221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
975488
Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc"
1
Article
null
Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 - phần 2:
Kỳ 9: Chuyến đi của 'con sói cô độc'
,

(VietNamNet) - "Ai cũng biết khoác áo báo chí là một bình phong tốt nên bất kỳ cơ quan tình báo hay phản gián nào cũng muốn xây dựng bình phong này cho nhân viên của mình. Cũng vì thế mà một điệp viên khoác áo báo chí vào thì anh ta hôi sặc mùi điệp báo từ xa mà nhân viên an ninh cứ thế mà đánh hơi theo dõi" - Hai Trung (Trần Văn Trung) tổng kết.

>> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1
>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH  
 

Nhưng ông đã ẩn mình và đi suốt hơn 20 năm trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cung cấp về Hà Nội những thông tin quý giá đến mức các nhà lãnh đạo Hà Nội phải thốt lên tán thưởng: "Chúng ta đang có cái đầu ngồi ngay phòng chỉ huy chiến lược của cỗ máy chiến tranh Mỹ - ngụy".

a

Ông Phạm Xuân Ẩn và tấm thẻ nhà báo của mình từ năm 1965 - Ảnh do Hãng AP chụp năm 2000.

Vậy cái đầu chiến lược và chuyến hành trình của con sói cô độc (Alone Wolf, thuật ngữ mà người phương Tây thường ví các điệp viên) trong hang hùm đã diễn ra như thế nào?

Chọn một người để cứu trăm người

Từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên năm 1945, Trung được anh Đỗ Ngọc Thạnh (tức Ba học sinh) lựa chọn là gương mặt sáng giá để giới thiệu với Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhằm huấn luyện thành một thành viên cốt cán.

Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Trung với anh Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau này, lúc bấy giờ là Bí thư Đặc khu uỷ - NV) đã không thể thực hiện bởi anh Ba học sinh sớm bị Pháp phát hiện, bắt và thủ tiêu. Mất liên lạc, Trung tìm cách thi đậu vào làm công chức Hải quan cho Pháp ở cảng Sài Gòn.

Mãi tới năm 1952, khi Cục tình báo Miền thành lập, Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định quyết định "nhường" Trung lại cho ngành tình báo. Liên lạc giữa Trung với tổ chức mới được bắt trở lại.

Khi hay tin mình được tổ chức giao cho làm tình báo chiến lược, Hai Trung... thất vọng lắm. Chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi muốn được tự tay cầm súng chiến đấu, chứ đi làm tình báo thì hoá ra là làm... thằng chỉ điểm à?

Lúc ấy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Đặc khu), là người chỉ huy trực tiếp của Hai Trung, phải giải thích kỹ, rằng tình báo chiến lược không phải là điểm chỉ viên, rằng đã đi chiến đấu thì ở vị trí nào cũng có ích, chớ không phải cứ cầm súng lên mới là yêu nước.

Bác sĩ Thạch còn nhấn mạnh, làm tình báo chiến lược sẽ rất gian khổ vì phải sống trong lòng địch, không được đồng đội trực tiếp chia sẻ như anh em trong rừng, nguy hiểm khó khăn hơn nhưng sẽ lại cứu được hàng trăm anh em đồng đội khỏi cái chết, giúp cho máu của đồng bào bớt đổ, giúp cho cuộc cách mạng mau tới thành công.

f
Phạm Xuân Ẩn tại Mỹ (1957-1959). Ảnh tư liệu.
Hai Trung nghe ra, nhưng vẫn chưa hoàn toàn chịu. Cậu tự nhận mình “thật thà, ngớ ngẩn, hay tin người lắm, làm sao làm được”, song bác sĩ Thạch vẫn khẳng định: Đảng đã nhìn ra khả năng của Hai Trung rồi, cứ nhận việc đi, vừa làm vừa học.   

Thế là, trong bữa cơm chiều ở chiến khu D giữa mùa xuân, tháng 2/1952, Hai Trung chính thức nhận nhiệm vụ thiêng liêng: trở thành chiến sĩ tình báo.

Lời dặn dò kỹ lưỡng của bác sĩ Thạch hôm đó "Đảng và dân ta còn nghèo lắm. Phải giữ vững tinh thần cách mạng thì mọi khó khăn sẽ lần hồi được giải quyết... Chú cứ yên tâm công tác, Đảng và nhân dân sẽ công bằng chấm công khi hy sinh" đã theo sát Trung suốt 23 năm nằm sâu trong lòng địch, trở thành một điệp viên chiến lược huyền thoại của ngành tình báo Việt Nam.

Nhiệm vụ đầu tiên: Sao chẳng giống xi nê?

Những ngày mới bắt đầu vào nghề, Hai Trung dùng công việc ở hải quan làm bình phong. Trung phụ trách bộ phận kiểm hoá, được tổ chức giao cho việc phải theo dõi hoạt động của quân đội Pháp, tìm hiểu về phương tiện, vũ khí chiến tranh, lập biểu đồ di chuyển của quân đội Pháp từ Marseille qua Đông Dương và ngược lại. 

Nghe lệnh từ trên, Hai Trung vội trả lời ngay: “Tưởng làm tình báo thì phải như trong xi nê, làm những việc kinh thiên động địa, chứ kiểu này thì dễ như ăn cơm bữa và chẳng có gì giựt gân cả”.

h
Mỹ Nhung về Sài Gòn, cô được chỉ huy giới thiệu với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), trở thành học trò của ông, để rồi từ đó, khi ông mới từ Mỹ về, cô lại là người đưa ông trở lại với tổ chức - Ảnh: Tư liệu
Bác sĩ Thạch nghe Hai Trung láu táu vậy vội vàng ngăn ngay: “Dễ, nhưng nếu để địch biết thì số phận chắc chắn sẽ như anh Ba Học sinh. Đây là công việc mật, chú không được chủ quan”.

Nói rồi, ông dạy cho Hai Trung những bài học đầu tiên về cách liên lạc, cách viết tin, dặn Hai Trung phải cắt những liên lạc không cần thiết, không tham gia phong trào, không đi ào ào hô khẩu hiệu như ngày xưa, cũng không được cầm súng chiến đấu trực tiếp. Làm công việc mật gian khổ hơn nhiều, chớ không dễ như ăn cơm đâu.

Hai Trung nghe rồi mới bắt đầu chú tâm tìm hiểu công việc mà cậu chàng tưởng dễ như xi nê. Đến khi thực sự nhập vai, Hai Trung mới kinh hoàng tỉnh giấc, trời ơi, chiến tranh đang hiện ra mồn một trên những con số mà Trung phải xuất nhập hàng ngày.

Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm 1952, không chỉ có tàu chiến của Pháp mà ngay cả tàu chiến của Mỹ cũng đã xuất hiện ngay giữa cảng Sài Gòn, với những đợt chuyển quân và vũ khí chiến tranh tối tân, di chuyển như con thoi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, Hải Phòng. Bàn tay của Mỹ đã thọc vào Việt Nam ngay từ khi Pháp vẫn còn chễm trệ giữ quyền lực ở Đông Dương và ào ạt đổ quân vào cứ điểm bất khả xâm phạm trên Điện Biên Phủ.

Đến lúc này, Hai Trung mới hiểu rằng tại sao mình được lựa chọn, bởi Đảng và các anh chỉ huy đã nhìn thấy những điều rất xa: cuộc chiến khốc liệt đang thực sự bắt đầu, và Đảng cần chọn đúng người để giao trọng trách.

Bước chân vào nghề tình báo những năm đầu tiên nghe cứ... như chuyện đùa. Thậm chí, những ngày đầu kháng Mỹ non sơ, chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - người thầy đầu tiên của Trung - cũng phạm phải lỗi cơ bản đến chết người: đó là nhận được tin tức tài liệu của Hai Trung xong, bác sĩ còn gửi đi phát sóng trên đài “Tiếng nói Nam bộ” nhằm tố cáo quân Pháp, rồi tới quan Mỹ trong việc cố tình tăng cường viện trợ vũ khí chiến tranh, nhân lực quân sự, đào tạo để ủng hộ Diệm phá hiệp định Geneve.

Ngay lập tức, hai chiến sĩ tình báo đầu tiên được điều vào Nam là anh Nguyễn Vũ và anh Dương Minh Sơn nhằm tăng cường cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Đích thân anh Nguyễn Vũ còn phải tìm mọi cách để chặn lại những bản tin trên để bảo đảm an toàn cho Hai Trung.

Những bài học vỡ lòng đó khiến cho Hai Trung và những người chỉ huy, những người đồng đội chưa bao giờ dám đùa hay lơ là công việc. 

Nhiệm vụ đầu đời với Hai Trung xem ra chả giống gì với xi nê, thế nhưng hoá ra, cuối cùng cả cuộc đời ông dẫu có hàng chục bộ phim cũng chưa chắc đã dựng nổi.

  • Hà Trường - Việt Hà - Thế Vinh
     
    Kỳ 10: Mùi của một điệp viên

        Ý kiến của bạn? 

          

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,