(VietNamNet) - Hai Trung đã tự "cắt đuôi con tiểu tư sản" theo cách của mình và chẳng hề giống ai. Cắt đi rồi, lại lòi cái đuôi khác, còn sơ hở hơn. Thế nên sau này ngồi nhìn lại, ông thừa nhận "buổi đầu làm tình báo, áp dụng các bài học vào thực tế đều... sai be bét". Sai đến... "bốc cả mùi"...
>> Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc"
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1
>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Cái đuôi con tiểu tư sản…
Xuất thân của Trần Văn Trung là con một gia đình trung lưu ở thành thị, được giáo dục theo gia phong nhà nho. Ngày còn bé, Trung được cha dạy theo quan điểm “thương cho roi vọt, ghét cho ngọt ngào”. Chơi bời lêu lổng, học hành không ra nơi ra chốn, quên nỗi nhục mất nước là những điều không được phép có ở cậu Hai Trung. Vậy nên cứ những lần nghịch ngợm, láu táu là Trung lại rất được ba... “thương”.
Nhưng lạ cái, nghiêm khắc với con là vậy, song gia đình ông lại sẵn lòng nuôi giấu cán bộ Thành uỷ từ những ngày cách mạng sục sôi kháng Pháp. Năm 1947, cha của Trung còn bị tên mật thám Lơ Bét-xơn - Trưởng ty Công an Rạch Giá - hành hạ khi ông đang cố tìm cách bắt liên lạc với cách mạng.
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn- Ảnh: QĐND
Xét về thành phần gia đình như vậy là quá cơ bản, ấy thế mà những điều đó cũng không được các anh chỉ huy "tha", từ anh Sáu (Nguyễn Vũ) cho tới anh Tư Tùng (anh Hai, Dương Minh Sơn) đến anh Ba (Mười Hương) trong những bài giảng đầu tiên về chính trị và nghiệp vụ: "Cậu là một thằng tiểu tư sản, mà thằng tiểu tư sản có máu thích làm anh hùng, mê xi nê nên dễ hỏng việc. Hơn nữa, con tiểu tư sản lại còn có một cái đuôi. Cái đuôi đó là lối sống trưởng giả, là cách ăn nói, đối xử hợm hĩnh với con người, đặc biệt là người dân nghèo, mà họ gọi là tầng lớp dưới. Dù cậu có khéo giấu đến đâu thì sớm muộn cái đuôi đó cũng lòi ra, kinh tởm bỏ mẹ. Phải tìm cách cắt cái đuôi đó đi. Nhưng cái đuôi của con tiểu tư sản không phải như đuôi chồn, đuôi cáo, cầm dao cắt phéng một lần là xong. Vậy nên phải thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm, nghiêm khắc với bản thân mình. Phải thường xuyên xem lại bản thân mình, hằng ngày, hằng giờ".
Lối giảng bài đậm chất dân dã, tục nhưng dễ nhớ đó đã in sâu vào trí nhớ của Trung, trở thành châm ngôn sống và hoạt động mãi về sau của chàng điệp viên trẻ này: "Phải luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình".
Tuy nhiên, cái khó của nghề tình báo thì chẳng sách vở đâu dạy đầy đủ, ngoài chính cuộc đời và chính tự mình. Hai Trung nghe giảng bài, thực hành nghiêm túc lắm. Cứ mỗi giờ nghỉ trưa, Hai Trung lại chạy tuốt xuống ăn cơm, ba cùng "cùng ăn, cùng làm, cùng nghỉ" với anh em phu khuân vác ở Khánh Hội. Tính Trung vốn dân dã nên được nói chuyện với đồng bào nghèo khổ, Trung thấy hợp lắm. Cậu còn mê chơi với công nhân đến độ ghét ra mặt với những tên người Việt hay người Hoa kết hợp với người Pháp buôn lậu.
Có lần, một thằng Pháp làm cho hãng bốc xếp Rondon bắt nạt nhân viên của Hai Trung, làm Trung nóng mặt, chụp cổ đánh ngay tại văn phòng. Biết chuyện, tên trưởng phòng Stenou gọi vào, cho nghỉ việc 3 ngày để Trung... nguôi cơn giận, xong xuôi sẽ kêu tên Pháp kia đến tận nơi xin lỗi.
Hai Trung nghe vậy hài lòng lắm, phải thế chứ, cho tụi bây biết tay, đâu có thể cho nó bắt nạt đồng bào mình được. Thế rồi Hai Trung nằm thẳng cằng, nghỉ một lèo ở nhà 3 ngày cho hả giận.
Biết chuyện, anh Tư Tùng hoảng quá, vội vàng dập ngay “cơn sĩ” của Hai Trung lại. Trời đất, làm thế là bị... “lòi đuôi” rồi còn gì? Đuôi nào cơ? Nghe lời chỉ huy, Hai Trung đã chặt phăng cái đuôi tư sản rồi còn gì?
Vậy đấy, nguy hiểm ở chỗ, cái đuôi đó lại không phải là “đuôi tư sản”, mà là “đuôi... yêu nước”. Làm tình báo thì không được nóng nảy, tự ái cá nhân. Muốn tỏ ra là sếp bênh đàn em thì đâu có được? Đã được giao việc mật ngay trong lòng địch mà lại không thèm chơi với “đồng nghiệp”, không nhận đút lót, từ chối nhậu nhẹt, không chịu đi... tán gái thì còn làm ăn nước mẹ gì? Rõ là chỉ có thằng cộng sản thì mới nghiêm túc, kiên định vậy. “Lòi đuôi” thế thì còn chiến đấu ra sao?
Hai Trung nghe giảng mới à lên. Hoá ra làm tình báo không phải dễ như ăn cơm, càng không bóng lộn như trên phim ảnh. Làm chiến sĩ tình báo, nếu không tự hiểu mình là ai và vận dụng trí tuệ đúng lúc thì đôi khi sẽ phải trả giá bằng mạng sống.
Sau thời bình, trong lần thử phân tích về chính mình, chính Thiếu tướng Trần Văn Trung đã nhìn nhận: "Điệp viên phải có tính kỷ luật cao, nhất là kỷ luật tự giác vì anh ta hoạt động đơn độc, không có ai bên cạnh kiểm tra cả. Thiếu kỷ luật thì dễ chủ quan dễ buông lỏng nguyên tắc, dễ mất cảnh giác và cuối cùng là dễ bị bắt".
Mà nếu đã bị bắt, điệp viên chỉ còn nước chọn: hoặc chết, hoặc khai. Bởi trong mọi đòn tra tấn, đòn tra tấn dành cho điệp viên tình báo bị bắt là khủng khiếp nhất: đánh cho khai, khai ít đánh cho khai nhiều, khai nhiều đánh cho khai hết. Thậm chí, kẻ thù không từ bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí dùng thuốc độc khiến điệp viên khi ra khỏi nhà tù trở nên thần trí bất thường. Việc thoát khỏi nhà tù do may mắn hay được tổ chức đào thoát là cực kỳ hãn hữu.
Kinh nghiệm đó, ông đúc kết trong hàng chục năm nằm sâu trong lòng địch, tiếp xúc với đủ loại nguồn tin lẫn chứng kiến những trận đòn thù tra tấn của đối phương đối với các chiến sỹ Việt cộng bị bắt.
Trung đã tự "cắt đuôi con tiểu tư sản" như thế, theo kiểu chẳng hề giống ai. Cắt đi rồi mà lại lòi cái đuôi khác, còn sơ hở hơn, thế nên sau này ngồi nhìn lại, ông thừa nhận là "buổi đầu làm tình báo, áp dụng các bài học vào thực tế đều... sai be bét".
... Sai đến bốc cả mùi
Làm ở Hải quan được hơn 1 năm, đến hết mùa mưa năm 1952, Hai Trung đã bắt đầu được khen ngợi vì tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, tình hình lúc này bắt đầu ngày càng căng thẳng. Lo ngại Hai Trung có thể bị bắt đi lính, các đồng chí chỉ huy đã ra lệnh cho Hai Trung phải tìm mọi cách để tránh bị bắt lính, đồng thời phải tìm người thay thế trong việc lấy tin tức quân sự ở Hải quan, đề phòng bất trắc.
Cuối cùng, thông qua việc vận động được người anh họ là Phạm Xuân Giai - Trưởng phòng 5 (phòng tâm lý chiến) Bộ Tổng tham mưu, cánh tay đắc lực của Trung tướng Nguyễn Xuân Hinh (Tổng tham mưu trưởng), Hai Trung vào làm bí thư cho Giai với mục đích trốn lính.
Hai Trung- Ảnh: Tuổi trẻ
Vào cơ quan đầu não của quân đội rồi mà Trung vẫn sống ngoan ngoãn, “sạch sẽ” tới mức những sĩ quan cùng phòng đã phải ngao ngán vì rủ rê Trung chơi bời mãi không được: "Thằng anh thì cái gì cũng sắc bén, cái gì cũng biết không ai qua mặt được, chơi bời không thiếu thứ gì. Còn thằng em thì thật thà như đếm... không biết trời sinh ra để làm gì mà sống khổ sở thế".
Có lần, nửa đêm cuối tháng 3/1955, Bình Xuyên pháo kích vào Dinh Độc Lập. Nội bộ chính quyền Diệm lục đục, phe thân Pháp và phe thân Mỹ muốn thôn tính lẫn nhau, các sĩ quan đánh hơi thấy nguy hiểm, trốn chui lủi ở nhà hết. Có mỗi Hai Trung là “ngây thơ chạy đến” xem tình hình, thậm chí còn hớn hở tuyên truyền để lung lạc tinh thần sĩ quan: tình hình cứ thế này thì đến bầu cử 1956, Bắc sẽ thắng Nam.
Ngày đó, Hai Trung mới vào nghề, đã được dạy gì đâu? Cậu chưa đủ kinh nghiệm để hiểu rằng, dù có choảng nhau thì cũng chẳng bao giờ Pháp và Mỹ muốn rút lui để trả đất nước này về cho dân tộc Việt, bởi dù thua hay thắng thì bản chất đế quốc vẫn luôn là xâm lược.
Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. Sự hồn nhiên, thật thà đó lại khiến cho nhiều sĩ quan Pháp, Mỹ, Việt cảm mến, giúp cậu vượt qua nhiều cái bẫy một cách rất tình cờ. Chính họ cũng chẳng hiểu nổi tại sao lại có thể yêu quý một cậu nhóc gầy ốm, hiền lành mà lại rất chân thật, hài hước đến thế được. Bởi có thể chính họ đã không chịu hiểu, đứng trước sức mạnh quá lớn của sự lương thiện, ai cũng sẽ tìm cách tự làm trong sạch chính mình. Yêu quý, giúp đỡ một chàng thanh niên tốt bụng có phải là cách giúp họ tẩy bớt nỗi tủi hổ sau những chuỗi việc ác chăng?
Đến tận năm 1957, khi đã qua Mỹ học, Hai Trung vẫn còn chưa cắt được cái “đuôi yêu nước” của mình. Đứng trên đất Mỹ, học nghiệp vụ Mỹ, thế mà trong những buổi thuyết trình, Trung vẫn cứ hồn nhiên chêm vào nào là "áp bức, bóc lột”, nào là “cách mạng, đế quốc" - những khái niệm mà người Mỹ lúc bấy giờ đặc biệt dị ứng.
Hai Trung thật đến nỗi bị giáo sư giảng dạy đánh điểm kém cho những bài luận luôn xuất sắc, chỉ vì cậu không nghĩ được rằng, trong số rất nhiều giáo sư, cũng có những người đang làm công việc y như cậu. Họ muốn dò tìm manh mối cộng sản trong những con người do chính họ đào tạo nên. Đi học trên đất Mỹ đâu chỉ là học thêm kiến thức, đó thực sự còn là một cuộc cân não lớn.
Hai Trung phát hiện ra điều đó sau một thời gian dài luôn đứng đầu lớp. Ấy là lần một bà giáo vốn là nhân viên phòng tình báo Hải quân Mỹ giương mục kỉnh lên thắc mắc: "Học kiểu như mày, chỉ có là cộng sản". Chột dạ, từ đó Hai Trung bỏ luôn thói miệt mài đèn sách để giành điểm cao.
Ngẫm nghĩ lại, Trung mới ngộ ra rằng, hoá ra yêu nước không thôi là chưa đủ. Nếu không dùng cái đầu để đấu trí lại thì chắc chắn mình sẽ thua. Trong khi biết bao sĩ quan miền Nam Việt Nam qua Mỹ học một ít, còn đâu dành thời gian ăn chơi, tiêu xài, mua sắm, nhảy đầm, cặp gái... thì Trung chỉ như một thầy tu, suốt ngày cắm đầu vào học và nghiên cứu.
Thực tế, Hai Trung chỉ có thể làm thế khi được sống trong sự che chở an toàn của đồng bào. Còn ở đây, một mình giữa hang sói, nếu bê nguyên những nguyên tắc đạo đức vào thì chỉ có thể đổ máu, mất xác mà thôi.
-
Thế Vinh - Hà Trường - Việt HàKỳ 11: Điệp viên tay mơ thành người Việt trầm lặngÝ kiến của bạn?
-