221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1224660
Thay vì chỉ trích, hãy chỉ ra đúng cái sai!
0
Article
null
Thay vì chỉ trích, hãy chỉ ra đúng cái sai!
,

- "Một số nhà sản xuất và các nghệ sỹ thiếu ý thức với nghề và làm phim cho qua chuyện, chỉ cốt sao thu lợi nhuận. Nhưng đó là những tính toán "ăn xổi". Lợi nhuận chỉ có thể đến cùng với chất lượng và uy tín từ những bộ phim làm ra".

* Phim truyền hình: Giờ vàng chỉ thấy... vàng non

LTS. Tiếp tục mạch bài về bàn về chất lượng phim truyền hình, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài THVN (VFC) để lắng nghe ý kiến của người trong cuộc. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về chất lượng phim truyền hình VN, ngõ hầu tìm đến tận gốc rễ của vấn đề đang rất thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giờ vàng không có nghĩa phải có chất lượng vàng

Nhà biên kịch Thùy Linh. Ảnh: Hạnh Phương
- Có ý kiến cho rằng phim chiếu ở giờ vàng hiện nay đa phần là... vàng non, vàng kém chất lượng. Chị nghĩ sao về nhận định trên?

- Giờ vàng không phải là do nhà đài đặt ra mà là khung giờ đó phù hợp với mọi gia đình, là thời điểm sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ta dành để thư giãn và sẵn sàng tiếp nhận các loại hình giải trí trong đó có phim truyền hình. Một khung giờ được mọi người chú ý thì bỗng nhiên nó trở thành "Giờ Vàng".

Vàng ở đây không phải là vàng 12, 14 hay 18 carat, không phải bất cứ phim nào chiếu vào giờ đó cũng phải có chất lượng vàng, không phải là giờ tôn vinh tất cả các giá trị vàng mà đây là không gian cần thiết để các nhà làm phim truyền hình được làm nghề và trưởng thành dưới sự cổ vũ của xã hội. Trên con đường ấy, sự thành công hay thất bại là khó tránh khỏi.

Nhà đài dành khung giờ đó chiếu phim truyền hình Việt Nam cũng vì mục đích ấy. Công nghệ phim TH cần được bảo trợ để nó lớn lên, trưởng thành và phát huy tốt khả năng giải trí, giáo dục của nó. Phim truyền hình VN thực sự trở thành một xu hướng chỉ khi bắt đầu có chương trình "Văn nghệ Chủ nhật" năm 1994. Và tại sao lại đòi hỏi, so sánh một đứa trẻ 15 tuổi với tiêu chí của những người trưởng thành và thành đạt đã có quá nhiều kinh nghiệm?

- Chị nói rằng phim truyền hình VN mới chỉ có 15 tuổi và đây là giai đoạn nó đang trưởng thành. Tức là đây là lúc phim truyền hình VN đang chứng tỏ mình và việc sốt ruột bàn về chất lượng của nó đang đi xuống hay đi lên là không cần thiết?

- Theo tôi góp ý cho nhau là cần thiết nhưng tâm lý hối thúc, sốt ruột, thậm chí là thoá mạ nhau lại có tác dụng ngược. Một số người thì kệ dư luận, người non gan thì chán nản bỏ nghề. Vô hình chung chúng ta đang bóp chết những ý tưởng sáng tạo.

Tôi thấy gần đây người ta mang ra mổ xẻ bộ phim "Có lẽ nào ta yêu nhau" khá nhiều nhưng hãy nhìn cái tâm của người nghệ sĩ. Tôi không biết đạo diễn Tống Thành Vinh là ai nhưng chắc chắn anh ấy và ê kíp làm phim muốn mang một món ăn mới đến cho khán giả chứ không muốn làm ra một thứ phẩm mang chiếu giờ vàng.. "Những người độc thân vui vẻ" cũng vậy. Không ai muốn mất tiền để nghe chê bai, nhưng nhờ thất bại đó để các nghệ sỹ, nhà sản xuất sẽ tự điều chỉnh họ.

Hãy chỉ ra đúng cái sai thay vì hả hê khi chỉ trích, chê bai lẫn nhau thì tốt hơn. Hơn ai hết, với những người làm nghệ thuật cái khó nhất không phải là cạnh tranh với đối thủ của mình mà phải đối diện với chính mình. Đó là sự cạnh tranh khủng khiếp nhất.

Sự lệch pha giữa mong muốn của khán giả và khả năng của những người làm nghề

Không phải bộ phim nào khi phát sóng cũng được như mong muốn của các nhà làm phim.
- Từ không ít bộ phim "có vấn đề" xuất hiện thời gian qua trên sóng truyền hình, chị có cho rằng chất lượng phim truyền hình VN đang giảm đi không?

- Tôi không nghĩ như thế. Trước đây chỉ có vài kênh truyền hình, phim VN cũng ít, khán giả ít có sự lựa chọn và “cái đói” khiến họ luôn thòm thèm… Còn bây giờ, bật tivi lên với mấy chục kênh cả trong nước lẫn nước ngoài, kênh nào cũng chiếu phim dễ làm cho có cảm giác ngán.

Tôi cho là sự chủ quan của khán giả ảnh hưởng khá nhiều khi nhận xét về phim. Lúc phim chiếu giờ vàng cũng là khi bạn đã trải qua một ngày dài mệt mỏi. Nếu ngày nào trôi qua suôn sẻ thì bạn dễ dàng bỏ qua một vài tình tiết cho là không hợp lý. Nhưng khi xem phim trong tâm trạng có quá nhiều bức xúc, bực bội, hoặc không đúng “gu” của mình thì có khi chỉ một chi tiết không hài lòng cũng có thể làm tăng sự khó chịu lên gấp bội. 

- Có nghĩa chị cho rằng không phải phim truyền hình VN đang xuống dốc mà là vì khán giả xem phim Việt với quá nhiều định kiến và quen so sánh với phim nước ngoài đã đi trước mình hàng chục năm?

- Khi đã được xem quá nhiều phim truyền hình, được quyền so sánh phim VN với các thể loại phim khác và sự thưởng thức của khán giả đã ở mức bão hoà rồi thì sự nhận xét của họ ít nhiều thiếu khách quan, khe khắt hơn… Mười mấy năm trước chúng ta làm gì có máy quay HD như bây giờ và mười mấy năm trước làm sao có thể có những bộ phim chính luận như Cổ cồn trắng, Đất và Người, Ma Làng, Chạy án hay sắp tới đây là Bí thư Tỉnh uỷ. Trong quá trình đi lên và hoàn thiện, rất khó tránh khỏi những bước hụt chân, những thất bại, những sai lầm…

- Chị nói phim truyền hình VN vẫn đang đi lên, và không thể tránh khỏi những bước hụt chân. Vậy cá nhân chị thấy phim VN hiện tại cái gì đang đi lên, cái gì đang đi xuống?

- Cá nhân tôi thấy phim truyền hình VN hiện nay kỹ thuật tốt hơn, đề tài phong phú hơn, hình ảnh đẹp hơn, đội ngũ làm nghề trưởng thành hơn. Sự quan tâm của xã hội cũng là để các nhà sản xuất và các nghệ sỹ ý thức cao hơn với sản phẩm họ làm ra.

Hiện có sự chênh lệch giữa mong muốn của khán giả với khả năng của những người làm nghề. Mong muốn của khán giả là vô tận, thị hiếu cảm nhận cũng tăng từng ngày, từ đó nảy sinh những đòi hỏi cả chính đáng và... không chính đáng. Để có một nền công nghệ phim tiên tiến, các nghệ sỹ cần có không gian, thời gian, cả tài chính để trưởng thành và hoàn thiện mình.

- Nhưng hiện nay người làm phim phim hay cũng không được thưởng, làm phim dở cũng không bị phạt nên không khuyến khích được nhiều đạo diễn đầu tư hết sức cho bộ phim. Bởi ngoài làm nghề, họ còn phải sống nữa...

- Rõ ràng ai cũng nhìn thấy đây là việc cần phải thay đổi và biết điều đó chưa khuyến khích những người làm phim hay. Nhưng nếu đã là một nghệ sỹ coi trọng danh dự, tên tuổi và tác phẩm nghệ thuật của chính mình thì điều đó không làm ảnh hưởng nhiều đến ý thức nghề nghiệp của họ. 

Có rất nhiều đạo diễn sau khi làm phim xong thì nhuận bút họ được nhận cũng chỉ "hoà vốn" vì làm phim kéo dài ngày, muốn chăm chút cho phim tốt hơn. Họ tự bỏ tiền túi ra để cho ra một bộ phim chất lượng, vì danh dự và lương tâm của họ. Họ đã cố hết sức nhưng không phải lúc nào bộ phim cũng được như mong muốn.

Nhưng cũng phải thừa nhận một số nhà sản xuất và các nghệ sỹ thiếu ý thức với nghề và làm phim cho qua chuyện, chỉ cốt sao thu lợi nhuận. Nhưng đó là những tính toán "ăn xổi". Lợi nhuận chỉ có thể đến cùng với chất lượng và uy tín từ những bộ phim làm ra.

  • Bích Hạnh
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,