Nhạc sĩ Nguyên Lê trở về với cội nguồn
12:13' 08/05/2004 (GMT+7)
Nguyên Lê

(VietNamNet) -Có thể người Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm với cái tên Nguyên Lê vì tuy rằng mang trong mình dòng máu Việt nhưng anh sinh ra tại Pháp và cũng bắt đầu gặt hái những thành công trong sự nghiệp âm nhạc của mình từ mảnh đất này.

Đã có rất nhiều bài báo viết về anh, khen ngợi anh, chỉ xin trích một câu tóm gọn lại những gì thuộc về anh nhất mà tạp chí âm nhạc Đức Franfurter Allgemeine đã từng nhận xét “Chả có ai chơi guitar giống như anh ấy cả”. Đầu tháng 5 này, tay guitar “không giống ai” ấy đã làm một cuộc hồi hương, trở về với những cội rễ đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất trong âm nhạc của anh với nhiều người xung quanh…

Chưa biết nên gọi anh là một nghệ sĩ Jazz thuần tuý dùng chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam để làm nền cho các sáng tác Jazz của mình hay là một nghệ sĩ nhạc dân tộc đơn thuần, dùng Jazz để truyền bá âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài. Vì đối với anh, âm nhạc dân tộc Việt Nam là một kho chứa khổng lồ, nhưng gần như chưa bao giờ được sử dụng hết và người nghe không phải ai cũng đã hiểu hết. Đối với cuộc sống Tây phương, Jazz gần như là món ăn tinh thần hàng ngày, vì thế anh e rằng những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở đây sẽ quên dần đi di sản dân ca cội nguồn, cho nên anh đã dùng chất liệu “tinh thần chung” của phương Tây để đưa họ trở về với cội rễ của mình.

Đối với người nước ngoài, để làm cho họ hiểu rằng “ầu ơ” không đơn giản chỉ là một câu hát ru con, anh đã sử dụng "ngôn ngữ" Tây phương nhằm giúp họ "cảm" được tinh thần tốt đẹp chứa đựng bên trong đó, hay lớn hơn, còn nhằm làm cho họ hiểu những vẻ đẹp thuần khiết của văn hoá Việt Nam. Chính vì thế mà công chúng phương Tây sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào loại âm nhạc mà anh đã đem đến cho họ. Có người đã nhận xét: "Tales from Vietnam đã đem lại cho tôi những cảm giác hứng thú. Cách mà Nguyên Lê sử dụng ngôn ngữ âm nhạc để truyền tải những về đẹp bí ẩn của Đông Dương đã khiến tôi phải chạy ngay vào web để tìm cho mình một chuyến bay gần nhất đến Sài Gòn, Huế hay Hà Nội". Chính Nguyên Lê đã từng nói "Trở về với một cái rất cũ để tạo ra một thứ rất mới, tôi luôn mơ ước tạo ra được một loại âm nhạc chưa từng được biết đến, một thứ mà chưa từng được nghe bao giờ".Người Việt Nam cũng vậy, nhiều người thật sự ngạc nhiên khi nghe dân ca truyền thống được pha lại theo tiết tấu mới và lạ lẫm. Sau mỗi tiếng "ầu ơ", một câu lý... lại bật lên phần intro của guitar điện, của trống Jazz và cả bass điện tử...

Trong buổi họp báo ở TP.HCM (Ảnh: M.C)

Sự khác thường hay dẫn đến nhiều cách hiểu và cả nhiều cách chấp nhận nó. Nguyên Lê cũng thừa nhận rằng âm nhạc của mình đã gây ra nhiều quan điểm cảm thụ khác nhau, nhưng có điều ai đã "cảm" được thì sẽ thích thứ âm thanh mà anh đem đến và thật may mắn là những người có quan điểm này khá nhiều. Người ta gọi âm nhạc của người đàn ông sinh năm 1959 này là "World Music", tức là loại nhạc pha trộn màu sắc của nhiều nền văn hoá khác nhau. Điều này cũng không lạ lắm, vì Paris vẫn được xem như một trong những những cái nôi cho thể loại này phát triển.

Sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ đều là những người mê âm nhạc nên từ bé, Nguyên Lê đã quen với những câu hát ru song song với những tác phẩm cổ điển của Mozart, Bach... Nhưng loại nhạc đầu tiên bắt đầu làm anh thay đổi chính là Rock, mà đặc biệt là dòng Progressive với những đại diện tiêu biểu như Deep Purple, King Crimson, Yes.... Chất liệu cách tân của Rock đã tạo cho anh một niềm đam mê mới, khát khao thể hiện những tâm sự bên trong mình bằng âm thanh. Có lẽ anh giống Jimi Hendrix ở chỗ là tự mình mày mò học guitar và vì thế cũng tự mình tạo ra được những "nét riêng" mà sách vở chưa biên soạn. Anh tìm được ở Jimi một tinh thần phóng khoáng, một phong cách "lửa", một kiểu chơi đến tận cùng mà điều này ở Jazz luôn luôn được cổ súy.

Một số album của Nguyên Lê

Bỏ ngang trống để học guitar năm 15 tuổi, Nguyên Lê đến với Jazz và đã tìm được nhiều điểm cảm xúc tương đồng. Chính ở đây anh đã gặp người bạn thật sự của mình, nơi trút ra được tất cả những khát khao và niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng. Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng "Giữa nhiều tinh thần như vậy, Rock, Jazz, nhạc cổ truyền Việt Nam và nhiều loại nhạc khắp nơi trên thế giới, anh tìm được gì cho tinh thần mình?" Nguyên Lê bộc bạch: "Tôi chịu ảnh hưỏng của rất nhiều loại nhạc như anh nói, có thể kể thêm những loại nhạc dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ (Kudsi Erguner), Châu Phi (Gnawa music, Salif Keita...), Ấn Độ (Chaurasia, U Srinivas, Debashish Bhattacharya) nhưng tinh thần lớn nhất vẫn là âm nhạc cổ truyền Việt Nam, tôi đã nghiên cứu rất kỹ về nền âm nhạc này, từ tài liệu, sách vở cho đến những người tôi biết. Khi album Tales of Vietnam ra đời, chính giáo sư Trần Văn Khê đã có nhiều lời khen ngợi và động viên tôi tiếp tục phát huy tinh thần này. Bây giờ tôi có thể nói rằng, âm nhạc của tôi pha trộn nhiều thứ nhưng tinh thần chính yếu nhất vẫn là nhạc cổ truyền Việt Nam và Rock điện tử".

Thời gian đã nói lên được nhiều thứ, tính đến nay anh cho ra đời rất nhiều album dưới nhãn hiệu của những hãng đĩa nổi tiếng như ACT, Indigo, BMG... và hầu như anh đều nhận được những lời tán thưởng nhiệt thành và những đánh giá cao của giới phê bình. Từ "Purple" cho đến "Three trios", từ "Tales from Vietnam" cho đến "Zanibar"... đều được xem là đem lại những cảm xúc ngất ngây và đầy tinh thần Jazz. Bên cạnh đó anh cũng nhận được khá nhiều giải thưởng quan trọng và đều có mặt tại những kỳ đại hội Jazz nổi tiếng của thế giới.

Hương Thanh

Lần trở về này cùng với Hương Thanh (con gái của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Hữu Phước và là em gái của ca sĩ nhạc dân ca Hương Lan), Nguyên Lê sẽ giới thiệu những ca khúc trong 2 album mới nhất của anh là "Dragonfly" và "Mangustao". Những cảm xúc mới lạ cùng cảm giác lần đầu tiên được diễn ở quê nhà đã làm Nguyên Lê hết sức hứng thú. Khi tôi hỏi: "Anh kỳ vọng vào điều gì nhất trong lần công diễn ở thành phố Hồ Chí Minh?" Nguyên Lê không giấu diếm: "Tôi hy vọng mình cũng nhận được sự nhiệt tình như ở Hà Nội và cũng mong mọi người sẽ hiểu được thật sự loại nhạc mà tôi đang cống hiến".

Mong sẽ là như vậy, với tay guitar mà tạp chí Telerama đã từng nhận xét "chiều sâu tâm hồn được phủ đầy bởi những điều kỳ bí, một tay guitar mà một khi đang chơi thì mọi thứ xung quanh đều vô nghĩa" thì có lẽ thành công tại nơi mà bố mẹ anh sinh ra là một điều dễ hiểu. Và cũng mong nếu có những lần sau, sẽ gặp lại anh chơi cùng với những tay  Jazz tài danh ở Việt Nam, những người mà anh vẫn chưa biết nhiều lắm...

  • Minh Cường (Thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Diana với ''The girl in the other room'' (06/05/2004)
Mỹ Hạnh và đêm ca nhạc vì những nạn nhân đắm tàu (06/05/2004)
NS Lê Quang tâm sự về ''Bốn mùa cho em'' (02/05/2004)
"Tiến về Sài Gòn": Đêm ca sĩ trẻ hát nhạc truyền thống (30/04/2004)
Billboard Latin Music Awards 2004 đã có chủ! (30/04/2004)
“Âm nhạc vì một thế giới tốt đẹp hơn” (30/04/2004)
''Tâm hồn tôi luôn hướng về đất mỏ'' (29/04/2004)
The Corrs - Những âm thanh đẹp của Ailen (28/04/2004)
Nghĩ về Rock Bắc – Rock Nam (26/04/2004)
Eric Clapton - Cây guitar được “phong thánh” (26/04/2004)
Có hay không chuyện nhạc sĩ hòa âm copy nhạc? (23/04/2004)
Tạp chí Blender bầu chọn 50 ca khúc dở nhất (22/04/2004)
180 phút dành cho "Rock ba miền" (20/04/2004)
Rao bán bút tích cuối cùng của John Lennon (20/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang