221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
903476
GS Lê Dũng Tráng: "Kính tặng nhân dân tôi"
1
Article
null
GS Lê Dũng Tráng: 'Kính tặng nhân dân tôi'
,

(VietNamNet) - "Toán học Việt Nam nhờ đó đã không còn bị cô lập so với thế giới, nhất là các nước Mỹ, Nhật và ở Châu Âu", GS.Hà Huy Khoái cho biết. Còn theo GS.Hoàng Tụy, nhờ luồng gió mới mẻ ấy mà những người làm việc ở các nhóm nghiên cứu Toán học khác cũng "lây" tinh thần phấn chấn và được khích lệ để ganh đua"... Những đồng nghiệp của GS.TSKH Việt kiều Lê Dũng Tráng đã nói như vậy về tác động của ông, người âm thầm làm cầu nối đưa Toán học Việt Nam ra thế giới.

Soạn: HA 1046509 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Từ phải qua: Ông Hironaka (Giải thuởng Fields, tương đương giải Nobel), GS. Hà Huy Khoái, Bà Maria (vợ ông Tráng) và Lê Dũng Tráng. Chụp tại Mexico 1/2007, nhân một hội nghị khoa học kỷ niệm GS. Tráng 60 tuổi. "Ông Tráng lúc nào cũng lịch lãm và thích đội mũ phớt, ăn mặc đẹp như một tài tử . Nếu khác đi, không còn là ông ấy nữa" (Hà Huy Khoái)

>>>>17 kiều bào được bình chọn “Vinh Danh Nước Việt - 2006”

Người Việt đầu tiên sang Mỹ bằng hộ chiếu Việt Nam

Tháng 2/1974, có một người Việt Nam với hộ chiếu nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đến Mỹ. Người VN đầu tiên với quốc tịch nước VN đến Mỹ ấy chính là chàng thanh niên Việt kiều, TSKH Lê Dũng Tráng.

Sau Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, GS Mumford của ĐH Harvard đã gửi thư mời TS Tráng sang thăm trường. Trở về Hà Nội tháng 9/1973, ông Tráng đã bàn với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vấn đề này và lập tức được khuyến khích nên đi.

Thủ tục làm visa sang Mỹ khá chật vật, kéo dài từ năm 1973 sang đến tận năm 1974. GS Tráng kể lại, chính ông Kissinger đã trực tiếp đồng ý. Chuyến đi thăm Harvard kéo dài hai tháng.

Cũng trong năm 1974 này, ông Tráng còn quay lại Mỹ thêm một lần nữa (tháng 6) để dự Hội nghị Toán học... Lại những rắc rối khi ông xuất trình hộ chiếu nước Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã gây khó khăn khi cho rằng ông Tráng đã có những hoạt động chính trị tại Mỹ trong chuyến sang thăm hồi đầu năm. Phải cải chính và thuyết phục rất nhiều, chuyến thăm lần này mới được trót lọt.

"Kính tặng nhân dân tôi"

Trang đầu luận án Tiến sĩ khoa học của chàng thanh niên Lê Dũng Tráng (ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ khoa học năm 1971, ở tuổi 24, và là một trong những Tiến sĩ KH trẻ nhất ở Pháp bấy giờ) ghi đậm dòng chữ "Kính tặng nhân dân tôi, Tổ quốc tôi, Tổ quốc Việt Nam anh hùng". Năm đó, đất nước vẫn còn chiến tranh. Mà Lê Dũng Tráng thì vẫn chưa một lần quay trở lại quê hương kể từ lúc ông theo gia đình sang Pháp khi lên hai tuổi.

Viện Toán học Việt Nam khi đó mới chỉ là một nhóm hơn chục người gọi chung là phòng Toán học (Ủy ban khoa học Nhà nước), chia năm xẻ bảy "đi làm ứng dụng". Nhóm lo giải bài toán bố trí giao thông để xe cộ an toàn khi đi qua giới tuyến tạm thời. Nhóm phối hợp với Cục kỹ thuật Bộ Quốc phòng nghĩ cách tính toán nổ mìn phục vụ cho việc mở đường Trường Sơn, lại có nhóm được phân về nhà máy xe đạp Thống Nhất...  "Làm được gì cho đất nước thì làm, đâu có đắn đo thế là Toán nhiều hay Toán ít, là thật Toán hay không thật Toán", TS Lê Văn Thành (Viện Toán học) ưu tư. Các thầy, các anh trong ngành như GS.Lê Văn Thiêm, GS.Hoàng Tụy không ngớt động viên "tranh thủ đọc tài liệu,  vừa làm vừa học"... Đào tạo trong nước lúc đó vẫn còn theo một khung chương trình rất cổ của Liên Xô. Sách vở, tài liệu cũng chủ yếu từ "nguồn" nước bạn... Có bao nhiêu, được "nghiến ngấu" hết bấy nhiêu.

Chàng tiến sĩ Lê Dũng Tráng với cái "mác" Việt kiều ấy đã về nước (1972) ngay sau khi bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khoa học. Mà như lời GS.Hà Huy Vui (Viện Toán học) thì ông Tráng đã nhiều lần tâm sự rằng, việc ông nỗ lực để trở thành một TSKH ở tuổi 24 cũng một phần vì muốn làm điều gì đó cho đất nước ở tại thời điểm ấy. Đây cũng là những năm đầu tiên các trí thức Việt kiều như Bùi Trọng Liễu (Việt kiều Pháp) bắt đầu về nước tham gia các khóa giảng dạy ngắn hạn theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu.

"Thức tỉnh"

Họ và tên: Lê Dũng Tráng
Ngày sinh: 27 tháng 07 năm 1947
Quốc tịch: Việt Nam, Pháp

Chuyên nghành: Lý thuyết kỳ dị, Hình học đại số, Hình học Tôpô vi phân...
Trình độ:
1969: Tiến sĩ (Người hướng dẫn: Claude Chevalley)
1971: Tiến sĩ khoa học
Các học vị:
01/10/1966 – 30/09/1969: Trợ giảng tại Đại học Paris
01/10/1969 – 30/09/1972: Nghiên cứu viên tại CNRS – Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp
01/10/1972 – 30/09/1975: Giáo sư nghiên cứu CNRS – Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp
01/10/1975 – 31/12/1980: Phó giáo sư Đại học Paris 7
- 1981 - 1999: Giáo sư Trường Đại học Paris 7.
- 1994 - 1999: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia.
- 1983 - 1995: Giáo sư Trường Đại học Bách khoa (Pháp).
- Giáo sư Trường Đại học Provence (tại Thành phố Marseille) từ năm 1999 đến năm 2003.

Chức danh: Chủ tịch ban Toán Trung tâm khoa học quốc tế của thế giới thứ 3 mang tên “Abdus Salam”
Giải thưởng: Giải thưởng toán học của Viện hàn lâm khoa học Pháp (1990)
Học vị: Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học các nước đang phát triển (1993)

Ông thường xuyên giữ liên lạc với các nhà toán học Việt Nam và còn triển khai trường đào tạo về toán học cho các nước châu Phi với sự cộng tác của M.El Tom. ( http://www.ictp.it).

Trong ký ức những GS, TS đầu đã bạc ở Viện Toán như TS Lê Văn Thành, GS Hà Huy Khoái đến nay vẫn hiển hiện hình ảnh buổi thảo luận đầu tiên khi TS trẻ Lê Dũng Tráng về nước. "Một cái gì đó giống như là sự thức tỉnh, hẫng hụt bởi nhận ra mình lâu nay thiếu nhiều quá", ông Thành trầm tư. Sự phát triển của Toán học thế giới lúc đó đã bỏ rất xa so với những kiến thức Toán học mà lớp trẻ như ông ở trong nước được cập nhật. Đất nước vẫn còn chiến tranh, chàng thanh niên Lê Dũng Tráng trở về quê hương bằng tiền túi của mình. Về sau, hầu hết số tiền tiết kiệm được của ông Tráng đều dành để trang trải cho những chuyến đi - về. Cho mãi đến khi hoạt động trong một quỹ Giáo dục của Hoa Kỳ, GS.Lê Dũng Tráng mới lần đầu tiên cầm chiếc vé máy bay không phải mua bằng tiền túi.

Sau ông Tráng, lần lượt, đã có thêm nhiều nhà Toán học nổi tiếng thế giới tìm đến VN, giảng bài cho SV ở cả những vùng đã đi sơ tán, thông qua lời giới thiệu rằng: "Ở VN hiện đang có một nhóm làm Toán đi theo xu hướng hiện đại"

"Toán học Việt Nam nhờ đó đã không còn bị cô lập so với thế giới, nhất là các nước Mỹ, Nhật và ở Châu Âu", GS.Hà Huy Khoái nhớ lại. Còn theo GS.Hoàng Tụy, nhờ luồng gió mới mẻ ấy mà những người làm việc ở các ngành khoa học khác hoặc ở những nhóm nghiên cứu Toán học khác cũng "lây" tinh thần phấn chấn và được khích lệ để ganh đua.

Không chỉ giảng dạy, GS.Tráng cùng với anh em Việt kiều khác còn mở nhiều cuộc vận động quyên góp được khối lượng lớn sách vở, tài liệu Toán học gửi về.

Việt kiều về nước trong những năm chiến tranh không phải chuyện dễ dàng, nhưng bạn bè GS.Tráng cũng không thể nhớ hết những chuyến đi - về đều đặn của ông thời đó. Có mặt trong đoàn người đổ ra bờ hồ Hoàn Kiếm vào thời khắc thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975, GS.Tráng đã có cơ hội hòa chung vào niềm vui với những đồng bào mình. "Hà Nội hồi đó vừa đông vui vừa cảm động", ông Tráng nói.

Từ năm 1964 ông đã nhiệt tình tham gia các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Pháp và sau năm 1975 vẫn tiếp tục sát cánh chống lại các lực lượng thù địch. Trong thời gian giảng dạy ở ĐH Pari 7, ông đã là Chủ tịch Phân hội Toán của Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp. GS.Hà Huy Khoái vui miệng kể: Có thời kỳ, cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần, GS.Tráng lại cùng với những người bạn của mình nhóm họp lại, hát vang bài "Giải phóng miền Nam".

"Tất cả là nhờ ở cái nhiệt tâm của một con người ngay trong bối cảnh đất nước chiến tranh, giữa muôn vàn những quan điểm trái ngược, đã tự chọn cho mình một thế đứng độc lập, một chỗ đứng riêng nhưng hòa vào cuộc chiến, bằng bản lĩnh và chính kiến cá nhân", TS.Lê Văn Thành cho biết.

"Chiếc cầu nối" âm thầm

Ông Lê Dũng Tráng.

Kể lại lần đầu tiên sang Pháp tham gia một khóa học chín tháng, TS. Lê Văn Thành vẫn còn nhớ khi đang lơ ngơ tìm hành lý ở sân bay, thì ông bỗng thấy một bàn tay vỗ vào vai thân tình, ấm áp, và đó là người bạn Lê Dũng Tráng, người mà mỗi lần về nước luôn yêu cầu được dẫn đi ăn những món dân dã "khoái khẩu" như lòng lợn - tiết canh, thịt chó... Tuy nhiên, điều khiến ông Thành bất ngờ là sau khi đưa bạn đến làm thủ tục nhập học và làm quen với thư ký của trường, ông Tráng đã nói: "Từ nay về sau, anh phải tự bơi".

"Khi đó tôi rất mủi lòng, tiếng Pháp lại chưa sành lắm, bạn bè thì có mỗi ông Tráng là quen thân", ông Thành nhớ lại. Nhưng cũng vì thế, ông đã chủ động làm quen với những người bạn mới, học tiếng Pháp rất nhanh. "Đó là những giá trị rất vô hình, không thể đo lường, không thể định lượng được với việc giúp những người như tôi tạo dựng các mối quan hệ hữu ích, kích thích tinh thần cầu thị và ham học hỏi".

Năm 2006, ông đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Viện khoa học và công nghệ VN. Ông là đồng tác giả của Định lý Lê-Ramanujam, hay còn gọi là "Định lý Mu=constant": trong một họ siêu mặt có kỳ dị cô lập, nếu số Milnor - "số Mu" - là không đổi, thì kiểu tô pô của họ siêu mặt cũng không đổi. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm, định lý này vẫn đang là điểm xuất phát cho nhiều kết quả mới trong tô pô, hình học đại số và giải tích phức. (Hà Huy Vui - Viện Toán học VN)

Đã có  biết bao người được GS.Lê Dũng Tráng âm thầm "bắc cầu" như vậy và họ đã kể về điều này với thái độ trân trọng, trìu mến. Hồi đó, mỗi lần gặp các ông Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng, ông Tráng luôn tranh thủ đề đạt những vấn đề về phát triển khoa học giáo dục trong nước. GS.Hà Huy Khoái vui miệng kể lại, để giúp Viện Toán học Việt Nam gia nhập vào Liên đoàn Toán học thế giới, mà thời kỳ đó Viện chưa có ngoại tệ để đóng hội phí, ông Tráng đã vận động nhiều anh em Việt kiều nghĩ cách để có tiền góp quỹ.

"Lặng lẽ làm việc, âm thầm cống hiến trong suốt thời gian dài và tự nguyện làm những việc mà họ thấy có lợi, có ích, không thích phô trương, quảng bá", GS.Hà Huy Khoái trầm tư nói về người bạn cùng tuổi với mình. Năm nay, nhiều hội thảo lớn đã được tổ chức ở một số nước trên thế giới để kỷ niệm lần thứ sáu mươi sinh nhật ông Lê Dũng Tráng, người suốt đời đeo đuổi sự tiến bộ của Toán học ở các nước đang phát triển.

GS Trần Thanh Minh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt vẫn còn nhớ ấn tượng trong dịp gặp GS Tráng lần đầu tiên trên một chuyến tàu từ Matxcova (Nga) về nước. Do đặc thù chiến tranh, đến biên giới Việt - Trung, hành khách phải chuyển từ tàu liên vận sang tàu Việt Nam. Tuy hành lý chỉ là một chiếc valy nhỏ nhưng chàng trai Lê Dũng Tráng vẫn xông xáo vận chuyển hành lý, hàng hóa xuống tàu cho hết ngừơi này đến người khác.

Cũng ít ai biết, tại Mỹ năm 1974 , trong một hội thảo Toán học quốc tế (tổ chức 4 năm một lần và VN khi đó chưa có đại diện sang dự), TS Lê Dũng Tráng (từ Pháp sang với tư cách cá nhân) đã tự hào ghi tên Việt Nam lên một tấm bảng nhỏ, đặt giữa những tấm biển khác, chen vai thích cánh cùng các nước có nền Toán học phát triển.

  • Lê Nhung

Bạn đã từng gặp gỡ, làm việc hoặc tiếp xúc với GS.Lê Dũng Tráng, hãy chia sẻ những kỷ niệm và ấn tượng về ông:

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,