(VietNamNet) - Làm việc cho Mỹ là thế, nhưng Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ ngán... chửi. Tất nhiên là ông chửi Mỹ, chửi những kẻ làm tay sai rao bán đất nước. Và tất nhiên là ông cũng chửi công khai. Ấy thế mà ai cũng phải chịu nhịn, bởi ông chửi đúng quá!
- Kỳ 12: "Tướng Givral" –Lý tưởng và tài năng bậc thầy
- Kỳ 11: "Điệp viên tay mơ" thành người Việt trầm lặng
- Kỳ 10: "Mùi" của một điệp viên
- Kỳ 9: Chuyến đi của "con sói cô độc"
- Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1
- Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH
Vừa được chửi, vừa được việc
Như chính ông thừa nhận, "căn bệnh" thích... chửi Mỹ đã ăn sâu vào máu, nên rất khó sửa. Bằng chứng, không chỉ ám chỉ trong những bản tin về sự kiện binh biến ngày 11/11/1960, mà ngay trong đêm đó, Phạm Xuân Ẩn đã "nóng máu" với Thiếu tá Scheer (phụ tá tuỳ viên quân lực toà đại sứ Mỹ).
Chuyện là, khi gửi tin bằng đường bưu điện không xong, trong đêm, ông cùng Trưởng văn phòng Reuters mò qua toà đại sứ Mỹ nhờ Scheer đánh giùm qua đường dây của sứ quán về hãng.
"Nghề tình báo, hay nghề báo, chỉ khác nhau ở một chỗ: Ai là người đọc tin tức của tôi?" - Phạm Xuân Ẩn- Ảnh: Tư liệu
Khi trở lại, tất nhiên, ông phải tường thuật thông tin lại cho Scheer để làm quà, nhưng Scheer không hề chuyển bản tin của ông Ẩn đi với lý do "ngài đại sứ không đồng ý dùng đường dây của sứ quán giúp một hãng thông tấn tư nhân".
Nóng mặt vì mất thời gian, hơn nữa, tin của Reuters đã chậm hơn các hãng khác, Ẩn quát luôn vào mặt Scheer: "Người Mỹ các ông cóc chơi được!", rồi hầm hầm bỏ về.
Cuộc đảo chính kết thúc, Phòng thông tin Mỹ (USIS) mời phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài đến họp báo mật về vụ Nguyễn Chánh Thi. Phạm Xuân Ẩn cũng tới, nhưng bị Anspacher (Giám đốc USIS) cản lại, không cho vào.
Trung điên tiết. Sau đó chính Reuters đã phát đi bản tin tiếp theo với nội dung lật mặt bản chất: "Cuộc đảo chính là giả, chỉ nhằm mục đích "rung cây nhát khỉ" do người Mỹ giật dây nhằm mục đích "doạ" Diệm phải thay đổi phương pháp cầm đầu bộ máy". Bản tin từ Reuters do Trung viết đã làm Mỹ bẽ mặt trước công luận.
Sau này, để chuộc lỗi với ông, cả Scheer lẫn Anspacher đã nhiều lần nhờ người bắn tin: Họ làm thế vì không biết Ẩn làm cho Reuters, cứ nghi Ẩn là người của Trần Kim Tuyến. Mâu thuẫn đó cũng được dàn hoà về sau, nhưng mối ác cảm về sự phân biệt đối xử của người Mỹ với thân phận kẻ làm thuê người Việt, dù là làm cho hãng tin nước ngoài, đã xúc phạm đến lòng tự trọng của Phạm Xuân Ẩn.
Bởi, ông vốn đã không muốn luồn cúi làm tay sai của Mỹ, nay lại phải chơi với nhiều gã xấu tính.
Ác cảm đó trong ông còn kéo dài về sau, kể cả khi Ẩn đã rời Reuters (1965), qua làm cho nhiều tờ báo khác, cuối cùng dừng lại lâu nhất là tạp chí Time (11 năm, từ 1965-1975).
Người “biết chửi có đạo đức”...
Sau những sự cố như thế, Phạm Xuân Ẩn càng khẳng định những nhìn nhận của mình về bản chất quân Mỹ là đúng. Thế nên, ông chẳng sợ gì, vẫn tiếp tục giữ "căn bệnh" "thích chửi Mỹ, xúi người ta chửi Mỹ, xúi Beverly (Beverly Deepe, phóng viên của The NewYork Herarld Tribune, đồng nghiệp thân thiết - NV) viết báo chửi Mỹ và những tên tay sai chỉ biết bịt mắt, bịt mũi, bịt tai theo đuôi Mỹ".
Tài ở chỗ, chửi nhiều thế mà ông chưa bao giờ chửi sai, và cũng chưa xúi ai chửi sai, chưa từng viết một dòng thông tin nào sai lên mặt báo, dù là với Reuters, The NewYork Herarld Tribune, The Christian Science Monitor hay Time Magazine.
Điều đó đã được chính David Greenway khẳng định: "Chúng tôi nghĩ đây là chuyện đùa... Những người biên tập viên của tờ báo Time đã không nghe chúng tôi. Không có phóng viên nào trong tờ báo Time đã thao túng tin tức. Ông ấy không có sự may mắn nào hơn chúng tôi", khi một vài đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn buộc tội ông là đã thao túng những tin tức và những câu chuyện trên tạp chí Time với tư cách là "nhân vật có ảnh hưởng", khi biết ông là điệp viên của Hà Nội.
Còn Richard Pyle, cựu Tổng biên tập của tờ A.P Sài Gòn thì nhìn nhận thẳng thắn: "Ông Ẩn còn cứu tờ Time khỏi sự khó xử vì đã xuất bản những câu chuyện sai sự thật. Đó là sự tài tình của ông ấy... Không tiết lộ làm thế nào mà ông ấy biết hay không biết điều gì, ông ấy sẽ cho anh biết anh có đi đúng đường không".
Tất nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể thừa nhận sự thật rằng, đồng nghiệp mà họ ngưỡng mộ lại là một điệp viên cao cấp của phía bên kia, đặc biệt với những người làm nghề mà giới phương Tây vẫn xem là độc lập (tương đối) và thường được mệnh danh là Quyền lực thứ Tư này.
Peter Arnett (người được biết đến như một phóng viên chiến tranh có hạng của Thông tấn xã AP, CNN… từng đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam. Gần đây nhất ông có mặt ở Baghdad để đưa tin về cuộc chiến vùng Vịnh, đã phỏng vấn Saddam Hussein; sau đó qua Afghanistan, phỏng vấn Osama Bin Laden năm 1997) đã chỉ trích ông Ẩn: "Mặc dù tôi biết ông ta như một người Việt Nam yêu nước, tôi vẫn cảm thấy như bị phản bội xét về nghề báo chí. Có nhiều lời cáo buộc trong suốt cuộc chiến tranh là chúng tôi đã bị những người cộng sản thâm nhập... Nhưng sau đó tôi biết rằng đó là công việc của ông ấy".
Còn ông Ẩn, năm 2003, xuất hiện trên Truyền hình Việt Nam trong chương trình "Người đương thời", vị thiếu tướng lẫy lừng vẫn mỉm cười rất tươi để nhắc lại quan điểm nghề nghiệp của ông: "nghề tình báo, hay nghề báo, chỉ khác nhau ở một chỗ: Ai là người đọc tin tức của tôi?"
Đó cũng như chính điều mà Thomas A. Bass, báo The New Yorker đã viết: "Ẩn là một người "Việt Nam thầm lặng". Ông nói rằng ông không bao giờ dối ai, rằng ông cung cấp cho báo Time chính những bài phân tích chính trị mà ông đã gửi cho ông Hồ Chí Minh. Ông là con người bị xẻ đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối nhưng lại luôn nói sự thật."
Hơn hết thảy, Frank McCulloch, Tổng biên tập tờ Time ở châu Á, người đã thuê ông Ẩn làm việc cho tạp chí Time đã nhìn thấu suốt mọi câu chuyện: "Liệu tôi có giận dữ khi biết câu chuyện về ông ấy? Hoàn toàn không. Tôi nghĩ đó là Tổ quốc của ông ta. Nếu ở vào hoàn cảnh như vậy, tôi sẽ làm điều tương tự".
... Cùng hàng ngàn câu hỏi tại sao?
Với những người làm báo, khi đứng trước một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật, luôn có một câu hỏi mà họ phải tự đặt ra: "Tại sao?”. Tại sao thế này, tại sao thế kia?
Nhưng muốn lý giải chỉ bằng một mệnh đề hỏi như vậy sẽ chẳng bao giờ đủ, bởi mỗi con người luôn có những lý do cho con đường đi của riêng mình. Vì thế, những câu hỏi sẽ chỉ được giải đáp theo đúng nguyên nghĩa của mệnh đề "Tại sao?" theo cách mà người được hỏi muốn trả lời.
Thomas A. Bass, báo The New Yorker đã viết: "Ẩn là một người "Việt Nam thầm lặng". Ông nói rằng ông không bao giờ dối ai, rằng ông cung cấp cho báo Time chính những bài phân tích chính trị mà ông đã gửi cho ông Hồ Chí Minh. Ông là con người bị xẻ đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối nhưng lại luôn nói sự thật." - Ảnh: Phạm Xuân Ẩn với tư cách nhà báo đang tìm hiểu thông tin (Tư liệu)
Muốn được giải thích nhiều hơn, hay muốn hiểu được nhiều hơn, chỉ có thể đặt mình vào chính họ. Nhưng sống như họ, hay ngắn ngủi hơn là cố gắng sống như họ, trong từng giai đoạn cụ thể của cuộc đời họ, cũng chưa chắc có thể hiểu, bởi trong từng góc sâu của mỗi người cũng có những điều không thể lý giải.
Ngay từ khi ông Ẩn còn sống, rất nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu từng muốn “giải mật” về ông: Tại sao ông lại làm điều đó? Tại sao ông có được sự hiểu biết như vậy? Tại sao trước những hấp lực này, quyến rũ kia, ông vẫn đi trọn vẹn con đường mà ông đã chọn, dù những người nghĩ rằng họ là bạn ông, là đồng nghiệp với ông đã có thể có những nhận định hay lựa chọn khác?
Joseph Fouché – mưu sĩ chiến lược của Napoleon, cha đẻ của ngành anh ninh chính trị - cũng từng nhận định: “Tôi có mối quan hệ với những người có ảnh hưởng đối với những luồng công luận, có ảnh hưởng với các học thuyết và có ảnh hưởng với các tầng lớp giai cấp trong xã hội. Hệ thống quan hệ này đã cho tôi những kết quả sâu sắc. Thông qua sự thổ lộ, tâm tư và những buổi nói chuyện chân tình của họ mà tôi biết tình hình thật sự của nước Pháp còn hơn là hàng đống báo cáo của vô số nhân viên mật báo mà tôi đã trả tiền”.
Đứng ở giữa trung tâm quyền lực của nước Pháp khi ấy, Fouché đã dõi con mắt của mình ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, để rồi lý giải ra rằng: con người ở nước phát triển hay thế giới lạc hậu thì đều có những nhu cầu vật chất. Trong số những tham vọng cá nhân vô hạn và không thể thoả mãn được, có 2 động cơ chính cho tham vọng, đó là quyền lực và quang vinh.
Là người thông hiểu cả hệ thống tư bản Anh - Mỹ - Pháp, Phạm Xuân Ẩn đã học lại toàn bộ lý luận đó để áp dụng trở lại với chính những con người trong hệ thống ấy. Ông tự xây cho mình mối quan hệ tốt với đủ mọi tầng lớp có ảnh hưởng trong xã hội, để rồi từ đó ông hiểu nội tình chế độ tay sai còn hơn chính những người luôn tự đắc tuyên bố muốn xây một xã hội dân chủ dựa trên những đồng đôla Mỹ.
Chính vì thế, ông biết chắc rằng, sẽ chẳng có ai trong hệ thống kia sẽ hiểu được những gì chất chứa trong lòng ông. Bởi mấy ai biết rằng, năm 1957, để sang Mỹ học, Trung đã được đào tạo bởi 5 người thầy khác nhau, trong quãng thời gian dài tới 5 năm.
Đến trước khi lên đường theo diện tự túc, "anh Hai" - một trong những người thầy của Trung - đã phải chạy vạy, vay mượn cơ sở mấy ngàn đồng trong hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu để đóng tiền vé máy bay thế thân cho Trung .
Xúc động nhất, ngay giờ phút ra đi, chính anh Ba, một người anh Việt Nam thứ thiệt, đã ôm và hôn Trung vào hai bên má. Cái ôm của tình đồng chí ấm áp đến nỗi mà Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn khi già rồi vẫn nhớ như in rằng: "Từ bé đến giờ, Trung toàn bị đánh. Chưa từng có ai ôm Trung như anh Ba cả. Cái ôm đó khiến Trung suýt khóc khi lên đường".
Liệu những đồng nghiệp, và cả những đối thủ của Trung, đã bao giờ sống đủ ở Việt Nam để hiểu được câu nói "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" chưa? Sau này, chính những người thầy của Trung đã nghiến răng chấp nhận hy sinh, chịu đòn roi tra tấn dã man trong nhà ngục Chín Hầm khét tiếng để không bao giờ để lộ tin tức về người học trò của mình.
Đi cùng ông suốt 23 năm trời còn có những người đồng đội đã khiến ông luôn ngưỡng mộ, kính phục như Tám Thảo, Ba Già, Hai Thương, Tư Cang.... Những người đồng chí của Trần Văn Trung, mà trong một bản đánh giá chưa từng công khai, đã viết lại những nhận định của cấp cao nhất về lưới tình báo 2T (bí số của Phạm Xuân Ẩn): "Tập thể xung quanh 2T là một tập thể trong sáng, anh hùng".
Phạm Xuân Ẩn – ông và đồng đội – đã cùng làm nên huyền tích để chính những thế hệ sau của ông luôn giữ lời thề: Đất nước này, nếu có nguy nan thì họ sẽ là những người đầu tiên chấp nhận họng súng kê thẳng vào đầu mình để siết cò. Bởi, cha anh họ đã luôn làm như vậy.
-
Việt Hà - Hà Trường - Thế Vinh
* Một phần nội dung trong phần viết này được trích dẫn tham khảo từ "Nhà tình báo - người đã từng yêu quý chúng ta" của Thomas A. Bass)Kỳ 14: Nghệ thuật ẩn mình của một điệp viên