"Tiếp thị" phim ở Việt Nam, cần hay không?
08:00' 29/02/2004 (GMT+7)

Quang cảnh bên ngoài rạp Tháng 8 (HN) trong buổi chiếu ra mắt phim Người Hùng hôm 25/2.

(VietNamNet) - Người ta thường nói chất lượng phim quyết định khán giả nhưng đó không phải là tất cả. Một bộ phim dù hay đến mấy nhưng khâu quảng cáo quá yếu và mờ nhạt thì coi như đã thất bại. Vậy mà đôi khi các nhà phát hành quên mất khâu đánh bóng cho tên tuổi cho chính mình.

Trong khi không ít người "cố tình" quên đi khâu tiếp thị cho những đứa con tinh thần của mình thì nhiều nhà phát hành phim của Việt Nam đang cố gắng để tìm được chỗ đứng cho chính mình bằng cách thực hiện những chiêu đặc biệt để tăng doanh thu. Mấy năm trở lại đây, khi thị trường phim ngày càng trở nên khó khăn thì cũng là lúc các hãng phát hành phim tung ra những chiêu hút khách mới. Và quả công sức của họ đã không uổng phí với sự chú ý đặc biệt của công chúng cùng thời gian chiếu dài hơn và tất nhiên kèm theo đó là doanh thu cũng không chê vào đâu được.

Bạn có ngạc nhiên không khi đến dự buổi chiếu ra mắt Những thiên thần của Charlie 2, người ta giúi vào tay bạn một tập hồ sơ giày cộp dài đến 70 trang giấy A4 với những thông tin chi tiết đến kinh ngạc cùng 1 bộ ảnh đẹp mô hồn. Cinet nổi tiếng là làm được những chiêu quảng cáo khá độc và hấp dẫn. Năm 2001, bộ phim Cô nàng ngổ ngáo đã gây sốt ở Việt Nam. Yếu tố hút khán giả đến rạp không chỉ ở tính chất hài hước, lãng mạn của phim, ở diễn xuất ăn ý của Ji Hyun Jeon và Tae Hyun Cha mà còn vì khi đến rạp, các fan sẽ được hoặc là một cây bút, một chiếc áo phông hay một chiếc mũ. Một công đôi việc, tội gì mà không đi xem phim.

Chúa tể của những chiếc nhẫn, một trong những bộ phim tặng quà lưu niệm cho khán giả đến rạp để hút khách.

Thế là khán giả đến rạp ầm ầm. Chiêu này cũng đã được áp dụng cho Tuổi dậy thì. Chỉ vì muốn có nhiều chiếc áo mưa mà có bạn đã đến rạp nhiều lần. Nắm được tâm lý của lớp trẻ khi phim Hàn Quốc đang là cơn sốt, Cinet đã quyết định mời cả diễn viên chính trong Hãy bật quẹt lên sang giao lưu với khán giả Việt Nam. Mặc dù hơi tốn kém nhưng bù lại phim sẽ không phải rút khỏi các rạp sớm.

Để quảng cáo cho Người Hùng, Galaxy gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận khi dựng lên cả một mô hình "rất Trung Quốc" tại rạp Tháng 8 Hà Nội và TP.HCM. Buổi lễ ra mắt được trang trí theo bối cảnh của phim với cổng thành thời nhà Tần, lính nhà Tần trong trang phục áo giáp và khiên đao, nhà sách bằng tre, bàn cát… Tất cả nhằm mang đến cho người tham dự cảm giác được hòa mình sống cùng bộ phim.

Khán giả không chỉ được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh mà còn được tham gia nhiều hoạt động khá thú vị được biến tấu từ phim Người Hùng như chụp hình lưu niệm cùng các nhân vật trong phim... Không phải ngẫu nhiên mà giá vé chợ đen được kéo lên đến 120.000 đồng. Để chuẩn bị cho buổi ra mắt hoành tráng này, Tiger Beer và Galaxy đã phải chuẩn bị cả tháng trời từ thuê đạo diễn chương trình, may phục trang, dựng cảnh, thuê ca sĩ hát... Tiếp theo Hiệp sĩ Thượng Hải, Tiger Beer lại tiếp tục làm nhà tài trợ độc quyền cho Người Hùng. Đây quả là một chiêu khôn ngoan.

Tuy nhiên,  một trong những vấn đề cơ bản quyết định đến sự "ra đời" của những chiêu tiếp thị cho phim hấp dẫn này là vấn đề nhà tài trợ. Không cần lộ liễu quá như cách thể hiện của Lọ lem hè phố nhưng các chủ phim thường lồng đoạn quảng cáo cho nhà tài trợ vào đầu phim và ghi tên họ vào tờ rơi cũng như áp phích quảng cáo. Bù lại, các đơn vị tài trợ sẽ chi tiền cho tất cả các hoạt động "tiếp thị" cần thiết của hãng phát hành phim. Như vậy là tiện cả đôi đường.

Hiệp sĩ Thượng Hải, một trong số ít các phim "tiếp thị" thành công ở thị trường Việt Nam.

Song bản thân bộ phim cũng cần phải có sức hút riêng để "lọt vào mắt xanh" của nhà tài trợ. Người Hùng là một ví dụ. Không chỉ được đảm bảo bằng tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, bằng những cảnh quay đẹp mê hồn và tính nghệ thuật cao, Người Hùng còn có sự tham gia của dàn diễn viên đầy sao từ Lý Liên Kiệt, Chương Tử Di, Trương Mạn Ngọc đến Lương Triều Vĩ, Chân Tử Đan... Nhờ những yếu tố này mà mặc dù Người Hùng không phải là 1 bộ phim mới và rất nhiều khán giả đã từng xem bộ phim này qua hệ thống đĩa lậu nhưng Tiger vẫn quyết định làm "bà đỡ" cho Người Hùng, thậm chí còn có cách giới thiệu độc đáo để lôi bất cứ khán giả khó tính nào đến rạp. Công thức này cũng đã được chứng minh ở Lọ lem hè phố. Sau thành công của Gái nhảy 1, các hãng đua nhau nhận làm tài trợ cho phim vì biết chắc khán giả sẽ kéo đến rạp ầm ầm vì tò mò.

Rất nhiều các hãng sản xuất và phát hành phim Việt Nam chịu chú ý đến khâu này. Hoặc là bộ phim cứ "lặng lẽ vào rạp" hoặc là chẳng có thông tin gì ngoài tờ rơi... Chính vì vậy, đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều phim Việt Nam không hút được khán giả đến rạp như các phim nước ngoài. Điều chúng ta cần bây giờ để lấy lại chỗ đứng cho phim Việt Nam trên chính sân nhà không chỉ là chất lượng của phim mà là công tác marketing được thực hiện như thế nào. Hãy "trông người mà nghĩ đến ta".

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
James Cagney (27/02/2004)
Sẽ chỉ có 1 bất ngờ duy nhất… (27/02/2004)
Joe Lara - linh hồn của Tarzan (27/02/2004)
TFS làm phim "Điện Biên Phủ trong lòng người dân Nam Bộ” (26/02/2004)
Nicholas Cage (26/02/2004)
Điện ảnh Hàn Quốc đang khởi sắc (26/02/2004)
Bộ phim truyền hình VN nào hay nhất? (25/02/2004)
"The Passion of the Christ" hút khán giả! (25/02/2004)
'Hoàng hôn dốc' đắt sô ngay cả khi 'Dốc tình' chưa ra mắt (24/02/2004)
Richard Burton (23/02/2004)
Paris Hilton – tiểu thư lang thang (23/02/2004)
Sandra Bullock (22/02/2004)
Từ 20/2, TV5 sẽ phát sóng 24/24 giờ tại VN (21/02/2004)
Những nữ diễn viên triển vọng nhất năm 2004 (21/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang