,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
879860
Cô "dâu Tây" lo bảo tồn loài linh trưởng quý cho VN
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Cô 'dâu Tây' lo bảo tồn loài linh trưởng quý cho VN

Cập nhật lúc 20:22, Thứ Hai, 25/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Tôi không muốn bất cứ một loài sinh vật nào trên trái đất bị biến mất" - Nhà sinh vật người Đức, Thạc sĩ (Th.S) Bettina Martin nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ - "Các nhà sinh vật thì nhiều mà công việc thì ít, bất cứ nơi nào có việc là tôi sẽ tới". Đến nay, chị đã có 9 năm gắn bó với Dự án bảo tồn loài voọc mũi hếch còn gọi là linh trưởng ở Việt Nam.

Soạn: HA 992573 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Loài vọoc mũi hếch đặc hữu và quý hiếm chỉ có duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh Bettina Martin)

Năm 1997, lần đầu tiên đến với xứ sở nhiệt đới, đội chân của Bttina đã lặn lội khắp các nẻo đường của Khu bảo tồn Nà Hang - Tuyên Quang. Dáng người thon nhỏ, khuôn mặt xinh xắn, tính tình thẳng thắn, rất dễ nổi nóng nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, sự chân tình và nhiệt huyết của Bettina khiến cho bất cứ người nào gặp chị đều có cảm giác vừa tin tưởng, vừa trân trọng, vừa gần gũi, vừa e dè...

Sinh năm 1966, Bettina Martin lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu, bảo vệ sinh vật tại thành phố Solingen (Tây Đức). Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi có dịp theo cha và anh trai (đều là những nhà sinh vật) đến các vườn thú, chị thường tự ghi lại những thước phim về động vật hoang dã. Nhiệt huyết của người cha và anh trai truyền sang khiến chị quyết định lớn lên sẽ trở thành một nhà sinh vật để luôn được gần gũi, yêu thương và bảo vệ chúng.

Thân gái dặm trường...

Yêu thương loài vật, say mê với công việc của một nhà sinh vật học, chỉ mới nghe nói về một giống voọc mũi hếch cực kỳ quý hiếm, hiện chỉ còn sót lại một ít cá thể trong những cánh rừng vùng Tây Bắc Việt Nam, Bettina đã quyết định "thân gái dặm trường" lặn lội sang Việt Nam, làm chuyên gia quản lý Dự án Khu bảo tồn Nà Hang - Tuyên Quang - nơi có những con voọc mũi hếch đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trước khi đến Việt Nam, tất cả những gì chị biết về đất nước ở vùng Đông Nam Á xa xôi này là qua một số hình ảnh từ hồi còn chiến tranh. Chị và cả những người thân của chị, không thể hình dung được nơi đó lại có một cuộc sống xa lạ với nước Đức của chị đến như vậy.

Ấn tượng khi Bettina đặt chân đến Khu bảo tồn Nà Hang - Tuyên Quang là một khu rừng không có ranh giới và rất đỗi hoang sơ. Mặc dù trước đây, cũng có một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật đã đến đây làm công tác bảo tồn trong một thời gian ngắn, hoặc một số chuyên gia đến nghiên cứu về đa dạng sinh học, nhưng chưa ai dám ở lại làm Dự án và xây dựng Ban quản lý Khu bảo tồn như chị.

Soạn: HA 992577 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina những ngày đầu đi rừng định vị khu vực bảo tồn. (Ảnh Bettina Martin.)

Người dân nơi đây vẫn "vô tư" ngày ngày vào rừng lấy củi và săn bắt, buôn bán thú rừng mặc dù đã có các trạm canh gác của Hạt Kiểm lâm Tuyên Quang. Loài voọc mũi hếch có đời sống rất nhạy cảm, chúng rất sợ người. Thức ăn của chúng là lá cây và một số hoa quả. Thịt của chúng không ngon lắm nhưng những người dân ở đây vẫn thường bắt về thịt hay nấu cao để bán. Theo số liệu của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam thì loài voọc mũi hếch này hiện nay ở Nà Hang chỉ còn hơn 100 cá thể so với 130 cá thể khảo sát lúc ban đầu.

"Do bị săn bắn nhiều, từ ngày đến làm công tác bảo tồn ở Nà Hang, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con vọoc mũi hếch mỗi khi đi rừng", chị buồn rầu nói. Trước con mắt của một nhà sinh vật tình trạng này thực sự nghiêm trọng và đòi hỏi rất nhiều công lao trong buổi đầu xây dựng.

..."Tại sao cô Tây lại ở đây?"

Bằng số tiền ít ỏi lúc ban đầu do Chính phủ Singapore và một số tổ chức, cá nhân khác tài trợ cho dự án, Bettina khởi đầu bằng việc xây dựng Khu quản lý và thuê thêm người đi tuần rừng. Để tiết kiệm tiền cho dự án và mong muốn được trực tiếp trò chuyện với người dân bản địa, chỉ sau 15 ngày bắt tay vào công việc, Bettina không dùng tới phiên dịch nữa, chị tự mày mò học tiếng Việt.

Văn phòng làm việc, đồng thời là nơi ở của chị ở Nà Hang là một căn phòng nhỏ, cũ kỹ và ẩm thấp. Nhà không có trần, mái ngói thủng lỗ chỗ, mỗi lần trời mưa, chị lại phải tìm cách che chắn để đồ đạc và giấy tờ để không bị ướt. "Do khí hậu ẩm thấp, toàn bộ giấy tờ, tài liệu của tôi bị ẩm và cũ đi rất nhanh, đống giấy tờ này của tôi còn bị mọt, kiến làm tổ đục lỗ ở giữa nữa. Sau đó, tôi đã phải đóng một chiếc hộp bằng gỗ có mắc bóng điện bên trong để làm khô giấy tờ, phía trên đặt máy vi tính và camera chống ẩm. Lũ chuột cũng tha hồ mà ra vào thoải mái", Bettina kể.

Khi đó, chị được "ưu tiên" dành riêng cho một phòng vệ sinh 2m2 không mái che, không bóng đèn, không cả... nước nóng về mùa đông. Mỗi lần đi tắm chị thường phải xách theo một cây nến, một phích nước nóng và... một chiếc ghế để đặt quần áo.

Soạn: HA 992579 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina (mặc áo xanh bộ đội) mở lớp tuyên truyền ở Núi Ông cho bà con dân bản gần Khu bảo tồn Nà Hang - Tuyên Quang. Các em học sinh đứng ngoài tò mò không biết "cô Tây" làm gì trong lớp học của mình. (Ảnh Bettina Martin.)

Khó khăn là thế, nhưng mỗi ngày trôi qua, chị tìm thấy niềm vui công việc trong sự khắc nghiệt của hoàn cảnh và sự khác biệt về văn hoá. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, chị xuống bản học tiếng, học văn hóa và phong cách sống của người Việt. "Sau 15 ngày, các anh kiểm lâm quyết định để tôi đi gặp dân một mình, tuyên truyền cho họ biết rằng khu bảo tồn không phải là khu du lịch, là nơi khai thác lâm sản, mà là chốn dành cho tất cả động, thực vật hoang dã phát triển".

Chị thường xuyên đi bộ một mình từ Khu bảo tồn mất hơn một giờ xuống gặp bà con dân bản. Chị mở các lớp tuyên truyền "không săn bắt thú rừng, không vào rừng lấy củi, không sống phụ thuộc vào rừng nữa". Đa số người dân ở đây hưởng ứng với lời kêu gọi của chị. Trừ những người thợ săn. Họ thường trừng mắt nhìn chị mà không thèm nói một câu!

Với nhiều người Việt Nam, công việc của Bettina thật kỳ lạ, và họ không thể hiểu nổi tại sao "cô Tây" lại có mặt ở đây. "Thời gian đầu, Bettina sống và làm việc trong một điều kiện khá thiếu thốn, lại chưa thích nghi được với thời tiết Việt Nam nên chị ấy hay bị ốm. Không có người chăm sóc và giúp đỡ nhưng chị ấy đã nghị lực vượt qua tất cả và dần dần thích nghi được với cuộc sống". Chị Phạm Kiều Nga, một thợ may ở thị trấn Nà Hang, bạn của Bettina nói.

Những cú sốc văn hóa

Học tiếng Việt và dấn thân vào đời sống cùng những người dân bản địa để tìm hiểu văn hoá, Bettina hiểu biết nhiều hơn về đời sống của người Việt. Song, sự khác biệt về văn hoá cũng đã gây cho chị những cú sốc mà đến nay, mỗi lần nhớ lại, chị vẫn còn ngậm ngùi đau xót.

Ngày đó, hàng xóm nơi chị ở nuôi một con chó con rất đẹp. Hàng ngày, chị thường xuống chơi và mang thức ăn cho nó. Dần dà, chú chó trở thành người bạn thân thiết của chị. Một buổi sáng thức dậy, chị nghe tiếng chó cắn dữ dội. Chị xuống hỏi thì người hàng xóm nói họ đã đưa con chó đi suối. Hai ngày sau, họ mới nói cho Bettina biết con chó đã bị giết thịt. Tim chị như thắt lại, chị buồn bã trở về phòng và khóc... Khóc vì thương con chó và khóc vì bị nói dối. Từ đó chị cũng bị ấn tượng là người Việt thường ngại nói thẳng và nói thiếu tính chính xác trong mỗi sự việc.

Soạn: HA 992581 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina xuống bản tuyên truyền và tìm hiểu cuộc sống của người dân. (Ảnh Bettina Martin.)

Lần khác, ở một quán ăn ngay tại Hà Nội, chị "đặt hàng" một tô phở không có mì chính. Thế nhưng chị đã bị đau bụng dữ dội ngay sau khi ăn 30 phút vì ngộ độc mì chính. Chị đã không thể hiểu nổi...  và chị đã thẳng thắn gặp người quản lý nhà hàng để phản ánh. 

Trong khi người Đức thường chính xác từ việc nhỏ cho đến việc lớn thì những người Việt làm việc với chị đa phần lỗi hẹn. Có người đã hứa với chị "Sẽ làm việc này và ngày mai sẽ đến". Thế nhưng hôm sau, Bettina đã đợi mãi. Chị cần một bản báo cáo lúc 3 giờ thì 4 giờ nó mới đến tay chị và không hề theo đúng ý chị. Bettina thường không chịu đựng được và rất hay nổi cáu khi gặp những tình huống như thế.

Chị tâm sự với tôi điều mà chị không thể chấp nhận được khi mới đến là người Việt Nam luôn muốn làm 10 thứ trong một thứ. Đã xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên nhưng họ lại muốn phát triển du lịch, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa... Điều này trái ngược hoàn toàn với nước Đức. Chị Phạm Thị Hải, cán bộ Dự án Khu bảo tồn, đồng nghiệp của Bettina cho biết: "Bettina là người làm việc rất chính xác nên rất hay nóng tính. Mỗi khi có việc gì không vừa lòng là chị nói rất to, một lúc xong là thôi. Nhiều lúc cáu xong chị ấy lại xin lỗi".

Thế nhưng ai sống và làm việc cùng Bettina cũng thấy vui vì chị là người sống tình cảm, thân thiện. Sau những cú sốc đó, chị cũng hiểu thêm về văn hoá của người Việt và nhanh chóng thích nghi. Làm việc trong cơ quan người Việt vui vẻ hơn rất nhiều. Với người Việt, dù không thích một ai đó nhưng mỗi khi có việc đi cùng, mọi người luôn biết cách làm thế nào để hòa đồng, còn người Đức thì không bao giờ. Theo chị, người Việt biết kìm chế, còn người Đức  hay cãi nhau  hơn.

Hay một câu chuyện khác, trong những ngày đầu ở Na Hang, chị thường hay ra quán ăn cơm một mình. Những người trong quán ăn thấy vậy sang ngồi cùng chị cho vui mặc dù chị và họ bất đồng ngôn ngữ, không nói chuyện được với nhau.

Người biến Bettina thành cô "dâu Tây"!

"Tuấn Anh đã làm tôi thay đổi tất cả. Tuấn Anh đã mang đến cho tôi có một cuộc sống thực sự của người Việt Nam và làm cho tôi thêm yêu quý và gắn bó với Việt Nam nhiều hơn" - Mắt Bettina ngời hạnh phúc khi nói về người chồng trẻ của mình.

Soạn: HA 992585 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina hạnh phúc bên bức tranh chồng vẽ tặng sinh nhật chị trong phòng vẽ tranh tại ngôi nhà anh chị đang sống. (Ảnh Ngọc Huyền)

 Chị gặp hoạ sĩ Đỗ Tuấn Anh khi anh đang làm cho một công ty quảng cáo. Là đối tác, nhiều lần Hoạ sỹ Tuấn Anh đã chứng kiến Bettina nổi cáu với tác phong của những nhân viên làm việc cho dự án của mình. Qua tiếp xúc, Tuấn Anh hiểu rằng Bettina thường bị kích động là do sức khoẻ yếu, không thích nghi được với thời tiết Việt Nam và một phần rất dị ứng với phong cách làm việc của người Việt.

Dần dà, qua trò chuyện với anh, Bettina đã hiểu hơn về văn hoá Việt và cô dần dần thông cảm được với mọi người. "Đến bây giờ mọi việc rất đơn giản. Ai cô ấy cũng có thể nói chuyện được. Cô ấy đã nắm bắt được cách thức sống và ứng xử của người Việt, biết chấp nhận một nền văn hoá khác" - Hoạ sĩ Tuấn Anh tâm sự. Bettina thích mèo, tuy chồng không thích nhưng bằng tất cả tình yêu động vật, chị đã truyền sang anh được tình yêu đó. Giờ đây chúng đã trở thành những người bạn thân thiết của anh chị. 

Soạn: HA 992589 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina khoe với mẹ chị chơi được đàn nhị của Việt Nam mỗi lần về thăm nhà. (Ảnh Bettina Martin)

Mỗi ngày chị đều đi đi về về tuyến đường Hà Nội - Tam Đảo, không hề mệt mỏi mà rất hạnh phúc. Khi có thời gian rỗi chị lại học và tập chơi đàn nhị.

Ưu thế của người Việt: dễ thay đổi hành vi!

Có một lần các anh kiểm lâm mang về cho chị một con khỉ con bị gãy tay do dính bẫy. Chị bế nó đến bác sỹ thú y để chữa. Dọc đường đi chị gặp một người phụ nữ đi chợ dừng lại hỏi thăm và rất ngạc nhiên. Trước đó chị ta chỉ thấy người ta đem bán nó ngoài chợ để làm thịt chứ không ai chữa thương cho nó cả. Người phụ nữ đã cầm cánh tay đau của con khỉ giật mạnh. Bettina hoảng sợ thực sự. Chính ánh mắt đau đớn của chị khiến người phụ nữ dừng lại ngắm nhìn con khỉ, chị ta bắt đầu vuốt ve và hỏi han về nó.

Điều này thật trái với tính cách của người Đức, những ai yêu quý thiên nhiên là yêu quý mãi còn ai đã ghét thì sẽ ghét mãi, không thể nào làm họ thay đổi được. Từ đó chị cho rằng người dân Việt Nam sống gần gũi với thiên nhiên hơn. Họ dễ có sự quan tâm đối với động vật hoang dã nếu như được tuyên truyền tốt. Chị nói: "Tôi đã tập cho họ cách suy nghĩ, khu vực này để trồng ngô, khu vực kia để làm rẫy và khu bảo tồn thì họ không được xâm lấn. Có thể đầu tiên họ không hài lòng nhưng khi tôi tuyên truyền nhiều thì họ thấy đó là một điều quan trọng. Họ thấy tôi quý những con vật thì không có nghĩa là họ phải làm giống tôi nhưng ít nhất họ nhìn thấy một người nước ngoài hành xử hoàn toàn khác thì họ đã nghĩ lại - đó là điều tôi cảm thấy rất quý và hạnh phúc". Chị cho rằng: "Người Việt Nam rất hay tò mò, xem xét người khác nghĩ và làm gì? Tôi cảm thấy rất hay và đó là lý do có thể  thay đổi được suy nghĩ của họ".

Soạn: HA 992593 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina đang giới thiệu mô hình bếp củi tiết kiệm cho Dự án "Quản lý Vườn Quốc gia Tam đảo và vùng đệm" tại Tam Đảo. (Ảnh Ngọc Huyền)

Sau chín năm đi vào hoạt động, dự án của chị đã có ranh giới với hơn 20 nghìn ha khu rừng cấm, xây dựng được khu văn phòng Ban quản lý có 5 phòng làm việc khang trang. Đi đến đâu chị cũng tuyên truyền để người dân thấy được con voọc mũi hếch rất quý, nếu bắt một con là phải đi tù, từ đó họ không dám vào rừng săn bắt nữa.

 Một mình đi khắp bản làng, đến đâu, thấy động vật bị ốm chị đều giúp người dân chữa trị. Thấy các cháu bị còi xương, ốm yếu, chị mua thuốc tẩy giun cho các cháu. Gặp người dân bản bị ốm phải đi cấp cứu, chị đi cùng xuống tận bệnh viện để họ được chữa trị chu đáo hơn.

Chị khoe với tôi "Bây giờ khi xa khỏi bản người dân luôn nhớ về tôi là sự bảo vệ, yêu quý những con chó, con mèo và giúp họ tẩy giun cho những cháu nhỏ hơn là làm công tác bảo tồn con voọc mũi hếch". Rồi bao lớp sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN lên thực tập đều được chị hướng dẫn một cách chu đáo.

Soạn: HA 992591 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bettina đã làm thay đổi suy nghĩ của người Việt Nam bằng sự giản dị và đầy nhiệt huyết. (Ảnh Bettina Martin)

Kể từ năm 2003, khi mọi hoạt động ở Nà Hang đi vào nề nếp, chị lại nhận thêm công việc ở Dự án "Quản lý Vườn Quốc gia Tam đảo và vùng đệm". Giám đốc Vườn Quốc gia Tam đảo Đỗ Đình Tiến cho biết: " Có thể nói chị là người mở đầu rất tích cực trong việc tuyên truyền và vận động nhân dân tự bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của mình".

Chị đi đến đâu, nói gì thì  tất cả mọi người dân đều lắng nghe và suy nghĩ, họ không còn muốn sống phụ thuộc vào rừng nữa.

Mỗi lần gặp, trước khi chia tay, chị đều dặn tôi: "Không nên ăn thịt thú rừng. Người Việt Nam hãy tự tìm cách bảo tồn sinh học cho đất nước mình. Không nên để cho người nước ngoài giúp đỡ bởi họ cũng không thể làm được gì nhiều, và không phải ai cũng làm được như tôi".

  • Ngọc Huyền
     

,

Tin khác

Tin khác của 'Ký sự nhân vật'

,
,