221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1245268
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Không làm được là Hội có lỗi"
0
Article
null
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 'Không làm được là Hội có lỗi'
,

 - “Từ trước đến giờ, ta hoàn toàn thụ động chờ phía bạn chuyển ngữ và giới thiệu văn học của ta. Hội nghị dịch thuật lần này là bước khởi đầu cho việc giới thiệu tốt nhất văn học Việt ra thế giới” - nhà thơ Trần Đăng Khoa trao đổi.

Mô tả ảnh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Bi hài chuyện dịch thơ

 - Thưa ông, với tư cách là Trưởng ban Tuyên truyền của Hội nghị Dịch thuật văn học Việt Nam ra thế giới 2010, ông có thể nói gì về hội nghị này? 

 - Bàn về dịch văn chương thì Hội đồng Dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã làm rồi nhưng tổ chức cả một hội nghị quốc tế về dịch thuật văn học Việt Nam thì đây là lần đầu tiên. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, mời những nhà thơ, nhà văn, các dịch giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt là những dịch giả ở những nền văn học lớn, gần gũi và gắn bó lâu đời với chúng ta như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, gần đây là Pháp, Mỹ và rất nhiều các nước khác.

Dự kiến sẽ có những cuộc hội thảo khoa học về dịch thuật và các hoạt động văn hoá khác tại Văn Miếu, Hạ Long và Phủ Thành Chương… Tôi nghĩ đây là một sáng kiến hay, một việc làm rất cần thiết của Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi dịch văn chương là một việc rất khó. Để có được một tác phẩm dịch hay, người chuyển ngữ phải hội tụ được cùng một lúc ba yếu tố: rất giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng mẹ đẻ và có tài văn. Thiếu một trong ba yếu tố này đều có thể thất bại.

- Làng văn đã “truyền bá” nhiều chuyện bi hài quanh việc “diệt thơ”?

- Chính vì thiếu một trong ba yếu tố trên mà nhiều tác giả lớn của thế giới, sang ta “hóa thành” người bình thường, thậm chí tầm thường. Ngược lại, nhiều tinh hoa của ta ra thế giới cũng trở nên ngớ ngẩn.

Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên sang Nga thành “Ánh sáng và bùn”. Bài thơ “Đi trong rừng Cúc Phương” của Vũ Quần Phương là một chiêm nghiệm rất sâu sắc thành “Gặt lúa ở rừng Cúc Phương” thì toi rồi.  Câu thơ “Cái vết thương xoàng mà đưa viện” của Phạm Tiến Duật thành “Cái vết thương xoàng tôi vào bệnh viện tôi nhớ trung đoàn”. Chữ “” ở đây rất quan trọng, nhưng người dịch không chuyển tải được. Câu thơ của Nguyễn Duy “Nhìn quanh trắng muốt phập phồng/ Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày”, bà thi sĩ dịch giả cứ thắc mắc, tại sao con gái lại ngủ được ở trong tuyết? Tôi đã giải thích rất cặn kẽ và còn khuyên bà là phải dịch ý, chuyển cái hồn vía của câu thơ khá ấn tượng ấy, chứ đừng đơn giản chuyển xác chữ ra xác chữ, như kiểu học sinh tra từ điển. Vậy mà rồi bà ấy vẫn dịch “Có rất nhiều con gái ngủ sâu trong tuyết”. Thế là thành câu thơ tả… nghĩa địa rồi.

Thơ tôi dịch ra nước ngoài cũng vậy, nhiều khi ngớ ngẩn và buồn cười lắm. Tôi chỉ đơn cử bài thơ thông dụng, được nhiều người biết, đã vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh phổ thông, là bài “Mưa”. Tôi tả trận mưa ồn ào, náo nhiệt, để dẫn đến cái kết: “Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa…” thì bản dịch thành: “Bố tôi đi cày về? Chớp bay trên đầu ông ta/ Sấm kêu trên đầu ông ta/ Mưa rơi trên đầu ông ta”. Bài thơ “Đất”: “Đất muốn nói điều chi thế / Mà không nói được với người / Mà rạo rực trong quả ngọt / Mà rưng rưng màu là tươi”. Bản dịch đã in ở Nga là: “Lời của Đất ngắn gọn / Thay cho lời chỉ có / Hoa tươi / Quả ngọt”. Thơ mà thế thì tầm thường quá.

Thế nên dịch văn chương khó lắm, đặc biệt là dịch thơ. Bàn về chuyện dịch này, nhà thơ Chế Lan Viên nói rất vui và cũng rất đáo để: “Nghe nói có nhà thơ nổi tiếng/ Vội bỏ tiền ra mua/ Đọc chẳng hiểu gì hết/ Hóa ra thằng dịch bừa/... Dịch bởi thằng chết dịch/ Không biết còn dịch bừa/ Tiền nó bỏ vào túi/ Thơ trả cho nhà thơ/ Chúng ta chết vì những thằng trung gian ấy/ Không trung mà lại gian/ Bao nhiêu thiên tài rơi vào tay chúng/ Chẳng ma nào còn….”. Có lẽ vì thế mà có người bảo “Dịch là … diệt !”. Nhiều bản dịch so với nguyên bản, cứ như hai anh em chẳng có họ hàng gì với nhau. Nhiều khi chúng còn là kẻ thù của nhau, “chửi nhau” rất kịch liệt!

Mô tả ảnh.
 
Hội không làm được là Hội có lỗi

- Phần quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới được chú trọng đến đâu, thưa ông?

- Nói “quảng bá” nghe có vẻ thương mại quá. Chúng ta bàn về dịch thuật thôi. Hiện nay, việc hội nhập quốc tế ở Việt Nam rất mạnh. Chúng ta làm rất tốt trên tất cả mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Cái gì cõi người văn minh có, ta cũng có. Thế giới vào ta thì dễ, cứ thung thăng như đến chỗ không người. Nhưng chúng ta ra thế giới thì sao mà nhễ nhại thế? Ở địa hạt văn chương còn kém hơn nữa.

Phần dịch xuôi, (tức là dịch từ nước ngoài vào), chúng ta đã làm tốt. Đấy là nhờ sự năng động của một số nhà sách tư nhân. Những tác giả vừa được giải Nobel, những cuốn sách nào ăn khách vừa ra đời trên thế giới thì ngay lập tức đã xuất hiện ở Việt Nam với nhiều bản dịch khác nhau, ở nhiều nhà xuất bản khác nhau. Tất nhiên họ quan tâm đến lợi nhuận, nhưng họ cũng đã làm được một việc lớn rất có ích: Góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa trong nước, nâng cao đời sống dân trí và đưa đến cho chúng ta những tinh hoa mới nhất của loài người.

Nhưng phần dịch ngược, tức là việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới thì lại rất hạn chế. Thế giới hoàn toàn không hiểu chúng ta như những gì chúng ta đang có. Trung Quốc là một đất nước ở sát bên ta, rất gần ta về phong tục, tập quán… Hàng hóa của họ, từ hàng cao cấp đến hàng rẻ tiền, thậm chí còn có cả hàng rởm, hàng giả, còn văn chương thì trên trời dưới sách, đủ các chủng loại, điện ảnh và truyền hình của họ sang ta cũng vậy. Những tác giả tiêu biểu đương đại của họ như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn…vv, một độc giả thông thường của chúng ta cũng nắm được một cách hệ thống, nhưng “anh bạn láng giềng” này chẳng biết gì về văn học của chúng ta cả.

Theo nhà văn Nguyễn Khắc Trường, ở Trung Quốc, người ta chỉ biết tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Điều này là dĩ nhiên, vì tập thơ Bác viết bằng chữ Hán. Còn văn xuôi, họ cũng chỉ biết tập ký “Sống như Anh” của nhà báo Trần Đình Vân viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, xuất bản năm 1964. Ngoài ra còn có tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, là tập hợp những bức thư của các bà vợ Miền Nam gửi cho chồng tập kết ở Miền Bắc, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước từ những năm 60 của… thế kỷ trước. Ở Bắc Triều Tiên còn kinh khiếp hơn, vì có nhà văn tưởng chúng ta vẫn còn đang đánh nhau với… Mỹ.

- Có nhà phê bình bảo:Văn chương của các ông dở òm mà lại cứ đòi thế giới phải biết đến”?

- Tất nhiên, muốn ra được thế giới, văn chương ta phải hay. Văn dở thì ngay cả bà con trong nước mình cũng không vươn tới được chứ đừng nói đến những bạn đọc ở các nền văn hóa khác. Nhưng có thật văn chương chúng ta “dở òm”, chẳng có gì khiến cho bạn đọc quốc tế phải quan tâm không?

Tôi nghĩ, tiểu thuyết của ta còn rất vất vả, nhưng truyện ngắn và thơ thì giầu có đấy. Chúng ta không ngượng với thế giới. Tôi nói điều này không chủ quan đâu. Gần đây chúng ta đều biết hai bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, và hai bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn, phải chuyển ngữ đến 2 lần, qua tiếng Anh rồi mới sang tiếng Hoa, vậy mà vẫn thu hút hàng triệu bạn đọc mạng ở Đài Loan, Trung Quốc. Điều ấy chứng tỏ thơ ta đâu có xoàng. Bên cạnh hai nhà thơ này, chúng ta còn nhiều nhà thơ khác nữa, cũng hay không kém.

Thế giới không biết ta hoặc nhìn chúng ta rất méo mó trước hết là lỗi tại ta. Và điều này thì Hội Nhà văn phải chịu một phần trách nhiệm. Việc đưa văn học ta ra nước ngoài bấy lâu nay chỉ là tự phát, và chủ động vẫn là phía bạn. Cũng có một số tác giả, tác phẩm được dịch ra nước ngoài như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường... Đấy là những tinh hoa văn học Việt, nhưng văn học Việt không phải chỉ có thế, và chúng ta cũng chưa có dịp rà lại việc chuyển ngữ như họ đã làm, có lột tả được “hồn vía” của từng tác giả ấy không? 

- BTC dự kiến sẽ giới thiệu các nhà văn Việt Nam theo hướng nào? Căn cứ vào cống hiến theo trình tự thời gian hay là điểm lại những gương mặt nổi bật? Nghe nói các nhà thơ có mặt trong hội đồng tuyển chọn đồng ý tự bỏ tên mình ra khỏi danh sách để khỏi dẫn tới sự hiểu lầm về quyền lợi. Chẳng lẽ, nhà thơ thời nay không còn mơ mộng nữa mà toan tính, tị nạnh nhau tới mức không tính tới yếu tố thực chất: Ai mới là đại diện thực sự cho nền thi ca Việt?

- Theo ý riêng của cá nhân tôi, sự việc cũng không đến mức rốt ráo, gay gắt như thế. Hội đồng tuyển chọn thơ có 6 người, hai nhà lý luận còn lại 4 nhà thơ, trong đó ba vị đã được Giải thưởng Nhà nước về thơ, cả hội đồng đều là những người có uy tín, đặc biệt là có thẩm mỹ và sự công tâm. Dù thế, sau khi họ làm xong phần việc của mình, còn có Hội đồng nghiệm thu và Ban Chấp hành Hội rà soát lại với những cố gắng để hiệu quả cao hơn và gần với chuẩn mực hơn.

Những người được tuyển chọn phải là những tác giả xuất sắc, có thành tựu văn học. Có thể đưa ra một số mặt hàng mẫu, là những bản dịch hay, bao gồm những bản dịch mới, do ta dịch và những bản dịch cũ do bạn dịch nhưng phải có sự kiểm định chất lượng.

Rồi còn các bậc tiền bối, như cụ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương.…rồi đến các tác giả hiện đại như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Họ đều đã mất trước khi thành lập Hội, nhưng đến nay, các tác phẩm của họ vẫn sống cùng chúng ta… Cái cần là tác phẩm hay, có hay mới ra thế giới được.

Bạn bè thế giới sẽ đọc và tiếp tục tìm hiểu, khám phá rồi tự lựa chọn những tác giả mà họ tâm đắc. Mặt khác, chúng tôi cũng cung cấp cho bạn danh sách tất cả hội viên, cùng với danh sách những tác phẩm tiêu biểu của họ, và hàng trăm tác giả khác không phải là hội viên nhưng có tác phẩm đáng chú ý. Việc chọn ai, dịch ai, loại bỏ ai là quyền của bạn. Cũng có thể, bạn sẽ chọn thêm những nhà văn họ quan tâm, ngoài sự giới thiệu của chúng tôi…

Mô tả ảnh.
 
Nếu sợ bôi bác thì không làm nổi

Theo ông, chúng ta đã có đủ tiềm lực và quan hệ để tổ chức một hội nghị quốc tế thật sự đúng tầm của nó hay chưa?

- Mình cứ làm đi đã chứ. Từ xưa đến nay đã làm đâu mà biết mình có làm được hay không, có đúng tầm hay không? Nếu cứ e ngại, cầu toàn thì sẽ chẳng làm được gì cả. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có được một hội nghị thực chất nhất. Việc giới thiệu phải rất công phu, không vì những cái ngoài văn học. Và tất nhiên, không phải tác phẩm nào có tính dân tộc cao cũng ra được với nhân loại đâu. Cũng có những tác phẩm hay nhưng chỉ là cái hay của nội địa thôi. Dịch ra tiếng nước ngoài lại mất hết.

-  Theo ông, hiện tại, chúng ta có gì để hy vọng ở các dịch giả nói riêng và công tác dịch thuật nói chung?

- Tôi rất tin. Chúng ta đã từng có những dịch giả rất đặc sắc. Họ là những nhà văn sáng tạo lại trên văn bản của đồng nghiệp ở một ngôn ngữ khác. Họ không phải là anh “thông ngôn” thông thường, mà là nhà văn nhà thơ. Nghĩa là họ đứng trong đội ngũ những người sáng tạo. Chính vì thế mà Hội Nhà văn đã kết nạp những nhà dịch thuật vào đội ngũ sáng tạo của mình.

Chúng ta đã từng có Đoàn Thị Điểm, Tản Đà,  Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, rồi sau này là Bằng Việt, Tố Hữu, Thái Bá Tân, Thúy Toàn, Phan Hồng Giang, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo, Trần Đình Hiến... Những bậc kỳ tài này dịch văn chương hay mà theo nhiều người có hiểu biết, thì chẳng kém gì nguyên bản, có khi còn hay hơn…

Đưa văn chương Việt Nam ra thế giới còn có công lao của nhiều tên tuổi: Hữu Ngọc, Xuân Diệu, Thái Bá Tân, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập… Cũng cần ghi công nhiều nhà văn Việt kiều, họ cũng rất tích cực và tâm huyết. Chỉ tiếc do ở xa, nên họ không có đủ các thông tin cần thiết.

Hội nghị dịch thuật lần này là một dịp cần thiết để chúng ta cùng chung tay vì một nền văn học nghệ thuật đích thực. Nhưng cũng phải nói thật là không thể một lúc mà hoàn thiện được đâu. Đây chỉ là công việc bước đầu. Hy vọng Ban chấp hành khóa tới của Hội Nhà văn sẽ lưu ý phần việc này và chắc chắn, họ sẽ có điều kiện làm tốt hơn, làm đúng hơn với những gì chúng ta mong ước.

·         Hòa Bình (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,