Tin văn hoá trên các báo ra ngày 20/10
09:36' 20/10/2004 (GMT+7)

1.Tạm ngưng khai quật ''ngôi mộ đá'' 

2.Trần Thiết Dũng đoạt 2 HCV ảnh nghệ thuật tại Mỹ  

3.Nhà văn Đỗ Chu: ''Phải biết xấu hổ mới viết hay được!'' 

4.Bốn cô gái ''Thời tiết'' 

Soạn: AM 175439 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Công nhân đang khai quật ngôi mộ - ảnh chụp lúc 15g ngày 19-10.
Tạm ngưng khai quật "ngôi mộ đá"

Nhà văn Sơn Nam: "Theo tôi, Nhà nước nên giữ, không nên phá bỏ ngôi mộ. Bởi những ngôi mộ như vậy ở trong lòng TP không còn mấy cái và cũng không chiếm nhiều chỗ lắm. Chúng ta còn nhiều đất để mở đường, cất nhà, chứ đâu chỉ một nhúm đất chỗ đó."

Như tin đã đưa "Q.10 (TP.HCM): bốc dỡ một ngôi mộ cổ", ở Q.10, TP.HCM cơ quan chức năng đang tiến hành khai quật ngôi mộ cổ nằm trên lề đường trước nhà số 535 Nguyễn Tri Phương. Đơn vị thi công là Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình.

Theo bà Diệu Anh, trưởng Phòng VHTT Q.10, việc khai quật ngôi mộ này là để "thực hiện việc chỉnh trang và qui hoạch đô thị". Công việc này hiện đang tiến hành đến đâu và sẽ kết thúc như thế nào, khi đã có những ý kiến khác nhau về việc khai quật ngôi mộ này?

Chiều 19-10, chúng tôi có mặt tại khu vực ngôi mộ đá ở đường Nguyễn Tri Phương. Ngôi mộ từng cao 1,2m, dài 4m, rộng 3m, nay trông giống như đống gạch ngổn ngang, nham nhở. Một nhóm công nhân đang dùng máy nén khí, búa phá bêtông gỡ ra từng mảng hợp chất xây mộ có màu trắng như đá vôi và rất cứng.

Chủ cơ sở thi công tại hiện trường cho biết sáng 19-10, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đã đến khu vực mộ đá và xác định rất có thể hợp chất xây mộ được làm từ thành phần là vỏ cây ô dước, vỏ sò xay nhuyễn, đường mật, vôi và cát. Đây là những loại vật liệu đã được tìm thấy ở một số ngôi mộ cổ trước đó. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán chứ chưa phải kết quả phân tích khoa học.

Chủ hộ 533 Nguyễn Tri Phương liền kề ngôi mộ cho biết chị đã ở đây hơn 30 năm và không biết ngôi mộ này xây dựng từ bao giờ, chỉ biết rằng tên gọi “mộ đá” đã có từ rất lâu. Chị nghe bố mẹ chồng (nay đã mất) kể lại rằng đây là mộ ông chứ không phải mộ bà và rất linh thiêng. Người dân những khu vực lân cận thường xuyên tới đây thắp hương cúng bái từ hàng chục năm nay.

Đến cuối giờ làm việc ngày 19-10, chúng tôi nhận được điện thoại của ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết ông đã xuống hiện trường xem xét và quyết định tạm ngưng việc khai quật để báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Nhận thấy sự hoang mang trên nét mặt của những công nhân tại đây, chúng tôi hỏi thăm tổ trưởng tổ thi công Vũ Huỳnh Hảo. Anh nói: “Anh em chúng tôi hôm nay chỉ dám làm việc cầm chừng vì càng đào dần tới nắp ngôi mộ, chúng tôi càng lo lắng. Nghe mấy nhà khảo cổ nói rằng những ngôi mộ cổ thường có chất ướp xác gây ngộ độc. Giả sử có chất phát tán gây ngộ độc chết người, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chúng tôi?”.

Anh là chủ cơ sở tư nhân nhận thầu từ Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình, thỏa thuận phá dỡ ngôi mộ đến ngang mặt đất. Kể từ hôm 15-10 đến nay, 50cm/120cm chiều cao ngôi mộ đã bị phá bỏ. Anh Hảo sẽ cho công nhân phá thêm 20cm rồi ngừng vì lý do an toàn. Anh khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ phá đến sát mặt đất nếu được trang bị phương tiện chống hơi ngạt hoặc khí độc!”.

Cho đến khi rời khỏi khu vực mộ đá, chúng tôi không thấy sự hiện diện của đại diện cơ quan làm nhiệm vụ giám sát là Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh xuất hiện. Tâm trạng hoang mang vẫn đeo đuổi những công nhân. Xung quanh, người dân tụ lại xem mỗi lúc một đông

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 175445 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trần Thiết Dũng đoạt 2 huy chương vàng ảnh nghệ thuật tại Mỹ

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 39 - năm 2004 do Câu lạc bộ nhiếp ảnh miền Nam bang California (S4C) tổ chức với sự bảo trợ của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) đã nhận được sự hưởng ứng của 940 tác giả gởi 3.760 ảnh, từ 30 quốc gia trên thế giới tham dự.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thiết Dũng (CLB nhiếp ảnh Bảo Lộc - Lâm Đồng) đã xuất sắc vượt trên tất cả giành được huy chương vàng PSA với tác phẩm đen trắng Vòng tay yêu thương (ảnh)- nhận được số điểm tuyệt đối của cuộc thi: 27 điểm, đồng thời được danh hiệu Bức ảnh đẹp nhất của triển lãm do PSA trao tặng (PSA - Best of Show).

Cũng trong cuộc thi này, tác giả Trần Thiết Dũng còn đoạt thêm Huy chương vàng của S4C, thể loại ảnh màu, với tác phẩm Suy tư.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Nhà văn Đỗ Chu: "Phải biết xấu hổ mới viết hay được!"

Với "Một loài chim trên sóng" - tập sách thứ 10 trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Đỗ Chu đã vinh dự nhận Giải thưởng văn học Đông - Nam Á 2004. Vừa trở về nước sau đêm trao giải 12-10 tại Bangkok, ông có cuộc trò chuyện sau.

Phát biểu khi nhận giải trước gần một nghìn quan khách, nhà văn Đỗ Chu nhấn mạnh: "Cũng như các nhà văn Việt Nam, tôi hiểu đây là một giải thưởng văn học mang ý nghĩa to lớn, có sức mạnh tập hợp và thúc đẩy tiến trình của các nền văn học trong toàn khu vực. Những cuộc gặp gỡ hằng năm của các nhà văn xuất sắc đại diện cho các nền văn học khu vực chúng ta, được tổ chức tại ngôi đền phương Đông này, với thời gian đã trở thành vẻ đẹp của tình hữu nghị, trở thành tiếng nói chung trong thời đại hội nhập và phát triển toàn diện, vì sự phồn vinh và bình yên của Đông - Nam Á và thế giới".

Giải thưởng văn học Đông - Nam Á (SWA) ra đời năm 1979 nhằm ghi nhận tài năng văn học và khích lệ sự sáng tạo của các cây bút ở mỗi nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN). Những năm qua, giải thưởng này không ngừng phát triển, trở thành diễn đàn gặp gỡ, trao đổi giữa các tác giả văn học trong khu vực và là dịp quảng bá những thành tựu văn học ở mỗi nước nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN.

Việt Nam cử đại diện tham dự SWA từ năm 1996. Các nhà văn , nhà thơ đã nhận giải đến nay gồm: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003) và Đỗ Chu (2004).

Cùng đến nhận Giải SWA 2004, ngoài nhà văn Đỗ Chu đại diện cho Việt Nam còn có 8 nhà văn, nhà thơ Đông - Nam Á khác, gồm: Hai Jawawi Bin Haji Ahmad (Brunei), Chey Chap (Campuchia), Gus TF Sakai (Indonesia), Thong bay Phothisane (Lào), Zurinah Hassan (Malaysia), Cesar Ruiz Aquino (Philippinnes), Soon Ai Ling (Singapore) và Rewat Phanpipat (Thái-lan)

Trở về từ Thái-lan, nhà văn Đỗ Chu cho biết: Giải thưởng văn học Đông - Nam Á vốn chỉ là một giải thưởng khiêm tốn trong quy mô thế giới và mang tinh thần hội nhập là chính. Nhưng nếu "biết người biết mình" thì phải thừa nhận rằng những cuộc đua thuyền ở nơi "thôn xóm nghèo" với thuyền thúng áo bèo, với sen súng vẫn rất thú vị cho dù không thể hoành tráng như các cuộc đua thuyền rồng. Có nghĩa rằng, chúng ta đã ngưỡng mộ thành tựu của những giải thưởng lớn, có tầm bao quát, có truyền thống lâu đời và danh giá thì cũng không việc gì phải mặc cảm vì quy mô khiêm nhường của một giải thưởng khu vực.

* Đến Thái-lan, ông thấy văn học nước họ được đầu tư như thế nào?

- Tôi thấy người ta có cả một ngân hàng ở Bangkok để chăm lo cho văn học. Tiền trao giải SWA là 70 nghìn baht. Một con số rất khiêm tốn nhưng... Việt Nam mình cũng chưa làm nổi.

* Giải thưởng văn học ASEAN thường trao cho các tác giả "đầu bạc". Liệu những tác giả trẻ có cơ may không ?

- Ngoài những tác giả cao tuổi và có bề dày như Ma Văn Kháng, Lê Văn Thảo..., chúng ta vẫn còn nhiều tác giả trẻ triển vọng như Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải... Tôi nghĩ giải thưởng Đông - Nam Á những năm tới sẽ rơi vào các tác giả trẻ nếu họ có những thành tựu mới xứng đáng. Với những tác giả tài năng, việc này chẳng có gì khó khăn.

* Nghe nói để có tập sách thứ 10 - Những loài chim trên sóng (NXB Văn học, 2002), làm xong bản thảo rồi, ông cũng phải tự bươn bả, tự chạy đôn chạy đáo nơi này nơi kia lo xin giấy phép, lo làm bìa, lo hợp đồng in, lo nhận rồi lo... bán sách...

- Thì xưa nay tôi vẫn toàn làm thế! Chả nhẽ lại để cho đầu nậu "ăn chặn" à? Có một số thư viện muốn mua nhưng tôi không bán cho họ vì phải chia phần trăm. Mà tôi thì muốn bảo vệ thành quả lao động của mình.

* Nhưng kể từ 26-10 tới, khi Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu lực ở Việt Nam thì ông sẽ đỡ vất vả hơn trong việc "trao bán" văn chương?

- Cũng chưa chắc. Khi Công ước Berne có hiệu lực, việc truyền tải văn học hiện đại nước ngoài vào nước mình sẽ càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự đầu tư của Nhà nước cho công tác dịch thuật lớn hơn để người đọc vẫn có điều kiện tiếp xúc với tài sản văn hóa của nhân loại hiện đại. Bên cạnh đó, nhà văn Việt Nam lại càng phải không ngừng cố gắng, không ngừng nâng cao trách nhiệm trước trang sách của mình để làm ra những tác phẩm đầy đặn cả về nội dung và hình thức. Bởi thực tế hiện nay là chúng ta đang có rất nhiều ấn phẩm nhưng tác phẩm tốt thì lại rất ít. Tóm lại, phải biết xấu hổ mới viết hay được.

(Theo Thể thao và Văn hóa)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 175443 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đan Lê
Bốn cô gái "Thời tiết"

Gần đây, khán giả truyền hình đang rất chú ý tới sự thay đổi của chương trình "Dự báo thời tiết". Không thể phủ nhận là sự xuất hiện của bốn cô gái dẫn chương trình dễ thương làm nên một phần sự sinh động, hấp dẫn ấy.

Để có một đội ngũ nhân sự phục vụ cho sự đổi mới của chương trình, phòng "Dự báo thời tiết", đặc biệt là chị Thanh Thư - người đã gắn bó và phụ trách chương trình hơn chục năm nay - đã tích cực chuẩn bị, tập luyện cho người dẫn chương trình từ trước đây 5 tháng.

Em út của nhóm nhóm "Bốn cô gái thời tiết" này là Vũ Thu Trang (rất thích được gọi là Vũ Trang) - một cô gái xứ Thanh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Ngoại thương. Trang "bật mí" vì bé nhất, luôn được các chị chiều nên cô đã tự tin và trưởng thành lên rất nhiều.

Có người bảo lên hình trông Phạm Ngọc Vân Giang có vẻ hơi già. Dù sao thì cô Bống (biệt danh của Giang) đã 23 tuổi, nhiều tuổi nhất trong nhóm, lại sớm tự lập nên già dặn là đúng rồi. Quê Ninh Bình, Giang đã tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, hiện đang làm tại Dự án của một trường Đại học Mỹ: "Thử nghiệm mạng lưới dự phòng HIV/STD tại miền Bắc Việt Nam. Chuẩn bị tham gia vào chương trình, Giang đã xem CNN, học hỏi thêm từ các anh chị Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và nhất là học được từ các anh chị Đài THVN. Trước buổi ghi hình, Giang phải chuẩn bị kỹ từ hôm trước để mong mình sẽ gây được cảm tình với người xem.

Hỏi Đặng Lưu Hà về biệt danh "Hà béo", cô bé "văn nghệ sỹ" nhất nhóm (đang học Biên kịch năm thứ 3, ĐH Sân khấu Điện ảnh) cười tươi và không giấu giếm: "Vì trước em rất mập, nặng đến hơn 50 cân cơ". Cô bạn Hà Nội 21 tuổi này tự nhận sở trường là... khéo dỗ trẻ con. Sở thích là nấu ăn và bày biện nhà cửa mỗi khi có thời gian rảnh. Ưu điểm: Luôn sẵn sàng nụ cười trên môi. Nhược điểm: nói nhanh quá. Khó khăn khi làm dự báo thời tiết là kiến thức còn hạn hẹp nhưng Hà hy vọng sự cổ vũ của mọi người sẽ giúp em ngày càng vững vàng hơn.

Trong "Liên hoan tiếng hát những người làm truyền hình" của Đài THVN năm nay xuất hiện gương mặt mới làm các bậc đàn anh không khỏi nhắc nhỏm về vóc dáng, gương mặt như người mẫu và giọng hát khá chuyên nghiệp. Đó là Nguyễn Đan Lê, sinh viên năm cuối khoa Phát thanh Truyền hình, Phân viện Báo chí tuyên truyền. Lê ước mơ được làm ở Ban Thời sự của Đài THVN.

(Theo TCTH)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi