Tin văn hoá trên các báo ra ngày 19/10
09:40' 19/10/2004 (GMT+7)

1.TP.HCM: Khai quật, bốc dỡ hay phá mộ cổ? 

2.Thành lập Trung tâm Bản quyền tác giả văn học VN: Tác tác giả hãy yên tâm về quyền lợi của mình! 

3.Xuân Lan không muốn mình là cái bánh bị thiu 

4.Đạo diễn Lại Văn Sinh: Độc đáo nhưng không lập dị 

Soạn: AM 174671 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
TP.HCM: Khai quật, bốc dỡ hay phá mộ cổ?

Đó là cuộc khai quật vắng mặt các chuyên gia khảo cổ, do UBND quận 10 bắt đầu tiến hành từ sáng 15/10/2004 với sự đồng ý của Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM: Bốc dỡ ngôi mộ cổ nằm trên địa bàn phường 8 (trước nhà số 535 Nguyễn Tri Phương), giao Công ty Dịch vụ đô thị và quản lý nhà quận 10 thực hiện. Nhưng công ty này lại ký hợp đồng để một đơn vị ở quận khác là Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình đến làm, trong thời hạn 45 ngày...

Tới chiều hôm qua 18/10, nấm mộ cao 3 m xây bằng hợp chất đặc biệt, cứng như đá, phần lớn đã bị san bằng ngang với mặt đường và chuẩn bị đào sâu xuống để thăm dò lòng mộ. Hiện nay, ngày ngày tiếng động khá lớn do máy nén khí và búa sắt nện xuống nóc mộ, vang ra từ những tấm bạt che chắn quanh phạm vi cả chục thước vuông của mộ, đã thu hút sự chú ý và hỏi han của không ít đồng bào qua lại.

Riêng giới nghiên cứu lịch sử văn hóa và khảo cổ tại TP.HCM thì khá bất ngờ, bởi ngôi mộ này không thể bị đối xử giống các ngôi mộ bình thường, vô thừa nhận được bốc dỡ lâu nay để thông đường, lấy đất. Mà đây là ngôi mộ cổ lâu đời cần được khai quật khảo cổ học. Bà Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường 8, Q.10, nói: "Mộ nằm trên vỉa hè gần ngã tư Nguyễn Tri Phương và đường Ba Tháng Hai đã gây cản trở việc đi lại của người dân. Chúng tôi được thông báo rằng, cuộc khai quật này còn nhằm xác định nếu ngôi mộ là di tích thì có kế hoạch bảo tồn, nếu không sẽ tháo dỡ để thực hiện nâng cấp, lắp đặt vỉa hè…". Song thực tế nó đã bị "tháo dỡ" mấy ngày qua, gây nhiều lời bàn tán. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nó là di tích cần phải bảo vệ, chứ không thể bảo "nếu là di tích thì mới bảo tồn" được. Vì riêng hợp chất ô dước dùng đắp mộ đã thông báo đến chúng ta niên hạn tồn tại của mộ ước đến trăm năm. Điều đó tự bản thân ngôi mộ đã mặc nhiên mang yếu tố là một cổ tích, một di tích mộ táng trên đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Và cũng cần nghĩ rằng, tại sao trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử mà ngôi mộ vẫn được giữ lại? Ắt người ta đã nhìn ra, hoặc ước đoán về những giá trị tiềm ẩn của nó nên vẫn để nguyên dạng ngôi mộ trong các đợt mở đường, để chờ đợi một cuộc khai quật vì mục đích văn hóa và khoa học.

Nhưng nay, lại giao các công ty "dịch vụ đô thị và quản lý nhà" bốc dỡ để "thông thoáng lề đường. Vậy là mục đích văn hóa và khoa học bị đưa xuống hàng thứ yếu, dẫn đến quyết định cho phép khai quật di tích không theo đúng những quy định hiện hành về khai quật khảo cổ học của Bộ Văn hóa - Thông tin, không có giấy phép của Bộ, mà tiến hành với sự giám sát của Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Vai trò tư vấn giám sát ấy không thể thay thế vai trò của nhà khảo cổ trên hiện trường.

(Theo Thanh Niên)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 174673 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Thành lập Trung tâm Bản quyền tác giả văn học Việt Nam: Các tác giả hãy yên tâm về quyền lợi của mình!

Dự kiến đầu tháng 11 này, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học Việt Nam sẽ ra mắt, với nhiệm vụ chính là bảo hộ quyền lợi cho các nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách - Giám đốc NXB Hội Nhà văn - Giám đốc điều hành có cuộc trao đổi về những hoạt động của trung tâm.

Các nhà văn được bảo đảm quyền lợi

+ Thưa ông, Trung tâm bản quyền tác giả văn học Việt Nam sắp chính thức hoạt động, đến thời điểm này trung tâm đã chuẩn bị được những gì?

- Trung tâm đã có quyết định hợp pháp là một tổ chức có con dấu, tài khoản, trụ sở và có người làm việc. Điều hành hoạt động của trung tâm, ngoài tôi còn có hai Phó giám đốc là nhà văn Trần Thị Trường và nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến.

Trung tâm đang xúc tiến việc thành lập hội đồng tư vấn khoảng 10 thành viên là các nhà văn hóa, ngoại giao, luật sư... nhằm giúp trung tâm xây dựng những quy định, điều lệ về sở hữu trí tuệ bản quyền văn học Việt Nam. Hội đồng này sẽ phối hợp với các cơ quan bản quyền nước ngoài thực hiện công ước Berne. Để hiểu rõ vấn đề tác quyền ở nước ngoài, mới đây, anh Cao Tiến Lê - Phó Ban Quản lý trung tâm đã đi Thụy Sĩ để khảo sát về công tác thực thi bản quyền ở nước này. Sắp tới chị Trần Thị Trường cũng sẽ đi Singapore tham dự hội thảo về bản quyền ở khu vực.

+ Bước đầu thực hiện, trung tâm sẽ hướng đến quyền lợi của những đối tượng tác giả nào?

- Chủ trương của trung tâm là không làm tràn lan, bước đầu chú trọng đến những tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng, ăn khách, đã được dịch và tái bản nhiều lần. Với những tác giả trẻ, trung tâm luôn hoan nghênh, sẵn sàng đón nhận những tác phẩm có giá trị của họ.

Vần đề bản quyền của các nhà văn trong nước từ trước đến giờ rất tùy tiện. Các loại tuyển tập liên tục được xuất bản trong khi các tác giả không được xin phép cũng không được trả nhuận bút. Từ bây giờ, khi các tác giả được trung tâm bảo hộ thì hoàn toàn yên tâm về quyền lợi của mình.

Sẽ giúp các NXB mua tác quyền nước ngoài

+ Cuối tháng 10 này, công ước Berne chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, nhiều NXB đang rất lúng túng trong vấn đề mua bản quyền nước ngoài. Để việc đàm phán chuyển nhượng bản quyền đạt hiệu quả cao, trung tâm đã có giải pháp gì, thưa ông?

- Trong việc đàm phán mua bản quyền của các cá nhân và tổ chức nước ngoài, trung tâm đã và đang xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại nhiều nước, nhằm thiết lập danh sách những tác giả lớn, các tác phẩm có tiếng vang ở nước ngoài. Từ đó thiết lập các mối quan hệ tiện cho việc liên hệ mua bản quyền.

Tất nhiên, để làm được việc này sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của trung tâm.

+ Trước đây, việc in ấn các tác phẩm trong nước và nước ngoài diễn ra khá tùy tiện, để cạnh tranh, các NXB chạy đua bằng việc tăng số lượng ấn phẩm, dẫn đến tình trạng nhiều ấn phẩm chất lượng kém. Vậy khi vấn đề tác quyền được thực hiện, liệu chất lượng sách có được bảo đảm?

- Văn hóa xuất bản của Việt Nam từ trước đến giờ chưa đi vào nền nếp. Những năm trước đây, hầu hết các tác giả lớn, các tác phẩm nổi tiếng đều đã xuất hiện ở Việt Nam.

Có thể nói, những tinh hoa văn học thế giới mà chúng ta đã giới thiệu góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên nền tảng của sự nhận thức, hiểu biết về văn hóa thế giới. Nhưng trong suốt thời gian ấy, vấn đề bản quyền lại chưa được chú trọng.

Bây giờ chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng nền nếp, văn hóa xuất bản theo luật pháp. Với việc tham gia công ước Berne, chứng tỏ Việt Nam đã hội nhập và tất nhiên, nhập gia phải tùy tục.

Còn về chất lượng sách, theo tôi chắc chắn nó sẽ được nâng lên. Do việc phải bỏ ra một khoản tiền mua bản quyền của chủ sở hữu tác phẩm nước ngoài nên giá thành sách chắc chắn sẽ cao lên, số đầu sách sẽ được chọn lọc chứ không xuất bản ồ ạt như trước đây, như vậy chất lượng sách sẽ cao lên. Những tác phẩm được xuất bản sẽ được tuyển chọn khắt khe, đó phải là những tác phẩm thật sự có giá trị.

+ Sách dịch đang được dự đoán là sẽ thiếu hụt rất nhiều trong thời gian tới, theo ông liệu điều lo ngại này có xảy ra?

- Sách nước ngoài chắc sẽ giảm đi rất nhiều, nhưng phải sau 1 - 2 năm nũa. Hiện tại, lượng sách đã xuất bản tồn đọng nhiều nên chưa thể xảy ra tình trạng khan hiếm. Giá sách cũng không thể tăng đến vài chục phần trăm như có người dự đoán bởi vì các NXB không được tăng giá sách lên cao. Đầu sách xuất bản ít nhưng số lượng tăng có thể cân bằng chi phí mà không phải tăng giá sách.

(Theo Gia đình và Xã hội) 

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 174675 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
NM Xuân Lan
Xuân Lan không muốn mình là cái bánh bị thiu

"Ngày trước, tôi nóng nảy hơn lửa, tôi cáu kỉnh với tất cả mọi người vì thấy cô đơn khủng khiếp. Nhưng những ngày như thế tạo cho tôi đầy đủ thành công và thất bại trước cuộc đời. Tôi học được nhiều điều hay từ những ngày trước để có một ngày hôm nay và ngày mai", người mẫu tâm sự.

- Không còn xuất hiện trên sàn diễn, chị tuyên bố với bạn bè là "bây giờ thời trang ở phía sau lưng", chị nghĩ thế nào về thời gian qua?

- Tôi vào nghề gần 10 năm. Nói theo quảng cáo là thế này: Ăn thời trang, uống thời trang, nghĩ thời trang, nằm mơ cũng thời trang. Suốt những năm tháng đó, công việc và suy nghĩ của tôi đều dành cho thời trang. Nhưng bây giờ tôi phải ưu tiên cho công việc khác phù hợp hơn, phần vì có tuổi, phần thì muốn ổn định cuộc sống của mình.

- Nghĩa là thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu của một siêu mẫu?

- Tôi không có thói đua đòi và trưng diện. Tôi luôn hài lòng với những gì thuộc về lao động chân chính từ hai bàn tay mình tạo ra. Thế nhưng, tôi nghĩ trong mỗi thời điểm của cuộc đời, mỗi người có quyền chọn cho mình lối rẽ phù hợp.

- Công việc mới của chị là gì?

- Tôi làm cho một công ty tổ chức biểu diễn, công việc thì rối ren lắm, kể không hết. Nhưng tôi biết mình không có quyền rinh cái mặt lạnh lùng như trên sân khấu được, thay vào đó là nụ cười hiền hoà dễ thương hơn. Tôi cũng không được đánh hông, ưỡn ngực để tạo dáng hay mang đôi giày gót cao chót vót rồi từ trong đi ra như một bà hoàng, nếu tôi làm thế thì người ta sẽ cười và bảo "con này điên". Tôi phải thay đổi để thích nghi. Tôi cần có một cái đầu thông minh để điều khiển mình.

- Chị làm thế nào để nâng cấp chỉ số thông minh?

- Trước đây, tôi không phải là một búp bê bằng nhựa "vô hồn, vô cảm" nên việc nâng cấp cũng không quá khó khăn. Vả lại những năm tháng qua, tôi cũng đã học thêm nhiều thứ từ trường dạy, đời dạy, nghề dạy.

- Ngoài công việc đó, chị tiếp tục gắn liền với cái tên Hoàng Thanh với tư cách một manager, nếu người ta nói vì nghiệp chướng nên không thoát khỏi, chị nghĩ sao?

- Khi nghe tôi có ý định này, bạn bè ai cũng can ngăn và cho là tôi bị thiệt thòi vì dính vào chuyện tình cảm. Đó là vướng mắc lớn nhất cản trở tôi và Thanh làm việc cách đây đã hơn 2 năm. Nhưng khi đã xác định rõ công việc là công việc, tình cảm là tình cảm thì tôi đã dũng cảm lao vào. Nếu tôi và Thanh có tình cảm và hạnh phúc thì tôi chẳng cần tuyên bố với mọi người và sẽ âm thầm giúp đỡ Thanh, còn tình yêu đổ vỡ đến mức không thèm nhìn nhau thì việc gì phải lao vào nhau, tôi cũng phải tìm cho mình một hạnh phúc mới chứ?

- Làm nhiều công việc như thế, chị thấy mình có giàu không?

- Có bữa, tôi vẫn cứ đi Honda ôm đi làm vì chiếc Cindy cứ hư hoài và không dám đi taxi vì sợ tốn nhiều tiền. Tôi mới đổi điện thoại không phải để chứng tỏ mình sành điệu mà vì cái điện thoại cũ đã hư quá, không thể tiếp tục xài được, tôi đã bán nó với giá rẻ mạt 400.000 đồng. Vậy theo bạn tôi có giàu không?

- Đã có nhiều người như vậy vội tìm cho mình người có hầu bao, còn chị?

- Tôi khó yêu lắm. Còn "cặp" để moi tiền người ta thì tôi không làm được. Khi biết bị moi tiền, thì "hầu bao" chẳng phải là "nai tơ" ngồi nhìn ngơ ngác. Luật "ăn bánh thì phải trả tiền" thể hiện một cách rõ ràng. Khi ăn hết bánh thì ngán, người ta sẽ đi tìm bánh ngon hơn, lạ hơn. Tôi không muốn người khác nuốt mình và trở thành một cái bánh bị thiu.

(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)  

Về đầu trang 

Đạo diễn Lại Văn Sinh: Độc đáo nhưng không lập dị

Đạo diễn Lại Văn Sinh. Là chủ nhân của những bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng cao như "Chuyện thảo nguyên", "Chị Năm khùng", Lại Văn Sinh luôn trăn trở với từng số phận nhân vật. Đối với anh, mỗi tác phẩm phải được thực hiện bằng cái tâm và sự cảm thông thực sự, có vậy mới thành công.

- Nên hiểu nhân vật trong phim tài liệu thế nào là đúng nhất?

- Phim tài liệu chính là cuộc sống, trong đó con người là nhân vật trung tâm. Dù phim làm về sự kiện hay vấn đề xã hội thì cũng phải đặt con người lên hàng đầu. Nhưng nếu làm không khéo sẽ hoá phim chân dung, chân dung mà không lột tả được cái thần của cá nhân sẽ thành chân dung thiếu số phận.

- Anh đi tìm nhân vật như thế nào?

- Đọc báo, nghe qua bạn bè, thâm nhập thực tế..., tóm lại là nhiều kênh!

- Một nhân vật hay nhóm nhân vật hấp dẫn anh hơn?

- Tuỳ. Như phim Sinh năm 1972 có tới 7 nhân vật, mỗi người là một "tiểu vũ trụ" riêng, nhưng lại dính với nhau ở một số điểm chung, trước hết là cùng lớn lên dưới bom đạn. Hay Chuyện thảo nguyên là những người phụ nữ đã hy sinh thời trẻ, nay chung hoàn cảnh éo le cùng khát khao hạnh phúc. Còn Chị Năm khùng là một nhân vật có điều kiện đi sâu đào bới nội tâm....

- Tiêu chí nhân vật của anh là gì?

- Độc đáo nhưng đừng lập dị, cực đoan quá. Con người qua con mắt người làm phim phải trở thành hình tượng, và người xem sẽ nhận ra cái chung của thời đại nhân vật đang sống.

- Anh đã "ba lần đến lều tranh" để tìm ai chưa?

- Chính là Chuyện thảo nguyên. Tôi phải ba lần lên Mộc Châu gặp gỡ, làm quen với họ tìm sự thông cảm, đến lần thứ tư mới có thể quay được.

- Đó là nỗi đau nhạy cảm. Anh đã dùng thủ pháp gì vậy?

- Đừng lừa gạt, dối phỉnh họ. Phải thẳng thắn. Tôi bảo họ không làm phim này với con mắt thương hại cũng như không kêu gọi lòng thương hại của ai mà là đánh động để xã hội quan tâm đến họ.

- Tính cách nhân vật chỉ bộc lộ trong hoàn cảnh đặc biệt. Anh nghĩ sao về dàn dựng không đủ thời gian?

- Không dàn dựng không thành phim. Nhưng dựng phải thật, tôi thích dùng từ "tổ chức, sắp xếp bối cảnh cho nhân vật" hơn. Máy quay phim nhựa hoàn toàn khác với máy quay video, không thích hợp với "vồ chộp"...

- Nhân vật nào làm anh tốn mồ hôi nhất?

- Những người phụ nữ trong Chuyện thảo nguyên. Và tôi vẫn cảm thấy mắc nợ họ khi mà làm xong phim vẫn thấy mình chưa nói hết được nỗi xót xa của những thân phận.

- Ai trở thành bạn thân của anh khi phim đóng máy?

- Chị Năm khùng! Ra Hà Nội chị luôn tìm đến tôi và vào Sài Gòn tôi lại đi gặp chị.

- Đi nhiều LHP quốc tế, tiếp cận với nhiều cách làm phim tài liệu mới, anh nghĩ sao khi phim tài liệu VN cứ một lối?

- Tôi từng phát biểu nhiều, 50 năm qua chúng ta vẫn làm phim tài liệu theo một lối như Roman Karmen. Nhưng đổi mới đòi hỏi từ người làm phim, từ hội đồng duyệt và chính trong cách thưởng thức của người xem.

- Vì sao những mẫu nhân vật doanh nhân, trí thức trẻ giỏi, thành đạt chưa được phim tài liệu đề cập?

- Vì mô hình làm ăn kinh tế ở ta chưa ổn định. Có khi hôm nay anh ta là anh hùng, mai là tội phạm. Mà làm phim theo kiểu nhân vật điển hình như những năm trước là hoàn hoàn phi khoa học. Trong khi làm một cá nhân riêng lẻ thì đôi khi không có tác dụng giáo dục chung.

(Theo Lao Động)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi