Tay guitar huyền thoại Hank Garland qua đời
19:32' 29/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hank Garland, tay guitar huyền thoại của dòng nhạc Country, Rock 'n' Roll và cả Jazz, người đã từng biểu diễn chung với những đại thụ như Elvis Presley, The Everly Brothers, Roy Orbison, Patsy Cline, Charlie Parker... vừa qua đời ở tuổi 74.

Soạn: AM 233410 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hank Garland

Gọi Hank Garland là tay guitar bình dị cũng đúng bởi ông là người kín tiếng. Tất cả những hào quang, danh tiếng cũng như mọi lời tâm sự đều dàn trải trên những phím đàn. Nếu bảo ông là quái kiệt có một không hai cũng chẳng sai bởi như lời Chet Atkins (cũng là một tay đàn huyền thoại) thì "Hank là một trong số ít những tay đàn còn định lại được trên cõi đời này với một phong cách riêng". Với dân Nashville, từ bấu lâu nay ông vẫn là một cây đại thụ mà ít tay đàn nào vượt qua được. Ông là tiếng nói của dân Nashville, là người thổi những luồng gió mới bằng những câu riff nức nở và lai láng làm xới tung những không khí ảm đạm, nhàm chán và tẻ nhạt trước đó.

Soạn: AM 233414 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Với Les Paul và Grady Martin, đây là 3 tay guitar trụ cột của Bebop, Country, Rock và Jazz những năm 50

Chơi đàn từ nhỏ và ngay từ bé ông đã nổi trội hơn những bạn bè đồng trang lứa về tài nghệ chơi đàn của mình. Ông mau chóng trở thành một trong những tay đàn được trả tiền cao nhất vùng Nashville khi tuổi đời còn rất trẻ. 12 tuổi gây ngỡ ngàng trên sóng phát thanh và 4 năm sau (16 tuổi), Hank phát hành album solo đầu tiên trong đời Sugarfoot Rag. Ngay lập tức, nó tiêu thụ được hàng triệu bản, trở thành cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Tiếp theo đó là những tháng ngày ông rong ruổi cùng những cây đại thụ của Rock, Jazz, Country như Hank Williams Sr., Elvis Presley, Roy Orbison, The Everly Brothers, Patsy Cline, Brenda Lee, Bobby Darian... Ở đâu ông cũng để lại danh tiếng không thể phủ nhận của mình. Ông đã giúp Elvis Presley định danh trong những Little Sister hay Big Hunk of Love, đưa Patsy Cline bay cao với I Fall To Pieces, chỉnh trang lại hit cũ của Bobby Helmes Jingle bell Rock và đưa nó trở thành một trong những bài ca Giáng sinh được yêu thích nhất. Ông được xếp trong A-list, lựa chọn đầu tiên mà các sỹ nổi tiếng muốn hợp tác. Không những thế, ông đã góp phần đưa cái tên Nashville trở thành bất hủ với một thứ âm thanh đặc trưng, đưa dòng nhạc country lấp lánh ra khỏi vùng trời Nashville và đặt nó vào phạm vi yêu thích của cả thế giới. Đến với Jazz hơi muộn (1958) nhưng chỉ cần với 3 album, trong đó Jazz winds from a new direction được đánh giá cao nhất, ông cũng đã xác tín một lần nữa tài năng ngoại hạng của mình. Ông đã từng chơi Jazz chung với Jazzist quái kiệt Charlie Parker, George Shearing và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến những tay Jazz đương thời mà George Benson là một ví dụ điển hình.

Lẽ ra ông sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với vua Elvis nếu như không bị một tai nạn xe bất ngờ ập đến vào ngày 08/9/1961 khiến ông bị tê liệt toàn thân và não bị tổn thương. Suốt mấy tháng trời, ông nằm dài trong hôn mê, không thể cử động tay chân và chiếc đàn được phủ đầy bụi chất ở góc nhà. Những ngày tháng sau, ông tập tành đi lại, nói năng nhưng tiếng đàn guitar bất hủ vẫn chỉ còn là tiếng thở dài của quá khứ. Thêm vào đó, ông phải đối chọi với bệnh tật, những cơn đau kéo dài, khả năng sáng tác không thể phát huy hết. Ông chỉ còn biết níu kéo thời gian bằng cách nghe lại những bản nhạc cũ và ngồi ký hợp đồng với Hollywood để làm cuốn phim về cuộc đời mình. Tay bình luận Peter Cooper của tờ Tennessean đã chốt lại: "Về thực chất Hank đã ra đi hơn 40 năm nay nhưng ông vẫn phải sống, sống để thấy rằng những gì mình đã làm được vẫn lấp lánh ở mọi thời kỳ".

Sự ra đi của Hank là một điều đã được báo trước từ rất lâu nhưng không vì thế làm khô cạn đi những niềm thương tiếc. Tài năng của ông luôn được công nhận cho dù những giá trị của nó đã tỏa sáng từ hơn 4 thập niên qua. Brad Paisley, tay guitar nổi tiếng của Country, người mới năm ngoái nhận một đề cử Grammy với album cover lại Sugarfoot Rag của Hank tâm sự: "Tôi tin rằng thế hệ người nghe ngày nay sẽ không bao giờ phủ nhận những giá trị cũ. Như bản thân tôi, người ta yêu thích tiếng đàn của tôi thì hẳn họ sẽ hiểu rằng trong tiếng đàn đó có một phần của Hank. Tôi không dấu giếm mình có nhiều điểm giống Hank bởi đơn giản Hank luôn là một giá trị để tôi vươn tới".

  • M. Cường

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NSND Trần Hiếu: Muốn yếu đuối trước người mình yêu! (29/12/2004)
Ca sĩ Duy Quang được hát tại VN (28/12/2004)
Vì sao nhạc sĩ Đỗ Quang tự tử? (28/12/2004)
CS Mỹ Tâm: Làm người nổi tiếng cũng...buồn! (28/12/2004)
Nhạc sĩ có nên ăn nhậu và... bia ôm? (27/12/2004)
Hồ Quỳnh Hương và ''Ngày dịu dàng'' (27/12/2004)
NS Minh Nhiên: Xin lỗi tình yêu bằng âm nhạc (27/12/2004)
"Ma nữ đa tình" chưa có cơ hội hát ở VN (24/12/2004)
NS Ngọc Đại: ''Nhật thực 2'' sẽ phát hành lúc 0 giờ (24/12/2004)
NS Quốc An: Đòi được rồi lại mất tác quyền! (23/12/2004)
Bảo Phúc không phải là tác giả ''Mê khúc''! (23/12/2004)
Ca khúc nhạc trẻ Việt 2004: Một năm khủng hoảng (23/12/2004)
Opera: Dù khó mấy cũng quyết theo đến cùng! (22/12/2004)
Tại sao Quang Hà cho rồi lại đi kiện? (21/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang