221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1243217
Ngày Điện ảnh Việt Nam, cần đi vào thực chất
0
Article
null
Ngày Điện ảnh Việt Nam, cần đi vào thực chất
,

- Kể từ năm 2010, giới làm phim Việt Nam sẽ có ngày hội của riêng mình vào 15/3 hàng năm. Sự kiện này được những người trong nghề hưởng ứng nhiệt liệt. Tuy nhiên, mối quan tâm lúc này là làm sao để ngày hội điện ảnh đi vào thực chất.

Mô tả ảnh.
Ngày Điện ảnh VN đầu tiên sẽ được tổ chức vào 15/3/2010.
Tại phiên họp ngày 21/7/2009, sau khi nghe đại diện Hội điện ảnh VN trình bày đề án tổ chức Ngày điện ảnh VN, Ban Bí thư đã đồng ý lấy ngày 15/3, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh là Ngày Điện ảnh VN.

Theo thông báo kết luận của Ban Bí thư ngày 24/7 thì Ngày Điện ảnh phải trở thành ngày hội tôn vinh điện ảnh VN, động viên các nghệ sĩ trong ngành Điện ảnh phấn đấu có nhiều tác phẩm hay.

Chiều 28/10, lãnh đạo Hội điện ảnh Việt Nam đã thông báo với các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội về kết luận của Ban Bí thư về Ngày điện ảnh Việt Nam. Ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội điện ảnh VN cho biết  Ngày Điện ảnh Việt Nam đầu tiên sẽ được tổ chức vào 15/3/2010 tại nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước, trong đó trọng điểm sẽ là thủ đô Hà Nội.

Theo thông báo ban đầu, sẽ có hàng loạt các hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Điện ảnh Việt Nam, kéo dài từ ngày 12/3 và kết thúc vào 15/3 bằng lễ trao giải Cánh diều. Do Liên hoan phim Việt Nam 16 sẽ diễn ra tại TP.HCM vào tháng 12 tới, nên lễ trao giải Cánh diều 2010 đáng lẽ sẽ diễn ra tại TP.HCM sẽ được chuyển ra Hà Nội, địa điểm chính của Ngày Điện ảnh Việt Nam đầu tiên.

Trên thực tế, các hoạt động xung quanh Ngày Điện ảnh Việt Nam 2010 cũng không khác là mấy so với lịch trình hoạt động của các giải Cánh diều thường niên, chỉ có một điểm khác là quy mô lớn hơn và rộng hơn. Ngoài các phim tham dự giải Cánh diều 2010, chương trình chiếu phim miễn phí trong khuôn khổ Ngày Điện ảnh VN sẽ giới thiệu lại một số phim chọn lọc của các giải Cánh diều trước đây cùng các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của VN.

Bên cạnh đó, sẽ có các cuộc hội thảo liên quan đến điện ảnh, các chương trình giao lưu với nghệ sĩ, đêm trình diễn các ca khúc nổi tiếng trong phim và có khả năng sẽ tổ chức một cuộc triển lãm poster các bộ phim Việt Nam tiêu biểu do Hội điện ảnh phối hợp với Viện phim VN tổ chức tại HN. Quy mô tổ chức các sự kiện trong TP.HCM sẽ nhỏ hơn, còn các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... chỉ có thể trình chiếu phim miễn phí.

Như vậy là phải đợi sau 57 năm kể từ ngày ra đời điện ảnh Việt Nam (15/3/1953), những người làm phim của Việt Nam mới có một ngày dành riêng để tôn vinh nghề nghiệp của mình. Sự kiện này khiến rất nhiều nghệ sĩ vui mừng bởi cuối cùng nghề nghiệp họ theo đuổi đã được nhìn nhận. Tuy nhiên, điều cần quan tâm lúc này là làm sao để ngày hội của những người làm điện ảnh có ý nghĩa hơn và đi vào thực chất hơn.

Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn của các nghệ sĩ như việc bảo hiểm bắt buộc hay đưa những điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi cho các diễn viên tham gia đóng phim đáng được quan tâm hơn là việc tham dự một ngày hội điện ảnh cho vui. Ngày Điện ảnh VN thì đã có, nhưng  một tổ chức hiệp hội diễn viên đến giờ vẫn chỉ nằm trong ý tưởng. Ngay cả việc thành lập một ngân hàng dữ liệu với những thông tin cơ bản nhất về sự nghiệp của các nghệ sĩ điện ảnh vẫn chưa có ai khởi xướng.

Làm thế nào để Ngày điện ảnh Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở hình thức ngay từ lần đầu tiên là một thách thức với những người tổ chức.

  • Hạnh Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,