Trở về nguồn cội
1. Năm 1972, rời Việt Nam trên một chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ, 20 năm sau từ Mỹ, Joy Mỹ Liên Degenhardt trở về đất mẹ trên một chiếc máy bay dân dụng Vietnam Airlines. Đây là món quà tốt nghiệp Đại học Hawaii của mẹ nuôi Dawn C.Degenhardt dành cho đứa con gái Việt. Bà luôn khuyến khích các con trở về quê cha đất tổ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen (phải) đến thăm Mỹ Liên tại TP.HCM năm 2000 |
Chưa thể thăm dấu tích thơ ấu của mình trong vịnh Cam Ranh, Mỹ Liên và mẹ được Bộ LĐ-TB-XH giới thiệu đến tỉnh Hòa Bình thăm trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật Thụy An. Bà Dawn nhớ lại: "Đó là cuộc sống không có gì cả. Một sự hiện hữu rất khó khăn". Liên ôm mặt: "Mẹ ơi! Con phải làm gì để giúp các em nhỏ này?". Cô khóc nức nở, tất cả mọi người cũng khóc, trừ bà Dawn. Bà biết rằng, nếu lúc ấy bà cũng khóc, cái trung tâm ấy sẽ biến thành trung tâm nước mắt. Bà hỏi Joy: "Mẹ từng biết cách giúp con, còn con sẽ giúp các em nhỏ ấy bằng cách nào?". Mỹ Liên nín bặt. Mở tròn đôi mắt, cô như thấy nhân dáng mình trong các em, một đứa bé mồ côi trong cô nhi viện Cam Ranh thuở nào.
Hồi ấy, thu mình trong bụng một chiếc máy bay quân sự, bay và quá cảnh mấy ngày đêm liền, Mỹ Liên mới đến Ohio, trở thành con nuôi nhà Edwin và Dawn C.Degenhardt. Giờ đây, cô không muốn điều đó lặp lại với các em nhỏ Thụy An. Joy muốn góp phần đổi thay số phận của chúng ngay ở Việt Nam. "Đó là motherland, đất mẹ!". Trở về Mỹ, Joy quyết định, không theo đuổi ngành kinh doanh quốc tế, bỏ luôn khoa tiếng Nhật ở Hawaii. Cô trở lại Việt Nam, tự học tiếng Việt và nhận lãnh trách nhiệm giám đốc của chương trình MAPS, tổ chức sắp xếp con nuôi trên toàn thế giới do bà Dawn sáng lập kiêm giám đốc điều hành. Mười ba năm qua, đôi bàn chân nhỏ bé của Mỹ Liên hầu như in dấu khắp nơi. Rất nhiều dự án nhân đạo, từ thiện dành cho phụ nữ lỡ lầm và trẻ mồ côi được cô tận tụy thực hiện tại Hòa Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh... với tổng ngân khoản 3 triệu USD, chưa kể nhiều dự án đang thực hiện vì trẻ em nghèo, người tàn tật.
2. "Trong thời chiến ở miền Nam Việt Nam, tất cả các điều kiện đều khắc nghiệt. Nhưng cũng có lúc xảy ra phép nhiệm mầu. Tôi còn nhớ, máy bay đến phi trường Ohio một đêm tháng 8.1972. Joy là đứa trẻ thứ nhì bước ra khỏi máy bay. Cô bé khá năng động, phản ứng nhanh và khi bị phật ý, lại đòi trở về Việt Nam! Trước đó chúng tôi được sơ Mary Liễu cho biết, Joy được gửi vào cô nhi viện lúc sơ sinh. Cả bố mẹ Joy đều đã chết vì chiến tranh. Rất sáng dạ, chỉ trong vòng một tháng, Joy hiểu được tất cả những gì chúng tôi muốn nói và bắt đầu nói được vài từ tiếng Anh. Rồi Joy đến trường, học trượt tuyết, múa ba-lê, đánh đàn dương cầm, bơi lội và trượt nước. Lên trung học, Joy ngồi thổi sáo ở ghế chính trong ban nhạc và là thủ quân của đội túc cầu vô địch tiểu bang. 18 tuổi, Joy vào đại học, 2 năm theo chuyên ngành về trẻ thơ ở Đại học Southern Maine. Sau đó, Joy chuyển sang Đại học Hawaii ở Honolulu. Joy cảm thấy cần gần hơn với "văn hóa Á Đông". Joy ra trường năm 1992 và sau chuyến thăm Việt Nam, một bước rẽ trong đời đã đến với Joy". Đó là hồi ức của bà Dawn C.Degenhardt trên một tạp chí Mỹ và ông Anthony Nguyễn ở Melbourne (Úc) giúp tôi lược dịch.
Lặng lẽ và khiêm nhường. Không ai biết năm 2000, khi tháp tùng Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen đã đến thăm Mỹ Liên với tư cách một láng giềng ở bang Maine. Không ai biết bên trong nhân dáng hoàn toàn Việt Nam của Mỹ Liên là cuộc giằng xé dữ dội. Sống ở Việt Nam đã 13 năm nhưng cô vẫn chưa thể dùng cơm. Đôi khi cô tự hỏi mình là người Việt hay người Mỹ? Cũng ít người biết vì sao cô gắn bó với Việt Nam đến vậy. Từng bay trên chiếc máy bay riêng của bố nuôi, từng tận hưởng những kỳ nghỉ trên chiếc du thuyền quen thuộc của đại gia đình Degenhardt ở tiểu bang Maine, từng quen với mức sống rất cao nhưng cô đã “trụ” lại giữa Hà Nội, Sài Gòn từ thời chưa có e-mail! Trên chiếc xe máy Trung Quốc, Mỹ Liên rong ruổi khắp nơi, học tiếng mẹ đẻ, phát hiện những cảnh đời bất hạnh, làm việc với các VIP ở các tỉnh, thành để triển khai dự án. Một lần ở Hội An, không thể cầm lòng trước một cô bé gầy đen, Mỹ Liên xin được nhận cháu làm con nuôi. Sau này, biết cô bé vẫn còn mẹ, Mỹ Liên liền gọi Hạ Thu - tên cô bé - từ Thụy Sĩ về thăm và chuyển trường về Việt Nam cho em gần mẹ nuôi, mẹ ruột. Một vòng quay mới của bà Dawn nhưng con nuôi của Mỹ Liên không phải vĩnh viễn mồ côi mẹ như cô. Đó là niềm an ủi tự thân của mình hay Mỹ Liên không muốn sau này Hạ Thu lại bưng mặt khóc khi đến thăm một trung tâm trẻ mồ côi nào đó như ở Thụy An?
3. "Về phần em, khi thực hiện dự án nâng cấp Bệnh viện Hải Châu tại Đà Nẵng, tình cờ em gặp một người mà sau này em thường gọi là bố L. Qua câu chuyện tìm mẹ của em, ông bảo em chính là con của ông. Theo ông, mẹ ruột của em quê ở miền Tây. Mẹ gặp bố em và hai người có con với nhau. Khi em vừa sinh ra, mẹ em bị bom Mỹ giết chết. Khi mẹ chết, em còn nằm bên xác mẹ. Sau đó, vì bận công việc của một thầu khoán xây dựng, ông gửi em vào cô nhi viện Cam Ranh. Và rồi do chiến tranh loạn lạc, ông mất liên lạc hẳn. Sau 1975, bố đã đưa hài cốt mẹ em về quê ông ở Duy Xuyên (Quảng Nam)... Đôi khi em tự hỏi đó có là sự thật? Xét nghiệm ADN không khó nhưng em sợ bố và cả em thất vọng. Việc đó có cần thiết không anh? Bố rất thương yêu em, em cũng yêu thương bố. Em dự định thời gian tới, em sẽ về thăm mộ của mẹ em". Mỹ Liên viết cho tôi và hỏi: "Anh thấy cuộc đời em đáng thương không?". Tôi không biết cách trả lời, chỉ biết rằng mỗi lần công tác tại Đà Nẵng, Mỹ Liên thường gặp người đàn ông mà cô tin đó là bố của mình. Mới đây nghe tin Mỹ Liên muốn chuyển trụ sở từ TP.HCM về Đà Nẵng, bố L. bảo sẽ tặng ngay cho căn nhà nhưng Mỹ Liên từ chối. Có lẽ, cô muốn giữ mãi những hình ảnh đẹp như cổ tích trong lòng "bố", lòng "con".
Với tôi, Mỹ Liên luôn là con người hành động. Mới nghe tin ở Sài Gòn, đã bay ra Hà Nội. Lúc Nha Trang, lúc Bến Tre. Khi Việt Nam, khi Campuchia, khi Bỉ. Hôm về thăm nhà ở Mỹ, Mỹ Liên a-lô cho tôi: "Em đang xây lối dành riêng cho người khuyết tật ở Hội An!". Đó là cái lớp học trên xe lăn bên sông Hoài mà Thanh Niên từng giới thiệu, nay Mỹ Liên đã đưa hầu hết vào trung tâm và phục vụ họ theo tiêu chuẩn cao mà tôi không hề biết. Chuẩn của Mỹ Liên là chuẩn quốc tế nhưng bên trong nó thấm đẫm tình cảm Việt Nam. Mỹ Liên đề nghị tôi xúc tiến đề án đưa khoảng 30 con nuôi triệu phú, tỉ phú Mỹ về Đà Nẵng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh 2006, theo đó cầu nối tốt nhất là Báo Thanh Niên và Trung ương Hội LHTN Việt Nam. "Các em ấy sẽ học tiếng Việt, dạy tiếng Anh và cùng làm công tác xã hội với thanh niên VN". Tôi nghĩ điều đó xuất phát từ nhu cầu tìm về nguồn cội, cũng là tự chữa lành vết thương chiến cuộc một thời. Bà mẹ nuôi Dawn nói với tôi: "Trong các nguồn con nuôi ở Mỹ, hầu hết con nuôi đến từ Việt Nam đều thành đạt. Chúng học giỏi, thương người và luôn muốn quay về quê hương. Thời kỳ Tổ chức MAPS tìm kiếm cha mẹ nuôi cho khoảng 4.000 trẻ mồ côi trên thế giới đã qua, nay đã đến lúc cần giúp chúng tìm kiếm cha mẹ ruột. Đã có rất, rất nhiều trường hợp như thế. Với nhiệm vụ mới ở Việt Nam, Mỹ Liên tin sẽ diễn ra một làn sóng đông đảo những đứa con nuôi gốc Việt từ nhiều quốc gia trở về tìm cha mẹ ruột và để được sống với quê hương".
Mỹ Liên, hiện thân của làn sóng con nuôi nặng tình quê xứ ấy, như một loài cá đi về phía biển, khi trưởng thành vẫn hằng năm ngược dòng về với những khe, suối tổ tông.
* * *
"New York, 4.12.2005
Chào Joy,
Em muốn gửi lá thư cám ơn từ đáy lòng về việc chị đã tổ chức chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên cho em. Nó đã trở thành một kỷ niệm khó quên. Em đã hoàn thành sứ mạng của cuộc hành trình 30 năm. Khoảng thời gian mà em từng nhìn nó trôi qua dưới đáy hồ bơi Hyaat. Em rất hãnh diện về những gì chị đã làm cho trẻ em trên thế giới. Mỗi ngày em sống ở đây với nửa dòng máu Việt Nam trong người nên em biết rõ cảm giác này. Em trông mong được tham gia với những gì em đóng góp được với Degenhardt Foundation" .
Thư của Heather Kim Degenhardt, Giám đốc nhân sự tập đoàn khách sạn Grand Hyaat, New York (Mỹ) vừa gửi cho Joy Mỹ Liên. Không giấu được niềm vui, Liên chuyêèn tiêæp cho tôi như một sự chia sẻ. Liên bảo Phan Thị Kim Thúy (tên khai sinh của Heather Kim) đã có mặt tại Đà Nẵng, tìm về Hải Châu nhưng vẫn chưa tìm ra người mẹ ruột. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục bởi dòng máu Việt luôn cuộn chảy trong huyết quản Kim.
"Kim học giỏi và bản lĩnh. Có quan hệ rộng trong chính giới Mỹ. Tấm hình Kim chụp chung với Tổng thống Bush trong dịp Kim đi cùng 1 trong 6 vị tướng của cảnh sát Mỹ. Kim là người giàu tình cảm và biết thương yêu mọi người", Mỹ Liên khá tự hào về Heather Kim, đứa em gái thuở nào từ cô nhi viện Đà Nẵng cùng đến Mỹ với cô trong năm 1972. Giờ đây Heather Kim phụ trách việc huấn luyện khoảng 500 nhân viên phục vụ của tập đoàn khách sạn 5 sao Hyaat của Mỹ tại New York. Cô mơ một ngày sẽ tận tay huấn luyện nghiệp vụ cho những thanh thiếu niên mồ côi trên khách sạn nổi mang tên Hyaat trên sông Hàn, Đà Nẵng.
-
Đặng Ngọc Khoa