Công nghệ lưu trữ phim VN được đánh giá tốt?
16:40' 23/04/2004 (GMT+7)

Bảo quản phim, công việc không hề đơn giản.

(VietNamNet) - Sau 6 ngày hội thảo dày đặc, ngày mai (24/4) Hội nghị lần thứ 60 các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF) và lần thứ 8 của Hiệp hội Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) sẽ bế mạc tại Hà Nội.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Nam, Trưởng phòng sưu tầm Viện Phim Việt Nam, kiêm Trưởng tiểu ban đại biểu của hội nghị để tìm hiểu hiệu quả của cuộc gặp gỡ tầm cỡ quốc tế này.

- Thưa ông, nếu tổng kết lại thành 3 điểm nổi bật mà hội nghị lần này đạt được, ông sẽ nói gì?

- Khẩu hiệu "Thiếu thời gian, không ngân sách. Lưu trữ hình ảnh động và âm thanh trong tình trạng báo động khấn cấp" của Hội nghị lần này nhằm vào 3 mục tiêu: Kêu gọi những người làm công tác chuyên môn tìm cách gìn giữ di sản hình ảnh quý giá; kêu gọi các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế giúp đỡ về chi phí, máy móc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản phim; kêu gọi Chính phủ các nước quan tâm đầu tư hơn nữa về tiền bạc. Nói chung, hội nghị lần này đã đạt được một phần của các mục tiêu đó, song về lâu dài thì chưa thể nói được nó sẽ có hiệu quả đến đâu. Hầu hết các đại biểu đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác lưu trữ phim. Có rất nhiều người lần đầu tiên sang Việt Nam, lần đầu tiên gặp nhau, nhưng họ đều tham gia các cuộc trao đổi ngoài lề hết sức sôi nổi. Nhiều thiết bị bảo quản phim tiên tiến cũng đã được giới thiệu.

- Bản thân ông có thấy khoảng cách nào giữa công tác bảo quản phim của Việt Nam với các nước tham gia hội nghị lần này?

- Viện Phim Việt Nam chưa bao giờ bị coi là kém, ít nhất thì cũng được đánh giá là hơn hẳn các quốc gia khác ở Đông Nam Á về công tác lưu trữ phim. Tại hội nghị lần này, thậm chí một số nước còn đề nghị mua công nghệ bảo quản phim của ta. Việt Nam cũng đã giúp Lào từ A đến Z trong việc xây dựng Viện Lưu trữ phim và vừa mới khởi công cách đây 1 tuần. Tất nhiên, chúng ta không thể so sánh ta với những nước giàu có, ngành điện ảnh và lưu trữ phim ra đời sớm được, nhưng được như vậy đã là một sự cố gắng lớn.

- Đã có nước nào dự định chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ bảo quản phim mới nhất, cũng như giúp Viện Phim VN đào tạo cán bộ chưa, thưa ông?

- Việc các nước phát triển giúp đào tạo cán bộ cho ta là công việc thường xuyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có nước nào đặt vấn đề cụ thể trong việc chuyển giao công nghệ và trao tặng thiết bị cho ta, vì hầu hết các đại biểu chỉ là cán bộ nghiên cứu, lãnh đạo ngành phim rất ít, nên chưa thể quyết ngay được. Mới chỉ có một số nước tặng phim cho ta. Ngày 20/4 vừa rồi, Cục Lưu trữ thuộc Trung tâm Điện ảnh quốc gia pháp (CNC) đã trao cho Viện Phim VN 17 bộ phim về Việt Nam được quay trong nửa đầu thế kỷ 20. Phần Lan cũng đồng ý tặng lại cho ta hai cuốn phim 16mm về Việt Nam có dung lượng 90 phút, còn Ucraina sẽ chuyển cho Viện Phim một số phim quý.

Fiaf, điểm hội tụ của các chuyên gia lưu trữ phim quốc tế.

- Được biết đây là lần đầu tiên Viện Phim VN tổ chức một hội nghị phối hợp tầm cỡ quốc tế lớn như vậy về lĩnh vực bảo quản phim. Chắc chắn là Ban tổ chức đã vấp phải không ít khó khăn, nhất là khâu tổ chức?

- Đây là lần thứ 3 Viện Phim Việt Nam tổ chức hội nghị liên quan đến việc lưu trữ phim. Lần thứ nhất là Hội nghị các Viện trưởng Viện Lưu trữ phim các nước XHCN (1987), tiếp đến là Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 3 (1988). Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là khâu làm thủ tục đăng ký đại biểu, vì rất nhiều đoàn gửi danh sách muộn, hoặc thay đổi đột ngột. Thứ nữa là lịch và địa điểm hội thảo đôi khi phải thay đổi đột ngột do yêu cầu từ phía bạn. Do tài chính hạn hẹp nên khâu tổ chức không được phóng khoáng.

- Xin cảm ơn ông!

180 đại biểu của 40 đoàn đại biểu thành viên SEAPAVAA đã tham gia hội nghị với chủ đề "Thiếu thời gian, không ngân sách. Lưu trữ hình ảnh động và âm thanh trong tình trạng báo động khấn cấp". Các cuộc trao đổi tọa đàm chủ yếu liên quan đến  các vấn đề công nghệ cũ và mới, đào tạo con người, hợp tác quốc tế, nhằm tìm kiếm một giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản nghe nhìn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
  • Bích Hạnh (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Cướp biển vùng Caribbean" đại náo MTV Movie Awards (22/04/2004)
''Siêu thị cười'' sẽ góp phần... chỉnh đốn tiếng cười? (21/04/2004)
Nhật Bản làm phim quảng bá du lịch Việt Nam (20/04/2004)
"Kill Bill" lại "đại náo" các rạp Bắc Mỹ (20/04/2004)
Những chủ nhân của giải Bafta năm nay (19/04/2004)
"Hải âu", lãng mạn với những nét đẹp đời thường! (19/04/2004)
"Nữ hoàng rắc rối", hài hước và lãng mạn (17/04/2004)
"Chiến tranh giữa các vì sao" vẫn là "đỉnh" (14/04/2004)
Phim dở, lỗi tại biên kịch hay đạo diễn? (14/04/2004)
Những thước phim mới về Điện Biên sắp ra mắt (14/04/2004)
Lần đầu tiên giới lưu trữ phim quốc tế họp tại VN (13/04/2004)
Phim Pháp trên đường tìm khán giả Việt Nam (13/04/2004)
"The Passion of the Christ" thống trị trở lại ... (12/04/2004)
''Mầm xanh'' - chương trình mới dành cho trẻ em (11/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang