Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quản lý vẫn lúng túng
03:34' 23/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thiếu cơ sở pháp lý để thanh tra xử lý các đơn vị vi phạm là ý kiến chung của nhiều nhà quản lý tại hội thảo chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), diễn ra vào ngày 22/5 tại TP.HCM.

Hội thảo này do Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam phối hợp báo Gia đình và Xã hội  tổ chức, thu hút sự tham dự của nhiều nhà  quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp chế biến sản xuất thực phẩm.

BS Nguyễn Đức An: Dù có phát hiện vi phạm thì vẫn thiếu các quy chế xử phạt, nên rất... lúng túng!

Thiếu cơ sở pháp lý để thanh tra xử lý các đơn vị vi phạm là ý kiến chung của nhiều nhà quản lý. BS Nguyễn Đức An, quyền chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Trong năm 2003, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 22 vụ ngộ độc, trong đó có đến 17 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 lượt người bị ngộ độc. Nguyên nhân chính là do sử dụng thực phẩm không đảm bảo VSATTP. Trước tình hình trên, Sở Y tế đã tăng cường công tác thanh tra VSATTP, có kế hoạch thanh tra đến 22 quận huyện và đã phạt vi phạm VSATTP với hơn 200 triệu đồng. "Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm lại thiếu các quy chế xử phạt, khiến cho việc xử phạt rất lúng túng." - BS An cho biết.

Theo ThS Trần Thị Kim Châu, Chi cục Bảo vệ Thú y TP.HCM, các kháng sinh tồn dư trên thịt tươi vẫn còn rất cao, từ khâu giết mổ gia súc đến khâu bảo quản, vận chuyển và phân phối kinh doanh cũng mỗi nơi làm mỗi kiểu. ThS Châu đề nghị Bộ Y tế cần có văn bản quy định cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật về việc xây dựng các cơ sở giết mổ chuyên dùng.

Đến nay, Pháp lệnh về VSATTP (có hiệu lực từ tháng 11/2003) là văn bản pháp lý cao nhất về quản lý  trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đã nửa năm trôi qua kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực nhưng vẫn chưa có  một nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh này. Việc thiếu các cơ sở pháp lý tiếp tục khiến cho các cơ quan quản lý lúng túng, không xác định rõ trách nhiệm.

TS Trần Đáng, phó cục trưởng Cục VSATTP cho biết ngay trong năm nay, Nhà nước sẽ ban hành nghị định để hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh VSATTP; song ông lại chưa xác định rõ thời điểm ban hành. Trả lời về một số bất cập hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP như chồng chéo trong quản lý, chưa có quy định rõ ràng đối với các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, quản lý người bán hàng rong...  TS Trần Đáng thừa nhận thực tế này song cho rằng "cần có thời gian để khắc phục, do hoàn cảnh lịch sử - xã hội để lại”.

Quản lý hóa chất bảo quản hoa quả cũng còn lắm bất cập, dù đã phát hiện việc dùng chất diệt cỏ trong việc này!

Trong khi đó, bức xúc trước nhu cầu của thị trường về các loại thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến trong sản xuất kinh doanh và chế biến thực phẩm. Công ty Sao Việt đã áp dụng hệ thống quản lý đồng bộ trong việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, từ khâu trồng trọt đến thu mua, chế biến và phân phối. Hiện Sao Việt có thể cung cấp rau sạch tận nhà cho khách hàng là người tiêu dùng ở TP.HCM. Nhờ thiết lập được hồ sơ bao gồm dữ liệu từ người trồng rau đến người bán nên công ty có thể dễ dàng truy lục hồ sơ để xác định rõ trách nhiệm trong việc cung cấp sản phẩm rau các loại cho khách hàng. Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Long Phụng đã mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn HACCP quản lý an toàn thực phẩm trong việc sản xuất các loại giò, chả, xúc xích, jambon để tiệu thụ ở thị trường trong nước... Tuy nhiên, theo các đơn vị này cũng như các nhà  tư vấn quản lý chất lượng, việc đầu tư thực hiện các mô hình nói trên là khá tốn kém, còn người tiêu dùng vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về hiệu quả của các mô hình này trong việc chọn lựa sản phẩm.

Một điều đáng ghi nhận là ngay tại hội thảo, tiếng nói của người tiêu dùng và các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng còn rất ít.

Thu Thảo

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thử phôi, giúp thụ tinh trong ống nghiệm dễ thành công (22/05/2004)
Người nghèo có thêm cơ hội điều trị bệnh gan (22/05/2004)
Sản phụ khoa: Không vội vã áp dụng kỹ thuật mới (22/05/2004)
Nguy cơ từ thuốc lá: Đừng để giật mình vì quá muộn! (22/05/2004)
Sẽ có Viện Ghép Giác mạc và Ngân hàng Mắt? (21/05/2004)
Bệnh nhân viêm phổi phục hồi nhanh hơn nhờ kẽm (21/05/2004)
Giảm cholesterol? Thử ăn... vỏ cam quýt (21/05/2004)
Khai mạc hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2004 (20/05/2004)
51 sáng kiến phòng chống HIV/AIDS vào chung kết (20/05/2004)
Thanh tra bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội (20/05/2004)
Ở góa, ly dị,... dễ thất bại trong điều trị lao (19/05/2004)
Kiểm tra "loạn sữa"? "Anh cả" chỉ tạm nằm im (19/05/2004)
Thiếu vi chất dinh dưỡng, làm giảm 0,6% GDP (19/05/2004)
ĐBSCL: Dựa vào cộng đồng, ngừa sốt xuất huyết (18/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang