(VietNamNet) - 2004 có thể nói là một năm đầy ắp sự kiện của giới làm phim Việt Nam. Xếp lại những giải thưởng ầm ĩ để thấy mặt trái của những tấm bằng khen và để thấy điện ảnh VN đang ở đâu.
Cuộc chiến tìm chỗ đứng tại sân nhà
|
Cảnh trong phim "Nữ tướng cướp". |
Khó có thể tìm lại được một cơn sốt Gái Nhảy nhưng dù sao cũng có thể lạc quan nghĩ đến một nền điện ảnh chuyên nghiệp hơn cho dù con đường ấy chẳng dễ "nhằn". Trong khi bộ phim "ăn theo" Gái nhảy, Lọ lem hè phố không đủ để tạo nên một cơn lốc thì khán giả Việt Nam đã bị cuốn theo Những cô gái chân dài - một bộ phim không mới nhưng khá hấp dẫn bởi cách tiếp cận giới trẻ.
Sau khi "hốt bạc" ở các rạp, mới đây Cty Thiên Ngân đã khuấy động thị trường băng đĩa khi quyết định tung DVD phim Những cô gái chân dài ra thị trường, cách làm không mới của điện ảnh thế giới nhưng chưa có tiền lệ ở VN. Đây là hãng phim tư nhân đầu tiên thực hiện các khâu làm phim chuyên nghiệp từ làm website đến các chiến dịch quảng cáo và đã đầu tư hẳn 1 album sountrack. Những cô gái chân dài còn ghi dấu ấn là hãng phim tư nhân đầu tiên tham dự LHP Việt Nam (XIV) và ngay lập tức giật giải Cánh diều bạc của thể loại phim truyện nhựa. Một sự thừa nhận với thể loại phim thương mại của tư nhân chăng?
|
"Những cô gái chân dài" sẽ sống dài. |
Một tín hiệu cũng rất đáng mừng nữa là lần đầu tiên, Tết nguyên đán 2005 sẽ chứng kiến cuộc "so găng" của các bộ phim VN. giữa Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu, Lửa tình, Lấy vợ Sài Gòn... Và lần đầu tiên các phim sẽ phải cạnh tranh nhau để tìm "lãnh thổ cát cứ" vì dù sao thì một rạp cũng khó mà chiếu hơn 1 phim VN. Vậy là cũng chưa hề có tiền lệ, một cuộc thi chọn ra phim nào sẽ được chiếu trong dịp Tết tại rạp nhà mình đã được Công ty Điện ảnh TP.HCM khởi động. Khán giả thì đã được lợi nhưng các hãng phim thì chắc chắn "không chết cũng bị thương" vì phải chia khán giả và doanh thu bởi loại trừ những rạp của Công ty Điện ảnh TP.HCM, chưa chắc các hãng phim sẽ được "nhảy" vào rạp như mong muốn chỉ vì không có quan hệ khăng khít với chủ rạp.
2004: Nỗi buồn phim Việt
Bà Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh khái quát về Điện ảnh VN 2004: "2004 là năm cũng rất bận rộn của điện ảnh VN. Phim truyện có khá nhiều và vẫn được sản xuất theo 3 dòng. Phim đặt hàng có Ký ức Điện Biên, Tiếng cồng định mệnh, Cầu ông Tượng... Về dòng phim nghệ thuật, các hãng vẫn sản xuất thường niên như Tình biển, Hàng xóm, chiến dịch trái tim bên phải, Tiếng dương cầm trong mưa, Thời xa vắng, Mùa len trâu... Dòng giải trí có Những cô gái chân dài, Lấy vợ Sài Gòn, Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu...
|
"Thập diện mai phục", một trong những bộ phim nhập ngoại gây sốt tại VN. |
Việc phim nước ngoài (mới, chất lượng, toàn diễn viên và đạo diễn nổi tiếng) được chiếu liên tục tại các rạp VN mang đến nhiều lựa chọn cho khán giả. Song, do quá nhiều Cty nhập phim nên nhiều phen làm phim nội khốn đốn. Năm 2004, tỉ lệ phim Mỹ trong tổng số phim Fafim và đối tác nhập về, phát hành chiếm quá nửa. Theo thống kê của Fafim, trong số 45 phim nhập về và phát hành, phim Mỹ chiếm đến 53,3% với 24 phim. Tính sơ sơ từ đầu năm đến nay, đã có đến hàng chục phim Mỹ được công chiếu. Trong khi đó, phim Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay mà dạng hút khách như Lọ lem hè phố và Những cô gái chân dài 1 năm mới có được 1 - 2 phim. Từ tháng 1/2004 đến nay Galaxy đã nhập 12 phim, trung bình 1 tháng/1phim. Galaxy mua thẳng của đại diện 20th Century Fox bản quyền phim chiếu tại các rạp. Riêng Người hùng và Thập diện mai phục mua cả bản quyền truyền hình.
Ông Lưu Danh Hùng, Giám đốc Fafim Việt Nam, một trong những đơn vị đầu mối nhập phim của VN cho biết: "Vài năm trở lại đây, Fafim cùng các đối tác trung bình nhập 30 đầu phim một năm trong đó quá nửa là phim Mỹ, còn lại là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan cùng một số phim chiếu theo rạp trao đổi văn hoá. Trước đây, hầu như chỉ có mình Fafim nhập nên chiếu có vẻ kỹ hơn và hiệu quả hơn nhưng bây giờ lại thêm Công ty băng hình HN, TP.HCM, Quang Diệu, Hãng Giải Phóng, Thiên Ngân... Goodfelas (TP.HCM) và Cinet (HN) của Hàn Quốc chủ yếu nhập phim Hàn Quốc". Như thế, dễ dàng thấy "sức ép" của phim nước ngoài đến điện ảnh Việt Nam lớn như thế nào.
|