Bao giờ phim truyền hình bớt 'yếu', hết 'thiếu' ?
14:40' 08/01/2004 (GMT+7)
Phim truyền hình Việt Nam còn thiếu sự dung dị.

(VietNamNet) - Không thể phủ nhận một thực tế là phim truyền hình Việt Nam vài năm trở lại đây đã có sự chuyển biến thực sự nhưng vẫn còn không ít trở ngại đã, đang và sẽ cản trở cho sự phát triển của lĩnh vực rất được quan tâm này.

Môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp và yếu... toàn diện

Những tập phim đầu tiên đã ra đời từ năm 1983 nhưng chỉ được coi là phim điện ảnh trên chất liệu băng hình. Những ngày đầu làm phim, có thể một bộ phim khiến những người thực hiện "đánh vật" đến 3 tháng, một cảnh quay đêm thì mất đến 3 đêm mới quay xong. Nhưng giờ thì tình hình đã khác, năm 2003, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) sản xuất được tới 180 tập phim, hơn nữa còn để dành được tới 70 tập cho năm nay. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng các nhà làm phim của ta vẫn đang hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trường quay vẫn chưa thành hình, phim vẫn phải lồng tiếng, quay phim với chỉ một chiếc máy quay duy nhất... Tóm lại, theo ông Khải Hưng, Giám đốc VFC thì: "chúng ta thua kém đủ mọi bề. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc làm phim truyền hình như thế nào và phải liên kết lại với nhau".

Thực tế làm phim truyền hình quá lạc hậu ở nhiều khâu đã được chính một đại diện Hãng phim truyền hình TP.HCM cay đắng thừa nhận:"Chúng ta đang áp dụng một công nghệ sản xuất phim cũ kỹ và lạc hậu của điện ảnh vào phim truyền hình. Đó là những trở ngại chính của việc chúng tôi muốn tăng các bộ phim của mình cả về lượng và chất. Không thể sản xuất phim truyền hình dài tập bằng cách ngồi đợi một tác giả viết kịch bản từ tháng này sang năm khác, không thể thi nhau thực hiện một ngày quay trăm cảnh với một đội ngũ không chuyên nghiệp và với cách quay một máy cho toàn bộ phim và cũng không thể không có một phim trường để thực hiện phim nhiều tập. Chúng tôi có thể đoán chắc một điều là nếu còn tồn tại những điều trên trong nhiều năm tới thì chúng ta sẽ không bao giờ có được một bộ phim thực sự có chất lượng như chúng ta hằng mong ước".

Cách đây hơn 10 năm, một số đài truyền hình lớn của Việt Nam đã bắt đầu thể nghiệm làm phim truyền hình với những tiểu phẩm nửa sân khấu, nửa điện ảnh và một số phim có độ dài 2 tập. Phim truyền hình chỉ thực sự chuyển mình khi chương trình Văn Nghệ Chủ Nhật của Trung tâm nghe nhìn VTV ra đời năm 1995 và sản xuất được 54 tập phim dài 70-80 phút. Nhưng phải mất 2 năm "tập hợp lực lượng", Trung tâm nghe nhìn mới chính thức trở thành Hãng phim truyền hình Việt Nam và sau này là VFC với năng lực sản xuất 200 tập phim/năm. Lượng phim sản xuất ra thì nhiều nhưng số phim khá và thực sự hấp dẫn như Người Hà Nội, Đất và Người, Xin hãy tin em... lại chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn.

Và giải pháp...

Ngoài yếu tố kỹ thuật đồng bộ, vốn, diễn viên, những nhà làm phim giỏi... phải chăng cái chúng ta cần lúc này vẫn là những kịch bản và cách làm phim thực sự đời thường và cá tính. Hiện nay, trung bình mỗi năm ngành truyền hình cả nước cho ra đời khoảng 400 tập phim nhưng cũng không đủ để đáp ứng tăng thời lượng phát sóng phim Việt Nam lên 50%. Cho đến thời điểm này, phim nước ngoài mà đặc biệt là phim Trung Quốc vẫn áp đảo ngay trên sóng truyền hình Việt Nam. "Đi đến đâu và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng đều được xem phim truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc... trên các kênh truyền hình của chính chúng ta", một đại diện của TFS phàn nàn. Không còn cách nào khác là phải bắt tay nhau để hợp sức làm phim truyền hình.

Đó cũng là một trong những lý do khiến VFC đứng ra chủ trì cuộc hội thảo chiều ngày 7/1 tại Hà Nội về Phối hợp sản xuất phim truyện truyền hình. Cuộc hội thảo đã đạt được một phần mục đích tìm kiếm các biện pháp phối hợp sản xuất phim truyện truyền hình để tăng cường khả năng sản xuất và năng cao chất lượng, nội dung, nghệ thuật cho phim truyện truyền hình Việt Nam, để chúng có một vị trí xứng đáng trong các chương trình truyền hình khác.

Phối hợp sản xuất có thể coi là một giải pháp tối ưu trong thời điểm này. Như nhận định của ông Trần Gia Thái, PGĐ Đài PT-TH Hà Nội: "Phim truyền hình cũng như phim điện ảnh, nội hàm của nó đã chứa đựng tính cộng đồng, tính hợp tác và liên kết... Chúng tôi rất mong muốn cùng các Đài, các Hãng tìm ra những biện pháp để liên kết, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình một cách hiệu quả nhất, hướng tới mục tiêu tăng cường thời lượng và chất lượng phim Việt Nam trên sóng truyền hình Việt Nam".

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Gái nhảy 2" sẽ "xông nhà" Điện ảnh Việt Nam (08/01/2004)
"Hướng nghiệp" chờ đối đầu dư luận (06/01/2004)
Hướng đi nào cho cải lương trên truyền hình? (06/01/2004)
Một tuần buồn tẻ của thị trường phim Bắc Mỹ (05/01/2004)
Lee Byung-hun lại ghi điểm với "Cuộc cạnh tranh khốc liệt" (02/01/2004)
TFS ra mắt phim tài liệu về "Hoàng Thành Thăng Long" (31/12/2003)
Tương tác, nét mới của Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2004 (31/12/2003)
"Điện thoại di động" - Phim đón Tết của điện ảnh Trung Quốc (30/12/2003)
"Điểm hẹn quê hương 56" – cuộc hội ngộ của những câu hò, điệu lý… (30/12/2003)
"Rock trường học" - món quà năm mới hấp dẫn (30/12/2003)
Sắp có phim truyền hình dài tập hợp tác với Hàn Quốc (26/12/2003)
Quá nhiều "sao" trong "Vô Gian Đạo" (26/12/2003)
Robert De Niro - ngôi sao điện ảnh lớn nhất mọi thời đại (24/12/2003)
''Điều thiêng liêng nhất'' khép lại Nhà hát truyền hình 2003 (23/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang