,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
658188
Kỳ 2: Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ
1
Article
null
,
Có một quá khứ không nên quên

Kỳ 2: Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ

Cập nhật lúc 14:18, Thứ Sáu, 10/06/2005 (GMT+7)
,

Nhiều nhà sử học Việt Nam nhắc đến tên tuổi Bùi Viện cùng với cuộc viễn du của ông thực hiện sứ mạng của triều đình Việt Nam qua Mỹ để gây cuộc giao hiếu.

Bùi Viện (1844-1878) quê ở Trình Phố (thời đó thuộc tỉnh Nam Định, nay là xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình), đỗ tú tài năm Tự Đức thứ 17 (1864), 4 năm sau đỗ cử nhân. Sau khi tham gia vào việc trấn áp các cuộc nổi loạn ở ngoài Bắc, được người tiến cử, Bùi Viện theo các viên quan trong triều thực hiện nhiều sứ mạng khác nhau.

Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhỡn tiền, triều đình đã chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng của thực dân Pháp. Chính Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với Vua Tự Đức.

Từ cửa biển Thuận An ở Kinh đô Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (8/1873) và 2 tháng sau thì đến Hương Cảng lúc đó đã là nhượng địa của nước Anh và là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Chính tại đây Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Tàu nên 2 bên giao thiệp được. Được biết ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một nguời ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này.

Cuối cùng, Bùi Viện đã đi qua Hoành Tân (Nhật) để đáp tàu sang Mỹ, rồi lưu lại ở đó mất một năm vận động mới gặp được Tổng thống Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868-1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang đụng nhau trong trận chiến ở Mexico nên cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng hiềm nỗi, Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức... Vì vậy, ông lại phải lặn lội ngược về Việt Nam trở lại kinh thành Huế.

Có được thư uỷ nhiệm của vua Tự Đức, Bùi Viện lại khăn gói xuất dương một lần nữa. Năm 1875 ông lại có mặt tại Hoa Kỳ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ - Pháp hết thù địch nên Tổng thống U. Grant lại khước từ sự cam kết giúp Việt đánh Pháp. Thất vọng, Bùi Viện lại trở về nước, vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin thân mẫu từ trần nên về quê cư tang... Ít lâu sau, ông lại được vua vời vào triều đảm đương nhiều công việc. Hành trạng cũng như tư tưởng của Bùi Viện thường được ví và xếp chung vào lớp sĩ phu có tư tưởng canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ... (*)

Tuy nhiên, cho đến nay, một tiểu sử với hành trạng như vậy của Bùi Viện đều có chung một xuất xứ là cuốn sách viết về Bùi Viện của Phan Trần Chúc xuất bản vào cuối thập kỷ 40 đến 50 của thế kỷ XX, cũng là thời điểm nước Mỹ đang can thiệp vào Việt Nam để giúp thực dân Pháp nhưng cũng mưu đồ một âm mưu lâu dài ở khu vực này. Chưa thấy một bộ chính sử nào của triều Nguyễn hay những hồ sơ lưu trữ vốn rất phong phú của Hoa Kỳ đề cập tới.

Cuộc viễn du qua Mỹ của Bùi Viện, cho đến nay vẫn được nhiều nhà sử học Việt Nam đinh ninh trong các công trình của mình; nhưng trong giới học giả Hoa Kỳ thì không thấy nói đến hoặc có nhắc đến tên tuổi và hành trạng này thì đều chú rằng "theo các nhà sử học VN".

Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến một tên tuổi Việt Nam nữa còn được coi là người Việt Nam đến Hoa Kỳ sớm hơn cả Bùi Viện đến 4 thập kỷ (?). Đó là một nhân vật tên là Trần Trọng Khiêm, sinh năm 1821 tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Có cả một tiểu sử hoàn chỉnh về nhân vật này được công bố. (**)

Trần Trọng Khiêm không rõ vì lý do gì đã giết viên chánh tổng ở quê mình nên phải tìm nơi lánh nạn. Từ Phố Hiến (Hưng Yên) ông xuống làm tàu của một hãng người Trung Hoa. Năm 1843 (tức là 1 năm trước khi Bùi Viện ra đời) ông đã vượt đại dương từ Hương Cảng sang Hà Lan rồi sang Mỹ. Ở xứ sở này, không rõ ông làm những công việc gì nhưng thành danh với bút danh Lê Kim với những bài viết trên tờ "Daily Evening" (Nhật báo Buổi chiều) và một số tờ báo nhỏ ở California... Cho đến năm 1855, ông mới quay trở về nước nhà nhưng lại trở thành một nông gia ở vùng châu thổ Nam Bộ.

Yên ổn được 10 năm, năm 1864, lúc thực dân Pháp đã chiếm được mấy tỉnh Nam Bộ, Trần Trọng Khiêm nổi dậy chống Pháp ở vùng Đồng Tháp được gần 3 năm thì hy sinh (1866). Hiện còn ngôi mộ của ông với đôi câu đối phần nào nói về hành trạng đầy phiêu lưu và bí ẩn của nhân vật quê từ Đất Tổ các vua Hùng qua Mỹ rồi gửi nắm xuơng tại Nam Bộ nước Việt: "Hỡi ôi, lòng giời không tựa tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh / Mà chính khí nêu cao tinh thần Hùng - Nhị còn truyền hậu thế".

Hai nhân vật Trần Trọng Khiêm và Bùi Viện dù có một hành trạng rất hấp dẫn nhưng vẫn chưa thực thuyết phục khi để trả lời câu hỏi: Người Việt Nam nào qua Mỹ đầu tiên?

Điều chắc chắn là nhân vật Việt Nam sớm nhất có được những bằng chứng thuyết phục từng đến thăm rồi sống tại nước Mỹ lại chính là người sau đó đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi danh với sự nghiệp đánh Pháp - đuổi Mỹ... nhưng lại cũng là người gây dựng những tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân Pháp và Mỹ.

  • Dương Trung Quốc

Kỳ 1: Những tiếp xúc đầu tiên

Kỳ 3: Hồ Chí Minh và Hoa Kỳ
---------
(*) Theo Đinh Xuân Lâm, Phạm Thu Nga.
(**) Theo Mai Thanh Hải cung cấp.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,