(VietNamNet) - Sau nhiều nghi ngờ về bài hát Ước gì, gần đây lại có thông tin phản hồi: Ước gì có phần giống Night Prayer?
|
Nghệ sĩ Jim Brickman |
Night prayer và Ước gì?
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nổi tiếng với những bài hát đời thường như Tiếng rao, Tình 2000, Bạn tôi... đi theo một phong cách riêng và được người trong giới gọi là "nhạc Võ Thiện Thanh". Dù chê hay khen, để tên gọi trở thành một phong cách nhạc, không nhiều nhạc sĩ ở VN có diễm phúc này.
Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng phát biểu về phong cách nhạc đặc biệt của mình: "Những gì tôi đã làm thì quyết không làm lại. Những số phận, cảnh đời nghèo khổ trong Bạn tôi, Tiếng rao, Xích lô sẽ vĩnh viễn không xuất hiện nữa. Để tác phẩm luôn tươi mới, hàng ngày tôi phải nghe và đọc rất nhiều, nếu không làm được hai việc này thì người viết nhạc coi như đã chết". Vì vậy, khi ca khúc Ước gì xuất hiện lần đầu tiên với tiếng hát của ca sĩ Mỹ Tâm đã gây bất ngờ về sự tươi mới và ngay lập tức dẫn đầu danh sách ca khúc "hot".
Tuy nhiên, những nhạc sĩ khác lại cho rằng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh khó lòng có cuộc bứt phá hoàn toàn để có bài Ước gì. Thế là dấu hỏi đầu tiên đã được đặt ra. Lúc đầu, nhiều người cho rằng Ước gì giống bài hát chủ đề của một bộ phim Nga. Chẳng bao lâu, nghi ngờ này đã tạm lắng xuống vì không có sự kết luận chính xác. Gần đây nhất, toà soạn VietNamNet nhận được bài hát Night prayer của nghệ sĩ Jim Brickman.
Jim Brickman không phải là một nghệ sĩ xa lạ ở Việt Nam. Anh là gương mặt rất quen thuộc của hãng đĩa nổi tiếng Windham Hill, là tay piano được đánh giá cao của dòng nhạc New age. Ở Việt Nam, anh được biết đến nhiều với những bản tình ca: Valentine (chơi chung với Martina McBride), Love of my life (chơi chung cùng M.W. Smith), The Gift (với Collin Raye )... hay như chương trình DVD "An evening with Jim Brickman in concert" đã từng được bán rất chạy ở thị trường đĩa lậu khi nó vừa xuất hiện cách đây chưa lâu. Jim Brickman là tay pianist hào hoa và là người luôn chịu khó chăm chút, gọt tỉa để giai điệu luôn được óng ả và mượt mà. Bên cạnh đó, anh cũng là một nhà sáng tác thành công và cộng tác với rất nhiều gương mặt nổi tiếng từ tay kèn Dave Koz, nữ danh ca Olivia Newton John cho đến All for one, Donny Osmonds hay Roch Voisine...
Tính đến nay Jim Brickman đã cho ra được 12 album và Night prayer là bài hát nằm trong album thứ 5 Love song & Lullabies (phát hành tháng 8/2002). Đây là album khá lạ, không được biết đến nhiều ở Việt Nam và tuy được đánh giá cao nhưng phần lớn những bài trong album này đều không thấy xuất hiện lại trong những album tuyển chọn sau đó của Jim. Nhạc của Jim Brickman không có nhiều tính trúc trắc và gập ghềnh, lúc nào cũng lộ vẻ tươi tắn, trầm bổng và giàu tính giai điệu nên anh được đánh giá rất cao ở mặt bằng phổ thông.
Ngay đoạn đầu tiên của bài Ước gì, tiếng piano gần như lĩnh hội "cái thần" của Night prayer. Còn bạn, bạn cho rằng Ước gì giống Night prayer bao nhiêu phần trăm? Hãy gửi nhận xét của mình về cho chúng tôi ở địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn.
Hỏi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh về sự giống và khác nhau giữa hai nhạc phẩm, anh cho biết: "Bạn bè đã từng cho tôi nghe bài Night prayer. Tôi không trả lời gì về chuyện giống và khác nhau. Tôi chỉ trả lời khi có sự làm việc của Hội Âm nhạc". Được biết, hiện nay nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sắp trở thành hội viên Hội Âm nhạc trong lần kết nạp ở thì tương lai gần.
Công ước Berne có ngăn chặng được nhạc nhái?
|
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh |
Ngày 7/6/2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 332/2004/QĐ-CTN về việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne. Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của Công ước này. Một tuần sau, ngày 15/6/2004, Cục Bản quyền tác giả đã có công văn số 132 về việc Không sử dụng tác phẩm âm nhạc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và tác giả. Nội dung ghi rõ: "...không ghi chung chung là nhạc nước ngoài, nhạc Hoa, nhạc Thái, lời Việt, dùng nhạc nước ngoài, đặt lời Việt rồi tự đứng tên tác giả..."
Ngày 1/10/2004, Công ước Berne chính thức có hiệu lực. Muốn sử dụng một bài nhạc ngoại phải tuân thủ: "... tất cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đơn vị sản xuất, phát hành băng đĩa âm nhạc hoặc sân khấu, nếu muốn sử dụng các tác phẩm âm nhạc, sân khấu của người nước ngoài dưới mọi hình thức đều phải có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện hợp pháp quyền tác giả". Tuy nhiên, chuyện có được giấy xác nhận của chủ thể đang là điều hết sức khó khăn. Bằng chứng là đã có người xin nhưng không nhận được câu trả lời nào.
Rất lạc quan nhìn về tương lai: nhạc ngoại lời Việt sẽ biến mất. Nhưng từ đây cũng phát sinh nhiều điều đáng lo ngại mới. Khi không được xin, mượn thì dễ có chuyện "đồng hoá" thành của mình. Đó là việc "đạo nhạc" đang có nguy cơ quay trở lại. Một số bài hát mới xuất hiện gần đây ghi tên tác giả Việt Nam, nhưng lại giống Tây, Tàu, Ấn, Thái, Hàn, Mỹ... Khi thì giống đoạn đầu, lúc giống điệp khúc, hoặc cứ giống 2/3 câu... Không lẽ khán giả lại phải vừa nghe nhạc, vừa vất vả tìm xem bài nào nhái. Khi nào chúng ta mới có khung giá trị chuẩn mực để làm thước đo loại trừ những "nhái sĩ"?.
|