Quá trình đấu thầu còn mang tính hình thức
10:51' 02/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau một năm áp dụng Nghị định 66/CP, ngày 30/6, tại Hội nghị về tình hình thực hiện quy chế đấu thầu, các bộ, tỉnh, thành và tổng công ty nhà nước đều thống nhất nhận định cần nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, đồng thời đưa kiến nghị minh bạch hóa quá trình đấu thầu để tránh hiện tượng đấu thầu mang nặng tính hình thức.

Các gói thầu xây lắp chiếm 60,51% tổng gói thầu được thực hiện trong năm 2003.

Đấu thầu thiếu minh bạch vẫn nhiều

Năm 2003, đã có 30.189 gói thầu được bộ ngành, địa phương thực hiện, trong đó số gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp chiếm 60,51%. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ thì hình thức đấu thầu rộng rãi đã tiết kiệm được tới 2.536,4 tỷ đồng cho nguồn vốn nhà nước (tỷ lệ tiết kiệm 11,63%). Đây là một hình thức mà tính cạnh tranh và hiệu quả được thể hiện rõ nhất, nhưng trên thực tế nó lại chưa được áp dụng phổ biến, mới chỉ chiếm 13,28% tổng số gói thầu, trong khi đấu thầu hạn chế là 17,10%, chỉ định thầu và tự thực hiện là 50,72%.

Mặc dù Quy chế Đấu thầu không khuyến khích áp dụng, nhưng nhiều gói thầu vẫn áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế. Các nhà thầu được đưa vào danh sách đấu thầu hạn chế lại không đủ năng lực, kinh nghiệm, hoặc có trường hợp đưa vào những nhà thầu không thực sự có ý định dự thầu để dàn xếp trước kết quả đấu thầu. Những cuộc đấu thầu này chỉ là hình thức, nên tính cạnh tranh thấp, thậm chí không có tính cạnh tranh. Ở một số nơi còn cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế đối với các gói thầu có giá trị dưới 3 tỷ đồng, dẫn đến hiện tượng chia nhỏ gói thầu để tổ chức đấu thầu hạn chế, làm giảm hiệu quả công tác đấu thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu liên kết, móc ngoặc dưới dạng "quân xanh quân đỏ".

Ngay cả khi áp dụng hình thức đấu thầu, thì giá trúng thầu thấp cũng chưa hẳn là tốt. Có thể do nhà thầu cố tình bỏ giá thấp để giành được công trình, sau đó điều chỉnh giá trị hợp đồng, hoặc không đảm bảo được chất lượng công trình,... Ngoài ra, vấn đề hợp đồng gắn trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng cần được hoàn thiện. Một số hợp đồng quá đơn giản, dồn sức ép vào một phía, thiếu các điều kiện chi tiết, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Theo ông Ngô Minh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, vấn đề cần quan tâm nhất của Pháp lệnh Đấu thầu là công tác thanh tra đấu thầu, vì trong thực tế đã có những trường hợp thanh tra lại chính là người thực hiện đấu thầu, nên không thể ký quyết định kỷ luật chính mình nếu có sai phạm. Dù kết quả đấu thầu có tốt, hợp đồng đầy đủ mà không có được khâu giám sát tích cực, chặt chẽ, thì vẫn không có được sản phẩm như ý muốn, hoặc bị kéo dài, chất lượng không đảm bảo, gây lãng phí, thất thoát.

Cán bộ quản lý đấu thầu ngoài trình độ phải có đạo đức

Phần lớn các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, quy định phân cấp trong Nghị định 66/CP về Quy chế Đấu thầu rất rõ ràng, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án chủ động hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp trong quá trình quản lý. Tuy nhiên, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ nhà nước, nhất là cấp huyện, xã và cán bộ trực tiếp thực hiện công việc đấu thầu trong các dự án ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, ở các dự án nhỏ, ban quản lý dự án làm việc kiêm nhiệm, nên không có cán bộ chuyên môn cần thiết, khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trưởng phòng Đấu thầu Sở KH&ĐT TP.HCM phát biểu: "Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đóng vai trò quan trọng hàng đầu", họ không chỉ phải có nhận thức đúng đắn, kinh nghiệm, trình độ mà còn phải có đạo đức. Để chất lượng công tác đấu thầu được nâng cao thì việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu rất cần thiết. Tuy nhiên hoạt động này trên thực tế còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thường xuyên và dựa chủ yếu vào đội ngũ chuyên gia của Bộ KH&ĐT.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Đấu thầu - Bộ KH&ĐT, để quá trình đấu thầu được cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, còn cần phải nâng cao công tác thông tin. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phát hành tờ thông tin về đấu thầu, trang web về đấu thầu và hệ thống thông tin về nhà thầu, nhằm tăng cường tính công khai trong công tác đấu thầu. Cũng theo ông Hùng, khi phát hiện hành vi vi phạm thì đăng tải công khai và rộng rãi trên tờ thông tin và trang web. Như vậy để bảo đảm uy tín của mình, các nhà thầu sẽ tuân thủ các quy định về đấu thầu nghiêm hơn, đảm bảo chất lượng công trình, gói thầu hơn.   

  • Tú Chi
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Năm 2005, vốn đầu tư phát triển khoảng 300 nghìn tỷ (30/06/2004)
Hoa Kỳ tài trợ TP.HCM phát triển hạ tầng cơ sở (29/06/2004)
Ra mắt CD-Rom ''Cẩm nang quản trị DN'' (29/06/2004)
Thi tìm kiếm giám đốc trẻ 2004 (24/06/2004)
DN Sao vàng Đất Việt tăng trưởng doanh số 20-40% (24/06/2004)
Buộc thôi việc ngay cán bộ hải quan có tiêu cực (23/06/2004)
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có "lung lay"? (23/06/2004)
Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa (14/06/2004)
ADB viện trợ 820.000USD giúp nông dân giảm nghèo (12/06/2004)
Hà Nội: Sẽ thu hồi đất khu đô thị mới để hoang (11/06/2004)
Thiếu hành lang pháp lý cho DV phát triển kinh doanh (11/06/2004)
Các nhà tài trợ cho VN họp phiên không chính thức (08/06/2004)
Bầu chọn DN Trẻ xuất sắc TP.HCM (05/06/2004)
Dự án đầu tư chậm phải chuyển vốn cho dự án khác (04/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang