,
221
460
Ô tô - Xe máy
oto
/oto/
105282
Ôtô tăng giá, không chỉ người tiêu dùng thiệt
1
Article
null
,

Ôtô tăng giá, không chỉ người tiêu dùng thiệt

Cập nhật lúc 14:22, Thứ Năm, 04/09/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Từ 1/9, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô lắp ráp xe từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã tăng từ 20% lên 25%. Việc tăng thuế nhằm thúc các liên doanh ôtô nâng tỷ lệ nội địa hoá, tiến tới một ngành công nghiệp sản xuất ôtô thực sự (?), nhưng thực tế, chỉ có xe tăng giá, người tiêu dùng mất thêm tiền và các liên doanh lao đao.

Cùng với tác động do thay đổi chính sách trước đó, công nghiệp ôtô Việt Nam vừa chập chững những bước đầu tiên đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Lắp ráp ôtô tại Toyota Vietnam.

Công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam - một 'giấc mơ đẹp'?

Một quan chức của ngành thuế cho biết lý do tăng thuế nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Và đến năm 2006, các liên doanh lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước phải đạt được tỷ lệ nội địa hoá 25%. Trong khi đó, đến nay liên doanh đạt được tỷ lệ nội địa hoá cao nhất là Toyota Vietnam cũng chỉ ở mức 13%. ''Các ưu đãi về thuế để khuyến khích ngành công nghiệp này nâng cao tỷ lệ nội địa hoá nhưng họ đã không thực hiện được như cam kết trong giấy phép đầu tư. Chính vì vậy, chúng tôi phải tăng thuế. Việt Nam cần phát triển một ngành công nghiệp sản xuất ôtô chứ không phải lắp ráp ôtô'', quan chức này nói.

Theo Quyết định 110/2003 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/9, thuế nhập khẩu linh kiện áp dụng với xe 16 đến 24 chỗ ngồi là 15% so với mức 10% trước đây, và các loại xe 24 chỗ ngồi trở lên bị đánh thuế gấp đôi, lên 10%. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua thì từ 1/1/2004, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô 5 chỗ trở xuống sẽ tăng từ 5% lên 24%. Thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục tăng hàng năm cho đến tận năm 2007, và đến thời điểm này, ôtô 5 chỗ ngồi trở xuống sẽ bị đánh thuế cao tới mức kỷ lục 80%, các loại khác phải chịu thuế từ 25 đến 50%.

Nhưng các liên doanh sản xuất ôtô cho rằng, việc tăng tỷ lệ hoá không thể thực hiện được ngay trong ''một sớm, một chiều''. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ôtô, một chiếc ôtô với hàng nghìn phụ tùng, cụm phụ tùng và thông thường cần rất nhiều nhà sản xuất vệ tinh để cung cấp. Hiện tại, Việt Nam có rất ít các nhà cung cấp phụ tùng cũng như thiếu nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cần thiết để sản xuất phụ tùng nên bắt buộc phải nhập từ nước ngoài.

Theo phân tích của một nhà quản lý thuộc Ford Việt Nam, sức ép tăng tỷ lệ nội địa hoá bằng thuế hiện nay sẽ không có nhiều tác dụng. Với quy mô thị trường còn rất nhỏ bé, các nhà sản xuất chưa thể đầu tư mạnh cho sản xuất chi tiết tại Việt Nam. Sự ngần ngại bỏ vốn đầu tư cho nội địa hoá lại càng tăng thêm khi mà chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này rất thiếu ổn định.

Người Việt Nam phải mua ôtô giá cao đến bao giờ?

Nói cách khác, các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam đang đi những bước chậm rãi đầy tính toán trong quá trình nội địa hoá. Còn những quan chức Chính phủ phụ trách lĩnh vực này thì nóng lòng muốn có ngay một ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đúng theo nghĩa của cụm từ này. Người muốn nhanh, kẻ đi chậm nên công nghiệp ôtô Việt Nam đang bước những bước đi khập khiễng. Và chưa hết, đôi chân đang bước những bước khập khiễng ấy thỉnh thoảng lại bị sự thay đổi của chính sách 'phang' cho một cái...

Duy ý chí?

Gần đây, tại Bắc Giang, cụm công nghiệp ôtô Đồng Vàng đã được khởi công. Mục tiêu của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải là xây dựng cụm công nghiệp tô lớn nhất Việt Nam, với đầy đủ trung tâm nghiên cứu và phát triển, các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện, lắp ráp xe... Tổng công ty này mong muốn sẽ đáp ứng được các nhu cầu của thị trường, nhất là xe khách và xe tải, với tỷ lệ nội địa hoá lên tới 60-70%.

Xưởng dập thân xe của TMV

Cùng thời điểm khởi công cụm ôtô Đồng Vàng, kế hoạch dài hạn phát triển ngành sản xuất ôtô Việt Nam cũng đã được thông qua với số vốn đầu tư khổng lồ, tới gần 20.000 tỷ đồng (ước bằng 1/6 tổng thu ngân sách của quốc gia năm 2002).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Toyota Vietnam, ông Makoto Sasagawa, khi trao đổi với phóng viên VietNamNet, cho rằng ''đã quá muộn để có thể tự xây dựng một nền công nghiệp ôtô của Việt Nam''. Ông Sasagawa nhấn mạnh công nghiệp ôtô hiện tại là ngành công nghiệp có quy mô toàn cầu, không thể là ''cuộc chơi'' một quốc gia. 

Dẫn chứng về thực tế phát triển công nghiệp ôtô của những nước láng giềng, ông Sasagawa cho rằng sự không thành công của công nghiệp ôtô  Malaysia (với mẫu xe Proton Wira) là một bài học cần lưu ý. Còn Hàn Quốc - vẫn theo ông Sasagawa - họ đã bắt đầu phát triển công nghiệp ôtô từ cách đây hàng chục năm.

Với số vốn đầu tư khổng lồ và những mục tiêu lớn như vậy, liệu chúng ta có đang lặp lại những gì đã làm khi thực hiện chương trình 1 triệu tấn đường, khi mà chúng ta đang lao vào những lĩnh vực mình không có lợi thế?

Doanh nghiệp - đóng cửa hay tăng giá?

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), bao gồm 11 liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô, cho rằng chính sách tăng thuế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp này. Hiệp hội dự đoán rằng năm tới lượng ôtô tiêu thụ sẽ giảm từ 30 đến 40% do các nhà sản xuất buộc phải tăng giá. Trên thực tế, từ hôm qua (3/9), Toyota Vietnam đã tăng giá bán các sản phẩm của mình, với mức tăng trung bình trên 1.000 USD mỗi chiếc.

Mỗi năm các thành viên của VAMA sản xuất khoảng 30.000 chiếc và hầu hết tiêu thụ nội địa. Ngành công nghiệp ôtô phát triển với tốc độ rất nhanh, có thể đạt tới 50% trong năm nay. 7 tháng đầu năm 2003, các 11 liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô đã bán được 18.646 xe, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá xe hơi của Việt Nam cao hơn khoảng 70% so với các nước châu Âu và cao hơn khoảng 30% so với các nước châu Á.

Đã có những dấu hiệu cho thấy sức tiêu thụ xe bị giảm

Một quan chức của VAMA bức xúc: ''Giờ đây, giá tăng không những khiến cho mức tăng trưởng này không thể giữ được, mà còn làm khối lượng ôtô tiêu thụ của chúng tôi giảm xuống mức năm 1999-2000. Trong tình trạng đó, các kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận của chúng tôi sẽ thất bại. Nhiều thành viên của VAMA có thể phải ngừng hoạt động ở Việt Nam. Tương lai của ngành công nghiệp ôtô đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn''.

Ông Tony Foster, đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, phát biểu với báo chí rằng tăng thuế sẽ làm các nhà đầu tư tiềm năng ở Đông Nam Á lo ngại. Ông nói: ''Ngành ôtô đã đầu tư lớn vào Việt Nam. Việc tăng thuế chẳng khác nào bảo các nhà đầu tư rằng cứ đầu tư đi, rồi sẽ 'được' hứng chịu những cú sốc bất ngờ''.

  • Tú Minh
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,