,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
673646
Thông điệp đột phá từ Harvard
1
Article
null
,

Thông điệp đột phá từ Harvard

Cập nhật lúc 21:15, Thứ Bảy, 25/06/2005 (GMT+7)
,

Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp nhận được bài học "giá trị" từ Harvard? Làm thế nào để ý nguyện xây dựng trường ĐH chất lượng QT thành hiện thực? Chương trình đào tạo nào ở Mỹ là hợp lý nhất đối với doanh nhân Việt Nam?... Trò chuyện với nhà báo Nguyễn Anh Tuấn sau hành trình cùng Thủ tướng tại Boston.

Xây dựng trường ĐH  đẳng cấp Quốc tế ở Việt Nam? Quan trọng nhất là chính sách đột phá!

PV:  Chào nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, trong lịch trình  của Thủ tướng tại Boston,  thông điệp nào gây ấn tượng nhất đối với anh?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Boston gần như là thành phố cuối cùng trong  lịch trình chuyến thăm của Thủ tướng tại Mỹ. Boston cũng là thành phố của KHCN và giáo dục hàng đầu ở nước Mỹ.

Nội dung làm việc của Thủ tướng từ lúc gặp Giám đốc  ĐH  Harvard Lawrence Summers và Hiệu trưởng Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Susan Hockfield cũng như cuộc thảo luận sau đó với các giáo sư hàng đầu 2 trường này  đã toát lên một  thông điệp: Làm thế nào để xây dựng được 1 trường ĐH  đẳng  cấp quốc tế ở VN.

Soạn: AM 458477 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hội thảo tại Kenedy School.

Chủ đề quan trọng và cần thiết của Việt Nam lúc này là phải tập trung sức lực, cơ chế, chính sách cũng như mọi nguồn lực quyết tâm làm sao để VN có được một trường ĐH  như thế.

- Và từ đó có nảy sinh ý tưởng gì trong anh - với tư cách là Tổng biên tập VietNamNet?

- VietNamNet sẽ tiếp tục đưa ra một chủ đề, một website tập trung tất cả những ý tưởng, những đóng góp nhằm cụ thể hoá thông điệp đó. VietNamNet sẽ kêu gọi mọi người đóng góp,  từ các cơ quan quản lý nhà nước (đóng góp bằng chính sách hỗ trợ thông thoáng nhất, nhanh nhất), cho đến các nhà đầu tư, các nguồn lực của các học sinh, sinh viên VN cũng như người VN ở nước ngoài. Thậm chí đến các GS Mỹ - những người bạn của VN.  Làm sao để trong 10 năm tới, chúng ta phải có một trường ĐH  mang đẳng cấp quốc tế ở VN. 

- Theo anh, sau chuyến đi này, để xây dựng một trường ĐH  ở VN có chất lượng quốc tế thì Chính phủ VN phải có sự cộng hưởng, phải có những nỗ lực như thế nào? Đồng thời, người Mỹ sẽ giúp đỡ chúng ta ra sao, thưa anh? 

- Tôi rất mừng khi trong buổi làm việc với Giám đốc ĐH  Harvard, câu đầu tiên mà Thủ tướng nói với Giám đốc Harvard là: Hãy giúp VN xây dựng một trường ĐH  đẳng cấp quốc tế. Tôi nghĩ rằng đó là quyết tâm rất lớn và chủ động từ phía chúng ta, từ phía VN chứ không phải là góp ý của các bạn Mỹ.

Tôi quan sát thấy một động thái như thế này: Đầu buổi  hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung ngồi ở góc xa, Thủ tướng lại ngồi ở 1 góc bên này. Lập tức, Thủ tướng đã gọi Thứ trưởng Trần Văn Nhung đến  ngồi bên cạnh để tiện tranh thủ trao đổi, tiếp thu những ý kiến của các học giả nổi tiếng của Harvard và MIT. Trong phát biểu kết thúc hội thảo, tôi thấy rõ tình cảm và quyết tâm của thủ tướng. 

Tại hội thảo,  tất cả đều nhận thấy, tài chính không phải là vấn đề hàng đầu (có thể huy động được). Mà vấn đề quan trọng nhất là chính sách,  là cách nhìn, vấn đề tổ chức thực hiện và vấn đề cơ chế để làm sao tạo ra được sự thông thoáng, để có một trường ĐH đẳng cấp quốc tế thực sự.

Chúng ta đã có những khu kinh tế mở, đã có những chính sách đặc biệt thông thoáng trong lĩnh vực kinh tế. Vậy thì chúng ta cũng sẽ phải có một chính sách đặc biệt gần như là một cơ chế mở, một đặc khu ĐH nào đó. Chỉ có theo kiểu  chính sách đặc biệt như vậy, may ra chúng ta mới có được những trường ĐH tốt. 

Quyết tâm của thủ tướng?

Đặc biệt qua quan sát các động thái của Thủ tướng và phái đoàn VN trong cuộc gặp gỡ này, cá nhân anh có hy vọng sẽ có những bước đột phá về cải cách giáo dục, đặc biệt là ĐH  và sau ĐH  sau chuyến đi này hay không? 

- Tôi cảm nhận được rằng  trong chuyến đi này Thủ tướng đã làm việc hết sức mình, làm  liên tục từ lúc đặt chân xuống đất Mỹ cho đến lúc này với một lịch làm việc dày đặc, cường độ căng thẳng. Chắc chắn, sức khoẻ của thủ tướng  phải khá tốt. Mãi cho đến lúc này, Thủ tướng mới được nghỉ. Hôm nay có lẽ sẽ được nghỉ sớm hơn so với mọi hôm.  Qua điều đó, tôi nhìn thấy quyết tâm của Thủ tướng.

Vì thế mà tôi  hy vọng rằng, Thủ tướng sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để biến những tâm huyết của mình - cũng là khát vọng của cả dân tộc chúng ta  - thành hiện thực.

Nhưng điều mà chúng ta vẫn băn khoăn là: Làm thế nào để cả bộ máy phải thực sự thông suốt. Bởi đôi khi cấp trên quyết rồi nhưng "cấp dưới" vẫn cứ ách tắc. Mong rằng quyết tâm của Thủ tướng sẽ "giải" được điều này

Mô hình Harvard? Cần có cách làm và thời gian!

Thưa anh, đã từng học tập ở Harvard, vậy theo anh, giá trị lớn nhất của Havard, một trường ĐH  hàng đầu  là gì?

Tôi nghĩ rằng ĐH  Havard đã tự tạo ra "thương hiệu" lớn cho  mình qua đội  ngũ giáo sư xuất sắc, với những giáo trình, phương án đào tạo, cách thức đào tạo tuyệt vời.

Họ còn tạo ra được văn hóa Alumni (văn hoá cựu học viên) cho các học viên Harvard rất tốt. Bởi vì  trường nổi tiếng  nên họ tuyển lựa  được các học viên xuất sắc. Do đó, giữa các học viên  có sự học hỏi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức lẫn nhau và trở thành những người bạn tốt của nhau.

 Tôi nghĩ rằng đó là những giá trị lớn mà  Harvard đem lại ngoài  những bài giảng, những kiến thức mà các trường ĐH  khác cũng có thể mang lại.

- Vậy thưa anh, làm thế nào để chúng ta có thể mô phỏng theo những  nét tốt của Harvard trong đào tạo ĐH  ở ta?

-  Có thể được. Nhưng để tạo ra 1 môi trường như Harvard thì không phải dễ dàng. Cần có cách làm và  thời gian. Đặc biệt, chúng ta cũng cần phải có sự hợp tác, hỗ trợ rất lớn từ chính những người đã làm ra những trường ĐH  lớn, như Harvard chẳng hạn.

- Trong câu chuyện của anh với những người quen cũ tại Harvard, họ có chia sẻ với anh về việc giúp đỡ VN xây dựng một trường ĐH hàng đầu cũng như những ý tưởng về cải cách giáo dục ở VN hay không? 

- Tất nhiên khi gặp lại ông Thomas Vallely, Giáo sư David Dapice cùng với rất nhiều giáo sư khác của trường và những người bạn cũ, họ đều sẵn sàng ủng hộ ý tưởng của tôi.

 Họ vẫn còn nguyên đó tâm huyết và ngọn lửa rực cháy trong những tấm lòng nồng nhiệt dành cho VN. Nhất là việc xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN.  Đặc biệt là những khát vọng, những nỗ lực không mệt mỏi của ông Thomas Vallely. Tôi nghĩ rằng họ sẵn sàng giúp đỡ.

Và tôi thậm chí còn  có cảm giác như một trong những việc họ muốn làm để lại cho cuộc đời này là xây dựng một trường ĐH chất lượng quốc tế ở VN.  

Chuyện vui dành cho VietNamNet ở Harvard?

- Tới trường Harvard, tới Boston là hành trình cuối cùng của đoàn VN cũng như là hành trình cuối cùng của anh trong chuyến tháp tùng Thủ tướng đến Mỹ. Vậy anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi trở lại ngôi trường cũ mà anh đã nhiều lần quay lại nhưng không phải đi cùng với một nhà lãnh đạo cao cấp của VN? 

Đúng vậy. Lần này tôi về trường với những cảm xúc thật đặc biệt. Khi đặt chân xuống sân bay, tôi đã cảm thấy rất bồi hồi, có một chút xao xuyến nữa khi về cái nơi mà mình đã hằng đêm thức đọc sách bên cạnh những người bạn rất tốt trong nhóm sinh hoạt chung. Họ đã sống cùng mình, trong lớp của mình cùng  thảo luận, sinh hoạt. 

Nhưng lần này thì có thêm niềm tự hào. Bởi đất nước VN chúng ta đã có một vị thế khác, như tôi đã bình luận sau ngày lịch sử - ngày 21/6. Khi VN đã có một vị thế chính trị cao hơn, vị trí đáng kể trên chính trường quốc tế thì ánh mắt người dân Mỹ đối với VN đã có những trân trọng hơn và gần gũi hơn.

Trở lại Harvard lần này, đi cùng  Thủ tướng với tư cách là một  nhà báo đưa tin nhanh,  tôi rất tự hào khi đi đến đâu, khi gặp những người bạn, họ đều nhắc tới VietNamNet và khen ngợi chúng ta rất nhanh, rất tốt, rất sâu trong đợt làm việc của Thủ tướng tại Mỹ này. 

Đặc biệt có một chi tiết rất vui là: Chiều nay, trong buổi hội thảo về việc xây dựng trường ĐH  ở VN, một giáo sư thuộc Harvard Business School (Trường Kinh doanh Harvard) cũng nhắc đến VietNamNet, và coi VietNamNet là một biểu tượng truyền thông mới, một mô hình rất hay cho việc phát triển ĐH sau này. Đồng thời cũng là một mô hình truyền thông mà các trường ĐH  phải dựa vào và làm cho xã hội phát triển trong tương lai. Ngay cả ông Thomas Vallely cũng  rất thích thú  trong  việc VNN đưa tin  sâu và nhanh về chuyến đi thăm của thủ tướng đến Mỹ vừa rồi.

Vì chúng ta đã vượt qua những e dè...

- Thưa anh, để có được kết quả của  chuyến đi này, truyền thông đã có tiếng nói quan trọng.

Đọc lại tất cả những bàn tròn trực tuyến anh thực hiện và những việc mà VietNamNet đã làm trong thời gian vừa qua  có thể nhận thấy,  anh có 1 quyết tâm, một nỗ lực rất lớn trong việc góp phần thúc đẩy bình thường hoá quan hệ Việt- Mỹ và cổ vũ rất nhiều cho việc thành lập một trường ĐH  chất lượng quốc tế ở VN.

Tôi hiểu rằng để làm được điều đó, anh đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, rất nhiều mặc cảm  khác của những người xung quanh. Vậy lý do nào để anh có được nỗ lực bền bỉ như trong  thời gian vừa qua?

-  Có được tất cả những thành quả như trên là nỗ lực của lãnh đạo đất nước. Rõ ràng, chiến lược, chủ trưong của nhà nước ta là làm bạn với tất cả các nước, và càng ngày càng thân thiện với các nước, các quốc gia lớn, không riêng 1 quốc gia nào. Các quốc gia  có vai trò quan trọng trên thế giới chúng ta đều thân thiện và là đối tác tích cực, đối tác tốt của họ. Nước Mỹ là một trong các đối tác đó và chúng ta phải tiếp tục trở thành đối tác quan trọng của Mỹ.

Quan trọng là chúng ta đã cảm nhận thấy điều đó  và làm truyền thông thì đôi lúc phải đón đầu thông tin .

Và chúng ta đã can đảm vượt qua những e dè. Nhiều người đã nghĩ rằng có thể có sự hạn chế nào đó. Nhưng riêng tôi, tôi chỉ nghĩ  đây là điều rất có lợi, phải nói là rất tốt đẹp cho tương lai đất nước, dân tộc. Mà đã tốt đẹp  thì chúng ta càng quyết tâm làm.  Mà càng làm càng có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp trên, chứ chẳng có ai ngăn cản.

- Thưa anh, hiện nay VN đang trong thời điểm kinh tế chuyển đổi, doanh nhân rất cần những kiến thức về kinh doanh. Vậy thì, ở Harvard có chương trình đào tạo kinh doanh nào rất cần và rất gần với tình hình VN hay không?

-  Trường kinh doanh Harvard là 1 trường nổi tiếng. Tôi nghĩ rằng, chương trình đào tạo của họ  rất cần thiết cho VN,  từ chương trình đào tạo cho các SV như MBA rồi tiến sĩ kinh doanh chẳng hạn.

 Ngoài ra những chương trình khác mà chúng ta chưa biết nhiều nhưng rất cần thiết như chương trình PMD, AMP (các chương trình  ngắn hạn) Mục đích của các chương trình này là đào tạo cho những người lãnh đạo tầm trung như giám đốc các trung tâm hoặc giám đốc  công ty con. Còn chương trình AMP thì đào tạo lãnh đạo các tập đoàn lớn. Thời gian dành cho mỗi khoá học chỉ vài tháng.

 Đây là những chương trình đào tạo đặc biệt  chưa hề có mô hình ở VN và chưa phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người VN. Chúng ta chưa hề quan tâm tìm hiểu. Nhưng tôi nghĩ rằng, các chương trình này rất quan trọng. Chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng,  thậm chí học tập theo nó.

Chương trình đào tạo ngắn hạn - mô hình lý tưởng cho doanh nhân

-  Trong bài phỏng vấn ông Đào Hồng Tuyển,  có một ý tưởng mà ông  Tuyển nêu lên, đó là: các doanh nhân rất bận rộn và họ cần các chương trình đào tạo ngắn hạn. Nhưng Harvard thì nói rằng, họ không thể mở chi nhánh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu. Vậy anh có nghĩ ra ý tưởng nào về những chương trình ngắn hạn này, xuất phát từ những ưu việt của nó kết hợp với niềm khao khát học hỏi của những doanh nhân như ông Tuyển ở VN hay không?

-  Tôi nghĩ quả thật các doanh nhân họ không có đủ thời gian đi học. Do đó, trên thế giới, Harvard đã khởi xướng và đi tiên phong trong chương trình Executive  (chuơng trình ngắn hạn) những chương trình rất phù hợp cho doanh nhân.

Chương trình ngắn hạn của Harvard rất hấp dẫn, hay và  phù hợp. Ví dụ, chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý bậc  trung như PMD hoặc chương trình cho các lãnh đạo cao nhất tập đoàn như AMP. Trước mắt, chúng ta  nên sang đây học. Vì sang đây, chúng ta  đựơc học trong một môi trường văn hoá đặc thù mà không dễ tạo ra ngay được. Vả lại, việc doanh nhân bỏ ra 2 tháng đi học cũng không quá khó khăn.

- Nhưng rất nhiều người cũng muốn có bằng MBA, DBA...ở nước ngoài?

-Vậy nên, việc đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận lại là cách thức, mục đích học hành lâu nay. Chúng ta không nên quá coi trọng việc phải theo học chương trình dài hạn để lấy  bằng cấp. Lâu nay ở VN, phổ biến tình trạng "sính" bằng MBA.

Nhưng thực chất, bằng MBA là để đào tạo cho những chuyên gia quản trị hoặc cho những người thậm chí còn chưa có nhiều kinh nghiệm thành đạt. Nhưng đối với các lãnh đạo doanh nghiệp  đã kinh qua thực tế, lại có năng khiếu nhất định, đến một tầm nào đó và đã chứng tỏ được năng lực rồi, họ chỉ thiếu những gì  mình cần đào tạo.

Bằng cấp ở bên Mỹ đôi khi chỉ còn có giá trị tham khảo. Các công ty tuyển dụng chủ yếu  căn cứ vào năng lực thực chất. Nhưng tất nhiên, có bằng cấp được đào tạo bài bản thì tốt hơn.

Xã hội càng ngày càng phát triển, tư duy lẫn cách thức đào tạo cũng ngày càng khác và việc thu nhận 1 mảnh bằng chỉ có ý nghĩa khi những giá trị của mảnh bằng đó đúng với kiến thức, đúng với con người của anh. Còn bằng cấp ở trường nọ, trường kia cho có "mác" có "mỏ" làm giấy thông hành thì...

- Còn những chương trình phi bằng cấp chính quy, nhất là trong đào tạo doanh nghiệp thì sao?

- Chẳng hạn chương trình Executive  rất có ý nghĩa và đem lại giá trị nếu chúng ta học nó một cách nghiêm túc cho dù  thời gian học ngắn ngủi. Chương trình Executive của Harvard có sát hạch nghiêm túc đến nơi đến chốn.

Còn chương trình 1, 2 tuần thì  quá ngắn, chỉ dành cho những đối tượng muốn học để nắm bắt một số vấn đề. Còn để có hiểu biết  toàn diện, tổng thể, để được ĐH  kinh doanh Harvard công nhận là 1 cựu học viên và được sinh hoạt, được  chia sẻ thông tin, được hỗ trợ lẫn nhau sau khi ra trường trong một Harvard Business School Alumni (Cựu SV quản trị kinh doanh Harvard) thì  phải học một số chương trình vài tháng trở lên và qua sát hạch đến nơi đến chốn.

Có thể học Harvardqua mạng?

 -Với hiểu biết về mạng và  lợi thế của  báo điện tử, với tư cách là tổng biên tập báo điện tử VietNamNet, anh có ý tưởng nào về việc sẽ mở ra một trang web mà trong đó, có các dữ liệu mở để cho các doanh nhân được đào tạo từ xa  không?

- Tôi nghĩ, nếu có những "cua" mở đó thì doanh nhân không nhất thiết phải đi học nữa, họ sẽ học tại chỗ. Nhưng điều quan trọng là khi đến Harvard, họ sẽ đến một môi trường mà bản thân môi trường ấy sẽ dạy họ nhiều điều.

 Những điều mà nếu chúng ta ngồi trên mạng hay ngồi ở một nơi nào khác không ở trong môi trường đó chúng ta sẽ không cảm nhận được và không  tạo ra một tình bạn tốt để cùng chia sẻ về lâu về dài.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, lãnh đạo các doanh nghiệp càng cần đến những hiểu biết và hỗ trợ từ đồng nghiệp để phối hợp cùng chia sẻ trên phạm vi toàn cầu. Dù là người làm công nghệ, nhưng tôi không cho rằng, công nghệ thay thế được tất cả.

Thực tế chứng minh rằng, chúng ta vẫn phải giữ những  môi trường mà ở đó, công nghệ không thể thay thế được. Harvard đã chứng tỏ điều đó. Bởi  họ không hề muốn mở ra một phân nhánh nào mà bắt buộc tất cả mọi người đều phải đến đó học tập.

Bấm vào đây để nghe bài phỏng vấn.

  • Lương Bích Ngọc - Ngọc Nhung - Lam Sơn  (thực hiện)

,
,