(VietNamNet) - Khi ca khúc nào đó trở nên nổi đình đám thì ngay lập tức, sẽ xuất hiện những bài hát "ăn theo". Kiểu "ăn theo" này nhằm mục đích gì?
Cách đây gần chục năm, khi dòng nhạc quê hương đang thịnh hành, bỗng nhiên nổi lên bài Cây cầu dừa của tác giả Hàn Châu. Đi đâu cũng nghe bài Cây cầu dừa, một hình ảnh quê hương không thể nào thiếu của vùng quê Nam bộ. Sự ăn khách của bài Cây cầu dừa được nhạc sĩ Tiến Luân ăn theo đến 2 bài là Nhớ cây cầu dừa và Xa mãi cầu dừa. Nhạc sĩ Tiến Lân cho biết: "Cây cầu dừa của tôi là sáng tác được đặt hàng". Sau nhạc sĩ Tiến Luân, nhạc sĩ Vinh Sử có bài Quên cây cầu dừa. Có lẽ chữ "quên" định mệnh đã làm hình ảnh cây cầu dừa không còn xuất hiện trong các sáng tác mang âm hưởng dân ca nữa. Như nội dung của bài Nhớ cây cầu dừa, có lẽ vì cầu đã được bê tông hóa hết rồi, nên hình ảnh cũng mờ nhạt dần.
|
Ca sĩ Thanh thảo trong hình tượng nữ tướng, hát bài Việt Nam non nước tôi. |
Trước khi nổi tiếng, ca sĩ Mỹ Tâm từng hát thành công nhiều bài, nhưng phải đến bài Hát với dòng sông của nhạc sĩ Quốc An - lời Nguyễn Nhất Huy, Tâm mới thật sự bứt phá để bỏ rơi các ca sĩ trẻ cùng thời. Bên cạnh sức "hot" của Hát với dòng sông, ca khúc này liên tục bị chỉ trích vì ca từ thiếu trong sáng. Trước khi ca khúc này bị chỉ trích, người mẫu Ngô Thanh Vân đã nhanh nhẹn khẳng định ca khúc này nói về mình qua một bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy. Con đường khẳng định ca khúc Hát với dòng sông là viết về Ngô Thanh Vân chỉ tạm dừng khi sự chỉ trích nội dung bài hát quá nhiều. Nhưng, có lẽ vì tiếc cho cái sự "hot" của Hát với dòng sông, người mẫu Ngô Thanh Vân với ước mơ trở thành ca sĩ đã có bài hát riêng của mình mang tên Vẫn hát với dòng sông do nhạc sĩ Quốc Bảo sáng tác. Dù quyết tâm "vẫn hát" nhưng bài ăn theo đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Khi nhạc trẻ đang trong vòng luẩn quẩn lụy tình, nhạc sĩ Quốc Vượng giới thiệu bài Cha yêu, lập tức trở thành hiện tượng yêu mới, yêu gia đình. Sau Cha yêu, nhạc sĩ Phương Uyên có bài Mẹ yêu (đối lại Cha yêu) và ca sĩ Lý Hải có bài Khúc hát cha yêu. Bài Cha yêu và Mẹ yêu đều có sự thành công nhất định, nhưng đến bài Khúc hát cha yêu là... đuối. Nếu không chắc sẽ còn dì yêu, ngoại yêu, ông yêu... tiếp tục ra đời.
Trong khoảnh khắc trữ tình lãng mạn nào đó, nhạc sĩ Trần Minh Phi sáng tác ca khúc Gửi đôi mắt nai. Hai chữ mắt nai quá ăn khách vì sự dễ thương và ngộ nghĩnh, lập tức ca khúc ăn theo Cô bé mắt nai (nhạc sĩ Trường Huy) ra đời. Bẵng đi thời gian, khi mọi người đang quên chữ mắt nai, nhạc sĩ Sỹ Luân bùng lên bài Mắt nai chachacha do ca sĩ Hồng Ngọc hát, và trở thành hiện tượng mới. Bài hát này thành công đến nỗi ca sĩ Hồng Ngọc được gọi là ca sĩ mắt nai. Trường hợp này hơi hiếm, vì sự ăn theo lại "hot" đến như vậy. Hình như, sẽ có mắt nai nữa trình làng để ăn theo (?!)
Các trường hợp trên là ăn theo bài người khác, riêng nhạc sĩ Lê Quang... cá biệt hơn, ăn theo bài hát chính mình. Trong live show thứ hai của ca sĩ Đan Trường, bài hát "out" mang tên Dòng máu Lạc hồng do nhạc sĩ Lê Quang sáng tác được trình diễn lần đầu tiên. Dòng máu Lạc hồng xuất phát từ ý tưởng của thầy trò Hoàng Tuấn - Đan Trường, muốn có một bài hát hào hùng nói về dân tộc Việt Nam. Bài hát này nhanh chóng nổi lên và đặt dấu ấn mới trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Quang với cách viết nhạc truyền thống khác lạ. Nhờ bài hát này, ca sĩ Đan Trường liên tục xuất hiện trong các lễ hội và các chương trình sân khấu hoành tráng khác. Dù bài Dòng máu Lạc hồng rất nổi, bầu sô Hoàng Tuấn vẫn đầu tư đến 125 triệu để thu hình bài Lời ru ngàn đời, một bài truyền thống, nhưng vẫn không qua được cái bóng của Dòng máu Lạc hồng. Thấy dòng truyền thống kiểu mới này ăn khách, nhạc sĩ Lê Quang liền cho ra đời bài Dân nước Nam bán độc quyền cho diễn viên cải lương Vũ Luân biểu diễn trong live show của anh. Sau đó, ca sĩ Quang Vinh "mượn" bài này hát và hát luôn đến bây giờ. Ca sĩ Thanh Thảo cũng có bài hát Việt Nam non nước tôi với hình ảnh thể hiện là một nữ tướng, cũng hào hùng không kém. Và mới đây, trong live show Khi nắng mai về, nhạc sĩ Lê Quang đã khoác lên ca sĩ Mỹ Tâm hình ảnh lịch sử nào đó qua bài Bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa. Giá như Mỹ Tâm hát ca khúc truyền thống có hồn một tí, có lẽ bài này sẽ có chỗ đứng. So với thời gian "ăn theo" của các hiện tượng trên, nhạc sĩ Lê Quang có thể được bình chọn thêm câu "ăn dày", vì thời gian các ca khúc rất gần nhau.
Khi ca sĩ hoặc nhạc sĩ không tự tin chính mình, họ sẽ ăn theo. Nếu nhạc Việt cứ ăn nhờ, ăn theo và ăn dày lẫn nhau như thế này, chắc sự sáng tạo sẽ "đi về nơi xa"!
|