Nữ đạo diễn Mỹ Khanh và cuộc tìm kiếm vẻ đẹp vô danh
09:12' 15/09/2003 (GMT+7)

Một cảnh trong phim Gánh.

Gánh Bỏng là hai bộ phim độc đáo không chỉ ở tên gọi, mà còn ở những chất liệu ''rất đời'' của nữ đạo diễn Mỹ Khanh. Tại cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2003 vừa qua, Bỏng đã đoạt giải nhì. Hiện tại, đạo diễn Mỹ Khanh đang chuẩn bị kịch bản cho phim ngắn được mang tên Chạy.

Gánh nặng cuộc đời

Đây là lời của đạo diễn Mỹ Khanh nói về Gánh của chị: "Một ngày cuối năm, vì không chịu nổi những lời năn nỉ mua đậu hũ ế ẩm của một người phụ nữ miền trung, tôi đã lấy tiền cho chị ấy và lịch sự nói rằng mình không thích ăn đậu hũ nóng. Không ngờ chị ấy trả tiền lại, nói là chị đi bán hàng chứ không đi xin. Thế là tôi đã mua và cố gắng ngồi ăn mấy chén đậu hũ để chị không phiền lòng. Trong lúc ăn, tôi ngắm nhìn chị và chợt phát hiện gương mặt chị rất đẹp mặc dù nước da sạm nắng. Qua câu chuyện, tôi được biết chị đang mang thai gần 7 tháng, lại còn hai con nhỏ để lại quê cho chồng nuôi, chồng chị bị tai nạn giao thông gãy chân... Tôi thật sự lo lắng cho cái thai trong bụng chị, và rồi mỗi chiều tôi đều kêu đậu hũ ăn, phần muốn ủng hộ chị, phần muốn nghe tiếp câu chuyện của chị.

Từ đó tôi bắt đầu nhìn ngắm tất cả những phụ nữ gánh hàng trên đường phố với dáng vẻ tất bật, gương mặt khắc khổ chịu đựng. Tôi lân la ăn hàng ở những gánh họ bán, bắt chuyện và nhận ra số người từ miền trung vào rất đông, nhiều người trong số họ đang nuôi những đứa con học đại học.

Tôi thấy dường như trên thế giới này người Việt Nam mình sử dụng đòn gánh rất nhiều. Cái gióng gánh đã quá quen thuộc, nó xuất hiện trong đời sống hằng ngày: gánh nước, gánh gạo, gánh ve chai... Không biết vô tình hay hữu ý, động từ "gánh" cho phép ta liên tưởng đến sự gánh vác việc nhà, việc nước... Công việc ấy, người phụ nữ Việt Nam bao đời nay đã làm thật vĩ đại nhưng lại rất bình thường. Và tôi quyết định đem câu chuyện của chị bán đậu hũ mà tôi đã quen thân viết thành kịch bản phim ngắn Gánh.

Tôi cùng Đinh Thanh An, sinh viên lớp quay phim khóa 2, ghi thật nhiều hình ảnh những chị gánh hàng rong trên đường phố, những hình ảnh tôi nghĩ gây xúc động cho người xem hơn cả diễn xuất của diễn viên. Chúng tôi bố trí góc quay sao cho thể hiện được các chị đang tủa gánh đi khắp phương trời. Góc máy không cầu kỳ, càng tự nhiên càng tốt...''.

Người vào vai chị gánh hàng đậu hũ là Lệ Thi, thêm vài diễn viên chuyên nghiệp nữa (như Thanh Vy, Lương Mỹ...), còn hầu hết các vai buôn gánh bán bưng trong phim cùng nhau mướn nhà trọ ở chung là diễn viên quần chúng. Ngoài đời họ cũng gánh hàng như thế. Vai chị Định của Lệ Thi được yêu cầu lẫn vào đám đông, máy quay giấu kín không cho người đi trên đường biết để diễn viên có cảm giác như thật sự tham gia đời sống đang diễn ra - cũng lo lắng, cũng "xớn xa xớn xác", cũng "chạy mất dép" khi bị xua đuổi... ''Đó là một cảm giác không bao giờ quên được'' - như lời của Lệ Thi. Gánh ''bụi bặm'' chuyện đời chuyện người trong 25 phút phim.

Không chỉ là những thước phim

Cảnh trong phim "Bỏng".

Khác với Gánh, bộ phim Bỏng lại chỉ vỏn vẹn hơn ba phút phim, tuyệt nhiên không có diễn viên, toàn những khuôn mặt trẻ lang thang cơ nhỡ ngoài hè phố. Chỉ có lời thoại ngoài hình làm đường dây để nối các mảnh đời được người làm phim nhặt lấy cho vào ống kính máy quay. Nói như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: ''Bỏng khiến người xem phải động tâm''. Nào dễ gì tạo được những thước phim buộc trái tim người xem rung lên như thế!

Trong phim là những đứa trẻ buộc phải đi xin ăn, đánh giày, bán vé số. Bỏng, tên phim còn là bé bỏng đến thế những phận đời. Trong phim là những đứa trẻ khôn trước tuổi, biết đóng kịch mỗi khi công an bắt, đóng kịch xin khách qua đường chú ý trước những câu chuyện "sáng tác" rất bi kịch, giả và thật cứ lẫn vào nhau. Nhưng cái thật của những đứa trẻ bị đánh mất tuổi thơ đã khiến người xem xúc động.

Bằng cách nào để có những thước phim ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng ấy? ''Phải bỏ ra nhiều tháng lê la để thấy được tầng ngầm của vấn đề; tôi làm bạn với chúng, cả với ba mẹ chúng mà không ít người trong số đó đã đẩy con em xuống vực sâu, biến chúng thành nạn nhân khi tuổi còn thơ ngây... Sau khi đã hình thành ý tưởng cho bộ phim, lúc quyết định bấm máy tôi cùng với Nam, một quay phim trẻ, dong xe rảo qua một số địa bàn và bằng đủ cách thu hình các khuôn mặt bọn trẻ, chấp nhận khung hình chao đảo, cốt lấy không khí chân thật... ''.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lizzie McGuire và cuộc hành trình đến với khán giả Việt Nam (15/09/2003)
Tiếu ngạo giang hồ có ''đắt khách'' bằng Anh hùng xạ điêu? (11/09/2003)
Roman Polanski, mất 6 tháng để có được tượng vàng Oscar (10/09/2003)
Diễn viên Hàn Quốc xuất ngoại - được và mất (09/09/2003)
Phim ''Road to Perdition'' đến Việt Nam (09/09/2003)
Nhọc nhằn 'đãi cát tìm vàng' cho phim truyền hình VN (09/09/2003)
Lần đầu tiên một bộ phim được phát hành trên Internet (06/09/2003)
Hoạ sĩ thiết kế - người tạo đường nét cho bộ phim (05/09/2003)
Liệu có 'Đời cát' thứ hai tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 48 (04/09/2003)
Đặng Nhật Minh hạnh phúc với những ngày thực hiện ''Thương nhớ đồng quê'' (03/09/2003)
"Mùa Len trâu"- chưa khởi quay đã được nước ngoài đặt mua (03/09/2003)
Joris Ivens - Người từng làm phim về Hồ Chí Minh và Việt Nam (01/09/2003)
Việt Nam sẽ có phim lịch sử dài tập ngang với TQ? (01/09/2003)
Liên hoan phim ngắn Việt Nam 2003 (28/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang