Phim lịch sử 1000 năm Thăng Long: 2 dòng nhưng 1 chuẩn?
14:07' 25/01/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Như VietNamNet đã đưa tin, cuộc thi kịch bản phim truyện phim truyện lịch sử 1000 năm Thăng Long có "hai dòng" tác giả với hai loại giải thưởng khác nhau đã gây nên không ít thắc mắc trong công chúng. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Đạo diễn, NSND Hải Ninh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn (Ban chỉ đạo Quốc gia), Trưởng ban giám khảo phim truyện (cinema) về vấn đề này.

Soạn: AM 253127 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đạo diễn, NSND Hải Ninh

- Thưa ông, tại sao cuộc thi này lại phân biệt "hai dòng" tác giả: Tác giả được đầu tư và tác giả tự do?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Cuối 2002, đầu 2003 Uỷ ban Nhân dân Thành phố, Ban chỉ đạo Quốc gia đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử, phim truyện truyền hình nhiều tập và phim hoạt hình nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Thực ra, ban đầu cuộc thi phát động chỉ trong vòng một năm, nhưng sau một năm số lượng kịch bản mà Ban tổ chức chỉ nhận được 10 kịch bản. Nếu chỉ dựa vào "dòng thi tự do" này thôi thì thành công sẽ không lớn: Ai muốn gửi thì gửi, không thích thì thôi. Cho nên, cuộc thi tự do được kéo dài thêm một năm nữa (2002-2004), nhưng để đảm bảo thành công cho cuộc thi, Ban chỉ đạo có sáng kiến "tìm mặt gửi vàng", tức là chọn ra 15 nhà văn, biên kịch, đạo diễn có tên tuổi. Cuộc phát động đấy thực chất là cuộc phát động thứ hai của tuyến thứ hai, không bằng hình thức của cuộc thi tự do mà bằng hình thức đầu tư trực tiếp. Do đó,  mới có "hai dòng" tác giả: Tác giả  tự do và tác giả được đầu tư trực tiếp.

- Ông có thể nói rõ hơn về số tác giả được đầu tư trực tiếp?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Đầu tiên, Ban chỉ đạo chọn 15 tác giả viết đề cương kịch bản, mỗi một đề cương được trả 3 triệu đồng (có đề cương 1 trang, có đề cương 2, 3 trang). Sau đó, trong 15 đề cương chọn ra 6, đó cũng là 6 nhà văn, biên kịch có tiếng (Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Xuân Khánh, Đinh Thiên Phúc). Khi 6 tác giả này được chọn để viết kịch bản hoàn chỉnh thì ngoài 3 triệu đồng đề cương ra, Ban chỉ đạo quyết định đầu tư thêm cho mỗi một tác giả 20 triệu đồng cho dù kịch bản của họ có dùng được hay không không cần biết. Như vậy để nói rằng, Ban tổ chức rất sáng tạo, có chiều sâu, vừa trân trọng khả năng của các tác giả lại vừa chặt chẽ, thiết thực. Tuy nhiên, cuối cùng 6 tác giả được đầu tư này đều được giải (từ giải A đến giải khuyến khích).

- Vậy, với hai dòng tác giả này, tiêu chí chấm giải của Ban giám khảo sẽ như thế nào, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Mặc dù điểm chuẩn như nhau nhưng Ban giám khảo chấm bên tác giả tự do trước, chấm tác giả đầu tư trực tiếp riêng, sau so lại về điểm chuẩn. Vì mục địch của cuộc thi là chọn ra kịch bản hay nhất nên xếp thành một dòng thi dựa trên thứ tự điểm chuẩn thì Hội thề của Nguyễn Quang Thân giải nhất (bên dòng đầu tư là giải A), sau đấy là giải nhì và khuyến khích.

- Còn tiền giải thưởng, sao "hai dòng" lại khác nhau, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Đáng lẽ, các tác giả được đầu tư không được tiền nữa bởi vì họ đã ký hợp đồng với Ban tổ chức nhận 20 triệu đồng, còn được hay không không cần biết. Như vậy, ngay từ đầu họ đã tuân theo nguyên tắc đó rồi, nghĩa là anh nhận tiền, còn chúng tôi có sản phẩm. Nhưng đứng về phía Hội đồng tư vấn và Ban giám khảo cố trình bày với Ban chỉ đạo: Vì mục đích là tìm được kịch bản tốt nên cũng rất muốn số tiền giải thưởng của những tác giả đầu tư trực tiếp được cao hơn nhưng cuối cùng không được.

Với lý do, dòng đầu tư trực tiếp có quyền lợi mà dòng tự do không có, đó là trong qua trình viết kịch bản họ đã có những chương trình bồi dưỡng, ví dụ: đi Hoa Lư, Nam Kinh, Cửa Ông, Côn Sơn-Kiếp Bạc...để tìm hiểu về tư liệu lịch sử, ngoài ra còn chiếu những bộ phim, tư liệu lịch sử...cho họ nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho họ (việc này cũng đúng thôi vì họ là nhà văn chứ đâu phải là nhà sử).

Cho nên, số "tìm mặt gửi vàng" này thì bên cạnh tài năng của họ còn phải có chương trình bồi dưỡng, với họ Ban tổ chức còn chưa thực hiện được chương trình đi Trung Quốc nghiên cứu. Nhưng nói gì thì nói, giải cao (chất lượng tác phẩm) vẫn nằm bên đầu tư trực tiếp, như vậy đã là một thành công của Ban chỉ đạo rồi. Do đó, Ban chỉ đạo đã dùng giải thưởng Thăng Long để dành cho các tác giả.

- Xin hỏi ông câu cuối cùng, đánh giá của ông giữa tác giả tự do và tác giả đầu tư trực tiếp?

Đạo diễn, NSND Hải Ninh: Đây là lần đầu tiên thi về phim truyện lịch sử mà vốn dĩ dòng văn học lịch sử của chúng ta vừa thiếu vừa yếu. Có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Vũ Như Tô...như vậy nghĩa là mình không có dòng lịch sử thực sự. Do đó, để nói rằng đề tài về lịch sử bao giờ cũng khó, bắt người viết phải có sự hiểu biết uyên thâm về lịch sử. Trong khi đó, dòng tự do có cả tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, trong đó có tác giả Lê Khôi (giải nhì). Nếu tác giả Lê Khôi là tác giả chuyên nghiệp thì rất có thể được giải nhất hoặc hơn thế nữa vì sự khảo cứu, hiểu biết về lịch sử của tác giả rất tốt.

Nhưng đấy chỉ là nếu như thôi vì tiêu chuẩn chấm tác phẩm phải đạt 4 yếu tố sau: Nội dung tư tưởng, tính chân thực lịch sử, giá trị nghệ thuật và quan trọng không kém mà không phải ai cũng có, đó là ngôn ngữ kịch bản điện ảnh. Mà yếu tố này ở tác giả Lê Khôi lại hoàn toàn không có. Cái thiệt thòi của một số tác giả tự do là họ không có kỹ năng viết kịch bản, không biết rằng trong một kịch bản phải nhấn mạnh vào hình tượng nhân vật, đấy chính là đỉnh cao và chiều sâu của cả kịch bản. Cho nên, họ viết triền miên, lan man, còn đi theo những sự kiện. Còn các tác giả chuyên nghiệp (trong cuộc thi này gọi là tác giả đầu tư trực tiếp) thì ngược lại, họ chỉ thiếu tư liệu về lịch sử mà thôi.

  • Trần Mạnh Hào (thực hiện)

   

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Đã nói là phải nói thật!
CÁC TIN KHÁC:
Khai hoả cuộc chiến giành... Mâm xôi vàng 2005! (25/01/2005)
Phim Việt đi thi: Khi đi rầm rộ khi về im hơi! (25/01/2005)
ĐD Khải Hưng: ''Phim Tết, không khéo dễ bị... nhạt'' (23/01/2005)
IDECAF mở tuyến phim tài liệu chọn lọc (22/01/2005)
"Giọt mưa biến mất" và những vấn đề của trí thức trẻ (22/01/2005)
Có đáng bỏ tiền mua vé xem phim tết? (21/01/2005)
"Alexander" dẫn đầu đề cử giải thưởng dành cho "Gay" (20/01/2005)
Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di thành công lớn với 2046 (19/01/2005)
Nữ minh tinh Virginia Mayo qua đời (18/01/2005)
Quả cầu vàng 2005 về tay các "ông lớn" (17/01/2005)
Lee Byung Hun - cuộc sống lại ngọt ngào (16/01/2005)
Bằng Lăng làm...tướng cướp! (16/01/2005)
Liên hoan truyền hình 2005: Quá nhiều giải thưởng! (15/01/2005)
VN tham dự LHP quốc tế Bangkok 2005 (15/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang