221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
990584
Kỳ 19:Thử thách đầu tiên của xạ thủ "hai tay như một"
1
Article
null
Huyền thoại về cụm tình báo H.63:
Kỳ 19:Thử thách đầu tiên của xạ thủ 'hai tay như một'
,

(VietNamNet) - Biệt tài bắn súng "hai tay như một" của chàng trai miền Nam Nguyễn Văn Tàu thời ấy chỉ thua các xạ thủ quốc gia. Các "ngón nghề" quan trọng cũng được Tàu tích luỹ dần trong những năm tháng tập kết. Trước khi vượt dãy Trường Sơn trở về Nam, bài tốt nghiệp như một nhiệm vụ và thử thách thực thụ đã được Nguyễn Văn Tàu vượt qua xuất sắc...

>> Kỳ 1: Bắt đầu từ "tình yêu bò cạp"
>> Huyền thoại về Cụm tình báo H63 anh hùng - phần 2
>>
Huyền thoại về Cụm tình báo H.63 anh hùng - Phần 1 
>> Người giữ khoá bí mật ở Bộ Tổng tham mưu VNCH   

Xạ thủ kiêm nhà văn và viên đạn dành riêng

Thời gian này, Nguyễn Văn Tàu mang tên Trần Văn Quang và làm Trung đội trưởng trinh sát kiêm Chính trị viên đại đội thông tin của Sư đoàn 338. Chuyện biệt tài bắn súng hai tay như một của cụm trưởng tình báo H.63 sau này cũng bắt đầu từ đây.

df
Vị chỉ huy tình báo bắn súng 2 tay như một.
Khi ở miền Bắc, trong tâm trí người sĩ quan miền Nam Trần Văn Quang đã phán đoán đến ngày trở về. Sẽ lại vào thành hoạt động, sẽ được hoạt động đúng như khát khao của anh, nhưng mới chỉ được thể hiện ngắn ngủi trong thời gian ở quân báo Bà Rịa. Quang bắt đầu tập đủ thứ. Tất nhiên anh biết, những thứ anh học sẽ có lợi cho nghề tình báo sau này.

Trung đội trưởng Quang có nhiều tài vặt, lại ham học nên anh biết nhiều thứ. Tận dụng xe của đơn vị, ngày nghỉ Quang tập lái. Đủ các loại địa hình, các tình huống. Lương hồi đó được 80 đồng, anh dành dụm gần 3 tháng để mua máy chụp hình. Có máy, anh lại lọ mọ tập rửa phim, bọc phim, in ảnh. Bất cứ lúc nào có thời gian rỗi, Quang lại dành cho việc tập xe, chụp ảnh.

Nổi nhất trong những tài của Trần Văn Quang là bắn súng bằng hai tay và có độ chính xác cao.

Trước khi ra Bắc tập kết, Quang ít được tiếp xúc với súng đạn. Những năm ở miền Bắc, anh được đơn vị huấn luyện nhiều về khoa mục bắn súng. Chiều nào trong đơn vị cũng có 10 phút ngắm súng bắt buộc. Ban đầu tập bắn, anh bắn rất tệ. Không nản, Quang chuyên cần tập. Đơn vị đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), cứ ngày nghỉ mấy anh em thích súng lại rủ nhau vào núi tập bắn.

Chẳng bao lâu, Quang trở thành xạ thủ của Sư đoàn 338. Đã thành xạ thủ khi bắn tay phải, Quang tiếp tục học bắn tay trái và cách ngắm bắn. Anh tập bắn không nheo mắt ngắm, mà mở cả 2 mắt. Anh giải thích với cấp dưới: nếu bắn liên tục, nheo mắt sẽ rất mệt, tinh thần sẽ không vững.

Tay phải đã thành thục, anh tập cả tay trái. Lý do bắn súng cả hai tay anh đưa ra rất đơn giản: Khi trở vào Nam hoạt động, rủi có bị địch bắn cụt một tay thì vẫn còn bắn được bằng tay kia, không đời nào chịu thua! Năm 1956, với cương vị Trung đội trưởng Đại đội thông tin, Trần Văn Quang được phân công trực tiếp huấn luyện cho đại đội về môn bắn súng.

Bắn tay phải luôn đứng nhất, nhì sư đoàn, anh liên tục được cử đi thi hội bắn quân khu Tả Ngạn, xạ thủ toàn quân. Ở những cuộc thi này, Trần Văn Quang chỉ thua 3 kiện tướng thời bấy giờ ở miền Bắc. Anh toàn chiếm hạng tư. Nhưng khi Quang gạ bắn bằng tay trái, mấy kiện tướng đều từ chối. Biệt tài bắn súng hai tay bách phát bách trúng của Trần Văn Quang đã nổi tiếng toàn quân.

Bắn súng giỏi 2 tay, nhưng rất ít khi sử dụng biệt tài này. Hơn 30 năm sau, ngồi giữa Sài Gòn, Đại tá Nguyễn Văn Tàu thổ lộ: ngày đó khi đi trong thành, ông không bao giờ mang theo súng. Bởi, nếu mang súng theo người sẽ dễ sinh tâm lý hoảng sợ, bỏ chạy khi bất ngờ bị xét hỏi hay nghi ngờ. Trong số ít những lần mang theo súng (Tết Mậu Thân 1968), ông đều dành sẵn một viên đạn rời trong túi áo. Viên đạn dành riêng cho bản thân chỉ có duy nhất một cơ hội: sử dụng khi vào bước đường cùng, để bảo đảm an toàn và bí mật cho điệp viên, cho cụm.

Trong thời gian tập kết ngoài Bắc, những tài vặt của Trung đội trưởng Trần Văn Quang được phát huy tối đa. Những tài vặt này đều chuẩn bị cho nghề tình báo. Ngoài lái xe, bắn súng hai tay, chụp ảnh, nói tiếng Pháp... Quang còn luyện khả năng viết văn.

Anh thấy các nhà văn Phùng Quán, Trần Dần viết nhiều bài hay. Trong khi đó, thời gian mình hoạt động trong Nam trước khi đi tập kết có quá nhiều chuyện hay, có thể viết được. Cứ đêm đêm, anh không bỏ sót một chương trình văn nghệ quân đội nào trên radio. Quang lọ mọ học cách viết của những người đi trước. Rồi Quang viết thật. Bài đầu tiên có tựa đề "Vượt sông Soài Rạp". Câu chuyện kể về một lần đơn vị của Quang từ căn cứ Rừng Sác vượt sông vào thành phố bị tàu địch bắn, anh em phải lật xuồng để thoát chết và bảo vệ thông tin. Câu chuyện này đã luôn ám ảnh Trần Văn Quang.

Khi viết xong, Quang gọi anh em trong đại đội lên. Anh bảo: "Bữa nay tao viết được bài này, tụi bay nghe xem". Anh hăm hở đọc. Đọc được một lát ngó xuống, thấy anh em về sạch, chỉ còn 2, 3 người thân nhất... cố ngồi "chịu đựng"! Lần đầu không đạt, Quang sửa lại, viết ngắn và cô đọng, súc tích hơn. Lại gọi anh em đến nghe. Nể trung đội trưởng, anh em lại ngồi nghe nhưng vẫn về... rải rác. Không nản chí, anh lại sửa thêm lần nữa, rút từ 4, 5 trang xuống còn 2 trang.

Anh em đại đội lại đến nghe. Quang đọc xong, nhìn xuống thấy mọi người vẫn... trật tự ngồi nghe. Lần này là những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Sau đó, Quang gửi bài đó ra báo Thống Nhất tham dự cuộc thi những chuyện sâu sắc nhất thời kháng chiến. Thật bất ngờ, tác phẩm của anh đoạt giải khuyến khích và được nhuận bút 7 đồng.

"Nhiệm vụ đầu tiên"- giả mà thật

Năm 1961, cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết rục rịch chuẩn bị về lại chiến trường. Tâm hồn Trần Văn Quang vui như gió lộng. Sắp được về lại quê hương, được cầm súng chiến đấu, được gặp lại vợ con. 

d
Nhưng đang chuẩn bị tinh thần về lại Nam thì Quang nhận được lệnh ở lại dự lớp đào tạo thêm về sĩ quan tình báo. Trong 6 tháng, anh được đào tạo thuần thục về võ nghệ, lái xe, đọc những cuốn sách về nghề tình báo, xử lý các tình huống.

Kết thúc khóa học, anh được chọn là "học sinh giỏi". Nhưng bài tốt nghiệp thực sự như một nhiệm vụ thực tế đầu tiên của nghề tình báo anh phải hoàn thành. 5 người công an được ví như "mật thám" theo sát Quang. Anh nhận chỉ thị phải hoàn thành việc đưa thư trong 3 tiếng đồng hồ. Phải vượt qua các "chướng ngại vật" di động và cố định. Đến lúc trao thư, không còn sót cái đuôi nào, không bị dàn "mật thám" phát hiện ra.

Theo quy định, 2h chiều, Quang xuất hiện trước cột cờ Ba Đình, nhận thư, đúng 5h phải đưa thư về hộp thư ở cầu Long Biên. Nếu quá 5h không có thư là thua, là không hoàn thành tốt nghiệp. Trước khi "cuộc chơi" bắt đầu, Quang đã âm thầm đi nghiên cứu địa bàn trước như đang hoạt động thật sự trong lòng địch.

Hôm bắt đầu nhận "nhiệm vụ", anh xuất hiện tại cột cờ với những ám hiệu theo quy định để "mật thám" nhận ra mình. "Quân thù" biết anh, còn anh không biết ai theo dõi mình. "Cuộc chơi" bắt đầu lúc 2h chiều. Anh nhận thư và leo lên xe đạp lòng vòng trong phố. Đang chạy, Quang giả vờ rơi 1 đồ vật xuống đất và cúi xuống lấy, đồng thời ngoái lại quan sát "đuôi".

Anh phát hiện ra hai "thằng" theo mình. Thêm vài lần quan sát nữa, Quang nhận diện trong đầu có đúng 5 "thằng" theo mình. Anh suy tính sẽ cắt đuôi từng "thằng" một. Nếu tới 5h mà vẫn còn người theo thì mình thua. Quan trọng nhất là phải phát hiện đúng đối tượng. Nếu không, ai cũng có thể bị xem là "mật thám" hết. Quang đưa ra nhiều phương án cắt đuôi. Gửi xe đạp, nhảy lên tàu điện, rồi lại chuyển sang xe đạp...

Nút cuối cùng, khó nhất là nút Khâm Thiên vẫn có 2 "mật thám" theo sát. Thời gian đến giờ trao thư không còn nhiều.

May hôm trước đi nghiên cứu địa bàn, anh đã làm quen với một người dân tại một con ngõ trên phố Khâm Thiên. Anh giới thiệu mình người miền Nam, đang đi kiếm việc làm. Cách làm quen tự nhiên đã giúp anh. Quang ghé vào nhà người quen này, vẫn không biết cách gì để cắt đuôi 2 "mật thám" cuối cùng. Có mỗi lối ra vào độc đạo trong ngõ,  2 "mật thám" luôn ngồi trực sẵn ở đó. Nhìn thấy trong nhà có bộ đồ công nhân, Trần Văn Quang mỉm cười nghĩ kế.

Anh bỏ xe đạp ở lại, mượn bộ đồ công nhân và xuống bếp lấy nhọ nồi quét lên mặt cho nhem nhuốc. Lúc này, anh đã biến hóa thành một người dân lao động.

Mấy hôm trước đến chơi nhà người quen này, Quang đã để ý thấy cứ bằng giờ này có một xe than hay đẩy qua ngõ. Anh chờ đúng lúc xe than đi qua, giả vờ như thấy nặng quá, cũng là dân lao động với nhau, đẩy giúp một tay. Khi xe than đi qua, vẫn thấy 2 "mật thám" ngồi nhìn vào trong ngôi nhà người quen. Ra khỏi ngõ, anh gọi một chiếc xích lô chạy đến điểm đưa thư. Nhiệm vụ được hoàn thành một cách xuất sắc.

Với Trần Văn Quang, ngày về miền Nam không còn xa. Nhiệm vụ trước mắt cũng đã rất gần... Anh nhận lệnh vượt Trường Sơn, trở về căn cứ R trên rừng biên giới Tây Ninh. Một thời kỳ hoạt động cam go, nguy hiểm đang chờ đợi. Tình hình chiến trường miền Nam những năm 60 ngày càng căng thẳng. "Học sinh xuất sắc" của khóa tình báo ngắn hạn và đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ điệp viên, xây dựng lưới H.63 an toàn như thế nào?

  • Thế Vinh - Hà Trường - Việt Hà

    Ý kiến của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,