221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1299062
Tâm sự của một bác sĩ chỉ sống bằng... lương
0
Article
null
Tâm sự của một bác sĩ chỉ sống bằng... lương
,

 – Sau khi khởi đăng bài viết “Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá”, VietNamNet đã nhận được hàng trăm phản hồi của bạn đọc cả nước, trong đó có không ít độc giả cũng là người làm trong ngành y.

 

>> Choáng với bảng lương của bác sỹ, y tá

 

Một vấn đề nổi cộm từ các ý kiến phản hồi là thu nhập bác sỹ tỉnh lẻ quá thấp. Bức tranh ảm đạm này đối lập hoàn toàn với bức tranh “rực rỡ” từ những người làm tại các bệnh viện trung ương ở các thành phố lớn.

 

Các ý kiến gửi về chứa đựng những băn khoăn, trăn trở, những dấu chấm hỏi về một chế độ đãi ngộ luôn được xác định là “đặc biệt” đối với cán bộ ngành y. VietNamNet xin trích đăng bài viết của bác sỹ Huỳnh Quốc Hiếu (Quảng Nam) để có thể phác họa một bức tranh đầy đủ, toàn diện và nhiều màu sắc về thu nhập của cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện nay.

 

Vật vã thi đậu y khoa

 

Cụ Cố ngoại tôi là một thầy thuốc Nam nổi tiếng ở Phủ Thăng Bình. Truyền thống nghề thuốc luôn làm cho mẹ tôi mong muốn sẽ có một đứa con nối nghiệp cha ông. Anh tôi thi đậu y khoa nhưng không được đi học. Nhà quá khó nghèo, các anh chị nghỉ học sớm, chỉ còn mình tôi được ba mẹ “đầu tư nhiều hơn” cho việc học với khát vọng nối nghiệp cha ông…

 

“Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm cho qua” là câu cửa miệng của tất cả các học trò trung học thời đó. Cô giáo chủ nhiệm luôn nhắc tới hình ảnh các học trò giỏi của cô mà bây giờ đã là Bác sĩ đang làm việc tại BV tỉnh sát bên trường.

 

Mô tả ảnh.
"Tôi luôn khao khát mình thi đậu vào ngành y để trở thành Bác sĩ..." (Ảnh chỉ có tính minh họa, Nguồn ảnh: Internet)

 

Năm đó trường tôi đỗ y khoa chỉ có một người. Không nói chắc các bạn cũng đoán được tôi sẽ như thế nào. Tôi như điên lên được, viết bao nhiêu là nhật ký, trong đó toàn là tâm sự. Nhà nghèo, ba mẹ tôi gần như đã hết khả năng chu cấp để ôn thi tiếp, thế là tôi đi là phụ hồ, đi bỏ bánh mì..

 

Năm sau chỉ có hai thằng đậu, nhưng không có tôi. Lần thi thứ ba, tôi lại khăn gói quả mướp lên đường ra cố đô. Lại công toi…

 

Thấy tôi ủ rủ, ba mẹ vay tiền cho tôi đến thọ giáo các thầy ở ngay tại cố đô mấy tháng trước khi thi, thế là tôi lại lên đường học “Y thôn”. Năm đó tôi thi thêm trường Nha Sài Gòn, may mắn sao tôi lại được cả 2 trường. Sau này khi vào trường, tôi mới biết là chỉ có khoảng 20% sinh viên y khoa trong lớp tôi là có thể thi đậu năm đầu, có vài anh chị trong lớp đã liên tục sáu bảy năm liền bền gan tu chí để có thể thi đậu vào y khoa.

 

Sau tôi khoảng 4 năm là một thời kỳ đầy thách thức với các trường Đại học Y, bởi vì số sinh viên tốt nghiệp ngày càng nhiều, trong khi đó chỉ tiêu biên chế của các bệnh viện là không có, hàng nghìn bác sĩ tân khoa đành phải làm việc không có lương tại các bệnh viện, có người chuyển sang làm nghề khác và cũng đành từ giã cái nghề mà một thời họ đầy đam mê và nhiệt huyết. Nhìn những viễn cảnh đó, nhiều học sinh giỏi đã nhạy bén chuyển hướng sang các ngành nghề khác hợp thời hơn, hứa hẹn có thu nhập cao hơn. Thời đại mới đã bắt đầu.

 

Thời cuộc và nghề y

 

Thời đại mới đã bắt đầu với sự phát triển kinh khủng của nền kinh tế thị trường. Việc làm ăn với nước ngoài ngày càng phát đạt. Mọi người đều đổ xô vào các lớp học Anh ngữ, Hoa văn, Nhật ngữ…, tất cả đều với cùng một chí hướng là vào làm việc ở các công ty liên doanh với nước ngoài.  Sinh viên học ngoại ngữ ra trường nếu không đi làm thì cũng dạy kèm ngoại ngữ với thu nhập cao.

 

Tội nghiệp mấy ông thầy thuốc tỉnh lẻ, công việc đã vốn vất vả, lương thì lại chẳng đủ chi tiêu cho cuộc sống vốn đã khốn khó. Trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội ngày càng tăng, các bác sỹ ra trường luôn luôn có việc làm ở các BV công hoặc tư nhân.

 

Bên cạnh đó thị trường thuốc tây ngày càng phát triển, các công ty dược tuyển các trình dược viên với mức lương cao ngất trời. Ai mà chẳng biết rằng học y không phải để đi bán thuốc, nhưng với sự lôi cuốn của đồng tiền, môi trường làm việc hấp dẫn đã khiến bao nhiêu bác sỹ từ bỏ cái nghiệp làm thuốc để khởi nghiệp bán thuốc. Khỏi phải nói, một số bác sỹ giàu lên nhanh chóng và cũng quên đi ước mơ xưa, cho nghề của mình đi vào quên lãng…

 

Công việc làm ở bệnh viện tỉnh lẻ không thể nói là ít, thế nhưng thu nhập quá thấp. Mặc khác, môi trường làm việc hoàn toàn không hấp dẫn. Tư tưởng thoát khỏi cuộc sống hiện tại bằng cách di cư vào miền đất hứa “Sài Gòn” luôn là chuyện thời sự của các đồng nghiệp.

 

Lúc này, hầu như ít ai nghĩ lại đến cái tinh thần vốn được xem là tôn chỉ cho sự nghiệp học y khoa của mình lúc trước: vì quê hương, vì đồng bào, vì mảnh đất mà mình đã được sinh ra. Thế rồi cũng có một số người dứt áo ra đi, cũng khá thành công trong kinh tế. Còn những người ở lại, phần lớn đã đứng tuổi, có gia đình cuộc sống ổn định, không muốn mạo hiểm phiêu lưu, một số khác cảm thấy không thích hợp với cuộc sống xô bồ nơi chốn phồn hoa đô thị.

 

Để ở lại, họ phải chấp nhận một cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn, và hi vọng chờ đợi một cái gì đó sẽ mới hơn, sáng sủa hơn. 

Thu nhập như “mây khói phù vân” 

Thi đỗ y khoa đã rất khó, thời gian học lại dài hơn các ngành nghề khác. Khi ra trường để được vào biên chế tại các bệnh viện thì phải chờ có đợt thi, số lượng tuyển có hạn, nhiều khi muốn được là “người của nhà nước” phải chấp nhận về các vùng sâu vùng xa.

 

Một câu châm ngôn xưa cho rằng “một thầy thuốc giỏi thì đằng sau sự thành công là cả một bãi tha ma”. Tuy hơi phóng đại nhưng câu châm ngôn này cũng phản ánh được sự đòi hỏi cao độ  của xã hội về sự cống hiến trí tuệ cao độ như người làm nghề thuốc.

 

Mô tả ảnh.
Bác sỹ ở vùng núi cao, khu vực khó khăn có thu nhập rất thấp (Ảnh minh họa từ Internet)

 

Nhưng thực tế là chúng tôi làm việc trong một bệnh viện công lập, lương thưởng quá thấp, tiền lương chính của bác sỹ may ra chỉ lo đủ cho “thằng nhóc con” ở nhà, một mức lương thấp chỉ bằng một bác xe ôm đứng đường trong những ngày đắt khách, bằng 1/10 của một bác sỹ làm ở một BV tư ở các thành phố lớn.

 

Chúng tôi một mặt phải cố gắng tồn tại với một chân lý “lương y như từ mẫu”, mặc khác phải lo cho một tiểu gia đình mà lương của 2 vợ chồng chỉ đủ tồn tại qua ngày. Số lượng các phòng mạch tư ăn nên làm ra trong tỉnh lị này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại tất cả đều chỉ trông chờ vào đồng lương để sống.

 

Mỗi năm vào dịp tết, tiền thưởng của BV chỉ được vài trăm nghìn, còn những ai bị sai phạm trong năm thì tiền thưởng cuối năm chỉ là “mây khói phù vân”.

 

Trong lúc đó, các ngành nghề khác thì tiền thưởng cao gấp mấy lần của BV chúng tôi. Chúng tôi bảo nhau rằng đừng có đem chuyện tiền thưởng tết mà nói, người ngoài nghe thì xấu hổ lắm. Chúng tôi biết rằng chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ và lương tâm của một thầy thuốc nhưng biết làm sao được khi mà áp lực cơm áo hàng ngày luôn là nỗi ám ảnh?

 

Lương bổng của nhân viên y tế là một vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn. Tất nhiên việc so sánh các vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ là rất khập khiễng, nhưng có một điều ai ai cũng phải công nhận là lương của bác sỹ ở Mỹ cao gấp hàng trăm nghìn lần so với bác sỹ ở Việt. Ngay cả trong hệ thống bậc lương tại Mỹ thì bác sỹ là một trong những nghề có thu nhập cao nhất.

 

Một điều có thể lý giải được là do giá trị sức lao động của nghề y được xã hội trọng dụng và đề cao tuyệt đối. Như vậy có phải chăng xã hội ta đã chưa nhìn nhận đúng thực chất giá trị của người thầy thuốc?

 

Ngoài việc họ phải là một thầy thuốc tốt “lương y như từ mẫu” thì họ cũng phải có một cuộc sống bình thường như bao người trong xã hội. Nói như vậy, không phải tôi biện hộ cho một số đồng nghiệp bị dư luận lên án và báo chí phê phán về y đức, nhưng mong rằng mọi người hãy hiểu giùm cho cái lý do mà sao họ đã đi lệch Y đạo.

 

Ở nơi tỉnh lẻ này, chúng tôi hầu như chỉ biết cống hiến, một số bạn bè của tôi đang chán nản. Cuộc sống hiện tại đã cuốn con người đi quá xa vào vòng xoáy kinh tế, mọi giá trị truyền thống bị đảo lộn, những lý tưởng cao đẹp và vinh quang đã bị mài mòn dần…

 

Không làm thêm lấy gì để sống?

 

Tôi cũng là bác sỹ, giảng dạy và làm lâm sàng tại bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên. Sau 27 năm công tác thu nhập của tôi sau khi trừ các khoản không còn tới 3 triệu. Không bao giờ nhận tiền bệnh nhân, không nhận tiền sinh viên, buộc tôi phải mở phòng khám tư nhân để lo tiền cho con ăn học và sinh hoạt. Nếu không đủ tầm để mở phòng khám tư, các bác sỹ khác vẫn phải sống và làm việc hết mình. Vậy lấy gì mà sống? Đầu vào ngành y điểm rất cao, khi ra trường đi làm lại hưởng đồng lương thấp đến nỗi chỉ 1,2 triệu mỗi tháng. Lương thấp như thế xảy ra tiêu cực là khó tránh khỏi. Tôi nghe thông tin nói là những người quản lý vốn cho nhà nước lương có tới 70-80triệu 1 tháng 1 cách công khai. Hãy nhìn các bác sỹ làm việc và xem đồng lương nhà nước giành cho họ mọi sự sẽ phần nào rõ hơn. (Bạn đọc bacsysam … @yahoo.com)

 

Cần xem lại cơ chế đãi ngộ đối với ngành y

 

Bác sỹ, y tá cũng là người lao động, làm việc cho Nhà nước, khi lương không đủ chi phí cho cuộc sống, họ sẽ tìm mọi cách để lúc đầu là có đủ chi phí cho cuộc sống, và sau đó là trượt theo nhu cầu kiếm tiền làm giàu.


Để giải quyết từ gốc nạn đút túi, ăn tiền cửa sau, ăn tiền dưới bàn đó, không chỉ của ngành y mà ở tất cả các ngành khác, nên chăng các cơ quan Nhà nước nên xem lại cơ chế tính thu nhập cho các lao động của mình.


Nên chăng các cơ quan Nhà nước cần học tập các Doanh nghiệp tư nhân trong cơ chế tuyển người, đánh giá người, trả lương thưởng cho cán bộ nhân viên? (Bạn đọc buihang@gmail.com)

 

Đau lòng với cách trả lương cho ngành y của Nhà nước

 

Tôi cảm thấy rằng xã hội đang bội bạc với ngành y đến mức thậm tệ. Không phải tôi muốn nói những điều này để làm lợi cho bất kì ai. Nhưng chúng ta cần phải công nhận điều đó. Muốn biết bởi vì sao thi chúng ta càng phải so sánh một cách công tâm rằng ngành y là một ngành nguy hiểm. Bởi vì họ mang trên mình mạng sống của bện nhân và của chính họ. Bởi vì chính họ la người tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh những thứ bệnh mà người bình thường khi nghe tới đã phải tránh xa vậy mà các bác sĩ các y tá lại lao vào, cũng không ít trường hợp họ bị người nhà bệnh nhân hành hung một cách dã man. Mặt khác ta phải hiểu được công sức của họ đã bỏ ra từ lúc học cho tới khi được hành nghề. Bao nhiêu đó không làm chúng ta thấy đau lòng với cách trả lương của nhà nước với họ hay sao? Tuy họ có làm thêm cho có thu nhập nhưng nói chính xác là họ đang bán thời gian của mình để kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Một ngày họ làm việc hơn 13 14 tiếng. Còn một thương nhân bình thường chì cần nửa ngày đã kiếm ra gấp mấy lần một tháng lương của bác sỹ. Hãy thức tĩnh y đức của họ bằng chính cách mà xã hội đang đối xử với họ (bạn đọc nguyenhuynh ….@yahoo.com.vn)

 

Không vơ đũa cả nắm

 

Làm viên chức ngành y, miệt mài học tập, nghiên cứu 6 năm chính quy, 3 năm nội trú. Ngành y lương thấp nhưng lại nhiều ràng buộc, kiếm được đồng tiền cũng không phải đơn giản, họ phải đấu tranh, phải tự đánh đổi sự nghiệp, gia đình của họ từng phút, từng giờ, chỉ ra y lệnh lệch một cái là đi tong bao năm miệt mài lao động cống hiến, ngành khác thì có khốn khổ thế không?


Hy vọng xã hội có một cái nhìn khác, thông cảm, thấu hiểu đối với những cán bộ y tế đang trăn trở trên con đường mưu sinh để cống hiến của mình. (bạn đọc bngoc_ns@yahoo.com.vn)

 

Những người công tác trong ngành Y tế các tỉnh miền núi, đặc biệt làm ở tuyến cơ sở khốn khổ vô cùng. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực, con cái rất thiệt thòi. Có lúc tôi nghĩ tại sao mình không đi ngành khác vừa nhàn vừa tĩnh tại khỏi bị dư luận búa rùi xung quanh. Ngành Nhi chúng tôi nghèo tất cả bệnh nhân đổ về bệnh viện tỉnh quá tải trong khi các bác sỹ trẻ không muốn về tỉnh công tác và càng không muốn làm Nhi.

 

Người ta nói có sức khoẻ là có tất cả. Vậy ai là người quan tâm đến những người làm công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân? Ai là người cố gắng tìm hiểu tận nguồn công việc của chúng tôi?. Đến áp lực công việc chúng tôi và cả gia đình chúng tôi phải gánh chịu. Đã có luật nào bảo vệ chúng tôi? Khi chúng tôi bị phơi nhiễm đã mấy ai được quan tâm? Bao nhiêu công sức học hành mà không ngành nào phải học nhiều như chúng tôi. Ưu đãi nghề cũng như phụ cấp trực của chúng tôi đã xứng đáng với công sức chúng tôi chưa? Có ai thông cảm với chúng tôi khi họ luôn đòi hỏi chúng tôi luôn phải thông cảm với diễn biến tâm lý (chủ yếu là tiêu cực) của những ngưòi bệnh? Còn cả chuỗi người nhà bệnh nhân, có lẽ điều này đáng sợ nhất. Tôi rất mong xã hội không chỉ nhìn nhận ngàng Y tế chúng tôi ở khía cạnh tiêu cực khi nói gì cũng phải nói đúng và cũng phải nhìn nhận ở khía cạnh tích cực để những người đã chót yêu thích nghề này khỏi cảm thấy tủi thân và bất mãn (bạn đọc thanhpq_tq@.vnn.nv)
  • Cẩm Quyên (Tổng hợp ý kiến bạn đọc) 
  • Bác sỹ Huỳnh Quốc Hiếu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,