(VietNamNet) - Rời chiến khu, Mỹ Nhung về Sài Gòn, vừa giúp cha mẹ khôi phục cửa hàng, vừa làm căn cứ cho cách mạng. Tại đây, cô được chỉ huy giới thiệu với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), trở thành học trò của ông, để rồi từ đó, khi ông mới từ Mỹ về, cô lại là người đưa ông trở lại với tổ chức. Tham gia vào lưới, Mỹ Nhung đổi tên thành Tám Thảo. Tình bạn, tình đồng đội gắn bó đã giúp cô vượt qua nhiều hiểm nguy để làm giao liên an toàn cho lưới H63, ngay giữa nội thành Sài Gòn.
>> Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết
>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"
Hai mối duyên không thành
Gia đình Tám Thảo và Hai Trung quen nhau từ sớm. Biết nhau từ thuở ngoài 20 nên chị em cô gắn bó với Hai Trung rất sâu sắc. Ông vừa là chỉ huy của chị em Mỹ Nhung - Mỹ Linh, vừa là thầy dạy Anh văn, lại vừa là người anh lớn.
Sau một thời gian “thầy Hai Trung” hướng dẫn, chị em cô nói tiếng Anh rất khá, đặc biệt là cô em Mỹ Linh. Chính vì thế, để phục vụ cho cách mạng lâu dài, tổ chức từng định đưa Mỹ Linh đi học ở Anh, còn Hai Trung đi học ở Mỹ. Nhưng thời gian xa cách 4-5 năm khiến Hai Trung hơi ngại ngần.
Năm 1957, trước khi quyết định sang Mỹ, Hai Trung còn tìm đến nhà Mỹ Nhung để xin ý kiến ba cô, bởi ba cô cũng là người rất có ảnh hưởng tới Hai Trung. Chẳng rõ ông đến có phải để mong chờ một ánh mắt nào không, chỉ biết rằng đã có thời, sự thân thiết của ông với gia đình đã khiến cho người chỉ huy Mười Hương phải gợi ý: Nếu được thì cứ làm... rể gia đình luôn.
“Tôi biết anh Ẩn thương em Mỹ Linh lắm, nhưng Mỹ Linh không chịu”, cô nhớ lại. Cô bé kế sau của cô muốn được vào chiến khu, tự mình đóng góp cho cách mạng chứ không muốn trở thành cái bóng của bất kỳ ai.
Sau này, khi đã trở thành ký giả nổi tiếng, ông Ẩn vẫn thường xuyên đến thăm gia đình Mỹ Nhung dưới vỏ bọc là đi... tán các tiểu thư trong nhà, vừa để giao tài liệu, vừa có thêm bạn chuyện trò.
Thế nên duyên chị chưa trọn thì lại kéo theo duyên em không thành. Kế sau Mỹ Linh là cô Lan. “Bé Lan thì thương anh Ẩn dữ, vì anh là người tốt, lịch thiệp mà lại giản dị, chẳng bao giờ tính toán tiền nong”. Nhưng ngày đó Lan còn quá nhỏ, Hai Trung chỉ thương như em gái mà thôi.
Năm 1962, Mỹ Linh vào rừng, trực tiếp làm người dịch tài liệu cho căn cứ miền. Cô được đổi tên thành Chín Chi, bởi chị cô - Mỹ Nhung - đã được đổi tên thành Tám Thảo.
Cũng trong năm đó, Hai Trung lập gia đình. Lan buồn lắm, nhưng dẫu mỗi người mỗi nơi thì tình cảm của ông với gia đình vẫn còn nguyên vẹn.
Người đẹp trên tuyến lửa
Năm 1960, trước khi phong trào Đồng khởi bắt đầu, trung ương yêu cầu cục tình báo tìm hiểu các chiến lược đối phó của địch để đề phòng bất trắc. Lệnh được truyền đi, ở trong nội thành, Hai Trung nhanh chóng tìm ra tài liệu và chụp thành 20 cuộn phim, giao cho Tám Thảo.
Tha thướt trong tà áo dài, Tám Thảo bắt xe ra ngoại thành chuyển tài liệu. Ở đó, cô liên lạc được với bà Bảy Huê – cũng là con một nhà tư sản nổi tiếng. Hành trình của cô không quá dài, nhưng để vượt được quãng đường nhỏ từ nội thành ra ngoại ô thì thực sự khủng khiếp.
Mỹ Nhung thời trẻ- Ảnh: Tư liệu
Lần nào, đi đâu, cô cũng đều phải vượt qua chỗ bót canh của lính. “Tôi rất sợ cái chỗ đó, vì đã đi qua thì chết là chuyện bình thường”.
Nỗi nguy hiểm để có thể chết chính là ở chỗ, nơi cô tới toàn những nhà nông dân, mà theo lệ thường thì nông dân chỉ mặc áo bà ba. Một mình cô, áo dài tóc vấn, ra giữa chốn đồng không mông quạnh, hẳn phải có vấn đề. Cô cũng có thể mặc áo bà ba, nhưng dáng vẻ của cô thì lại đài các quá, dùng không hợp.
Hơn thế nữa, nếu mặc bà ba ra khỏi thành thì khi về cô sẽ khó trở lại, bởi tiểu thư Sài Gòn trở về từ ngoại ô trong chiếc áo bà ba thì có nghĩa là sao? Vậy nên mỗi lần đi liên lạc, cô lại trở thành tâm điểm dò xét của tụi lính. “Nếu mất bình tĩnh là chết như chơi”. Nhưng trí thông mình và khuôn mặt thánh thiện đã giúp cô nhiều lần thoát chết.
Suốt từ năm 1960 đến năm 1966, cô đi lại như con thoi từ Sài Gòn xuống Củ Chi, Hoóc Môn, Phú Hòa Đông, Tây Ninh rồi lại về thành phố. Những tài liệu mà cô chuyển ra đều do Hai Trung khéo léo lấy từ trong lòng địch, như tài liệu về những kế hoạch đối phó trước các cuộc tấn công của ta, tài liệu của Mỹ hướng dẫn cho quân đội Cộng hoà về kỹ thuật và thủ thuật chống nổi loạn, tài liệu liên quan đến Chiến tranh Cục bộ năm 1965...
Có lần, trên chuyến xe đò đi ra cứ, cô cùng tất cả hành khách bị chặn lại ngay tại bót canh. Nhanh trí, Tám Thảo tự tách khỏi đoàn người đang phải khám xét tùm lum, chạy ra đứng nói chuyện với viên chỉ huy cao nhất.
Chuyện trên trời dưới biển, chuyện văn chương thi phú, chuyện về “người dì tư sản” ở ngoài mà cô phải đến thăm khiến cho viên chỉ huy cứ phải cười ngoác miệng. Thế là, trong khi cả chiếc xe bị lục soát tứ tung thì cô cùng chiếc giỏ tài liệu lủng lẳng trên tay lại an toàn tuyệt đối, ngay bên cạnh... viên chỉ huy tít mắt cười. Đến khi lục soát xong xuôi, tụi lính cho xe lên đường, cô cũng nói lời tạm biệt.
Nhưng chưa hết, bỗng nhiên ngay lúc ấy, một tên lính gọi giật lại: “Ủa, cô kia, xét chưa?” Cô mỉm cười rất tươi, quay sang viên chỉ huy bảo: “Chưa, nói chuyện với anh vui làm tôi quên khuấy mất. Anh xét đi!” Nói rồi, cô thẳng tay chìa cái giỏ hàng “chết người” về phía chúng. Viên chỉ huy vội xua tay lắp bắp: “Thôi, cô lên xe đi. Cô đi đường cẩn thận đó”.
Vẫn bình tĩnh nở thêm một nụ cười tạm biệt, cô nhẹ nhàng bước lên xe, tiếp tục cuộc hành trình ngàn cân treo sợi tóc. Cô biết, đằng sau cô là rất nhiều chiếc xe đang chờ xét. Nếu cứ lục soát kỹ, tụi lính cũng oải vì lấy đâu ra thời gian. Hơn nữa, làm cái nghề “cú vọ” này, bà con trên xe ai chẳng ghét. Cô hiểu điều đó nên căn giờ “buôn chuyện” chính xác và tỉnh táo đến mức không để lại chút nghi ngờ.
Biết mình thông minh nhưng cô cũng không dám đùa với “lửa”, bởi trong tay cô không chỉ là tính mạng của mình mà còn là số phận của cả gia đình, của “anh Ẩn” và của những người khác. Vì thế, những lần sau đó, cô đã rút kinh nghiệm hơn.
Mỗi khi lên xe “thăm bà dì”, theo lời khuyên của chỉ huy và cả... ông chủ xe đò, cô không bao giờ chọn ngồi ghế đầu nữa. Đến khi qua trạm gác, cô cũng đều ý tứ... quay mặt đi, nếu không, theo lời các ông, “thấy cô đẹp quá, tụi lính bắt dừng xe lại để... hỏi han thì phiền”.
Ám ảnh một ánh mắt
Một lần, đích thân ông Ẩn lái xe đưa cô ra ngoài Củ Chi. Trước khi chuyển sang chiếc xe khác để về căn cứ, cô ngoái lại chào tạm biệt người đồng đội chu đáo ấy. Bất ngờ, lần đầu tiên trong đời, cô bắt gặp cái nhìn của ông đầy day dứt. Nỗi băn khoăn về đôi mắt khó tả đó vẫn ám ảnh cô cho đến tận bây giờ.
2 chị em Mỹ Nhung và Mỹ Linh tại tư gia tháng 4/2007
Với ông, có những điều cô không bao giờ hỏi, và với cô, có những điều ông cũng không bao giờ nói. Nguyên tắc nghề nghiệp khiến cho những người bạn, người đồng chí chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng linh cảm.
Hôm nay đây, khi ông đã qua đời, mang theo cả bí mật của đôi mắt để trở về với đất, nhưng mấy ai biết rằng, trong cả cuộc đời làm nên những kỳ tích như huyền thoại, đã bao lần ông phải đối mặt với phút giây ân hận với chính mình. Đồng đội của ông – Tám Thảo, Tư Cang, Ba Già, Hai Thương... – chưa bao giờ sợ bước chân vào cõi chết, họ hiên ngang đối mặt với họng súng thù để giữ gìn mạng sống cho ông và cho dân tộc.
Trong những dòng tự thuật về “khuyết điểm” của mình sau này, ông cũng đã tự “sỉ vả” mình không ngớt: chỉ vì không tính toán nên Hai Trung cứ để nguyên phim chưa tráng cồng kềnh, hay đưa hàng chục trang tài liệu cồm cộm không xử lý ra chiến khu, gây biết bao nguy hiểm cho anh chị em giao thông.
Đi giữa hai làn sống chết mong manh, chỉ một chút sơ suất thôi là một con người, thậm chí là một gia đình, phải đổ máu.
Vì lẽ đó, mỗi khi đứng trước những đồng đội của mình, người anh hùng vĩ đại luôn thấy mình quá bé nhỏ. Ông hiểu, chính những dáng người mảnh mai đang đi về tuyến lửa kia mới là những người làm nên chữ “anh hùng” trên ngực áo của con người được phong là “huyền thoại”.
-
Thế Vinh - Hà Trường - Việt HàÝ kiến của bạn?