221
861
Thời sự Quốc hội
thoisuquochoi
/thoisuquochoi/
151769
Doanh nghiệp đã 'được phá sản' theo luật
1
Article
null
Doanh nghiệp đã 'được phá sản' theo luật
,

(VietNamNet) - Lo lắng những DN đã "chết" mà không "chôn" được sẽ tiếp tục gây "ô nhiễm môi trường"... ngày 24/11, các đại biểu đặt khá nhiều hy vọng vào việc đưa ra một dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi - nhưng gần như mới tinh) sẽ giải quyết được thực tế này.

Vì sao "chết mà không được chôn"?

Như thông tin các ĐB trích dẫn trong buổi thảo luận về Luật Phá sản (sửa đổi) tại nghị trường hôm qua, trong gần 9 năm đưa Luật Phá sản vào cuộc sống chỉ thụ lý được 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản DN, trong đó chỉ tuyên bố được 46 DN phá sản. Các ĐB đều nhận xét, con số này là quá ít so với các nước và quá ít so với số DN đã "chết" mà chưa được "khai tử" còn lại.

Theo như ĐB Lê Văn Cuông, nguyên nhân là vì: "Chúng ta đã có quá thừa các tiêu chí để phá sản, song vẫn không thể giải thể hoặc tuyên bố các DN làm ăn thua lỗ kéo dài, gây thất thoát tiền của Nhà nước mà người lao động thì lâm vào tình cảnh sống dở chết dở. Nguyên nhân là Luật phá sản hiện hành chưa điều chỉnh hết các quan hệ phá sản!".

Còn với đánh giá của ĐB Lê Đức Thuý, lý do chỉ vì: "Chúng ta gần như không muốn xử lý hoặc không quen xử lý phá sản DN theo luật pháp, bởi khi xử lý các DN này sẽ đụng chạm đến vô số quyền lợi và trách nhiệm mà không người nào đủ dũng khí đứng  ra đảm nhiệm". 

ĐB Thuý chứng minh: "Cơ quan chủ quản lập ra DN mà phải tuyên bố đưa DN ra phá sản thường thì rất lo ảnh hưởng đến trách nhiệm của mình. Trách nhiệm thứ nhất là việc người ta sẽ đánh giá ông lập ra DN quản lý thế nào để làm ăn thua lỗ phá sản, thứ hai là lo ảnh hưởng đến chính trị xã hội trên địa bàn (ví dụ như công ăn việc làm của người lao động). Chưa kể đến lo sợ về lợi ích cá nhân của mình trong quản lý DN và địa phương sẽ bị ảnh hưởng hại thế nào sau khi DN phá sản".

Một loại lý do nữa, theo ĐB Lê Đức Thuý, mặc dù DN không được tuyên bố phá sản theo luật nhưng khi tham gia vào thị trường tự khắc nó sẽ bị phá sản bởi mối quan hệ chủ nợ với con nợ, DN với người có nghĩa vụ liên quan hoặc sẽ lẳng lặng tự động rút khỏi thương trường. "Tôi cũng ủng hộ với dự án luật này nhưng xin lưu ý phải có một sự chỉ đạo. Chúng ta đã chấp nhận một nền kinh tế thị trường có sự quản lý Nhà nước tức là chấp nhận có sự đào thải của thị trường. Sự đào thải đó phải diễn ra một cách trật tự, có sự kiểm soát theo luật lệ" - ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quan điểm của ĐB Nguyễn Đình Lộc có vẻ lại trái ngược: "Nhiều ý kiến "dồn" lỗi cho luật khi bàn đến vì sao doanh nghiệp "chết mà không chôn được". Còn tôi thì thấy thương luật vì nó bị oan!".

Ông khẳng định: "Các DN "chết không chôn được" không phải vì không có cơ sở pháp lý để tuyên bố phá sản mà vì nhiều lý do khác. Một lý do quan trọng là sự trốn tránh nghĩa vụ, ở đây không chỉ nói đến một cá nhân mà nhiều khi là cả một ngành trốn tránh, kìm không cho phá sản. Do vậy, lỗi không phải vì luật mà vì thực hiện luật thiếu nghiêm minh!".

Đừng ngồi nhìn DN "chết" dần

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc kể lại một câu chuyện thời ông còn đương chức: Khi làm việc với chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia đã rất ngạc nhiên khi tiếp cận với quan niệm mới nhất về phá sản mà VN đang thực hiện - đó là cơ chế phục hồi "sự sống" cho những DN đang gần "cửa tử".

Ông nói: "Các DN VN được hoạt động theo cơ chế "chị ngã em nâng" - tức là khi một DN gặp khó khăn về khả năng thanh toán thì không phải các chủ nợ sẽ tập trung lại để đòi mà cùng nhau tìm cách để phục hồi, nâng nó dậy để tiếp tục phát triển chứ không để DN chết non, chết yểu. Đây mới là một cái chết đúng mức của một DN, chứ nếu chỉ lăm le tuyên bố phá sản thì tôi cho đó là một hiện tượng không lành mạnh".

ĐB Lộc diễn giải thêm: "Những tiêu chí phá sản của dự luật đưa ra vẫn mênh manh, lỏng lẻo. Sự thua lỗ của DN có nhiều nguyên nhân. Nhiều DN kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên có khi năng suất cao nhưng giá cả thị trường thế giới đột ngột thay đổi thì DN đó dễ dàng lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán. Trong trường hợp đó nếu chúng ta buộc nó phải chết yểu thì sẽ lợi hay hại?".

Hưởng ứng quan điểm này, ĐB Lê Đình Trưởng cho rằng: "Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản do lãnh đạo yếu kém và sự trây lười thiếu ý thức của người lao động, nhưng ngay sau đó, nếu DN kịp thời đổi chủ DN, kỷ luật lao động được xiết chặt, công nghệ đổi mới sẽ vực dậy được... Thực tế sẽ có tình huống DN vẫn còn giải pháp khắc phục và thực chất chủ nợ và DN cũng chưa muốn phá sản. Do vậy, tôi đề nghị nhấn mạnh yếu tố hoà giải giữa chủ DN, người lao động và các chủ nợ trước khi thực hiện các trình tự phá sản".

ĐB Trương Thị Mai cũng tỏ ý tán đồng: "Dự luật cũng nghiêng về hướng phục hồi DN. Quan điểm phục hồi ở đây có nghĩa chỉ cần có những biểu hiện như không thanh toán nợ đến hạn thì có biện pháp can thiệp ngay, tạo điều kiện để DN nếu có cơ hội sẽ phục hồi DN của mình".

Tương tự, ĐB Võ Quốc Thắng đề xuất: "Đề nghị nên ưu tiên cho nhiều thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ DN đang ở tình trạng phá sản để có nhiều điều kiện để phục hồi, chứ không chỉ bó hẹp: ''chỉ có Nhà nước mới có tham gia hỗ trợ tài chính cho DN lâm vào tình trạng phá sản củng cố DN''.

Liên quan đến nội dung này, ĐB Trần Hữu Hậu (tỉnh Tây Ninh) đưa ra đánh giá: ''Dự thảo đề cập rất hời hợt đến những người mắc nợ và hầu như không có biện pháp nào trợ giúp cho doanh nghiệp trong việc đòi nợ. Ngay cả biện pháp phục hồi cũng không có!''. 

Ông Hậu khẳng định: ''Một trong nguyên nhân chính khiến DN lâm vào tình trạng phá sản là do không đòi được nợ, nhất là nợ ở các công trình xây dựng cơ bản, mà lỗi thì nằm ở cơ chế, chính sách và cách làm của cơ quan Nhà nước các cấp". Do đó ông đề nghị: Cần xem xét, bổ sung một số nội dung hoặc cả những điều khoản liên quan đến người mắc nợ vì chúng ta chỉ thêm vài chữ thôi nhưng sẽ giúp DN rất nhiều.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thuý lại tỏ ra cương quyết hơn: "Vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần làm ăn thua lỗ trì trệ đã bị cho giải thể - rút giấy phép hoạt động (tức là phá sản). Từ 53 Ngân hàng thương mại cổ phần nay giải thể chỉ còn 36, trong đó nhiều ngân hàng thực sự mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, sự việc này không hề gây tâm lý hoang mang cho người dân vì làm biến động gì về kinh tế, xã hội.  Ngân hàng Nhà nước đã phải giải quyết bằng cách bỏ tiền ra cho vay để thanh toán những khoản nợ của các ngân hàng bị giải thể rồi mới đóng cửa chúng. Tương tự, các tổ chức tín dụng nếu hoạt động kém lành mạnh, vi phạm pháp luật thì cũng phải phá sản, rút giấy phép hoạt động với điều kiện kiểm soát chặt chẽ để không đổ vỡ và giữ yên được lòng dân, giữ yên được ổn định kinh tế, xã hội...".

Không nên để người lao động tự nộp đơn phá sản DN

"Như vậy là không hợp lý và khó khả thi!" - ĐB Lê Đình Trưởng nhận xét. Quy định cho phép người lao động khi thấy DN, HTX không trả được lương cho người lao động và nhận thấy tình trạng DN có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản thì có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản DN đã gây ra nhiều tranh cãi trong hội trường.

ĐB Lê Đình Trưởng nói tiếp: "Nếu quy định như vậy sẽ dễ bị lợi dụng, hoặc dẫn tới tình trạng khiếu kiện tràn lan, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh nếu như thực tế DN chưa lâm vào tình trạng phá sản. Theo tôi, chỉ nên quy định đại diện người lao động hoặc tổ chức công đoàn có quyền yêu cầu mọi thủ tục phá sản đối với DN, HTX là đủ".

ĐB Võ Quốc Thắng cũng nhất trí: ''Nên quy định công đoàn là người đại diện cho người lao động nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, HTX phá sản vì làm sao cá nhân người lao động biết được DN, HTX đang lâm vào tình trạng phá sản? Nếu nơi chưa có công đoàn thì phải là đại diện cho tập thể người lao động''.

Bên cạnh đó, ông bảy tỏ lo ngại về những tiêu chí có nguy cơ phá sản mà dự luật đưa ra: "Thứ nhất, điều kiện thua lỗ, làm sao chủ nợ có thể chứng minh DN mắc nợ đang hoạt động kinh doanh thua lỗ. Thứ hai, điều kiện không trả các khoản nợ đến hạn quá chung chung.... Cứ chung chung thế này sẽ rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng gửi đơn, tung tin nói DN này là nợ tới hạn chưa thanh toán rồi đưa đơn yêu cầu phải phá sản để trả nợ khi thực sự nó không đến như vậy thì sao? Đề nghị Ban soạn thảo nên lấy thêm ý kiến các DN về điều này''.

Khai tử DN - lợi bất cập hại!?

Hơi "lạc" với những ý kiến trước, ĐB Nguyễn Hoàng Anh lại quan tâm đến khía cạnh: "Luật phá sản sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý hơn khi xử lý giải thể và tuyên bố phá sản, nhưng nếu thực hiện không khéo thì sẽ để các DN lợi dụng sự dễ dãi của luật để phá sản bừa bãi ngay cả khi DN chưa có đủ điều kiện thoả mãn yếu tố tuyên bố phá sản". ĐB Hoàng Anh cảnh báo về hiện tượng một số DN tư nhân muốn trốn thuế hoặc tránh phiền hà, phức tạp nên cứ để DN hoạt động 2,3 năm rồi lại giải thể, sau đó lại thành lập DN mới.

Một người "lo xa" nữa là ĐB Trần Hữu Hậu: ''Không phải không có những DN cố tình tạo phá sản, dùng thủ đoạn tinh vi tẩu tán để dành phần lợi về mình, đẩy thiệt hại cho người khác mà vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự''. Ông Hậu thắc mắc: "Liệu luật của chúng ta đã có có những quy định nào để ngăn chặn điều này chưa?''.

Hội trường còn sôi động với nhiều góp ý khác như: Phải cho người quản lý DN bị xem xét là phá sản một quyền nào đấy để tham gia vào trong hội đồng chủ nợ; Hội đồng phải họp, xem xét trước khi toà án đưa ra những phán quyết; thống nhất đưa HTX vào luật chứ không phải liên minh HTX (vì đây là một tổ chức hoạt động mang tính chất hiệp hội, không phải là một tổ chức kinh doanh)...

Như thường lệ, ĐB Nguyễn Đình Lộc lại làm Hội trường "nóng" lên với những ý kiến: "Phá sản DN là một lĩnh vực hết sức mới mẻ, có nhiều thuật ngữ mà chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ, trong khi điều khoản giải thích thuật ngữ của dự luật chỉ "bủn xỉn" với 4 điểm"; hay: "Chúng ta bỏ lời nói đầu đi khiến luật như thể bị mất đầu...".

ĐB Trần Hữu Hậu thì hâm nóng nghị trường bằng một kết luận đầy hình ảnh: Nhiều DN "chết" rồi mà không "chôn" được, do đó luật phải sửa đổi sao cho chôn cho được các DN này, không để gây ô nhiễm môi trường... Luật cũng phải sớm phát hiện DN bị "bệnh" hoặc "tai nạn có nguy cơ tử vong", từ đó phối hợp với các bên liên quan cùng DN tìm cách "trị bệnh". Nếu "bệnh" không hết, DN qua đời mà cơ thể vẫn còn xương và da thì chặt ra thành nhiều khúc chia cho các bên liên quan xài, còn toà án thì tuyên bố "khai tử''...

  • Lan Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,