Tin văn hoá trên các báo ra ngày 15/10
08:55' 15/10/2004 (GMT+7)

1.NM Minh Anh: ''Nếu Tứ ca Ngẫu Nhiên tái hợp, tôi sẽ về'' 

2.Triển lãm trang phục truyền thống phụ nữ VN và quốc tế 

3.Gala cười 2004: Những cái mới 

4.Doãn Hoàng Giang muốn được 'dại gái'  

5.Mỹ Duyên: Tôi vẫn đang chờ đợi 

Soạn: AM 171861 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Minh Anh và gia đình
NM Minh Anh: "Nếu Tứ ca Ngẫu Nhiên tái hợp, tôi sẽ về"

Sau khi tham gia Duyên dáng Việt Nam 9 (năm 2000), Minh Anh - một trong 4 thành viên của nhóm nhạc Tứ ca Ngẫu Nhiên đã sang Singapore để học tập, ít lâu sau chị lập gia đình tại đây. 4 năm nơi xứ người, Minh Anh đã quyết định mở một quán ăn thuần túy Việt Nam tại Singapore với mong muốn mang những hương vị Việt Nam đến quê hương của chồng. Nhân dịp về thăm gia đình, Minh Anh đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.

* Chia tay nhóm Tứ ca Ngẫu Nhiên, chị có tham gia ca hát hay biểu diễn thời trang tại Singapore?

- Tôi không thể hát ở Singapore bởi lẽ rất hiếm ca sĩ Việt Nam hát tại đây, nhưng biểu diễn thời trang và chụp hình quảng cáo thì khá nhiều. Tôi rất muốn được hát nhưng điều kiện không cho phép. Nếu như Tứ ca Ngẫu Nhiên gồm Trương Ngọc Ánh, Trịnh Kim Chi, Chung Vũ Thanh Uyên tái hợp, thì tôi sẽ về Việt Nam để hát.

* Được biết chị đã mở một quán ăn Việt Nam tại Singapore, thực khách ở đấy thế nào?

- Thức ăn Việt ở Singapore rất ít. Nếu có đi nữa cũng không đúng hương vị, do đó tôi bàn bạc cùng ông xã mở một quán ăn mang tên Sài Gòn Ơi! Sau khi khai trương, quán được rất nhiều sinh viên nước mình sang du học ủng hộ bởi các bạn xa nhà rất nhớ món ăn quê hương. Tờ báo Weekend Today (Singapore) cũng đã tới quán chúng tôi để làm một bài viết khá lớn giới thiệu về món ăn Việt Nam.

* Đặc sản quê nhà mà chị giới thiệu trong quán ăn của mình gồm những gì?

- Đó là các món quen thuộc như phở, bún riêu, cơm sườn nướng, chả giò, bì cuốn, xà lách trộn... Để có được hương vị đặc trưng của nước mình, tôi đã nhờ người dì (đầu bếp một nhà hàng tại TP.HCM) bay qua huấn luyện cho nhân viên hai tháng. Đến bây giờ thì nhân viên của tôi rất sành cách chế biến thức ăn Việt.

* Minh Anh có thể cho biết về cuộc sống của chị trong 4 năm tại Singapore?

- Tôi quen với ông xã tại Việt Nam sau đó mới đến Singapore du học về Marketting và P.R. Ở Singapore, cuộc sống của tôi và gia đình vẫn bình thường, thỉnh thoảng tôi cũng gặp các nghệ sĩ Việt Nam như Minh Trang, Kim Trang... Khi có thời gian, tôi làm các món ăn Việt Nam để đãi gia đình chồng vì hầu như mẹ chồng tôi chỉ nấu được món Hoa. Chú nhóc đầu tiên của chúng tôi đã được 20 tháng và tôi lại vừa có "tin vui", chưa biết là trai hay gái. Tôi đang có khá nhiều dự định cho tương lai như xin giấy phép mở một trường học thiếu nhi chẳng hạn. Tuy nhiên, nói trước bước không qua nên đành làm từ từ vậy.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Triển lãm “Trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam và quốc tế”

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2004), ngày 14-10 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội tổ chức triển lãm “Trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam và quốc tế”.

Triển lãm trưng bày 64 bộ trang phục và các tài liệu, hình ảnh về trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và 29 nước trên thế giới. Tại triển lãm, lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức giới thiệu 2 bộ y phục phụ nữ trong hoàng tộc triều Nguyễn - một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Đồng thời, triển lãm cũng tổ chức trình diễn trang phục nữ do các cán bộ, nhân viên nữ, phu nhân các nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thực hiện. Sự độc đáo, phong phú và đa dạng của trang phục nữ các quốc gia đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội và bè bạn quốc tế, qua đó tạo thêm cơ hội để giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Triển lãm kéo dài hết ngày 24-10.

(Theo SGGP) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 171863 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Tiểu phẩm ''Tế gà''
Gala Cười 2004: Những cái mới

Lần đầu tiên, tiếng cười của chèo được đưa vào Gala Cười 2004. Nghệ sĩ Quốc Anh đã chọn tiểu phẩm Bá Kiến dựa theo một tích quen thuộc về vợ chồng gã nhà giàu mưu mô, độc ác. Xuân Bắc và Tự Long tiếp tục chứng tỏ mình là một cặp diễn ăn ý trong vai 2 gã chuyên đi trấn lột học sinh (Hai người bạn).

2 speaker mới

Lên sân khấu rõ nhiều rồi song ca sĩ Tuấn Hưng không nén khỏi cảm xúc bồi hồi khi có dịp trở lại Hà Nội và xuất hiện trong một sân khấu hài. Tuy lịch làm việc khá dày đặc song không vì thế mà Tuấn Hưng không thu xếp thời gian xem Gala Cười qua... TV. Anh bật mí có khả năng bắt chước giọng nói của một số nghệ sĩ hài, đặc biệt là nhái giọng của Hiệp "gà". Hơn thế nữa, anh đã có dịp làm quen sân khấu với vai Xuân Tóc đỏ trong vở kịch Số đỏ.

Lệ Quyên mới xuất hiện trên sân khấu ca nhạc song đã sớm được công chúng biết đến như một giọng hát trẻ triển vọng. Thế nên nhiều khán giả sẽ rất ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, xem TV và nghe cô ca sĩ nhỏ nhắn này hát chèo trong điệu lới lơ khá luyến láy và... đa tình. Sự xuất hiện của các ca sĩ rõ ràng đã thổi một không khí mới cho sân khấu hài thêm sinh động và nhiều màu sắc hơn.

2 video clip mới

Thôi đừng chiêm bao - một tình thúc lãng mạn do ca sĩ Lệ Quyên thể hiện đã được nhóm Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long dàn dựng theo phong cách... không thể không bật cười. Chàng trai Quang Thắng vào nhà người yêu là Vân Dung để ăn trộm, không ngờ lại bị bắt quả tang. Quá xấu hổ với ông bố Tự Long, quá thất vọng với người mình yêu - Vân Dung vẫn cho chàng một cơ hội. Thế nhưng, trước khi bị công an giải đi, lợi dụng phút chia tay với người yêu, Quang Thắng vẫn thò vào túi Vân Dung để thó chiếc điện thoại di động

Vẫn nhớ của Tuấn Hưng lần này được Xuân Bắc minh họa với ước mơ nóng bỏng của một gã đánh giầy. Hoàn cảnh thì nghèo nàn nhưng mơ ước thì chẳng cần hạn chế. Gã đánh giầy biến thành một Xuân Bắc sang trọng, sẵn sàng lao vào đánh nhau để đoạt lại bằng được cô gái xinh đẹp từ một băng nhóm xã hội đen. Phần thể hiện ăn ý tới mức Tuấn Hưng bất ngờ trước phát hiện đầy sáng tạo, dí dỏm của người đã ẵm 3 giải quan trọng nhất tại Gala Cười 2003.

4 tiết mục mới

Lần đầu tiên, tiếng cười của chèo được đưa vào Gala Cười 2004. Nghệ sĩ Quốc Anh đã chọn tiểu phẩm Bá Kiến dựa theo một tích quen thuộc về vợ chồng gã nhà giàu mưu mô, độc ác. Xuân Bắc và Tự Long tiếp tục chứng tỏ mình là một cặp diễn ăn ý trong vai 2 gã chuyên đi trấn lột học sinh (Hai người bạn). Vân Dung, Quang Thắng - Tự Long và 1 con gà bị cắt tiết cùng xuất hiện trong một tiểu phẩm hấp dẫn: Tế gà. Còn người vắng mặt trong lễ trao giải năm ngoái, nhờ bà xã đi nhận hộ - năm nay đã "lôi" cả vợ lên sân khấu diễn tiểu phẩm Gậy ông đập lưng ông. Quá hiểu ý và ăn ý, diễn hài mà cứ thoải mái như không - 2 nghệ sĩ Chí Trung và Ngọc Huyền mang lại cho người xem nhưng tiếng cười sảng khoái.

(Theo TCTH) 

Về đầu trang 

Doãn Hoàng Giang muốn được 'dại gái'

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. "Nói cho mà biết, giới sân khấu xưa nay chưa bao giờ dám gọi Doãn Hoàng Giang là chú đâu nhé. Chỉ có anh Giang thôi. Mà đã là anh Giang thì nhất quyết không có tuổi", đạo diễn nổi tiếng với tính cách trẻ trung tâm sự.

- Nổi tiếng về kinh nghiệm "tình trường", anh nghĩ sao nếu người ta nói anh là người dám sống?

- Tôi yêu và được yêu rất nhiều. Từ những cô vẫn thường nhảy lên hôn chụt vào má anh Giang trước toàn thể bàn dân thiên hạ, đến mấy cô thậm chí còn chấp nhận "chỉ yêu mà không được bắt anh Giang cưới"... Chẳng cuộc tình nào là không rắc rối, nhưng sau khi và trên hết, phụ nữ vẫn thật êm đềm, đủ để giúp đàn ông cân bằng cuộc sống. Nhiều người bảo tôi là "dại gái", nhưng tôi thà mang tiếng "dại gái" còn hơn là "khôn gái" như mấy tay quen thói đào mỏ đàn bà.

- Nổi tiếng là đạo diễn ăn khách, vậy mà đến giờ anh vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ. Tiền kiếm được anh để đâu hết?

- Chính tôi đôi lúc hình như cũng không biết tiền mình đi đâu. Đôi khi là đem chia sẻ bớt với anh em diễn viên, đôi khi là vì phụ nữ. Rồi thì một trời sở thích sưu tập của mình: máy ảnh, camera, bật lửa, bút, đồng hồ... mỗi thứ ít nhất cũng phải gần chục chiếc đến vài trăm chiếc, có cái bút hay cái bật lửa độc đến nỗi ngốn mất của tôi đến vài nghìn USD là chuyện bình thường.

- Vậy cung nô bộc của anh thì sao?

- Không phải là những vở kịch hay những tấm huy chương, điều tôi tự hào nhất có lẽ chính là cái cung này đây. Thời buổi bình đẳng mà tôi có người giúp việc nhà cho là quý lắm. Thế nhưng, đố ai biết họ đến nhà tôi làm nô bộc, bởi ai trông tướng tá cũng thong dong, xe máy cưỡi chạy ào ào. Có hôm tôi ghé nhà còn bắt gặp cảnh oshin nhà mình nằm khểnh điều khiển TV bằng chân. Vì thế, oshin nhà tôi quyết không chịu lặt vặt, thi thoảng xin xỏ thì xin rất ác: một cái áo da (áo da cơ đấy).

Nhưng nói cho vui thế thôi, giúp việc cho tôi cũng mệt lắm, vì nhà tôi có điều lệ hơi ngược so với các nhà khác. Bình thường có thể xin nghỉ cả tháng, nhưng Tết thì nhất định không. Bởi mỗi dịp Tết, nhà này được coi là "đại bản doanh" của giới sân khấu.

- Những ai từng ăn món giò anh làm đều có chung nhận xét: giò mỡ "made in Doãn Hoàng Giang" thậm chí còn ăn đứt mòn giò mỡ bày bán ở chợ Hôm. Anh có bí quyết nào mà hay vậy?

- Công thức thực ra cũng giống nhau cả thôi. Quan trọng là ở khâu gia giảm, khéo được thì ngon, vụng thì chịu dở. Bởi gói giò cũng như làm kịch, làm như một người thợ thì dễ, nhưng nâng tầm lên nghệ thuật mới khó. Nghệ thuật đó là gì? Đó là bó không cần nén, vẫn chặt.

- Đứng trước một cô diễn viên anh đang "dại", anh sẽ "nén" mình thế nào?

- Đời làm đạo diễn của tôi đúng thực là không thiếu những lúc phải đứng trước những tình huống khó xử như thế. Nhưng cũng đừng trách chị em diễn viên, khi mỗi năm thường mỗi đoàn chỉ được dựng một vở, dăm năm mới có một kỳ hội diễn, mà ở người phụ nữ, nhất là ở một nghệ sĩ, mỗi năm cái tuổi nó đuổi xuân đi, xót lắm chứ, khát khao lắm chứ... Tôi thậm chí cũng không dám trách họ, ngay cả khi những khao khát ấy được thực hiện bằng một gói tiền để trên bàn. Nhưng cứ như một huấn luyện viên, nếu xếp sai đội hình thi đấu, ngay lập tức cái anh nhận được chắc chắn là thất bại của đội. Một vở kịch cũng vậy, ai phải được đặt đúng chỗ ấy. Vì vậy, đã có lúc, tôi phải chấp nhận bị một cô cào rách tay và khóc tấm tức dọc đường về chỉ vì: "Sao anh Giang không giao vai chính cho em?". Thà chịu vậy còn hơn là để cả đoàn phải khóc vì thất bại.

- Anh đang thực hiện những gì với các tác phẩm của mình?

- Một người hùng làm kinh tế dám dấn thân vào cái mới, có lúc cô độc, có lúc thất bại, nhầm lẫn nhưng cái chính là bản lĩnh của anh ta, khát vọng đổi mới ở anh ta trong lý tưởng dựng xây cuộc sống mới, giữa thời buổi thị trường nhiều bon chen, cạm bẫy. Đó là điều chúng ta cần nâng niu, trân trọng. Đấy cũng là bức thông điệp chính của vở Người cần được bảo vệ. Còn với Người đàn bà uống rượu, lại là câu chuyện về mẫu người dám sống khác: Một cựu thanh niên xung phong, sau bao thua thiệt bởi chiến tranh, lại tiếp tục gánh chịu những thua thiệt do miệng lưỡi của người đời trước cái tội "chửa hoang" của chị. Thế nhưng, tuyên ngôn sống cứng rắn của chị là: Một khi đã dám có mặt ở Trường Sơn thì không có cái gì bây giờ không dám làm, không dám vượt qua". Xây dựng thành công những hình tượng ấy là điều không hề đơn giản.

- Hai mẫu nhân vật đều không mới, anh đã làm cách nào để thuyết phục công chúng?

- Một thời, chúng ta giữ cái nhìn cảm thương cho nhân vật Thị Kính và chĩa hết phê phán sang nhân vật Thị Mầu. Còn hôm nay, chúng ta có thể nói gì mới hơn về Thị Kính? Có một câu mà tôi rất tâm đắc: Một khi anh đã cam phận làm thân con giun, thì anh đừng bao giờ trách bàn chân con người đã dẫm lên anh mà trước hết, hãy tự trách mình.

- Anh nghĩ gì về những đạo diễn trẻ - những người mà đứng trước cái bóng của Lê Hùng và Doãn Hoàng Giang, đã không ít lần phải ngậm ngùi cất đi khao khát dựng vở, làm nghề?

- Chuyện gần như là bất khả kháng chừng nào sức ép huy chương tại mỗi kỳ hội diễn còn đè nặng lên mỗi đoàn, và đó còn bị xem là "điều kiện vàng" để các đoàn nhận được sự đầu tư vào năm sau. Sẽ rất khó trách được ai, nếu như chừng nào chúng ta còn chưa phân ra các sân chơi công bằng U30, U40... như bên bóng đá. Chỉ như thế, các đạo diễn trẻ mới dễ có được cơ hội thử sức xứng đáng cho mình, những cơ hội mà ngay cả lớp chúng tôi, vào thời kỳ sân khấu thăng hoa nhất, cũng phải phấn đấu mướt mồ hôi mới có được.

(Theo Đẹp)

Về đầu trang

Mỹ Uyên: Tôi vẫn đang chờ đợi

"Uyên cũng mong ước như những người phụ nữ bình thường là sẽ có một gia đình thật đâm ấm và hạnh phúc. Lúc nào Uyên cũng đợi chờ một người đàn ông có nhân duyên với mình - và cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của Uyên", Mỹ Uyên tâm sự.

Xuất thân trong gia đình không có truyền thống nhgệ thuật nhưng Mỹ Uyên lại rất có duyên với điện ảnh. 10 năm theo nghề, chị đã tham gia khá nhiều vai diễn và là gương mặt xuất hiện thường xuyên trong các phim truyền hình cũng như sân khấu kịch tại TP.HCM. Trong những vai diễn của mình, dù chính hay thứ, Mỹ Uyên luôn đi sâu vài nét tính cách và nội tâm nhân vật. Một số vai diễn ấn tượng của chị như Thể Loan (Sương gió biên thuỳ), Kim Tiên (Lục Vân Tiên), Thọ (Người đàn bà yếu đuối), gần đây là vai Ba Cò trong phim Nợ đời... Ngoài đời, Mỹ Uyên chọn cách sông không ồn ào, âm thầm lao động và cống hiến hết mình cho nghề. Chị tâm sự: "Từ nhỏ Uyên đã yêu thích nghệ thuật nhưng không được sự ủng hộ của gia đình. Uyên đã giấu gia đình thi vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. Năm Uyên tốt nghiệp, lúc đó không có nhiều phim và ít có cơ hội cho các sinh viên mới ra trường tham gia. Còn ở sân khấu kịch thì đã có nhiều thế hệ đàn anh đàn chị nổi tiếng, rất khó "chen chân" vào. Có lúc Uyên rất nản, nhất là khi bố mẹ mất. Vì trách nhiệm gia đình, Uyên đã có ý định bỏ nghề. Nhưng khi đi xem các đồng nghiệp diễn, ngồi dưới hàng ghế khán giả nhìn lên sân khấu, niềm đam mê và nỗi nhớ nghề của Uyên dâng lên cao hơn bao giờ hết. Một lần nữa, Uyên xác định đây là nghề mà mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi".

- Sự nỗ lực của chị đã được mọi người đón nhận?

- Ngay từ đầu Uyên đã xác định đây là công việc rất nghiêm túc chứ không phải là cuộc dạo chơi. Vì thế, Uyên luôn hết mình với công việc. Những vai diễn của Uyên đã được khán giả yêu thích, diễn xuất của Uyên được các đồng nghiệp công nhận. đối với Uyên, đó vừa là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao. Những mệt mỏi và cực nhọc trong công việc cũng vơi đi rất nhiều.

- Công việc bận rộn như thế có ảnh hưởng đến đời sống riêng của chị hay không?

- Dường như nó cũng ảnh hưởng một phần nào. Bằng chứng là bây giờ da số các bạn cùng lứa tuổi của Uyên đã có gia đình, còn Uyên vẫn cô đơn. Uyên cũng mong ước như những người phụ nữ bình thường là sẽ có một gia đình thật đâm ấm và hạnh phúc. Lúc nào Uyên cũng đợi chờ một người đàn ông có nhân duyên với mình - và cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của Uyên.

(Theo TCTH)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi