Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/6
10:05' 26/06/2004 (GMT+7)

1.Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên Báo Thơ: Thực hay giả?

2.Thành cổ HN: ''Lúng túng'' ngay từ khâu quy hoạch 

3.Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Tôi cảm kích với khát vọng đổi mới của nhà thơ trẻ 

4.Người mẫu Vũ Hương Giang bán đấu giá cúp Hoa hậu

5.Từ 1/7, nghe ca sĩ Ngọc Anh hát miến phí trên mạng

Tờ báo in thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha

Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên Báo Thơ: Thực hay giả?

Báo Thơ, phụ bản của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (số 12/6/2004) đăng một bản như tư liệu có nhan đề Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha nhân sự kiện cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới.

Lời giới thiệu bức thư này viết ngắn gọn: “Xin trân trọng được giới thiệu lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Bức thư được đăng có ba đoạn (hay dòng) bị lược bỏ, nhưng phần còn lại dài đến 1,5 trang báo. Thư lại không ghi ngày tháng viết, chỉ ghi năm 1974 ở cuối thư, như ghi chú của một tác phẩm văn học. Và với một tư liệu quan trọng như thế về hai con người nổi tiếng đều đã quá cố, liên quan đến một giai đoạn lịch sử của đất nước, tờ báo lại không đăng kèm theo bút tích hoặc thủ bút nào của tác giả, cũng không hề có một dòng về xuất xứ của nó.

Trước khi nói đến vấn đề bức thư, tôi xin được nói một chút về mối quan hệ của tôi với hai người vì có thể nó sẽ làm sáng tỏ một số khúc mắc. Tôi quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha từ năm 1968. Năm 1970, nhà thơ Ngô Kha, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các anh Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và tôi cùng chủ trương tờ báo đấu tranh bán công khai Tự Quyết, xuất bản được 2 số ở Huế. Bản nhạc Ta phải thấy mặt trời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được in ở đây. Từ đó cho đến giữa năm 1972 (lúc tôi thoát ly, anh Ngô Kha bị ngụy quyền bắt rồi bị thủ tiêu) anh Ngô Kha và tôi có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một vài lần, cả ở Huế, cả ở Sài Gòn. Đó là thời gian tôi gần như có mặt thường xuyên bên cạnh anh Ngô Kha.

Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... đoạn mở đầu viết: “Kha, lá thư nhận được sau cùng của Kha gởi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa...". Đọc đoạn thư này tôi cảm thấy ngờ ngợ vì vào thời gian bức thư ra đời (1974, theo ghi chú ở cuối thư) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu (lúc bấy giờ gọi là mất tích). Còn thời gian trước đó, tôi có thể khẳng định rằng anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một bức thư nào. Đó là những năm cao trào của phong trào đô thị Huế mà nhà thơ Ngô Kha là một ngọn cờ, anh gần như suốt ngày có mặt trên đường phố trong các cuộc bãi khóa, xuống đường. Cả trong thời gian ở tù, anh Ngô Kha cũng không viết thư cho ai, kể cả những người thân nhất của anh, trong đó có tôi. Mặt khác, vào thời điểm ấy, nếu có một bức thư nào của nhà thơ Ngô Kha gửi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chắc chắn bây giờ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn lưu giữ, vì giữa hai người ngoài tình bạn còn có mối quan hệ khác. Thứ hai, tôi lại càng ngờ ngợ hơn nữa khi đọc một số từ, cụm từ trong bức thư vốn rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như: “tiêu diệt tự do tư tưởng”, "tập thể nhân dân", "vấn đề tổ chức cơ cấu"... Tôi cũng rất lấy làm lạ rằng, vào thời điểm ấy (1974) mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể viết được một bức thư dài như thế (có thể dài nhất trong đời Trịnh Công Sơn) và lại thể hiện rất rõ ràng quan điểm của mình. Đây không phải là vấn đề tô hồng hay bôi đen nhưng quả thật với riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đây là một hiện tượng rất lạ.

Tất nhiên trên đây là cảm nhận riêng tư của tôi thông qua mối quan hệ với hai người. Tôi cũng đã hỏi ý kiến của một số người quen biết, gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Võ Quê... và họ cũng đều bày tỏ mối cảm nhận như tôi. Và vừa qua, nhân Festival thơ Huế 2004, vấn đề bức thư cũng rộ lên trong câu chuyện bên lề của cuộc gặp gỡ. Điều rất lạ ở đây là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Trưởng ban Biên tập Báo Thơ và là người trực tiếp cung cấp bức thư) thay vì cho biết nguồn gốc bức thư, ông lại nói cười một cách lấp lửng, làm cho mối nghi ngại càng lớn hơn.

Tôi nghĩ rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha đều là người nổi tiếng mà cuộc đời, sự nghiệp của họ gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước. Và do hai người đều đã khuất, nên tất cả các tư liệu lịch sử liên quan đến họ cần phải có cơ sở kiểm chứng, không chỉ để cho họ mà còn cho những người yêu mến họ và các thế hệ sau. Và tôi cũng nghĩ rằng, chỉ một thông tin, một tư liệu nhỏ đăng trên báo, người viết cũng cần phải ghi chú nguồn trích dẫn, thế thì tại sao với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một dòng nào ghi chú về xuất xứ của nó ?

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Bảo tồn Thành cổ HN: "Lúng túng" ngay từ khâu quy hoạch

Ngay sau khi nhận bàn giao khu Thành cổ từ Bộ Quốc phòng tháng 4/2004, Thành phố HN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và tôn tạo khu di tích tầm cỡ quốc gia này. Tuy nhiên, ngay trong công việc khởi đầu là quy hoạch, các nhà khoa học và quản lý thành phố đã thấy "vô vàn" những khó khăn.

Xuống cấp trầm trọng... Theo dự định ban dầu, khu A Thành cổ được bàn giao cho Hà Nội rộng khoảng 6,1 ha. Tuy nhiên, vì phải chừa ra khoảng 1 ha cho kế hoạch mở rộng đường Nguyễn Tri Phương trong nay mai nên phạm vi khu di tích Thành cổ mà TP Hà Nội nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng hiện nay chỉ còn hơn 4,9 ha (bao gồm cả khu Bắc Môn, Hậu Lâu và Đoan Môn đã được bàn giao từ năm 1998 có diện tích 7.269,2 mét vuông), nằm giữa đường Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, giới hạn từ di tích Đoan Môn đến Hậu Lâu.

Theo Sở VHTT Hà Nội, đơn vị được thành phố giao lập kế hoạch triển khai tu bổ, tôn tạo, phát huy di tích Thành cổ, tổng số các công trình được bàn giao là 69 nhà, trong đó các công trình lịch sử văn hoá còn lại rất ít ỏi gồm sân Điện Kính Thiên, hai đôi rồng đá, cổng thành phía đông và tây, các cổng nội cung, tường thành, công trình lịch sử Cách mạng gồm nhà D67, Sở Chỉ huy T78, nhà làm việc Cục Tác chiến và nhà "Con rồng", nơi làm việc của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hiện các công trình kiến trúc cơ bản trong khu di tích đều đã xuống cấp. Một số nhà do Pháp xây dựng từ trước năm 1954 trần đã bị sập, nền lún, tường nứt bong tróc, cửa gãy vỡ. Trong số 4 hầm ngầm được bàn giao, chỉ có hầm Quân uỷ còn được bảo quản tốt, các hầm còn lại cần phải cải tạo, lắp đặt hệ thống điện và thông gió mới sử dụng được.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng: hầu như không còn một trục đường giao thông nội bộ nào còn nguyên vẹn, đường điện trong từng công trình đa số không còn, thêm vào đó hệ thống cây xanh dày đặc (gồm 247 cây các loại, trong đó có hơn chục cây lâu năm đường kính từ 0,8 - 1m) khiến toàn bộ khu di tích lâm vào tình trạng ẩm thấp. Đấy là chưa kể mối mọt có ở hầu khắp các công trình, nhất là các khu nhà cấp 4 và nhà tạm...

Băn khoăn "kiểu" quy hoạch Tu bổ tôn tạo, phát huy tác dụng di tích Thành cổ HN là việc làm cấp bách với HN lúc này. Để tiến hành quá trình tu bổ, trước tiên các nhà khoa học phải tiến hành công tác quy hoạch định hướng không gian tổng thể khu vực Thành cổ, xác định rõ vị trí và cấp độ các công trình cần loại bỏ, công trình cần phục dựng, trùng tu... Thế nhưng, hiện nay các nhà khoa học chỉ có thể quy hoạch phần diện tích Thành cổ HN đã nhận bàn giao quản lý trên giấy tờ, trong khi đó có nhiều phỏng đoán cho rằng phần cốt lõi của Thành cổ lớn hơn thế nhiều.

Hiện các đơn vị chức năng được giao xây dựng đề án quy hoạch Thành cổ vẫn đang rất lúng túng lựa chọn các phương án: quy hoạch tổng thể hay chỉ quy hoạch phần đã được bàn giao. Đây cũng là điều dễ hiểu khi mà Thành cổ là nơi di tích chồng lên di tích, chưa kể dưới lòng đất sâu còn đang ẩn chứa nhiều bí mật khảo cổ linh thiêng, trong khi đó nhu cầu trùng tu Thành cổ lại rất cấp thiết.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá lịch sử Thành cổ HN, thành phố nên tham khảo ý kiến của các nhà văn hoá, khoa học tâm huyết với HN, cùng bàn bạc, nhanh chóng đi đến quyết định chính thức. Mong muốn được chiêm ngưỡng hệ thống di tích Thành cổ HN, bộ phận di sản văn hoá của cha ông trải suốt ngàn năm lịch sử, từ thời nhà Lý định đô đến thời đại Hồ Chí Minh, của nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước không thể coi nhẹ. Chỉ còn 6 năm nữa là tới đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hn tròn nghìn năm tuổi, tiến độ trùng tu Thành cổ càng phải được đẩy nhanh hơn nữa

(Theo TTXVN) 

Về đầu trang 

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Tôi cảm kích với khát vọng đổi mới của các nhà thơ trẻ

"Tôi yêu sự tìm tòi mới mẻ, trẻ trung của họ. Phẩm chất đáng yêu này sẽ đem đến cho bạn đọc và cả những thế hệ cầm bút trước họ về cách cảm, cách nghĩ. Họ gợi đến sự "đổi mới hay là chết" và khát vọng đổi mới của họ thật đáng khích lệ", Nhà thơ Trần Ninh Hồ bộc bạch trong một buổi nói chuyện với chúng tôi về thế hệ nhà thơ trẻ.

- Thế kỷ hai mươi đã trôi qua. Về thơ, nếu để chọn một một tác giả lớn, tôi sẽ chọn Chế Lan Viên. Đó là nhà thơ có tư tưởng, có cảm xúc trí tuệ. Cái bóng của ông rất lớn và đã trùm lên bóng của một số nhà thơ khác. Ngoài ra, ông còn là một nhà phê bình sắc sảo, vu khoát. Ông cũng là người có kiến thức đáng kinh ngạc, thuộc diện thông kim bác cổ. Còn ông thì sao?

- Tôi không cực đoan đến thế. Và nếu chỉ chọn có một thì thật khó! Tôi chọn 3 nhà thơ: Huy Cận, Chế Lan Viên và Văn Cao.

- Chắc ông cũng có bằng cớ để lựa chọn?

- Thơ Huy Cận có vẻ đẹp kinh điển. Thơ Chế Lan Viên có vẻ đẹp bứt phá, ngang dọc đầy thể nghiệm và thành công ngay trong thể nghiệm. Còn một người nữa: Đó là thơ của nhạc sĩ nổi tiếng Văn Cao. Thơ Văn Cao luôn cách tân và có một giọng điệu mới. Có một thời, thơ ông đã chi phối sự cách tân cả"nền thơ" Hải Phòng. Thành công nhất của Văn cao là Trường ca Cửa biển. Sau 3 nhà thơ trên, tôi còn chọn thêm Nguyễn Bính nữa. Thơ Nguyễn Bính có vẻ đẹp dân dã và giang hồ.

- Từng là Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ và Trưởng ban sáng tác trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, ông có nhận xét gì về thơ trẻ hôm nay?

- Tôi chia thơ trẻ ra làm hai dạng. Dạng thứ nhất, viết từ 1975. Dạng thứ 2, sinh từ sau 1975. ở dạng thứ nhất, có một trường hợp ngoại lệ: Hoàng Trần Cương. Mặc dù sinh năm 1948 nhưng Hoàng Trần Cương vẫn được coi là nhà thơ trẻ, vì nhà thơ này xuất hiện sau 1975.

- Tức là ông tính từ thời điểm xuất hiện tác phẩm thơ đầu tiên được công bố? Nếu để ông chọn những gương mặt thơ tiêu biểu từ 1975 đến nay thì ông chọn những ai?

- Những người tôi chọn, về cơ bản , đã xác định được cá tính thơ và tạo ra được cảm giác phong phú về giọng điệu, bút pháp, đề tài. Và thêm nữa, họ là những tác giả vững vàng, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong tương lai lâu dài nữa.

- Tức là những người sẽ gắn bó lâu dà và bền bỉ với thơ?

- Đúng thế. Có thể kể tên: Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương, Đỗ Minh Tuấn, Trần Anh Thái, Đặng Huy Giang, Thảo Phương, Ngô Minh, Trần Khắc Thạch, Bùi Chí Vinh.

- Ông chọn thế là nhiều hay ít?

- Gọi là nhiều cũng được, mà gọi là ít cũng được.

- Ông đánh giá về thơ của từng người ra sao?

- Nguyễn Quang Thiều mới mẻ, mạnh mẽ, đôi khi hoang dã một cách chân thành. Hoàng Trần Cương mạnh về thơ viết về miền trung nghèo khổ, vật vã và thơ thường cất lên từ những chi tiết của đời sống. Thơ về miền trung, ít có ai viết thành công được như Hoàng Trần Cương. Đỗ Minh Tuấn thì giàu suy ngẫm, triết luận, liên tưởng và có nhiều hình ảnh lạ chấp nhận được. Trần Anh Thái làm phong phú tinh thần của người lính. Thơ anh không chỉ có khung cảnh của chiến trường, thao trường, mà còn có hình ảnh của cả một vùng quê cảm động và đáng nhớ của riêng anh. Thơ của Trần Anh Thái có thể trở thành hành trang của người lính. Đặng Huy Giang có những câu thơ cặp đôi hướng về những gì làm người đọc băn khoăn và có một cái nhìn mang giá trị triết luận. Thảo Phương có nét mơ màng và không né tránh sự trần trụi của đời sống. Ngô Minh và Trần Khắc Thạch có giọng điệu Huế, nhỏ nhẹ, âm thầm, đôi khi khúc mắc và có những câu thơ tài hoa. Còn Bùi Chí Vinh thì phong sương hiện đại, được diễn đạt qua giọng điệu có khí vị cổ thi.

- Còn những nhà thơ sinh sau 1975 thì sao, thưa ông? Hình như họ không muốn giẫm vào dấu chân của những người đi trước thì phải?Ông có thể gọi tên họ được không?

- Tôi yêu sự tìm tòi mới mẻ, trẻ trung của họ. Phẩm chất đáng yêu này sẽ đem đến cho bạn đọc và cả những thế hệ cầm bút trước họ về cách cảm, cách nghĩ. Họ gợi đến sự "đổi mới hay là chết" và khát vọng đổi mới của họ thật đáng khích lệ.

- Nếu được khuyên họ vài câu, ông sẽ khuyên thế nào?

- Hãy bắt đầu từ gốc rễ ( sức nghĩ), bắt đầu từ sự phong phú của đời sống và tri thức của dân tộc, nhân loại. Từ sức nghĩ sẽ tạo ra sức mạnh cho sức cảm. Bởi vì sức nghĩ là xương cốt, sức cảm là máu thịt. Hay còn gọi là mối quan hệ giữa hồn và cốt trong thơ. Theo Thánh Thán thì nghĩ mà đến được thì đi một bước ( hay là viết một từ) cũng gần cái nơi phải đến. Nghĩ mà không đến thì đi ngàn dặm ( viết ngàn từ) càng xa cái nơi phải đến.

Có một câu nói dường như người Á đông nào cũng biết: Đại giác thì đại mộng. Xem thế thì mọi tìm tòi chữ nghĩa, nếu chỉ dừng ở mức hình thức hoặc chỉ là hình thức, thì mới chỉ là lập lòe xanh đỏ, vẫn mang nhiều tính chất của quảng cáo hàng chợ. Chính ánh sáng trắng ngỡ như không có, mới là sự hòa nhập tuyệt vời của bảy màu căn bản. Những giá trị đích thực ( hồn và cốt, mộng và giác) cho con người có cảm giác đứng trước sự trong trẻo trước ánh sáng trắng của khí trời. Thợ mỏ có một từ rất hay để phân biệt giữa gió trời và gió nhân tạo. Và thợ mỏ gọi gió trời là gió tươi.

- Nếu trong thơ mà kết hợp được ánh sáng tự nhiên và gió tươi thì không có gì lý tưởng hơn. Cách đây gần hai trăm năm, hình như "Thần Siêu" (Nguyễn Văn Siêu) từng lên án và nói về sự duy hình thức rất hiện đại?

- Đúng là"Thần Siêu" từng trao đổi qua thư từ với "Thánh Quát" ( Cao Bá Quát) như thế. Nội dung bức thư như sau: Gần đây (ở Hà Thành), có một bọn tự biết mình bất tài, không thuyết phục được ai, liền sinh ra loại văn chương tắc tị và bí hiểm để hù dọa thiên hạ. Mới đầu thì kẻ ngu tin. Sau rồi, đôi kẻ có trí cũng a tòng mà đi theo. Cái sự độc hại này, xem ra còn ghê gớm hơn văn chương của bọn người không đọc sách.

- Những đúc kết thật giản dị mà sâu sắc. Thoạt nghe cứ như chân lý vậy. Nhân đây, xin hỏi ông thêm một câu: Thơ bây giờ in ấn nhiều quá! Có người bảo: Thơ đang"lạm phát".Vậy thì đáng mừng hay đáng lo?

- Chẳng có gì để nói là thơ"lạm phát"cả. Thay vì truyền miệng thơ thì người ta in ấn thơ. Âu cũng là thực hiện quyền tự do xuất bản vậy! Chỉ có điều cần bàn nếu thấy cái gì gây tạp cho xã hội thì phải sàng lọc ngay không chờ thời gian, như người ta đánh phèn để cho nước trong ngay, không chờ nước tự lắng. Chúng ta làm thế để có nước để thỏa mãn kịp thời cho những cơn khát văn chương. Nhiệm vụ này đầu tiên thuộc các hội đồng biên tập của các nhà xuất bản.Tuy vậy, tôi vẫn không hiểu làm sao: Nhiều tập thơ ra đời chỉ vì tác giả của chúng lắm tiền. Chẳng lẽ có nhiều người có lắm tiền, không biết làm gì, nên mới sinh chuyện với thơ như thế. Thơ không cần ăn một cách cầm hơi như vậy.

(Theo Hà Nội Mới) 

Về đầu trang 

Người đẹp Hương Giang.
Người mẫu Vũ Hương Giang bán đấu giá cup Hoa hậu

Cùng cây đàn của nhạc sĩ Thế Hiển, chương trình bán đấu giá tại đảo Tuần Châu Hạ Long sắp tới sẽ rao giá chiếc cup Hoa hậu tâm đắc trong cuộc thi hoa hậu du lịch quốc tế 2003 của người mẫu Vũ Hương Giang. Các PV đã có cuộc trò chuyện với cô tân sinh viên 19 tuổi về những chi tiết thú vị phía sau kỷ vật quý giá này.

- Giang ít khi lên sàn nhưng giới người mẫu thời trang lại "phong" Giang là người đi săn giải thưởng?

- Tới nay, tôi đã dành được 5 danh hiệu: A' khôi Người đẹp văn hoá 2001 tại Hải Phòng, Hoa hậu tài năng (Ban tổ chức trao) và Hoa hậu tâm đắc (nhà tài trợ bình chọn) tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế tháng 12/2003 tại Malaysia... Tham dự cuộc thi này, tôi trưởng thành hơn rất nhiều với cường độ làm việc căng thẳng. Điệu múa Chim công tôi tập trong 3 ngày cho phần thi tài năng, NSND Chu Thuý Quỳnh dạy cơ bản và chị Minh Thu hướng dẫn. Trước đó Giang không biết gì về múa, không ngờ tiết mục lại được ban giám khảo đánh giá cao.

Sau đó, tôi "chạy sô" về tham dự cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam tại TP.HCM đầu năm 2004. Riêng cuộc thi Hoa hậu sinh viên thế giới tháng 8/2003 tôi không đoạt giải gì, chắc bởi sang muộn 10 ngày nên kết quả không như mong đợi. Nhưng chả sao, thêm một lần tập dượt càng tốt.

- Mỗi danh hiệu là một tấm thẻ "bảo hộ" cho người mẫu. Tại sao Giang quyết định trao chiếc cup Hoa hậu tâm đắc cho đảo Tuần Châu - Hạ Long?

- Tôi biết ở Tuần Châu thường xuyên tổ chức những cuộc bán đấu giá ủng hộ Quỹ vì người nghèo như thế, và tôi chủ động liên lạc với họ. Chiếc cup rất ý nghĩa với tôi nhưng tôi mong mình sẽ đóng góp phần nào để những người nghèo hơn chúng ta có thể cải thiện cuộc sống.

- Chủ động liên lạc? Nhưng chắc không dễ như trao một món mỹ phẩm cho người bạn chứ?

- Trước khi trao cup cho đảo Tuần Châu, tôi tham khảo rất nhiều người. Tôi nhờ chị nguyễn Thuý Nga - Công ty Elite VN gọi điện sang hỏi Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế 2003 về việc chấp thuận hay hông ý định của tôi. Họ khẳng định rằng ấy là quyền của người đoạt giải. Tôi là thí sinh đầu tiên của cuộc thi quyết định trao tặng kỷ vật của mình. Tôi đã làm thì không bao giờ hối tiếc, còn nếu hối tiếc thì không làm.

- Ngoài kỷ niệm với chủ nhân của nó, chiếc cup có gì đặc biệt?

- Cup do nhà máy Royal Seilangor sản xuất. Đây là nơi chuyên cung cấp cup cho 8 lần thi Hoa hậu Du lịch quốc tế. Chúng tôi đã tới thăm nhà máy.

- Giang không theo nghề người mẫu thời trang, tại sao?

- Thời trang là thứ tôi yêu thích, nhưng có lẽ tôi không đủ tố chất để trở thành người mẫu thời trang. Mọi người bảo Giang chỉ phù hợp các cuộc thi sắc đẹp. Tôi không đủ chiều cao để thành người mẫu, đấy là điều nhìn thấy rõ ràng nhất.

- Mỗi người mẫu tham gia cuộc thi là một đại sứ du lịch. Giang đã làm gì với sứ mệnh này?

- Năm ngoái tôi đi biểu diễn ở 7 quốc gia, trong đó tôi đến Lào với tư cách là đại sứ du lịch VN nhân hội nghị Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN. Dù thi đỗ vào khoa Quản trị kinh doanh quốc tế - trường ĐH Ngoại ngữ HN nhưng phải bảo lưu 1 năm. Tháng 9 tới Giang sẽ nhập trường. Sắp làm sinh viên cũng hồi hộp lắm. Người ta bảo nếu không làm sinh viên thì sau này sẽ hối tiếc nhiều. Tôi rất ít bạn bè.

- Còn một người bạn trai?

- Tôi chẳng có tiêu chuẩn gì cao xa, nhưng tôi thấy hiếm người yêu thương mình thật sự và biết cảm thông. Vả lại, bây giờ chuyện tình cảm với tôi còn sớm.

-  Thế những lúc vui buồn, ai là người thường sẻ chia cùng Giang?

- Tôi không quá giỏi giang đến mức có thể một mình hưởng niềm vui hay đựng nỗi buồn. Tôi có mẹ và một vài người bạn thân. Nhờ mẹ mà tôi vượt qua nhiều thử thách.

- Luôn trong vòng tay mẹ, nhưng lại dám đi một mình sang tận Malaysia dự thi. Người mẫu Elite không phải ai cũng làm được như vậy?

- Trước đêm chung kết một tuần, chị Nga (Công ty Elite) và bố mẹ tôi sang quay phim và cổ vũ. Sống trong vòng tay mẹ nên tôi được tính độc lập và bản lĩnh của mẹ.

- Thử tưởng tượng về tương lai khi Giang không làm người mẫu?

- Tôi đang học thêm tiếng Trung và văn bằng 2 ngành Quản lý văn hoá. Có lẽ tôi trở thành nhà tổ chức biểu diễn. Chưa nói nhiều, trong quá trình học tôi sẽ tìm điểm mạnh của mình.

- Có duyên với các cuộc thi sắc đẹp, Giang có muốn thử sức ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 do báo Tiền Phong tổ chức không?

- Tôi sẽ hỏi ý kiến bố mẹ. Tôi nghe thấy người ta ồn ào: Giang chạy sô giật giải, bây giờ "chảnh" rồi, không thèm đi diễn nhiều.

- Lại chuyện chiếc cup Hoa hậu tâm đắc sẽ phiền toái không khi người thắng trong cuộc đấu giá là một chàng trai và anh tìm đến chủ nhân chiếc cup?

- Chắc chắn họ sẽ tìm đến tôi. Và tôi nghĩ chẳng sao cả, mình có thêm một người bạn.

(Theo Tiền Phong) 

Về đầu trang 

Ca sĩ Ngọc Anh.
Từ 1/7, nghe ca sĩ Ngọc Anh hát miễn phí trên mạng

Ngày 1/7/2004, 30 bài hát đầu tiên trong tổng số 100 ca khúc xuất sắc nhất của ca sỹ Ngọc Anh đã thể hiện sẽ được tung lên mạng. Đó là những ca khúc của nhiều nhạc sỹ, với nhiều chủ đề, âm hưởng khác nhau mà Ngọc Anh thu âm từ năm 1995 tới nay. Đây có thể nói là một sự kỳ công của một fan hâm mộ Ngọc Anh cuồng nhiệt – anh Trí Lực. Anh đã tỉ mẩn “tích cóp” từng ca khúc Ngọc Anh hát trong gần 10 năm qua để làm một bộ sưu tập những tình khúc vượt thời gian của chị.

Bạn chỉ cần nhấp chuột vào website: www.ngocanhsinger.com, là được nghe miễn phí những ca khúc này theo các chủ đề khác nhau như: Những tình khúc Phú Quang, Tình trầm, Trái tim hoang đường... Những ca khúc được thể hiện từ thời Ngọc Anh còn là thành viên của các ban nhạc: “Chìa khoá vàng”, “3A”, tới những bài hát solo mới nhất của chị. Qua Bộ sưu tập này, người nghe sẽ cảm nhận rất rõ sự trưởng thành trong giọng hát của Ngọc Anh.

Ngoài ra, nếu bạn nào yêu thích giọng hát Ngọc Anh, muốn có Bộ sưu tập 100 ca khúc này, trong một bộ gồm 5 đĩa CD thì có thể đăng ký theo một form đăng ký có sẵn trên mạng và gửi về địa chỉ: ngocanhsingerfc@yahoo.com hoặc liên lạc với anh Việt Hòa (ĐT: 0912311080). Giá của Bộ sưu tập này là 50.000 VNĐ (cộng thêm 10% cước vận chuyển tới tận ni nếu ở khu vực Hà Nội, TP.HCM).

(Theo VDC) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi