tiểu đô thị công nghiệp" không phải là đô thị vệ tinh mà hình thành trên cơ sở cái nền là KCN, tự nó trở thành một sức hút, một đối trọng với đô thị lớn...
Theo quan điểm này, sắp tới các KCN sau khi đã xác định quy mô rồi, ưu tiên số 1 là quy hoạch chi tiết khu vực xung quanh, vấn đề mà lâu nay ta chưa làm. Tôi lấy ví dụ, một KCN có quy mô 40.000 lao động, bước đầu tiên là quy hoạch khu dân cư (bao nhiêu nhà ở, bao nhiêu nhà cho công nhân thuê), rồi hệ thống thương mại, trường học... chứ không để tái diễn hiện tượng nhà trọ tự phát mọc lên.
Mô hình này đang được định hình tại KCN Vĩnh Lộc, ngoài diện tích đất dành cho KCN Vĩnh Lộc, thành phố đã quy hoạch 110ha phát triển khu dân cư bên cạnh. Khu vực này được tính toán bố trí cả những hộ di dời, nhà ở cho người lao động, rồi phát triển các loại hình dịch vụ thương mại...
Trong tương lai, những khu vực vành đai TP.HCM sẽ hình thành những "tiểu đô thị công nghiệp", tạo thành những vệt nối Bình Chánh với Long An, quận 9 và Thủ Đức nối với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ngoài các "tiểu đô thị công nghiệp", tại các khu vực như cảng Cát Lái và Hiệp Phước cũng sẽ hình thành các "tiểu đô thị cảng", trong đó tác nhân trung tâm của những đô thị này là cảng.
(Theo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
Việt Nam cần có mô hình khu công nghiệp mới Sẽ có nghị định về quản lý quy hoạch TP.HCM quy hoạch 25 khu công nghiệp tập trung Bộ Công nghiệp di dời các DN gây ô nhiễm tại TP.HCM |