Quản lý "sao": Ăn cơm nhà vác tù và... cho ca sĩ!
09:21' 15/03/2005 (GMT+7)

 Không phải tất cả những người xuất hiện cùng ca sĩ, nhận sô diễn, liên hệ điểm diễn, định giá cát-sê... cho ca sĩ đều là người quản lý ca sĩ (manager). Phần lớn họ chỉ là những người giúp việc cho ca sĩ. Họ được ca sĩ nhờ làm những công việc hậu cần vụn vặt. Người giúp việc được tiếng đại diện cho ca sĩ, nhưng đôi khi chính họ phải gánh thay trách nhiệm vì những sai sót của ca sĩ.

Vinh dự được giúp việc cho ca sĩ ngôi sao?

Thái Huân (người đại diện của ca sĩ Mỹ Tâm, Hồng Ngọc) bên cạnh ca sĩ Mỹ Tâm trong một chuyến lưu diễn.

Chỉ những ca sĩ đã thành danh mới cần một người giúp việc cho họ. Ngoại trừ trường hợp ca sĩ Lam Trường được chính người thân trong gia đình làm giúp, hầu hết người giúp việc cho ca sĩ hiện nay là bạn bè, người ái mộ... tự nguyện làm. Rời nhóm MTV, V. về giúp ca sĩ T.T đảm trách công việc nhận sô, sắp xếp lịch diễn, liên hệ báo chí, nhận tiền cát-sê... Ca sĩ Q.D nhờ A.V (vốn là một nhân viên giám định hàng hải) về làm các công việc liên quan đến nghiệp ca hát để anh chuyên tâm cho giọng ca của mình. Nổi tiếng trong giới có thể kể đến T.H (từng làm việc trong Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen, làm biên tập nhạc cho nhiều phòng trà). Với vốn kiến thức âm nhạc vững chắc, T.H thích hợp trong việc giúp ca sĩ M.T phát triển sự nghiệp của mình. Hiện nay, T.H cũng là người đại diện cho ca sĩ H.N. Từ việc giúp ca sĩ V.H hát đúng văn bản ca khúc mới, N về giúp V.H chu toàn các công việc hậu cần. T vốn là một fan hâm mộ ca sĩ L.H. Sau nhiều lần hợp tác làm việc ( mở một phòng thu riêng), L.H mời T về giúp việc cho anh... Một trong những lý do mà người giúp việc tình nguyện làm là vinh dự khi được đại diện cho một ca sĩ nổi tiếng.

Tôi chưa bao giờ nhận được tiền lương!

Theo T cho biết: “Công việc đầu tiên của người giúp việc cho ca sĩ là bỏ MD (minidisc) nhạc nền mỗi khi ca sĩ hát trên sân khấu. Sau đó, khi đã quen việc và được ca sĩ tín nhiệm, người giúp việc sẽ đảm nhận những công việc khác như nhận lịch diễn quyết định cát-sê, sắp xếp các cuộc hẹn cho ca sĩ, lo phí tổn và thu lợi tức làm nhạc, sản xuất album, quảng cáo... như một manager. Đương nhiên, mọi kế hoạch, lịch trình đều được ca sĩ thông qua. Người giúp việc cho ca sĩ phải là người có thực lực, còn không họ cũng bị ca sĩ sa thải. Hầu hết, họ đều là người am hiểu về âm nhạc và có sẵn những mối quan hệ ngoại giao trong làng nhạc”.

Về lương bổng, hầu như họ - những người giúp việc - chưa bao giờ để ý đến. Bởi phần lớn họ làm vì những mối quan hệ, tình cảm riêng là chính. T (giúp việc cho ca sĩ L.H) cho biết: “Làm việc cho anh H nhiều năm nay nhưng tôi chưa bao giờ nhận tiền lương cả. Thỉnh thoảng, anh H sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi tôi cần”. Còn V, giúp việc cho T. T là vì anh thích thế và không cần bất cứ điều kiện gì. B.T (giúp việc cho nhóm F.5) tâm sự: “Mê ca hát nhưng trở thành ca sĩ thì không đủ khả năng. Thôi thì giúp việc cho ca sĩ để được hiểu hơn về nghề ca sĩ”.

Được việc không được khen, đổ bể thì ráng chịu!

Có nhiều ca sĩ chơi trò “Lê Lai cứu chúa”, đẩy người giúp việc lên làm bình phong cho mình với danh nghĩa người đại diện, mà công việc thường xuyên, phổ biến là nghe và trả lời điện thoại cho họ. V tâm sự: “Người giúp việc chúng tôi thường bị mọi người ác cảm chỉ vì phải làm người gác cửa cho ca sĩ từ việc tiếp xúc, trao đổi với báo chí, bầu sô chương trình...”. Công việc suôn sẻ thì chẳng được khen còn khi đổ bể thì người giúp việc phải hứng hết. Một lần, trong một chương trình ca nhạc, chỉ vì tên của ca sĩ T.T trên băng rôn quảng cáo bị đặt sau ca sĩ “nhẹ ký” hơn, người giúp việc phải trân mình hứng chịu những lời chửi mắng của cô ca sĩ này.

Nhiều khi ca sĩ hứng chí bỏ sô diễn, người giúp việc là người đi xin lỗi bầu sô chương trình với lý do quên báo. Một dạo, ca sĩ T bị dư luận lên án gay gắt vì chuyện hét cát-sê quá cao. Giải thích với mọi người, ca sĩ T cho biết, giá cát-sê đó do người giúp việc của cô quyết định. Còn bản thân cô thì không biết gì hết. Ca sĩ nói thì nghe vậy, nhưng mọi người đều biết bất kỳ quyết định nào của người giúp việc đưa ra đều có sự đồng ý của ca sĩ.

Trường hợp của B.N còn thảm hại hơn. Để được vào làm việc ở một tạp chí chuyên ngành nghệ thuật, anh phải nhận làm người giúp việc (với danh nghĩa là manager) cho ca sĩ T.L (vốn là người quen của trưởng văn phòng đại diện của tạp chí này tại TPHCM). Do không quen việc, anh bị bầu sô gạt tiền cát-sê (thay vì 1,8 triệu đồng, anh chỉ nhận được 800.000 đồng). Trong khi đó, anh đã phải trả tiền thuê xe cho ca sĩ 1 triệu đồng. Bù lỗ đã đành, anh còn bị mắng là ăn chặn tiền của ca sĩ vì lỡ báo với người thân của ca sĩ là nhận sô với giá 1, 8 triệu đồng.

“Không biết gì hết” là câu nói quen thuộc của ca sĩ mỗi khi sự cố xảy ra. Người gánh chịu mọi trách nhiệm sẽ là người giúp việc cho ca sĩ. Được ở cạnh, giúp chu toàn công việc cho “ngôi sao” cũng là niềm vinh dự của người giúp việc ca sĩ nhưng hình như họ chịu “nhục” nhiều hơn hưởng “vinh”.

(Theo Người lao động)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trần Hạo Dân: Chuyên nghiệp + chăm chỉ = thành công (14/03/2005)
Joey Yung thành công với show diễn đầu tiên tại Malaysia (12/03/2005)
NS An Hiếu: Làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nuôi vợ (11/03/2005)
Diễn viên Hongkong Trần Hạo Dân song ca với Đan Trường (08/03/2005)
Nghe ca khúc ca ngợi Phụ nữ Việt Nam qua VietNamNet (07/03/2005)
Trao giải VTV- Bài hát tôi yêu lần 3 (07/03/2005)
50 Cent làm nên lịch sử xếp hạng Billboard (05/03/2005)
Thế giới giải trí và kế hoạch khuếch trương thế lực (04/03/2005)
Nhạc trẻ Việt: Nữ giới vùng lên (04/03/2005)
Ca sĩ Tuấn Hưng "trả nợ" sinh viên (02/03/2005)
Vì sao nhóm Biển Xanh lại đổi tên thành nhóm... VNN? (02/03/2005)
Backstreet Boys "tái xuất giang hồ" (28/02/2005)
Bắt đầu xét xử ngôi sao pop Michael Jackson (28/02/2005)
Album Duy Mạnh – best seller đầu năm 2005 (27/02/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang