Hãng TFS chuẩn bị "lột xác"
11:40' 24/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) đang chuẩn bị "lên đời". Công nghệ làm phim truyền hình mới sẽ được TFS áp dụng sau hàng loạt chuyến đi học hỏi nước ngoài.

Giám đốc TFS Nguyễn Việt Hùng.

TFS là Hãng phim Truyền hình thuộc hàng năng động với nhiều thử nghiệm, đột phá, có tác động tích cực trong khu vực sản xuất phim phục vụ công chúng màn ảnh nhỏ. Từ giữa năm 2003 đến nay, TFS đã có 4 chuyến đi học tập trao đổi kinh nghiệm như thế. VietNamNet có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc TFS, về bước đi mới của hãng.

- Được biết sắp tới TFS lại tiếp tục lên đường sang Hàn Quốc học làm phim truyền hình hiện đại. Điều gì thúc đẩy các anh ráo riết đi học đến vậy?

- Vì công nghệ làm phim truyền hình của ta quá lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới! Lạc hậu đã 20 - 30 năm nay. Chúng tôi không biết sự lạc hậu này bắt đầu từ chỗ nào, nhưng rõ ràng đã từ lâu, ở tầm vĩ mô, chúng ta đã không quan tâm đến chuyện này. Một thời gian rất dài, chúng ta vẫn sản xuất phim truyền hình theo lối của điện ảnh cách nay trên 30 năm, có nghĩa là cũng quay một máy, lồng tiếng, thu thanh sau...
                                                                                              

Trao đổi với đồng nghiệp Thái Lan.

Trước đây nhu cầu khán giả chưa cao, người ta xem theo kiểu thưởng lãm nên chưa cần đến nhiều đầu phim. Nhưng nay thì không thể chấp nhận kiểu cách làm ăn cũ. Vì như thế không thể có phép thần nào để đáp ứng số lượng đầu phim phục vụ công chúng, chưa nói đến số lượng nhiều hơn nữa. Còn mức thời lượng  50% phim Việt Nam trên sóng thì càng không thể đạt được.

Nhu cầu giải trí qua truyền hình của người dân là rất lớn, mà nhà sản xuất thì vẫn làm ăn theo kiểu cũ, vừa tốn kém vừa mất nhiều thời gian, hiệu quả thu được lại chẳng được bao nhiêu. Cái gốc vấn đề chính là ở chỗ phải thay đổi quy trình công nghệ sản xuất. Rút ngắn thời gian làm ra một sản phẩm thì sẽ tăng được số lượng. Trước chỉ làm được một phim (nhiều tập)/năm, thì nay có thể làm cả chục phim.

- Kinh nghiệm thiết thực nhất cho công tác làm phim mà các anh thu lượm được cụ thể là những gì?

- Tất cả các công đoạn thực hiện một cuốn phim đều được họ hoạch định từng ngày một, từ lúc chuẩn bị khâu kịch bản đến khi phim ra mắt. Khi quyết định đầu tư sản xuất một đề tài nào đó, nhà sản xuất đã hình dung ngay là nó tiêu tốn bao nhiêu tiền, đến khi bấm máy thì họ đã biết mình lời lỗ thế nào rồi. Biên kịch của họ thì có cả một êkíp cộng sự, nên một tháng có thể viết xong 20 tập phim! Công tác quảng cáo tiếp thị cũng vào cuộc ngay từ đầu, vì phải cho khán giả biết đạo diễn, diễn viên tên tuổi nào để họ đi xem (còn nếu chưa có tên tuổi, họ có cách lăng xê lên).
 

Đoàn TFS trong phim trường hãng Kantana.

Trong khi biên kịch viết kịch bản, đạo diễn sẽ theo đó tìm bối cảnh. Vì thế khi đạo diễn cầm kịch bản trong tay, anh ta không phân cảnh kỹ thuật nữa. Họ quay (và thu tiếng trực tiếp) cùng lúc nhiều máy theo thoại và bối cảnh chứ không còn kiểu căn theo thời lượng cảnh, dolly hay trung cận cảnh nữa. Bởi thế tốc độ làm phim của họ cực nhanh, hơn hai ngày có một tập phim hoàn chỉnh chỉ còn đem in tráng là chiếu! Trong khi đó ở ta thì một kịch bản phim dài chừng 60 tập được viết trong một năm, đạo diễn phân cảnh, dắt nhau đi quay hơn năm, rồi thời gian làm hậu kỳ. Nếu bỏ qua các khâu đầu, chỉ tính từ lúc bấm máy thì ta mất 17 - 20 ngày cho một tập phim, họ chỉ mất 3 ngày.

- Với chuyến đi Thái Lan vừa qua, công tác học tập công nghệ hiện đại của Hãng được xem là hoàn thành cơ bản. Vậy TFS có thể bắt tay vào áp dụng những điều đã học ngay được không?

- Từ năm ngoái đến nay, Đài đã tạo điều kiện cho hãng thay đổi quy trình công nghệ, đáp ứng dần yêu cầu về thời lượng phim Việt Nam, ít nhất là ở mức một ngày có một giờ phim nội. Qua những lần trao đổi kinh nghiệm này, tất cả anh em đạo diễn, quay phim... đều thấy không có gì vượt quá khả năng của mình, nhưng vì lâu nay chưa nắm hết nên không mạnh dạn đột phá. Chẳng có gì xa vời, nhưng chúng ta đã để mình tụt lại phía sau họ quá xa. Hãng đang chuẩn bị một kịch bản khoảng 30 phút để làm thử nghiệm theo quy trình công nghệ mới. Bước đầu có thể mời chuyên gia Thái Lan sang hỗ trợ, nhưng sau đó sẽ tự làm lấy. Kiên quyết ngay trong năm nay, TFS sẽ có vài phim thực hiện bằng công nghệ hiện đại.

  • Võ Tiến (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Công nghệ lưu trữ phim VN được đánh giá tốt? (23/04/2004)
"Cướp biển vùng Caribbean" đại náo MTV Movie Awards (22/04/2004)
''Siêu thị cười'' sẽ góp phần... chỉnh đốn tiếng cười? (21/04/2004)
Nhật Bản làm phim quảng bá du lịch Việt Nam (20/04/2004)
"Kill Bill" lại "đại náo" các rạp Bắc Mỹ (20/04/2004)
Những chủ nhân của giải Bafta năm nay (19/04/2004)
"Hải âu", lãng mạn với những nét đẹp đời thường! (19/04/2004)
"Nữ hoàng rắc rối", hài hước và lãng mạn (17/04/2004)
"Chiến tranh giữa các vì sao" vẫn là "đỉnh" (14/04/2004)
Phim dở, lỗi tại biên kịch hay đạo diễn? (14/04/2004)
Những thước phim mới về Điện Biên sắp ra mắt (14/04/2004)
Lần đầu tiên giới lưu trữ phim quốc tế họp tại VN (13/04/2004)
Phim Pháp trên đường tìm khán giả Việt Nam (13/04/2004)
"The Passion of the Christ" thống trị trở lại ... (12/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang