221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1225611
"Vạch tội" để tìm lời giải cho chất lượng phim truyền hình
1
Article
null
'Vạch tội' để tìm lời giải cho chất lượng phim truyền hình
,

 - Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, một trong những nhà biên kịch phim truyền hình lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, với những kịch bản hay như: Đồng tiền xương máu, Blouse trắng, Hướng nghiệp... lý giải nguyên nhân phim truyền hình đang đi xuống và đưa ra hướng giải quyết.

VietNamNet xin đăng tải ý kiến của ông để tạm khép lại chuyên đề bàn về chất lượng phim truyền hình hiện nay.

Dễ dãi với chất lượng kịch bản

Mô tả ảnh.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (trái) từng được một hãng phim nước ngoài đặt viết kịch bản.
Nhiều nhà sản xuất hiện nay không quan tâm đến chất lượng phim mà chỉ cốt sao lấy được quảng cáo. Các hãng quảng cáo trong giai đoạn này cần lăng xê tên tuổi của mình bằng mọi giá trên sóng truyền hình, phim hay cũng được mà phim dở cũng không thành vấn đề. Đây là kẽ hở lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng phim truyền hình. 

Cái dở là đài truyền hình đã cho phép điều đó tồn tại bởi đài cũng phát quảng cáo. Điều này không theo quy luật của thị trường là phim chất lượng cao thì hút quảng cáo nhiều, mà chỉ cần có cơ hội được quảng cáo, bất chấp chất lượng phim ra sao. Việc này trái quy luật và là cơ hội cho phép những bộ phim dở lên sóng.

Thêm nữa, khi đã cần nhiều phim để phát sóng thì đương nhiên là người ta cần nhiều kịch bản hơn để đáp ứng yêu cầu của số lượng phim truyền hình khổng lồ hiện nay. Trong khi đó, lực lượng biên kịch có nghề nói thẳng ra là rất ít, chủ yếu những người viết kịch bản phim truyền hình hiện nay là dân tay ngang.

Viết cho phim truyền hình đòi hỏi yếu tố công nghệ và yếu tố chuyên nghiệp rất cao. Công nghệ là bài bản còn chuyên nghiệp là phải có bề dày kinh nghiệm, bề dày cuộc sống để có sức đi đường dài tức là làm được nhiều phim và nhiều phim hay.

Giá như yêu cầu của đài, của nhà sản xuất khắt khe hơn thì các biên kịch trẻ sẽ đầu tư nghiêm chỉnh cho mỗi kịch bản, nhưng ngược lại đòi hỏi kịch bản hiện nay quá dễ dãi. Trước đây với mỗi tập phim truyền hình khoảng 45 phút kịch bản thường dài 35-40 trang, khoảng từ 10.000-12.000 chữ nhưng bây giờ các đài chỉ cần 20-25 trang kịch bản, tức là 7000-8000 chữ cho mỗi tập phim. Cứ thế là đã có thể ăn nhuận bút 6-7 triệu đồng rồi.

Không chú trọng để có những kịch bản chất lượng, không cần chuẩn nên mới dẫn đến tình trạng đa phần các nhà biên kịch hiện nay cứ viết ào ào như thác. Nếu vốn sống ít, kinh nghiệm yếu, trí tưởng tượng kém thì chỉ viết đến phim thứ 3 là cạn vốn. Đó là lý do gần đây xuất hiện nhiều nhóm biên kịch trẻ nhưng lại tan rất nhanh.

"Đại loạn" phim truyền hình Việt Nam

Mô tả ảnh.
Phim truyền hình hiện nay đang chịu sức ép rất lớn về tiến độ sản xuất vì cần một lượng phim khổng lồ lên sóng.
Sẽ có nhiều người nói: Rồi đến lúc nào đó phim truyền hình từ lượng sẽ đổi thành chất. Nhưng họ quên mất rằng với nghệ thuật, không có chuyện lượng đổi thành chất. Nếu đã dễ dãi về lượng thì rất khó thay đổi về chất và kết quả thì đã nhìn thấy rồi. Bằng chứng là gần đây dư luận lên án nhiều về chất lượng phim truyền hình quá kém.

Nhiều kịch bản nước ngoài được mua về: Mùi ngò gai (Hàn Quốc), Vòng xoáy tình yêu (Thái Lan), Những người độc thân vui vẻ (Trung Quốc) nhưng chủ yếu chỉ là chuyển ngữ, dịch lại kịch bản gốc và thất bại là dễ hiểu. Tôi cho rằng phim truyền hình Việt Nam hiện nay đang "Thiên hạ đại loạn", không có cái chuẩn nào hết và chất lượng phim nói thật là ngày một kém.

May mắn là gần đây đã có sự cảnh báo và điều chỉnh với chất lượng phim truyền hình. Các nhà sản xuất có nhu cầu quảng cáo sau giai đoạn đầu lên sóng và lấy quảng cáo bằng mọi giá dần dần cũng hiểu ra quảng cáo theo kiểu ấy cũng chẳng có lợi gì và sẽ tìm đến các bộ phim chất lượng. Các nhà đài cũng sẽ siết chặt hơn với các phim lên sóng nếu không muốn mất uy tín. Các nhà sản xuất phim ẩu khi bị dư luận lên án chắc chắn họ phải thay đổi và làm phim tốt hơn.

Song với người sáng tác kịch bản thì rất nguy hiểm. Vì đã quen với sự dễ dãi nên sửa chữa cực kỳ khó. Nếu như trước đây họ chỉ mất 3 ngày để hoàn thành một kịch bản phim là đã nhận được 6 triệu đồng thì bây giờ, nếu làm kỹ hơn, tức là mất 5 ngày để hoàn thành kịch bản cho một tập phim họ vẫn chỉ nhận được từng đó tiền, nên khó thay đổi. Và điều nguy hiểm nhất là khi tư duy đã quen với sự dễ dãi rồi muốn nghiêm túc lại rất khó.

Các đài truyền hình phải chấn chỉnh đầu tiên

Để siết chặt lại chất lượng phim truyền hình theo tôi cần phải có quy chế cụ thể chứ không thể thả lỏng, thả nổi như hiện nay. Ngày trước hãng phim nào cũng có người biên tập, thậm chí có cả một phòng biên tập xắn tay vào làm một bộ phim.

Còn bây giờ biên tập giống như làm cho xong việc. Thậm chí có hãng còn không có biên tập. Người làm biên tập phải giỏi hơn cả biên kịch ở góc độ biên tập kịch bản để góp ý, sửa chữa lại kịch bản chưa đạt. Nhưng hiện nay biên tập hoặc là không có, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức.

Để chấn chỉnh lại chất lượng phim truyền hình theo tôi cần phải có chiến lược lâu dài. Song, trước mắt các đài truyền hình, tức là những nơi tiêu thụ sản phẩm phải chấn chỉnh đầu tiên. Nếu các đài truyền hình chặt chẽ hơn về việc duyệt các bộ phim lên sóng thì tự nhiên các hãng sản xuất sẽ phải thay đổi theo. Nếu họ cho ra những bộ phim kém chất lượng thì sẽ không có chỗ phát sóng.

Mô tả ảnh.
"Những ngày hè xanh" khi lên sóng đã bị phản ứng dữ dội vì từ ban chỉ huy, chỉ huy trưởng đến các chiến sĩ có những hành động, lời thoại trong phim hết sức xa lạ với thực tế Mùa hè xanh
Thêm nữa, các hãng phim cũng phải tự điều chỉnh mình bởi cách làm "ăn xổi ở thì" sớm muộn cũng bị loại bỏ. Cũng đã đến lúc các nhà sản xuất phim truyền hình phải ý thức về việc cho ra những sản phẩm chất lượng chứ không thể chạy theo nhu cầu quảng cáo thuần tuý. Nếu quan niệm phim truyền hình phát sóng cốt chỉ để thu quảng cáo thì phim cũng chỉ na ná quảng cáo mà thôi.

Theo tôi, quan trọng nhất là mỗi nhà sản xuất phải tự ý thức về việc nâng cao chất lượng các bộ phim truyền hình. Một khi tất cả các nhà sản xuất bị đẩy vào thế cạnh tranh về chất lượng thì tự nhiên sẽ tìm ra lối thoát. Hiện tại cũng đã có những đài truyền hình dừng phát sóng những bộ phim kém chất lượng hoặc bị dư luận xã hội phản ứng như Những ngày hè xanh gần đây. Tuy nhiên, những quyết định đó phần nhiều vẫn do cảm tính, do đối phó chứ không theo bất cứ quy chế nào.

Do vậy, mỗi đài truyền hình cần phải có một bộ phận "tỉnh táo viên" để giữ gìn uy tín và thương hiệu cho mình. Tức là chỉ phim hay họ mới duyệt. Nếu các đài cứ phát sóng những phim xuống cấp thì tự nhiên uy tín của đài đó cũng xuống theo. Trước đây phim Văn nghệ Chủ nhật là một thương hiệu bởi họ có một bộ phận duyệt phim, chỉ kịch bản hay mới làm, phim chất lượng mới phát sóng nên có uy tín cao.

  • Bích Hạnh (ghi)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,