Phim dở, lỗi tại biên kịch hay đạo diễn?
12:27' 14/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Kịch bản Cây rạo vàng (Huỳnh Văn Nhị) được dàn dựng thành phim Biển đợi (đạo diễn Trần Ngọc Phong) nhưng lại không được... mong đợi, bởi khi được trình chiếu ở TP.HCM, chỉ có vỏn vẹn... 34 người xem và trắng tay tại giải Cánh diều vừa qua.

Biên kịch Huỳnh Văn Nhị. Ảnh: V.T

Đây là một kịch bản hay, nhiều kịch tính, song theo lời NSND Bạch Diệp thì nó đã được đạo diễn xử lý theo lối mòn, tức vẫn chỉ là những nhân vật xấu hoặc tốt đến mức... tuyệt đối, nên phim đâm ra nặng nề. Phim làm ra bị chê, đạo diễn đổ cho biên kịch, biên kịch lại nói đạo diễn làm sai ý đồ kịch bản, vốn là chuyện thường ngày trong làng điện ảnh nước ta. Hiếm thấy ai nhìn nhận cái dở của chính mình một cách sòng phẳng như biên kịch Huỳnh Văn Nhị: ''Công bằng mà nói, do tôi cũng chỉ là một biên kịch trẻ mới vào nghề chưa lâu nên vẫn còn đôi chỗ chưa chín về mặt nghề nghiệp, nhất là trong việc triển khai thế kịch. Một vài tình tiết xử lý cũng chưa "ngọt". Phương pháp tiếp cận của tôi ở kịch bản này là tư tưởng đưa đến hành động, hành động hình thành tính cách, và tính cách quyết định số phận. Kịch bản của tôi cũng đã tạo ra được một câu chuyện có bi kịch trớ trêu, đó là điều rất cần thiết và đảm bảo sự thành công cho một kịch bản...''.

- Anh nghĩ sao về lời nhận xét của đạo diễn NSND Bạch Diệp?

- Trong kịch bản gốc, cây rạo vàng - một loại chà để bắt cá ngoài biển - là hình ảnh tượng trưng cho những số phận con người, biểu thị cho những điều tốt đẹp. Cây rạo vàng gắn liền với nghề đánh bắt hải sản truyền thống, quanh nó là cả một nền văn hóa miền biển. Nó rất có chất điện ảnh nhưng chưa ai khai thác, tôi là người đầu tiên. Đây có lẽ cũng là điều đạo diễn Bạch Diệp muốn nói đến, kịch bản có nhiều cái để khai thác nhưng đạo diễn đã "đẩy" không tới.

- Anh có thể nói rõ hơn?

- Nhiều nhân vật trên phim rất khác trong kịch bản, đặc biệt là nhân vật Đạt. Kịch bản của tôi sử dụng thế kịch đa tuyến nhưng khi lên phim chỉ còn đơn tuyến. Bốn nhân vật đều có lớp kịch riêng của mình, hết lớp này đến lớp khác chồng lên nhau như sóng nhưng trong phim thì kịch tính chỉ dồn về nhân vật chính Hải Thu.

- Chuyện đạo diễn làm hỏng kịch bản như trường hợp này không hiếm, nhưng không thể đổ hết lỗi cho họ?

- Vẫn có những điều biên kịch phải "thua" đạo diễn. Nhìn chung, nền điện ảnh nước ta vẫn còn tình trạng kịch bản chưa được chuẩn bị ở mức tốt nhất đã phải chuyển qua cho đạo diễn. Rõ ràng là giữa biên kịch, đạo diễn và người biên tập phải bàn bạc thật kỹ kịch bản trên giấy, "bắt bẻ" đến khi không còn chỗ hở nữa thì hãy mang đi làm phim. Nhưng cũng cần phải nói ra đây một điều là chúng tôi thường xuyên bị áp lực về thời gian nên không thể phối hợp cho thật kỹ.

- Chuyện can thiệp khá sâu của đạo diễn đối với kịch bản của những tác giả trẻ, không chuyên là khá nhiều. Còn đối với một biên kịch chuyên nghiệp như anh?

Cảnh trong phim Biển đợi.

- Biên kịch cần bản lĩnh, nghe và không nghe cái gì, ý kiến nào thật sự tốt cho chất lượng kịch bản thì mới tiếp thu. Bởi nếu đã sửa một chỗ trong kịch bản thì coi như phải sửa hàng loạt các chỗ khác trong toàn bộ "đường dây", nếu không kịch bản sẽ bị "gãy". Nhưng cũng có trường hợp kịch bản của mình bị hội đồng biên kịch chê, tôi mới vỡ ra nhiều điều và... viết lại toàn bộ.

- Nền điện ảnh của chúng ta đang cần nhiều kịch bản hay...

- Nhưng không vì thế mà làm ẩu. Chuẩn bị càng kỹ càng tốt, không chạy theo chỉ tiêu. Điện ảnh các nước tiên tiến họ chuẩn bị khâu kịch bản rất kỹ lưỡng, sau đó mới giao cho đạo diễn, nếu có trục trặc gì chỉ thay đạo diễn chứ không đổi kịch bản. Kịch bản hay thì luôn thiếu, không chỉ đối với riêng nền điện ảnh trong nước. Nhưng thà rằng không có phim chứ không đưa những kịch bản dở vào làm phim.

- Ai cũng biết kịch bản là khâu đầu tiên của việc sản xuất ra một bộ phim. Thế nhưng, phim hay không nói, phim dở thì đổ hết lên đầu biên kịch...

- Đúng vậy! Phim dở, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người biên kịch. Bởi nếu biên kịch có tay nghề cao, viết nên một câu chuyện xúc động, kịch bản nhìn chung có chất chuyên nghiệp thì lấy gì để ra một phim dở? Dĩ nhiên nếu muốn có một bộ phim hay thì toàn bộ các khâu đều phải hay nhưng phim dở thì trước tiên là do kịch bản. Cung cấp thịt heo thì không thể chế biến ra được món thịt chó, mà chỉ là giả cầy!

- Qua chuyện này, anh có nghĩ về sau mình sẽ "chọn mặt đạo diễn gửi kịch bản" không?

- Tôi viết 10 kịch bản phim nhưng mới chỉ có bốn phim truyện và tài liệu được dàn dựng. Số lượng chưa nhiều nên cũng không nghĩ tới chuyện chọn lựa. Nhưng có lẽ rồi cũng phải chọn đạo diễn cho hợp vì dù sao mình cũng là người trong nghề, có điều kiện hơn các nhà biên kịch không chuyên khác, mục đích cuối cùng vẫn là để tạo nên một tác phẩm tốt. Biển đợi là phim truyện nhựa đầu tiên được làm từ kịch bản của tôi được nhiều người ủng hộ. Tôi không phủ nhận công lao của đạo diễn Trần Ngọc Phong nhưng giá như chúng tôi có thêm thời gian để làm việc với nhau tốt hơn.

  • Võ Tiến (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Những thước phim mới về Điện Biên sắp ra mắt (14/04/2004)
Lần đầu tiên giới lưu trữ phim quốc tế họp tại VN (13/04/2004)
Phim Pháp trên đường tìm khán giả Việt Nam (13/04/2004)
"The Passion of the Christ" thống trị trở lại ... (12/04/2004)
''Mầm xanh'' - chương trình mới dành cho trẻ em (11/04/2004)
"Gái nhảy" sẽ so tài với "The Fog Of War" (09/04/2004)
Ted Turner "chiếm" một ngôi sao trên Đại lộ danh vọng (08/04/2004)
Thế giới qua những thước phim của Werner Herzog (08/04/2004)
Sẽ không có "Những cô gái chân dài" tập hai? (07/04/2004)
Kỷ nguyên hoạt hình vẽ tay của Disney sẽ kết thúc? (07/04/2004)
King Kong trở lại (07/04/2004)
Phim kinh dị đăng quang (06/04/2004)
"The Classic" đến Việt Nam (05/04/2004)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" thu hút tuổi trẻ TP.HCM (05/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang