Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/10
09:05' 22/10/2004 (GMT+7)

1. Ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương: mộ cổ hay kho báu?

2. Khả năng ứng xử của các hoa hậu được quan tâm 

4. Hỏi ông "chuyện lạ VN"

6. Hội diễn SKKNCNTQ 2004: Tre già, măng chưa mọc

 

Soạn: AM 176887 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương: Mộ cổ hay... kho báu?

Nhiều người dân đã tỏ ra rất hoang mang khi thấy ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương bị “khai quật” như phá một ụ đá bên đường. Trong khi đó các nhà chuyên môn vẫn đưa ra nhiều ý kiến: Đây là ngôi mộ cổ hay... kho báu?

Cần tôn trọng văn hóa mộ táng

Sáng 21-10, tại khu vực thi công ngôi mộ cổ đông đảo người dân vẫn tiếp tục tụ tập tranh cãi, bàn tán về nguồn gốc cũng như bí mật bên trong ngôi mộ. Tại đây có một vấn đề được nhiều người nhắc đến, đó là sự tôn trọng bậc tiền nhân của những người đang sống.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngôi mộ cổ này rộng từ bờ bao đến giữa đường Nguyễn Tri Phương (vạch ngăn cách), gần ngã tư đường 3 tháng 2 - Nguyễn Tri Phương phường 3 quận 10. Nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật, người đã chủ trì khai quật rất nhiều ngôi mộ cổ cho biết thêm: “Không bàn đến vấn đề linh hay không linh, nhưng theo tập tục, chôn hay đào đều phải cúng tử tế. Khi tôi chủ trì khai quật mộ bà Nguyễn Thị Hiệu ở Xóm Cải, chúng tôi đã từng mời cả các nhà sư tới tụng kinh. Đó không phải là do mê tín, mà là tôn trọng văn hóa mộ táng. Hơn nữa, tâm linh còn là vũ khí sắc bén của dân tộc.

Một điều khác cũng rất quan trọng là trấn an dư luận. Khi chúng tôi làm như vậy đã tạo cảm giác an tâm cho những người dân địa phương. Mình cúng đủ lễ, lỡ như trong hay sau khi chúng tôi khai quật, ở địa phương hay những công nhân tại công trường có xảy ra tai nạn gì thì người dân cũng không nói là tai họa do việc khai quật chúng tôi mang lại”.

Kho tàng hay xác ướp?

Tại cuộc tiếp xúc với các phóng viên báo đài sáng 21-10, tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: “Đây là một ngôi mộ lớn, lớn hơn cả mộ vua Lê Dụ Tông đã khai quật rất nhiều".

Một cách chắc chắn, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật khẳng định: “Trong lớp hợp chất này là xác ướp. Được bảo vệ với một hợp chất rất chắc chắn và dày như vậy, các di vật và người chôn dưới mộ sẽ không bị hư hại gì. Theo tôi, ngôi mộ này cũng quan trọng khi chúng ta phát hiện về khai quật Hoàng thành Thăng Long, dù phạm vi của ngôi mộ nhỏ hơn, nhưng đây là dấu nối về văn hóa từ Thăng Long đến Gia Định, dấu nối của văn hóa Việt từ sông Hồng đến sông Cửu Long.

Công trình khai quật đang tạm dừng, ý kiến của các nhà khảo cổ vẫn tập trung vào hướng đây là một ngôi mộ cổ. Trong lúc đó các nhà nghiên cứu khác đang dựa vào sử sách để tìm hiểu sự thật nằm sâu bên trong. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đưa ra một giả thuyết táo bạo. Theo ông, với phần kiến trúc tạm lộ ra như hiện nay đang thể hiện một điều bất thường. Phần nấm của ngôi mộ không hoàn toàn dính với kết cấu mới lộ ra và với kích thước lớn như dự đoán thì đây khó lòng là một ngôi mộ mà giống như là nơi để chôn giấu một vật gì đó.

Chưa hết, nếu ngôi mộ này được xây cách nay trên 200 năm, vào thời kỳ khu vực này là một đầm lầy thì việc vận chuyển nguyên vật liệu, tập kết nhân công sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí còn khó hơn xây một ngọn tháp tại Huế. Một nhân vật được chôn theo kiểu này chắc chắn phải rất nổi tiếng nhưng sử liệu để lại thì gần như là một con số không. Theo ông đây có thể là nơi mà chúa Nguyễn Duệ Tông, Phước Dương khi tránh sự truy đuổi của Tây Sơn đã chôn dấu tài sản Hoàng gia. Chỉ có họ mới đủ sức huy động vật lực, nhân lực để thực hiện điều này và để tránh quân Tây Sơn phát hiện họ đã giả trang đây như một ngôi mộ (giữa một khu vực nhiều mồ mả khác). Sau đó, cả Duệ Tông, Phước Dương đều bị xử chém và dấu ấn về cuộc chôn cất này cũng trở thành một bí mật của lịch sử.

Tuy nhiên, theo ông Cao Tự Thanh đây cũng chỉ là một giả thuyết mà để chứng minh còn cần rất nhiều sự giúp sức của các nhà khảo cổ, sử học, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là cái gì bên dưới mà là chúng ta phải có kế hoạch bảo vệ và nghiên cứu hiệu quả tránh để xảy ra tình trạng thất lạc hay hư hỏng các cổ vật nếu có.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 176889 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoa hậu 2004: Khả năng ứng xử của các thí sinh được quan tâm

Nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh khả năng ứng xử của các thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu năm 2004 - một trong những điểm yếu của các cuộc thi trước. Vấn đề này xem ra đã được cải thiện khi Ban Tổ chức đưa ra những công bố của mình.

Cuộc thi sẽ đuợc tổ chức tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) vào 2 đêm 28/10 và 30/10. Một đêm chung kết hứa hẹn nhiều điều mới mẻ và bất ngờ. Ban tổ chức cuộc thi cho biết, mọi công việc chuẩn bị đang đuợc hoàn tất những khâu cuối cùng.

41 thí sinh xuất sắc nhất đã đuợc lựa chọn trên tổng số hơn 3000 ngàn thí sinh tham gia cuộc thi hoa hậu năm nay. Và đây là những gương mặt điển hình trong số họ. Hình ảnh những nguời đẹp sẽ đuợc cập nhật liên tục hàng ngày trên trang web chính thức của cuộc thi : www.miss-vietnam.com.vn. Ngoài việc tham gia bình chọn Hoa hậu, tất cả ai khi truy cập trang web này đều có thể đặt ra những câu hỏi ứng xử cho các thí sinh. Những câu hỏi này sẽ đuợc lựa chọn và sử dụng trong phần thi ứng xử của đêm chung kết. Đây là một điểm mới so với các cuộc thi Hoa hậu của nhiều năm trước đó. Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Tổ chức, qua các vòng thi sơ khảo và tuyển chọn nguời đẹp của các khu vực có nhiều chuyển biến rõ nét trong chiều cao, vẻ đẹp và trình độ ứng xử của các thí sinh.

Tại cuộc họp báo tổ chức gần đây, nhiều nguời băn khoăn về khả năng ứng xử của các thí sinh vì đây là điểm yếu thường thấy trong các cuộc thi hoa hậu trước đây. Ban tổ chức cuộc thi cho biết, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và nhận thức của mỗi nguời, tuy nhiên Ban tổ chức cho biết sẽ tập huấn kỹ cho các nguời đẹp về kiến thức thực tế, phát huy tối đa khả năng của từng cá nhân bên cạnh sự huấn luyện bài bản về phong cách trình diễn và lựa chọn trang phục.

(Theo Đài truyền hình VN)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 176891 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Hỏi ông “Chuyện lạ VN”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải là chủ nhiệm bộ môn khoa học nghe khá lạ tai - môn khoa học dự báo - của một trung tâm cũng gây tò mò không kém: Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

Cuộc phỏng vấn sau được thực hiện khi ông Hải đang giữ vai trò cố vấn chương trình “Những chuyện lạ VN”.

* Một chuyện lạ nhất VN chính mắt ông chứng kiến và đến nay vẫn chưa giải thích nổi, đó là chuyện gì, thưa nhà nghiên cứu?

- Một người bịt mắt lại vẫn có thể đọc báo vanh vách! Tôi được giới thiệu về chuyện lạ này và đã ba lần trực tiếp đến kiểm tra. Tôi đã dặn gia đình hễ khi nào cô gái ấy bộc lộ khả năng kỳ lạ thì báo cho tôi. Chuyện lạ này mới được tôi phát hiện và chưa được Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người công bố.

Về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho người viết xem những tấm ảnh chụp một cô gái còn rất trẻ bịt mắt bằng một chiếc khăn mặt trắng gấp tư. Ông Hải cho biết trước đây cô gái này chưa có khả năng kỳ lạ đó và nay khả năng ấy không phải lúc nào cũng bộc lộ. Bịt mắt, cô gái vẫn đọc trôi chảy từng đoạn dài chữ nhỏ. Chỉ những chữ viết tắt, tên nước ngoài là cô đọc ngập ngừng. Tuy nhiên, theo ông Hải, “có thể bịt mắt cô lại bằng đủ mọi cách, nhưng cô yêu cầu không che khuất phần ấn đường trên trán. Theo tôi, đây là một hiện tượng siêu hình. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và nghiên cứu về hiện tượng này”.

*Thế còn những hiện tượng ông có thể lý giải được, lấy ví dụ từ chương trình truyền hình “Những chuyện lạ VN” đang phát sóng trên VTV3 vào tối thứ tư hằng tuần?

- Một số hiện tượng lạ dư luận chú ý được phát sóng gần đây, bên cạnh khả năng con người và yếu tố dày công tập luyện thì có thể giải thích dưới góc độ vật lý. Người biểu diễn tiết mục nằm trên mảnh chai để lộn xộn thì quả thật anh ta đã tập luyện để đạt đến độ “mình đồng da sắt”.

Tuy nhiên cơ lưng mỗi người đều có một lớp thịt mềm, nếu luyện tập tốt để cơ được thả lỏng, có thể làm nhũn cơ ra và chỗ tiếp xúc với mảnh chai không cứng như chỗ khác thì áp lực giảm đi rất nhiều. Khi biểu diễn được gối đầu lên một mảnh gỗ, tay đặt lên ngực, lưng người biểu diễn hơi cong lên theo kiểu “uốn cầu vồng” thì có thể giúp áp lực giảm đi. Khi nhân vật trong chương trình chịu lực một tảng đá 470kg đặt lên người thì việc thêm một người khác dùng búa nện vỡ tảng đá đó không phải đã làm tăng áp lực cho người nằm dưới. Khi đó lực cơ học đã được dàn đều. Nếu giỏi hơn thì anh hãy bỏ tảng đá gần nửa tấn ra và chỉ... giáng búa vào, chắc là khó hơn nhiều đấy!

Với phần biểu diễn “chạy trên mặt nước”, cần được gọi đầy đủ là “chạy trên tấm thảm trên mặt nước”. Khi chạy, áp lực dàn trên mặt phẳng của nó. Vấn đề là cần chạy đủ nhanh để không kịp chìm từng bộ phận của dải băng. Trong truyện Túp lều của bác Tom, tôi nhớ cũng có chi tiết một phụ nữ bế đứa bé chạy trên dải băng trên mặt nước. Trong chương trình chạy trên mặt nước hôm đó, người tổ chức hơi sơ sót khi để cái đích xa 170m nên cuối cùng người chạy nhanh nhất, xa nhất vẫn chưa tới được đích.

Tôi đã nghe nói đến Trung Quốc có người chạy trên tuyết không để lại dấu chân, ở Ấn Độ có người nổi mình trên không... Những hiện tượng được cho là khinh thân, theo tôi, có thể kiểm nghiệm bằng việc cho người đó đứng trên một cái cân lò xo (cân đồng hồ), nếu cân chỉ gần về “không” (đề khí khinh thân) thì chúng ta công nhận...

* Được biết, có phần biểu diễn đã ghi hình nhưng cuối cùng lại không phát sóng, đó là vì sao thưa ông?

- Đúng là có những phần đã ghi hình nhưng không phát sóng, ví dụ như người đứng trên bóng điện. Mới nghe thì có vẻ phi thường, siêu nhiên nhưng thật ra lại là tự nhiên. Tôi có thể đứng trên ba quả trứng nếu chúng được giữ thẳng đứng. Quả trứng (đặc biệt là trứng vịt) hay bóng đèn, bóng điện có cấu trúc bản mỏng (hình vòm) rất chắc chắn. Vì cấu trúc có khả năng chịu lực ghê gớm nên đã được ứng dụng chế tạo cổng mái vòm hay tiêu biểu là công viên biểu diễn ở Sydney, Úc. Hôm quay chương trình, người biểu diễn đứng lên vỡ đui chứ có vỡ bóng đâu!

* Xin chân thành cảm ơn ông.

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 176893 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004: "Tre" già, "măng" chưa mọc

Cuối cùng thì Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004 cũng đến hồi kết. Những người yêu sân khấu đã xem, lo lắng, chờ đợi và thất vọng...

Luẩn quẩn

Vẫn biết kịch bản là vấn đề "Biết rồi, khổ lắm nói mãi" tại nhiều kỳ hội diễn nhưng không nói sao được khi từng ấy vở đã đi qua mà người xem vẫn chỉ còn đọng lại trong lòng "vui ít buồn nhiều". Ngoài những vở ở chặng đầu vẫn cứ luẩn quẩn với đề tài chiến tranh - hậu chiến mà khán giả đã bội thực, một số vở ở chặng cuối đã cố gắng phần nào bám sát đề tài cuộc sống hôm nay. Nhưng ngay cả ở sự "mới mẻ" ấy lại bắt đầu vòng luẩn quẩn khác.

Trên cái nền cuộc sống mới là những mô-típ nhân vật khô cứng, gượng gạo bị cường điệu hóa. Đó là một nữ chủ tịch huyện nén nỗi đau chấp nhận cảnh xa chồng, xa con để tới một nơi khỉ ho cò gáy... vì công việc; một anh giám đốc dám từ chối cuộc tình với con gái cưng của vị thứ trưởng để toàn tâm toàn ý vực dậy cái nhà máy đang bên bờ phá sản, để rồi phải vào tù và ngay trong trại giam vẫn nghĩ cách cứu nhà máy. Thực tế được phản ánh lẽ nào lại có thể thô thiển đến mức trong 8 vở chặng cuối có đến 6 vở dựng lên hình ảnh kẻ nát rượu. Anh kỹ sư có tài không được trọng dụng, sinh ra bất mãn tìm đến rượu; ông nghệ sĩ già chẳng biết làm gì cũng tìm rượu giải sầu; ông cán bộ có vợ nấu rượu, nếm thử suốt ngày rồi đâm nghiện... Nhàm đến mức một đạo diễn nói vui "có lẽ rượu cũng là một giải pháp hay". Đó là chưa kể nhiều diễn viên đóng vai quần chúng tìm cách cù khán giả bằng những màn lắc mông, chống nạnh, xỉa xói, chửi tục... bởi như thế "mới là quần chúng"? Đội ngũ tác giả, đạo diễn tại hội diễn này hầu như vẫn những gương mặt cũ, quanh đi quẩn lại là Nguyễn Khắc Phục, Triệu Huấn, Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành ...

Thô thiển

Quá già, quá cũ - không ít người xem đã nhận xét như vậy về đội ngũ diễn viên tại hội diễn này. Nhan nhản khắp các vở tham dự là những hình ảnh tương phản: cô gái trẻ tuy mới yêu lần đầu nhưng nhìn kỹ thì nét mặt lại già đắng già cay; một cô khác cố làm ra vẻ trẻ trung bằng bộ váy áo sặc sỡ, ăn nói nhí nhảnh nhưng không giấu được đôi tay khô cằn, gân guốc của tuổi U.50... Màn yêu đương tỏ tình rất lãng mạn của anh bộ đội với cô thanh niên xung phong dưới tán lá rừng (vở Như một huyền thoại của Đoàn kịch Hải Phòng) chẳng những không gây xúc động mà còn khiến người xem phì cười vì anh bộ đội lứa tuổi 20 lại có cái đầu hói nhẵn thín, dù mặc chiếc áo rộng thùng thình vẫn không che nổi cái bụng bự tổ chảng. Tai hại nhất là chuyện nói vấp, nói nhịu. Một nữ chủ tịch huyện đứng trước dân mới nói vài câu đã 2 lần nói nhịu, thứ trưởng một bộ nọ trong lời thoại ngắn ngủn đã 3 lần nói vấp; vị chính ủy tham gia trận Điện Biên Phủ lừng danh khi ra lệnh cho bộ đội cũng "ăn không nên đọi, nói không nên lời"; những màn chửi ngoa ngoắt trong vở Người cần được được bảo vệ (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Thanh Hóa) quá phản cảm, làm người xem bực mình.

So với hội diễn năm 1999, hội diễn sân khấu toàn quốc lần này thật trầm lắng, mà theo giới chuyên môn, do quá thiếu những kịch bản hay. Một thành viên Ban Giám khảo than thở "sân khấu kịch nói hiện đã quá ảm đạm, cần phải dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh". Còn với người xem thì "tre" đã quá già mà "măng" chưa chịu mọc.

Dẫu vậy vẫn có những điều đáng ghi nhận. Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh - đơn vị phía Nam duy nhất tham gia hội diễn với vở Giữa hai bờ sương khói (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc) đã đem đến vẻ mới lạ cho hội diễn lần này. Tác phẩm thể hiện cuộc đấu tranh không tiếng súng, không bom đạn, rất "đời thường" nhưng người xem vẫn rưng rưng cảm động; đó là chưa kể tới đội ngũ diễn viên thực sự trẻ trung, đầy khát khao làm nghệ thuật. Vở Ngoại phạm của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng được giới chuyên môn đánh giá cao dù rằng nội dung tích cực trong cả hai vở nói trên vẫn còn quá ít.

(Theo TN)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi