(VietNamNet) - Ở giữa chốn đô hội rộn rã tiếng nói cười, có một góc nhỏ dành cho những người nói không thành tiếng, nghe chẳng ra lời, ngày đêm lặng lẽ dùng nét cọ của mình tô điểm cho cuộc sống...
Trần Ngọc Thủy, “hoa khôi” của lớp đang vẽ tranh
“Tôi dạy các em về hội họa là để giúp các em truyền đi những thông điệp từ trái tim thông qua nét vẽ. Hội họa, âm nhạc, hay bất cứ một ngành nghề nào, đều rất cần cho tương lai của các em...". Nhâm nhi li cà phê trước cổng Nhà hát Bến Thành, họa sỹ Nguyễn Như Khôi mở đầu câu chuyện.
Những "vầng trăng khuyết" tỏa sáng...
Vóc người nhỏ thó, gầy gò, nước da đen nhẻm, nhưng đôi mắt lại rất sáng, lộ rõ khí chất thông minh, đặc biệt là phong cách trò chuyện gần gũi, nhân từ, dù chỉ gặp họa sĩ Khôi một lần cũng khó quên. Anh dẫn tôi leo lên tầng 5 ngôi nhà lớn trong khuôn viên Nhà hát Bến Thành. Một căn phòng chật hẹp nhưng thoáng, cửa sổ mở về hướng đông. Bốn góc phòng xếp đầy những bức tranh còn thơm mùi sơn dầu. Đó là những tác phẩm do các học trò cưng của anh sáng tác trong gần 1 năm qua. Lớp học có 5 em, 2 nam, 3 nữ đang miệt mài bên giá vẽ. Tất cả đều bị câm điếc bẩm sinh. Sau khi góp ý cho học trò về cách phối màu bằng những ký hiệu, họa sĩ Nguyễn Như Khôi chậm rãi: "Học nghề này không chỉ có tình thương và sự cần cù là được. Ban đầu tôi sơ tuyển hơn 30 em. Sau một thời gian thì chỉ còn 5 em có năng khiếu, đủ khả năng học nâng cao. Đến nay các em đã có trình độ tay nghề tương đương sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật. Tháng 6 tới đây khóa học kết thúc. Tôi lại đón các em khóa sau".
Thầy Khôi (đứng) và các học trò câm điếc trong giờ học.
Cái duyên để họa sĩ Khôi gắn bó đời mình với trẻ em khuyết tật bắt nguồn từ việc làm của mẹ anh – họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Bà nguyên là giảng viên Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, một nữ họa sĩ nổi tiếng về tranh sơn dầu. Gia đình bà có 7 người, thì có đến 6 người là họa sĩ. Vì yêu tranh của bà nên rất nhiều người muốn theo bà “tầm sư, học đạo”. Bà mở lớp dạy vẽ tại nhà riêng (số 5P cư xá Phan Đăng Lưu, TP. Hồ Chí Minh).
Năm 1992, Trung tâm Nghiên cứu trẻ em khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bà giúp đỡ tuyển chọn, đào tạo hội họa cho một số trẻ em câm điếc bẩm sinh. Bà Tâm sơ tuyển được gần 40 em và trực tiếp giảng dạy. Được một năm, do công việc nhiều nên bà giao lại cho người con trai là họa sĩ Khôi. Anh Khôi tuyển chọn được 6 em để đào tạo nâng cao thành họa sĩ.
Dạy hội họa cho người câm điếc khó gấp vạn lần người bình thường, vì hình thức truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho các em chỉ bằng ký hiệu và chữ viết. Hiện nay 6 họa sĩ câm điếc khóa đầu tiên đã thành nghề và đang có việc làm ổn định. Nổi bật là họa sĩ Trọng, hiện đang công tác tại một xưởng phim hoạt hình của Nhật với mức lương trên 300 USD/tháng. Từ những mảnh đời khuyết tật, bất hạnh, với năng khiếu hội họa và tấm lòng nhân ái, bao dung, sự miệt mài, tần tảo của cô Tâm, thầy Khôi, các em đã biến những ước mơ từ những đường nét, gam màu, thành hiện thực.
Lớp hội họa thầy Khôi giới thiệu với tôi hôm nay là khóa đào tạo thứ hai. Để lớp học tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, cả thầy và trò đã phải trải qua biết bao thử thách, cam go. Đã có lúc lớp học ngỡ sẽ phải giải tán vì không có tiền mua vật liệu vẽ và đi thực tế sáng tác. Nhìn những ánh mắt buồn thiu, nuối tiếc của các học trò câm điếc, cô Tâm, thầy Khôi lại đau đáu tâm can. Bỏ các em giữa chừng sao đành. Được sự giúp đỡ của Nhà hát Bến Thành và Trung tâm Nghiên cứu trẻ em khuyết tật; cô Tâm, thầy Khôi đứng ra thành lập Câu lạc bộ Trăng Non. Tâm nguyện của những người trong cuộc, muốn nhắn gửi tới cộng đồng một thông điệp: Các em như những vầng trăng non, mãi mãi khuyết không tròn. Hãy bằng tình thương và trách nhiệm, nâng đỡ, tạo điều kiện cho những vầng trăng non ấy tỏa sáng, không bị chìm vào bóng đêm. Hội họa là một trong những con đường hướng các em đến tương lai tươi sáng. Nhà hát Bến Thành trở thành địa chỉ hoạt động của câu lạc bộ từ đó.
Những gam màu đồng điệu
Sau những năm tháng miệt mài, thầy trò đã gặt hái được những thành quả bước đầu. Họ mở một gian hàng triển lãm với hơn 100 bức tranh sơn dầu tại công viên 23-9. Thật bất ngờ, tranh của các em được người xem rất yêu thích. Thầy trò bán được 60 triệu đồng. Cầm những đồng tiền bán tranh, các em hạnh phúc, nước mắt giàn giụa. Nó như một luồng gió mát thổi vào các em niềm tin yêu, hi vọng. Hiện nay, với hơn 100 bức tranh đang xếp sẵn trong phòng vẽ, thầy trò dự định sẽ tổ chức triển lãm tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong một ngày gần đây.
Ngoài lớp học nâng cao ở đây, thầy Khôi còn dạy hội họa cho 2 lớp, mỗi lớp 15 em câm điếc thuộc Trường Hi Vọng, quận Gò Vấp và Trường Khuyết tật 15.5, quận 11. Thầy cho biết, sau khi kết thúc khóa học nâng cao cho 5 học sinh nói trên, thầy sẽ tuyển chọn lớp nâng cao tiếp theo từ số học sinh ở 2 lớp căn bản này. Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng khi đã gắn với các em rồi, khó lòng dứt bỏ được. Mỗi học trò câm điếc đến với hội họa đều có những hoàn cảnh đáng thương. Trần Ngọc Thủy, cô học trò mang vẻ đẹp rực rỡ mà bất cứ cô gái nào cũng mong muốn có được. Thủy bị câm điếc do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ bố. Có lần thương trò, thầy chiêu đãi các em bữa cơm thịt gà. Ai ngờ vừa nuốt khỏi cổ, Thủy đã lên cơn vật vã, la hét, đau đớn quằn quại. Thì ra thể trạng của em không hấp thụ được món ăn được cho là ngon nhất của người Việt Nam. Cứ ngỡ bị câm điếc đã là nỗi bất hạnh lớn nhất, ai ngờ phía sau nỗi bất hạnh ấy còn có những bất hạnh khác đổ lên thân phận một con người...
Một bức tranh phong cảnh vừa hoàn thành
Nhìn bàn tay các em pha màu, lướt bút lông trên vải, tôi cảm nhận được từ mỗi nét bút, mỗi gam màu kia như là sự chuyển tải một góc tâm hồn của tác giả tới người xem tranh. Đó là sự dồn nén của ngôn ngữ, là sự cô đặc của âm thanh... Một vầng trăng phía trời xa, một làn mưa trên dòng sông rộng, một con đò neo bến bình yên, một cánh buồm mang khát vọng khơi xa, một nụ hôn dưới màn trời đêm... tất cả hiện lên trong tranh các em chính là cách biểu hiện thứ ngôn ngữ của người câm, lặng im nhưng tuôn trào muôn đợt sóng. Những đợt sóng lay động tâm thức người xem...
Thầy Khôi kể: Khóa học trước, khi chấm tranh của các em, anh bỗng nhận ra sự tương cảm giữa những gam màu đồng điệu. Có cái gì đó không giống như sự trùng hợp về kỹ thuật hội họa đơn thuần, mà nó là những tín hiệu từ trái tim. Anh nghe nằng nặng một nỗi niềm. Tình yêu ư? Có không tình yêu giữa những con người câm điếc? Và rồi linh cảm của anh đã đúng. Một ngày kia, các học trò đã viết một mảnh giấy trình lên thầy, rằng chúng em đã yêu nhau. Trọng kết hôn với Huyền. Long và Ân cùng chung tổ ấm. Những đôi uyên ương câm điếc ấy, bằng tay nghề hội họa và khát vọng cháy bỏng, đã viết nên những câu chuyện cổ tích về tình yêu của người câm điếc, làm xúc động hàng vạn trái tim. - “Hội họa đã se duyên cho các em và các em đã tạo lập được cuộc sống bằng chính hội họa. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi”. – Thầy Khôi nói.
Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến lớp học hôm nay. Lê Quang Trí, Nguyễn Thanh Lợi là những chàng trai tuổi 19. Còn Trần Ngọc Thủy, Lê Thanh Huyền cũng đã là thiếu nữ tuổi 17. Riêng cô chị Trần Thị Bích Hằng, lớp trưởng, đã đón 22 mùa xuân. Trong những bức tranh kia, có gam màu nào, có đường nét nào đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai trái tim? Tôi tin và hi vọng là có...
-
Bài và ảnh: Thanh Kim Tùng
Ý kiến của bạn?