|
Truyền hình số còn có thể cung cấp dịch vụ kết hợp truyền hình số qua Internet. |
Hiện Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình TP.HCM đang triển khai để phát sóng thử nghiệm truyền hình số phát sóng mặt đất (DVB-T) trong năm 2003 ở khu vực TP.HCM. Ưu điểm của truyền hình số là chất lượng hình ảnh và âm thanh rất tốt và nhiều chương trình có thể phát trên một tần số.
GS, TSKH. Nguyễn Kim Sách - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Đài Truyền hình Việt nam - đã cung cấp một số thông tin đáng quan tâm về truyền hình kỹ thuật số ở Việt Nam.
- Giáo sư có thể cho biết những lợi ích của việc chuyển đổi từ loại hình truyền hình hiện tại (truyền hình ''tương tự'' - analog) sang truyền hình kỹ thuật số?
- Cũng như truyền hình "tương tự", truyền hình số có 3 thể loại: truyền hình số qua vệ tinh, truyền hình số phát sóng mặt đất và truyền hình số truyền qua cáp. Ở Việt Nam hiện có truyền hình số qua vệ tinh (DVB-S) và truyền hình số phát sóng trên mặt đất ((DVB-T). Với truyền hình số, cả nước có thể sử dụng mạng phát sóng một tần số (một kênh sóng) nhưng truyền nhiều chương trình. Còn truyền hình ''tương tự'' chỉ truyền một chương trình trên một kênh sóng.
Truyền hình số sẽ cung cấp cho bạn hình ảnh ''sạch', tức hạn chế được tối đa sự cản nhiễu, kể cả hiện tượng ''bóng ma''; hình ảnh rất rõ nét; riêng âm thanh rất trong. Một đặc điểm khá ưu việt của truyền hình số là một kênh sóng có thể truyền được nhiều chương trình truyền hình (tối đa bốn chương trình: cho chất lượng tốt theo tiêu chuẩn); đặc biệt hơn, truyền hình số còn cho phép thu hình ngay trên tàu xe đang chạy (thu hình di động) với vận tốc đến 270 km/h.
- Ngay từ năm 1998, các đơn vị thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai các bước nghiên cứu và thí nghiệm truyền hình số. Công việc đã thực hiện đến đâu, thưa Giáo sư?
- Bắt đầu từ năm 1998, một số đơn vị thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đã có những bước nghiên cứu lý thuyết, phổ cập kiến thức, thí nghiệm truyền hình số... đến cuối năm 2000 truyền hình số đã phát sóng thí nghiệm (theo chuẩn DVB-T) tại Hà Nội với 8 chương trình/kênh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn phát sóng thí nghiệm. Trước khi cả nước có thể thu truyền hình số qua mặt đất, Đài Truyền hình Việt Nam phải tính toán, thiết kế, quy hoạch mạng phát sóng cho cả nước và phải được Chính phủ phê duyệt (công việc này hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu). Như vậy, phải mất một thời gian nữa cả nước mới có thể thu được các chương trình truyền hình số phát sóng trên mặt đất.
- Thưa Giáo sư, các loại TV cũ có thu được truyền hình số?
- Để xem được truyền hình số (qua cáp, qua vệ tinh, phát sóng, trên mặt đất) cần có bộ set-top-box (còn gọi là bộ thu và giải mã truyền hình số) và một màn hình (máy thu hình) nối với nhau. Ở một số nước đã có loại máy thu hình số bao gồm hai khối dính liền trên chung một máy, gọi là IDTV - Integrated Digital TV. Loại máy này dần được sản xuất nhiều hơn.
Tuy nhiên, các loại máy thu hình cũ và khối set-top-box (hiện có bán trên thị trường) vẫn có thể thu được chương trình truyền hình số. Cần chú ý set-top-box thu qua cáp, qua vệ tinh và trên mặt đất có khác nhau. Để thu sóng truyền hình số phát qua mặt đất phải có set-top-box theo tiêu chuẩn DVB-T và ăng ten thu thông dụng; để thu qua vệ tinh cần có set-top-box theo tiêu chuẩn DVB-S cùng với chảo ăngten parabol 0,4-0,8m và khối dịch tần (LNB); để thu qua cáp cần set-top-box theo tiêu chuẩn DVB-C. Như vậy các loại tivi cũ, sau này khi phát chính thức truyền hình số, vẫn sử dụng được để thu hình.
- Nhưng thưa ông, đến bao giờ truyền hình kỹ thuật số mới phủ sóng cả nước?
- Đài Truyền hình Việt Nam đang có kế hoạch cung cấp nhiều chương trình qua vệ tinh số (DVB-S), trong đó có các chương trình miễn phí. Theo kế hoạch từ nay đến 2005, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ triển khai một số công việc: phát sóng thí nghiệm (chuẩn DVB-T) tại Hà Nội và TP.HCM; thiết kế quy hoạch mạng lưới phát sóng số cho cả nước để trình Chính phủ phê duyệt. Hiện Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP.HCM đang triển khai để phát sóng thử nghiệm truyền hình số phát sóng mặt đất (DVB-T) trong năm 2003 ở khu vực TP.HCM.
Truyền hình số cung cấp dịch vụ rất da dạng cho người xem. Cụ thể, cung cấp dịch vụ theo yêu cầu đài phát riêng cho mình một bộ phim yêu thích hoặc chương trình mình muốn. Loại hình truyền hình này còn gọi là truyền hình hai chiều (từ đài truyền hình đến người xem và ngược lại) hay còn gọi là truyền hình tương tác. Truyền hình số còn cho phép dạy học từ xa (hai chiều), hội nghị từ xa (hai chiều), mua hàng từ nhà (hai chiều), đọc báo trên màn hình, thanh toán tiền từ nhà (hai chiều), thông tin thời tiết, trò chơi điện tử... Ngoài ra, truyền hình số còn có thể cung cấp dịch vụ kết hợp truyền hình số qua Internet. |
(Theo Tuổi Trẻ) |