Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/10
09:24' 27/10/2004 (GMT+7)

1. Một sân khấu hoành tráng hình vương miện 

2. Giọng hát hay HN: Chủ nhà trượt các giải cao 

3. Về đâu ca sỹ phòng trà 

4. Chưa xác định ngày khai quật ngôi mộ cổ  

5. Hà Tây bảo tồn di tích Đền thờ Hai Bà Trưng  

 

Soạn: AM 180259 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một góc sân khấu
Một sân khấu hoành tráng hình vương miện

Ý tưởng thiết kế này cho sân khấu cuộc thi hoa hậu VN 2004 được Tổng đạo diễn Lại Văn Sâm đưa ra sau khi nghiên cứu địa điểm trình diễn của các thí sinh tại vòng chung kết hoa hậu 2004. Đây sẽ là một sân khấu lung linh đầy màu sắc bởi được dàn dựng trên bối cảnh của những vũ điệu nhạc nước. VTV Web đã có những ghi nhận đầu tiên ngay tại Tuần Châu, Quảng Ninh, nơi sẽ diễn ra cuộc thi chung kết Hoa hậu Việt Nam 2004.

“Việc lựa chọn, thiết kế sân khấu đúng theo nội dung cuộc thi là yếu tố quan trọng của một chương trình truyền hình trực triếp, cố gắng của chúng tôi không chỉ đưa lại cho khán giả một cái nhìn chân thực về cuộc thi, về những người đẹp Việt Nam mà còn cho mọi người thấy sự hấp dẫn của khu du lịch này”, ông Lại Văn Sâm nói.

Do địa hình sân khấu nằm giữa lòng chảo, nên hệ thống loa tại đây sẽ đặt hướng lên để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa việc âm thanh đập thẳng vào vách núi và vọng trở lại. Theo ý tưởng thiết kế sân khấu của Tổng đạo diễn Lại Văn Sâm, khi biểu diễn, thí sinh sẽ đi ra sân khấu bằng đường ray trượt phía sau sân khấu. Nét đặc sắc của các màn trình diễn của thí sinh sẽ được tôn thêm vẻ lung linh huyền ảo trên nền sân khấu nhạc nước. Các thí sinh sẽ xuất hiện và bước lên sân khấu trong màn sương khổng lồ dày đặc nhiều màu sắc và ánh hào quang.

Hệ thống đèn chiếu sáng sẽ được phối hợp với vũ điệu nước của Cty Âu Lạc - đơn vị đồng tài trợ cho cuộc thi. Do địa hình sân khấu nằm trong lòng chảo, nên hệ thống đèn sẽ được lắp đặt xung quanh hai vách núi với số lượng là 300 đèn đơn và 10 cột đèn chiếu sáng có công suất lớn. Ngoài ra, số đèn màu trang bị ngay trên sân khấu cũng lên đến 300 chiếc. Điều đặc biệt là hệ thống đèn trang bị cho sân khấu này sẽ phối hợp với nhau về màu sắc của các mùa như mùa hè (áo tắm) và mùa xuân (áo dài) nhằm phù hợp với nội dung biểu diễn các loại trang phục của các thí sinh.

Việc dựng sân khấu này được tiến hành từ ngay hôm 21/10 với tiến độ gấp rút bởi diện tích sân khấu quá rộng (chiều ngang hơn 100m). Anh Nguyễn Thanh Tùng, người chỉ đạo tổ chức dàn dựng sân khấu, âm thanh và ánh sáng cho biết: “Vì diện tích sân khấu quá lớn, nên anh em phải tập trung làm cả ngày lẫn đêm cho kịp thời gian. Những ngày vừa qua, chúng tôi làm từ 8h sáng đến 12h cho kịp với chương trình biểu diễn của vòng chung kết”.

Đến hết ngày 24/10, hệ thống âm thanh đã hoàn chỉnh và hoạt động tốt. Theo nhận định của Ban Tổ chức, đây là sân khấu lớn nhất từ trước tới nay trong các cuộc thi hoa hậu.

Đơn vị chịu trách nhiệm dàn dựng sân khấu này là công ty âm thanh ánh sáng Ngọc Vũ (TP HCM). Nhân viên phục vụ cho việc dựng sân khấu cho cuộc thi vòng chung kết này lên tới 40 người. Bên cạnh đó, toàn bộ thiết bị và vật liệu dàn dựng sân khấu cũng được công ty này đưa ra từ TP HCM ngay cả những vật dụng đơn giản nhất như gỗ dán.

Chiều nay (26/10), các thí sinh đã được các chuyên gia hướng dẫn trình diễn trong trang phục áo tắm tại sân khấu nhạc nước này.

(Theo Đài Truyền hình VN) 

Về đầu trang 

 

Giọng hát hay Hà Nội: Chủ nhà trượt các giải cao

Giải Nhất trị giá 10 triệu đồng cuộc thi đơn ca Giọng hát hay Hà Nội năm 2004 đã được trao cho thí sinh Lê Anh Dũng (Thanh Hóa), sinh viên Nhạc viện Hà Nội, với ca khúc "Hà Nội tình yêu tôi" của nhạc sĩ An Thuyên.

Hai giải Nhì (trị giá 5 triệu đồng/giải) cũng lọt vào tay hai thí sinh đến từ các khu vực khác là Vũ Ngọc Ký (Nam Định) và Trần Phương Linh (Thanh Hóa).

Nguyễn Thu Phượng là thí sinh duy nhất của Hà Nội đạt tới giải 3 cùng với Đào Tiến Lợi (Nam Định) và Lê Minh Tuyến (Thanh Hóa). Ban Tổ chức cũng đã trao 4 giải khuyến khích.

Trong số 10 thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn vào chung kết cuộc thi với chủ đề "Cả nước hát về Hà Nội" chào mừng 50 năm ngày giải phóng Thủ đô chỉ có 3 thí sinh là người Hà Nội còn lại là các thí sinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Thanh Hóa và Nam Định./.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 180261 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ca sỹ Xuân Phú
Về đâu ca sĩ phòng trà?

Người yêu mến không khí âm nhạc phòng trà vẫn thường ưu ái gọi ca sĩ là “giọng ca vàng” vì họ hát hết mình, dù rằng đôi khi chỉ phục vụ cho vài chục khách thưởng thức. Nhưng “giọng ca vàng” đang dần bị đánh mất vì các chủ nhân của nó phải vắt kiệt sức chạy show.

Loạn... cà phê ca nhạc

Chưa khi nào Sài Gòn lại bùng phát các loại hình cà phê ca nhạc như hiện nay. Để hấp dẫn khách, các quán từ lớn đến nhỏ đều cố gắng tìm cách tạo một không gian ấm cúng, sạch sẽ chào đón khán giả cùng ca sĩ phòng trà. Người yêu nhạc đến với các phòng trà ca nhạc “mini” này chỉ cần 15.000 - 25.000đ là có thể thả hồn vào những ca khúc trầm lắng, trữ tình. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến các phòng trà ca nhạc lớn tại TP.HCM như Tiếng Tơ Đồng, M&Tôi, 2B, Equatorial... không còn đông đúc như xưa. Một khán giả thổ lộ: “Trước đây, phải có trong túi trên 100.000đ mới dám bước vào phòng trà, bây giờ chỉ cần vài chục ngàn đã có thể nghe giọng ca, bài hát mình thích. Thế nhưng, gần đây tôi cảm nhận ca sĩ phòng trà thể hiện bài hát không còn chất lượng như trước”.

Ý kiến của khán giả này cũng chính là trăn trở của rất nhiều chủ phòng trà ca nhạc. Ca sĩ Ánh Tuyết - chủ phòng trà ATB bức xúc: “Tôi rất mừng khi thấy nhiều loại hình phòng trà ca nhạc mọc lên giúp ca sĩ có cơ hội thể hiện mình và tăng thêm thu nhập. Nhưng cũng chính vì nhiều như thế mà ca sĩ do không biết chọn lọc nên đang bị đuối sức do phải chạy quá nhiều show, chưa kể một số bạn trẻ do được nhiều lời mời đã sớm mắc bệnh ngôi sao”. Để đẩy lùi tình trạng vì cát-sê, vì cuộc sống, vài chủ nhân phòng trà ca nhạc lớn đã mạnh dạn “tăng lương” để... “các ca sĩ giảm bớt show và đầu tư cho bài hát, nhưng xem ra vẫn không hiệu quả” - Ánh Tuyết nói thêm.

Một, hai, ba... chạy

Một buổi tối cuối tuần, chúng tôi ghé phòng trà Ân Nam (Trương Định), Yesterday (Nguyễn Đình Chiểu), Thanh Niên (Nguyễn Văn Chiêm)... để thưởng thức những tình khúc vang bóng một thời. Vẫn không gian đó, ca sĩ đó nhưng sao bài hát vang lên cứ nhàn nhạt, chưa kể ca sĩ thể hiện một cách hời hợt rồi lẹ chân “dzọt” đến điểm khác. Không ít khán giả bất ngờ gặp ca sĩ phòng trà phóng xe chạy show trên đường phố đã “vui vẻ” đặt cho họ biệt danh “hung thần trên xa lộ”. Thật vậy, vì sợ trễ giờ họ đã bất chấp tất cả chạy bạt mạng đến điểm diễn. Một số ca sĩ còn chịu chơi “sắm” cho mình anh tài xế “hạng A1” để khi cần “dzọt” là... vù đến mất hình. Một số ca sĩ trước đây được nhiều chủ phòng trà và khán giả đánh giá rất cao giọng hát nhưng nay nghe lại thì chỉ biết lắc đầu tiếc cho một giọng hát không biết... về đâu!

So với các ca sĩ tại nhà hát, tụ điểm ca nhạc thì nhiều giọng ca phòng trà như: Lan Ngọc, Thùy Dương, Khắc Dũng, Đức Minh, Thanh Long Bass, Quang Minh, Vân Khánh, Quỳnh Lan, Xuân Phú, Thụy Long, Bông Mai, Nguyên Thảo... đang đứng hàng "top ten" về số lượng show. Trong số họ, có người gắn bó với ánh sáng huyền ảo phòng trà do nghiệp cầm ca và cũng có người vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền.

(Theo TN)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 180263 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ngôi mộ cổ thời điểm bị bốc dỡ
Chưa xác định ngày khai quật ngôi mộ cổ

Mặc dù Bộ Văn hóa - thông tin (VH-TT) đã có quyết định cho phép Sở VH-TT TP.HCM khai quật ngôi mộ trên vỉa hè Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10 (từ 23-10 đến 15-11-2004), nhưng đến nay ngôi mộ vẫn được che kín với đống xà bần ngổn ngang.

Chiều qua 26-10, bà Diệu Anh (trưởng Phòng VH-TT Q.10) và tiến sĩ Phạm Hữu Mý (trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh TP.HCM, người được giao phụ trách công trình khai quật này) đã gặp gỡ báo giới. Ông Mý cho biết trong cuộc họp trước đó, Sở VH-TT đã chỉ đạo thành lập ban chuyên môn gồm sáu người và bàn bạc các phương án bảo đảm an toàn cho những người trực tiếp khai quật và tránh để hiện vật bị thất lạc, hư hỏng.

Hướng thi công là đào xung quanh hoặc hai biên của ngôi mộ để xác định độ sâu và hình khối, sau đó sẽ thăm dò từng bước và tiến hành mở khoang mộ. Nếu nghi ngờ có xác ướp thì sẽ mời bác sĩ Phan Bảo Khánh (Trường ĐH Y dược TP.HCM) đề xuất biện pháp xử lý, bảo quản. Ông Mý cho biết thêm ông sẽ đề nghị trang cấp một số mặt nạ chống độc cho những người trực tiếp khai quật.

Tuy nhiên, TS Mý vẫn đang chờ quyết định từ ban chỉ đạo và UBND Q.10, vì thế chưa thể xác định cụ thể ngày nào sẽ tiến hành khai quật ngôi mộ này, thời gian khai quật bao lâu.

(Theo TT)

Về đầu trang 

 

Hà Tây bảo tồn di tích Đền thờ Hai Bà Trưng

Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Hai Bà Trưng, thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt với kinh phí 28 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm (2004-2007).

Công việc bảo tồn di tích gốc (trùng tu, chống xuống cấp về kiến trúc đại bái, hậu cung...) trong 2 năm 2004 và 2005 với kinh phí hơn 2,13 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 2 tỷ đồng, vừa khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2005.

Đền thờ Hai Bà Trưnng không chỉ là di sản văn hóa vật thể có giá trị được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964 mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân từ nhiều đời nay.

Do thời gian xây dựng đã lâu, khu di tích lại nằm trong vùng phân lũ sông Hồng, từng bị ngập sâu trong nước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi