,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
676482
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Mỹ
1
Article
null
,
Có một quá khứ không nên quên

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Mỹ

Cập nhật lúc 22:21, Thứ Năm, 30/06/2005 (GMT+7)
,

Đọc tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta dễ nhận ra một sự thực là dấu ấn nước Mỹ luôn xuất hiện trên những khúc quanh cuộc đời hay những bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của nhân vật hàng đầu của lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam, người đã góp phần "làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX" (như đánh giá của tờ "Time" 2000). Đây là bài thứ ba trong loạt bài "Có một quá khứ không nên quên".

Mùa hè 1911, rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành vượt biển qua nước Pháp với niềm khao khát tìm đến đất nước của lý tưởng "Tự do - Bình đẳng - Bác ái". Nhưng Nguyễn đã không lưu lại Pháp mà tiếp tục cuộc hành trình tới nhiều quốc gia trên thế giới vừa kiếm sống bằng nghề thuỷ thủ, vừa khảo sát thực tiễn trong thiên hạ hy vọng tìm ra phương cách để trở về cứu nước.

Có một quá khứ không nên quên


Thế hệ trẻ mới chỉ biết đến lịch sử bang giao Việt-Mỹ qua một cuộc chiến tranh khốc liệt mà quên rằng đã từng có những trang sử tốt đẹp trước đó...

Xem tiếp...>>

Nơi còn bằng chứng về sự cư trú của Nguyễn sớm nhất (trước khi sống ở Anh hay Pháp) chính là Hoa Kỳ. Hiện còn lưu giữ được một lá thư ký tên Nguyễn Tất Thành đề ngày 15/12/1912 gửi từ New York cho Khâm sứ Pháp ở Huế nhờ liên hệ với thân phụ của mình đang sinh sống ở trong nước.

Lần gặp nhà báo Mỹ David Dellinger (1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh có thuật lại rằng mình đã từng "đi ở" ở Brooklin với lương tháng 40USD, nhưng vẫn dùng thời gian rảnh rỗi để học tập và khảo sát quận nổi tiếng bởi các hoạt động nghệ thuật của thành phố New York này (Libération 10/1969).

Cho đến cuối năm 1913 mới có bằng chứng Nguyễn quay trở về châu Âu và trú ngụ tại nước Anh. Nhưng đến năm 1915 lại có những tài liệu xác nhận sự lưu trú của Nguyễn tại thành phố Boston của nước Mỹ. Khách sạn "Omni Parker House" nổi tiếng của thành phố này cho đến nay vẫn ghi nhận sự có mặt của người "phụ bếp An Nam" trẻ tuổi đã từng làm việc tại đây (1911-1913). Ngày 16/4/1915 lại có một bức thư của Nguyễn gửi về Việt Nam cho Toàn quyền Đông Dương, thông qua Toà lãnh sự Anh tại Sài Gòn vẫn nhờ tìm địa chỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Lần đầu tiên tên gọi "Nguyễn Ái Quốc" xuất hiện, thay mặt cho một nhóm người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp, ký dưới "Bản Yêu sách của nhân dân An Nam" (19/6/1919) gửi cho hoà hội Versailles, nơi các nước thắng trận trong Thế chiến I bàn việc phân chia lại thế giới. Đó cũng là hoạt động chính trị đầu tiên của Nguyễn khởi đầu cho một cái tên đi xuyên suốt hai thập kỷ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Bức thư ấy được viết nhân dịp Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ Woodrow Wilson đưa ra 14 nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia sau cuộc đại chiến. "Chủ nghĩa Wilson" mặc dầu sau này bị phên phá chỉ là cái "bánh vẽ" nhưng vào thời điểm năm 1919, nó từng là hy vọng của các dân tộc nhược tiểu. Chính bản Yêu sách ký tên Nguyễn ái Quốc đã được gửi trực tiếp cho Đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Wilson dẫn đầu sang Pháp, sau đó đã được viên thư ký của Tổng thống hồi âm một cách lịch thiệp.

Ít lâu sau sự kiện này, mật thám theo dõi Nguyễn Tất Thành, lúc này đã chính thức mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã phát hiện cuộc trả lời phỏng vấn của Nguyễn với một nhà báo Mỹ qua lời giới thiệu của những thanh niên Triều Tiên đang sống và hoạt động tại Pháp. Bài trả lời phỏng vấn này sau đó được đăng trên một tờ báo của Mỹ xuất bản bằng tiếng Hoa ở Thượng Hải (tờ Ye Chi pao - Nghệ chí báo) ngày 20/9/1919 có nhan đề là "Người đại diện An Nam: Nguyễn ái Quốc". Như vậy hoạt động chính trị đầu tiên mang tính cách cá nhân của Nguyễn Ái Quốc là một bài phỏng vấn trên một tờ báo Mỹ.

Trở thành một nhà hoạt động chính trị, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc bày tỏ quan điểm của mình đối với nước Mỹ là tham dự một cuộc mít tinh để phản đối bản án tử hình đối với 2 công nhân ở Mỹ vào cuối năm 1920, thời điểm Nguyễn đã đứng vào hàng ngũ cánh tả và chuẩn bị cho một quyết định quan trọng trong Đảng Xã hội Pháp.

4 năm sau, Nguyễn ái Quốc qua Liên Xô và đã lên tiếng trên một tờ báo của Quốc tế Cộng sản "Imprékor" (4/1924) lên án Mỹ tham gia liên minh đế quốc tấn công Liên bang Xô viết và trong "Bản án chế độ thực dân Pháp" (viết trong những năm 1925-1926), nhà cách mạng Việt Nam đã nhiều lần lên án chế độ bóc lột và tệ phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ...

Nhưng khi viết sách "Đường Kách mệnh" làm tài liệu huấn luyện cho lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của mình ở Quảng Châu (Trung Quốc) thì tác giả (với bí danh là Lý Thuỵ) đã viết về lịch sử Hoa Kỳ với những lời ca ngợi cuộc Cách mạng năm 1776 như một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kinh điển và lần đầu tiên đã dịch để giới thiệu Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Hoa Kỳ ra chữ quốc ngữ cho các học viên lớp đào tạo cách mạng của mình ở Quảng Châu, với lời mở đầu: "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng. Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi".

Kỳ 2: Người Việt Nam đầu tiên đến nước Mỹ

Nhiều nhà sử học VN nhắc đến tên tuổi Bùi Viện cùng với cuộc viễn du thực hiện sứ mạng của triều đình Việt Nam qua Mỹ để gây cuộc giao hiếu.

Xem tiếp...>>

Cũng trong thời gian ở Quảng Châu (1927), Lý Thuỵ đã liên lạc với Văn phòng Đảng Cộng sản Mỹ bên cạnh Quốc tế Cộng sản... 12 năm sau (1939), khi trở lại Trung Quốc, tại Văn phòng Bát Lộ Quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh, Nguyễn Ái Quốc gặp một nhà hoạt động chính trị Hoa Kỳ là Bác sĩ Franklin Lien Ho (gốc Hoa) vốn là Giáo sư Đại học Columbia, lúc này về làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ Trung Hoa dân quốc...

Lúc này Chiến tranh thế giới sắp bùng nổ, một cơ hội mới cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đang hình thành và nước Mỹ được đặt lên bàn cờ mưu luợc của nhà cách mạng Việt Nam, ít lâu sau đó mang tên Hồ Chí Minh.

Đó cũng là thời điểm mà nước Mỹ xa xôi từ bên kia Thái Bình Duơng bắt đầu quan tâm đến cái xứ sở mà như một định mệnh lịch sử, những cố gắng của cả hai bên đều không mang lại một kết quả nào cho sự thiết lập quan hệ giữa hai nhà nước, để rồi Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Còn nước Mỹ hùng mạnh nhưng chậm chân, mong tìm một thời cơ mới. Đó là lúc nước Pháp đã thua trận và bị phát xít Đức chiếm đóng ở chính quốc (6/1940) và ngày càng mất chủ quyền ở Đông Dương trước sức ép của Nhật Bản.

Ban đầu, Mỹ muốn mượn tay Nhật, nước đã từng đánh thắng Nga trong cuộc hải chiến tại eo biển Tushima (1905) và gạt bỏ ảnh hưởng của nhiều cường quốc Tây Âu để chiếm lĩnh Trung Hoa khổng lồ... để tiếp tục loại bỏ quyền lực thuộc địa của châu Âu khỏi châu Á, trong đó có nước Pháp ở Đông Dương. Từ 1908, Mỹ đã công nhận "những quyền lợi đặc biệt" (special interests) của Nhật ở châu Á (chiếm Đài Loan, Triều Tiên... rồi thành lập Mãn Châu quốc nhằm chia xẻ nước Trung Hoa...". Chủ nghĩa Monroe (nhằm cạnh tranh với các đế quốc ở Cựu lục địa) lúc này có cơ bành trướng sang khu vực Thái Bình Dương.

Chính viên tướng Claire Chelnault, người đại diện cho quân Đồng minh cũng là đại diện quyền lợi cho Mỹ ở chiến trường Thái Bình Dương, người mà sau này Hồ Chí Minh có nhiều quan hệ, đã từng công khai nói tới việc "Chính phủ Mỹ mong muốn thấy Pháp bị loại khỏi Đông Dương...". Do vậy, mặc dầu Mỹ đã thoả thuận và nhận tiền bán cho Pháp 120 máy bay để tăng cường phòng thủ Đông Dương, nhưng lần lữa không giao hàng cho tới lúc Nhật đã đủ sức lấn át và buộc Pháp phải đảm nhận vai trò lệ thuộc và "làm tôi tớ cho Nhật ngay tại thuộc địa cũ của mình"...

Ngày 30/7/1941, thêm 5 vạn quân Nhật đổ bộ vào Đông Dương... Nhận thấy sự bành trướng thái quá của Nhật tại Đông Dương, Mỹ lựa chọn phương án "trung lập hoá" khu vực này... Nhưng mọi cố gắng của Mỹ đều trở nên vô ích, bởi lẽ Nhật đang chuẩn bị cho một tham vọng lớn hơn nhiều... Ngày 7 qua 8/12/1941, Nhật ào ạt đánh phá Trân Châu Cảng, căn cứ quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Thái Bình Duơng gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân Mỹ. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ...

Từ mùa Xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về nước và có mặt tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Hoa. Nhà cách mạng Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ mọi động thái của thời cuộc và nhận ra cơ hội đã tới, và nước Mỹ xa xôi đã được đặt lên bàn cờ không chỉ cho mục tiêu giành độc lập cho dân tộc Việt Nam mà có thể còn hướng tới cả một mục tiêu cao hơn thế...

  • Dương Trung Quốc
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,