Vợ, bồ và điện thoại di động...
(VietNamNet) - Sao mà chị ghét cái điện thoại di động của anh đến thế! Nhiều lúc chị chỉ muốn giấu biến nó đi hoặc tìm một cái cống nước gần nhất ném tọt nó xuống cho bõ tức… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ đi ghen với cái điện thoại di động nên chị lại thôi! Ngày sinh của chị - anh lúc quên lúc nhớ. Ngày mùng 8/3 - anh lúc nhớ lúc quên. Kính, mũ, áo mưa… mất liên tục vì đãng trí. Riêng chỉ có cái điện thoại di động thì tắm cũng nhớ mang theo, đi toilet cũng phải tha vào… chị chịu, không thể hiểu nổi!
Bao nhiêu rắc rối bắt nguồn từ... cái điện thoại |
1. Một hôm, đó là một hôm hiếm hoi mà mãi về sau này nghĩ lại chị vẫn không biết nên cảm ơn hay oán trách cái ông Tào Tháo nào đó đã đuổi khiến anh quăng cả điện thoại di động mà chạy hớt hải vào toilet đóng sầm cửa lại. Vô duyên cho cái điện thoại bỗng kêu ''choét choét''. Như một phản xạ tự nhiên, chị bấm vào những nút xinh xinh trên chiếc điện thoại một cách vô tư lự… Trước mắt chị, trời ơi, dòng chữ gì đây: ''Anh mệt à, sao không phone cho em? Em chờ mãi, nhớ anh lắm đấy!''. Chị đọc lại một lần nữa, rồi lại một lần nữa... Mặt chị nóng bừng. Tiện điện thoại của anh, chị bấm gọi luôn số máy vừa nhắn đến đó. Chuông chưa kịp đổ đến hồi thứ hai, đầu dây bên kia đã nhấc vội máy rồi ríu rít: ''Anh à, sao gọi muộn thế? Anh đang ở đâu đấy? Em đến đó ngồi chờ anh mãi mà chẳng thấy nên đang trên đường về nhà rồi. Em vừa nhắn tin, anh nhận được rồi phải không?''. Người run bắn, chị tắt vội máy. Đứng giữa nhà mình mà chị nôn nao như cảm giác say xe…
Đó là tình huống thường gặp nhất trong những câu chuyện liên quan đến… điện thoại di động. Tình huống này không bao giờ là dấu chấm hết, mà lại là điểm khởi đầu cho hàng loạt những phức tạp sau đó. Đứng trước tình huống này, một người vợ thiếu kinh nghiệm sẽ lập tức hét um vào máy điện thoại, đồng thời nhiếc móc chồng không tiếc lời, và đôi khi kết qủa là chiếc điện thoại ''không mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác'' (may thì cứu được cái sim)! Một người vợ yếu đuối sẽ không dám tỏ thái độ gì với chồng, nhưng lại tiếp tục ''điều tra'' theo kiểu trẻ con. Chị lén dùng máy của chồng, thay giọng chồng nhắn những tin ''dò hỏi'' hoặc ''thất thiệt'' vào máy đối phương. Một vài lần đầu, chị cũng nhận được hồi âm. Nhưng việc này sớm bại lộ vì nhiều lý do. Chẳng hạn, chị dùng sai font chữ mà chồng quen dùng; hoặc chị không ngắt câu theo kiểu của chồng; và chị không nắm được câu chuyện giữa họ đã đến giai đoạn nào. Hoặc đơn giản nhất vì cuối cùng chồng chị đã trả lời ''Không'' khi cô gái kia hỏi: ''Hôm qua anh nhắn tin gì cho em mà buồn cười thế, em không hiểu?''.
Được coi thành công hơn cả trong trường hợp này là người vợ tỏ ra bản lĩnh, cao thượng, sẵn sàng đối diện tình địch khi cần. Chờ chồng bước ra khỏi toilet, chị khẽ nói: ''Anh vừa có tin nhắn đấy!'' rồi thản nhiên như không có chuyện gì… Chị quay đi làm việc của chị nhưng các ''động thái'' vội vã chộp lấy cái điện thoại, luống cuống mở tin nhắn rồi chợt vã mồ hôi khi biết rằng tin nhắn đã được đọc... của anh đã không qua được mắt chị. Song, chị rất bình tĩnh và lúc này, người mất bình tĩnh là anh. Chị vui vẻ kể với anh những chuyện khác, rồi chị đi làm đẹp (chị hiểu rằng những lúc như vậy càng cần phải đẹp hơn bao giờ hết). Một vài ngày sau đó, khi đã bình tâm suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện, chờ lúc chồng đi vắng, chị dùng máy điện thoại cố định nhà mình (khẳng định rõ vai trò một bà chủ nhà) gọi tới máy di động của người phụ nữ kia. Vẫn một giọng bình thản, tự tin, chị mời cô ấy đi uống nước, nói chuyện một cách rất lịch sự, mặc dù chị đã dự tính trước: Khi đưa ra lời mời này, khả năng được nhận lời và khả năng bị dập máy, trả lời rằng nhầm máy tỉ lệ là 50/50. Chị đã đặt vấn đề, rồi thuyết phục một cách hết sức khéo léo. Thế rồi, khi đã ngồi cùng nhau trong quán cafe lãng mạn, ấm cúng, chị cởi mở kể cho cô ấy nghe hết chuyện nọ chuyện kia về cuộc sống của chị, về anh, để rồi ''lồng'' vào đó một ''đại ý'': Nếu cô là bạn anh, thì cũng là bạn chị, vậy có việc gì mời đến nhà chơi đàng hoàng, không cần đợi anh ở quán nào đâu???
2. Kể từ đó trở đi, hễ thấy cái điện thoại di động của anh là chị nhìn nó bằng ''những đôi mắt mang hình viên đạn''. Xưa, ca dao có câu: ''Ước gì anh hoá thành dưa, để cho em rửa nước mưa chậu đồng…''. Nay, nhiều khi chị thèm ghê gớm được anh chăm chút bằng một phần mười chăm chút cái điện thoại di động! Anh mở ra mở vào, anh lau chùi, anh bấm nút này nút nọ, anh ngắm nghía, anh không quên đêm nào cũng sạc đầy pin…
… Mặc dù, cũng có lúc cái điện thoại di động bị anh cư xử khá phũ phàng, nhất là những khi ở gần chị: nó rung rinh thoải mái mà anh ''lờ'' đi, chẳng thèm nghe. Chị nhắc: ''Anh nghe máy đi kìa!'' thì anh miễn cưỡng bật lên và không ngần ngại gọi luôn đối phương là ''bác'', là ''đồng chí''. Có lúc chị nghe rõ tiếng đầu dây bên kia léo nhéo một giọng nữ: ''Em đây!'' mà anh vẫn thao thao bất tuyệt: ''Tao biết rồi! Tao đây mà! Lúc khác gọi lại cho tao!''. Chị tự an ủi: Nghe được là tốt rồi đấy, nhiều lúc ngồi gần mình còn mất sóng luôn cơ, phải ra ngoài mới nghe được!!!
Trong muôn vàn chuyện cười ra nước mắt xung quanh cái ''mobile phone'', có câu chuyện một người chồng bị oan uổng thực sự. Anh tên là Tuấn. Tuấn hiền hơn đất, là điển hình còn sót lại của việc học nhiều tới mức ''đầu to mắt cận''. Ngại đi chơi, mỗi khi đến công đoạn karaoke hoặc những công đoạn tương tự là mặt Tuấn đỏ ửng, anh bẽn lẽn xin được về nhà với… vợ! Thế mà có một lần, cả gia đình anh đang quây quần thì một tin nhắn từ trên trời bỗng rơi xuống điện thoại di động của anh: ''Anh Tuấn ơi, anh có bận lắm không? Em hiểu là công việc của anh rất căng thẳng. Lúc nào rỗi rãi nhắn cho em rồi đi uống nước thư giãn nhé!''. Tuấn không giấu vợ tin nhắn này. Nhưng, sự thật thà của anh không cứu vãn nổi sự đuối lý trong anh. Chuỗi ngày tiếp đó với gia đình anh thật là địa ngục! Số máy lạ lùng kia thỉnh thoảng lại gửi những tin đầy tình cảm đến đích danh anh, bất kể đêm hay ngày.
Bức xúc, Tuấn đem chuyện tâm sự với mấy cậu bạn ''nối khố''. Quá hiểu anh, các bạn trai anh cân nhắc kỹ tình hình và quyết vào cuộc giúp anh. Một cậu dùng số máy của mình nhắn tới ''bắt nọn'' số máy tai quái kia: ''Chào em! Dạo này công việc ra sao? Em vẫn làm ở chỗ ấy chứ, anh rất muốn gặp em mà không biết tìm ở đâu?''. Số máy kia nhắn lại không chần chừ: ''Em chuyển sang làm ở quán karaoke Chiều Tím rồi, số…phố…''. Cậu bạn lại tiếp: ''Bây giờ anh đến ngay nhé! Em ra cửa đón anh. Mặc áo gì để anh còn biết vì lâu ngày quá rồi sợ không nhận ra''. Hồi âm chỉ sau một phút: ''Em mặc áo hồng có trái tim đỏ ở ngực''.
Chỉ đợi có thế, hai cậu bạn rong ruổi lên đường. Kia rồi, một cô gái béo lùn, người vuông chành chạnh với qủa tim đỏ ối trên nền áo hồng đứng tạo dáng trước quán karaoke. Hai cậu rà xe tới. Một cậu nhảy xuống áp sát cô nàng: ''Điện thoại di động đâu? Tôi đề nghị cô xoá ngay số máy của anh Tuấn mà cô hay nhắn tin và từ nay cấm không được nhắn linh tinh vào máy anh ấy nữa. Tại sao cô lại biết Tuấn?''. Quá bất ngờ, cô nàng lập cập nói: ''Dạ, dạ, em xoá ngay ạ! Dạ, em biết là vì… là vì… em đọc trên báo ạ! Anh Tuấn có đăng tin mời các bạn cùng khoá về dự họp lớp, ghi là: Mọi chi tiết xin liên hệ Thạc sĩ Hồ Anh Tuấn, số di động 09… Em ế khách quá nên ngồi nhắn hú hoạ ạ. Được thì được mà không được thì thôi ạ! Dạ, em hứa từ bây giờ chỉ nhắn cho người khác, không nhắn cho anh Tuấn nữa ạ!''.
3. Thế là, chẳng biết từ bao giờ, điện thoại di động với nhiều người trở thành vật ''bỏ thì thương, vương thì tội''. Một điều chắc chắn, người ta không thể không dùng nó, nhưng nước mắt của chị em khóc vì điện thoại di động mỗi ngày vẫn chảy. Vẫn không thiếu những người vợ nhẫn nại chờ chồng, gọi vào máy di động thì ''tò te tí'' hoặc nghe tiếng chồng trả lời rất nhỏ và nghiêm nghị: ''Đang họp nhé! Đang họp nhé!''. Không phải các chị không biết, nếu trên đời này không có điện thoại di động thì sẽ có một công cụ khác, nhưng ít ra vào thời điểm này, đối với nhiều người vợ nó vẫn được nhìn nhận như ''quân nó'' chứ không phải ''quân mình'', như kẻ thù ''không đội trời chung''…
-
Hoàng Huy