Phim tư nhân: Lộn về đường cũ?
15:26' 22/02/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chúng ta đang chứng kiến một cuộc ra quân "rầm rập" của phim ảnh tư nhân. Song nếu tính đường xa, chưa thể vội mừng với hiện tượng này.

Dùng mồi nhử lãng xẹt để câu khách?

Một là hiện tượng của phim Tết  2005...

Chưa hết đợt phim Tết, đã thấy ông chủ hãng phim Phước Sang hồ hởi với doanh thu hàng tỷ đồng kèm thêm chút đắc ý khi Khi đàn ông có bầu được đòi mua với giá 6 tỷ đồng. Con số doanh thu chưa phải cao song cũng đã làm nhiều người ngợp, và đinh ninh rằng phim thu hút khách chắc chắn là phim hay!

Khi đàn ông có bầu hút khách phần nhiều do công chúng bị kích thích sự tò mò. Điều này thấy rõ qua cuộc giao lưu trực tuyến với đoàn làm phim trên VietNamNet, khi khán giả đặt rất nhiều câu hỏi loanh quanh chuyện mấy cái bụng bầu của các ông. Có khán giả bĩu môi "đàn ông gì có bầu, nghe hết muốn coi phim" nhưng lại bỏ tiền mua vé đi coi cái sự có bầu ấy thế nào.

Lần đầu tiên có một bộ phim mà băng rôn quảng cáo của nó giăng gần như khắp thành phố! Một kiểu quảng cáo "lấy thịt đè người", đập vào mắt khán giả ở mọi ngõ ngách. Đem mồi nhử đến tận cửa nhà, con mồi nào không động lòng. Chưa hết, để có khách cho đến hết tháng 3, hãng phim tư nhân này sẽ còn tung chiêu khác để vét cú chót.

Nhưng nhìn lại nội dung phim, khán giả dễ tính nhất cũng khó mà "chịu đựng" được những màn tấu hài kéo dài có chủ ý trên phim. Nhìn xa hơn, nếu tiếp tục làm phim, hãng Phước Sang không thể nhai lại thể loại này. Nhưng không hài, lấy gì câu khách.

Phim tư nhân dò dẫm đi đâu?

Ông Nguyễn Phúc Thảnh: Cục trưởng Cục Điện ảnh:

Hy vọng phim tư nhân có chất lượng nghệ thuật

 Phim tư nhân làm ra là để kinh doanh chứ không phải để phục vụ mục đích tuyên truyền nên nội dung sẽ khác phim của Nhà nước. Họ có đầu tư tốt, phát hành giỏi nên sau khi làm phim có lãi, tôi hy vọng họ sẽ đầu tư để tiếp tục làm những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao hơn. Bởi họ cũng là những người có tinh thần nghệ thuật chứ không phải chỉ biết kinh doanh đơn thuần. Tôi tin rằng trong tương lai không xa sẽ có nhiều hãng phim tư nhân hơn nữa tham gia vào thị trường điện ảnh nước nhà.

Câu khách là mục tiêu hàng đầu của các hãng phim tư nhân. Họ buộc phải tìm mọi cách, ngoài các hình thức quảng cáo, bản thân nội dung phim cũng phải lôi kéo được khán giả. Nhưng tìm được kịch bản có chất liệu kha khá để nhào nặn thành phim ăn khách thời điểm này khó như tìm kim đáy bể. Diễn viên chỉ vài gương mặt loay hoay không khéo còn đụng nhau, lấy gì để chọn lựa. Lực lượng đạo diễn thì hoặc "không thèm", hoặc không đủ khả năng làm phim ăn khách...

Cả nước đã có cả chục hãng phim tư nhân nhưng với những khó khăn như nhau nói trên và cả khó khăn riêng, mỗi hãng phải tự hoạch định cho mình những chiến lược khác nhau để tồn tại. Đã có một Thiên Ngân được thừa nhận bằng một giải thưởng trong hệ thống giải thưởng chính thức của ngành điện ảnh quốc gia, song cũng có một Việt Phim muốn tiếp tục làm phim phải dựa bóng một đơn vị Nhà nước. Nhiều hãng mạnh bạo bỏ vốn làm phim nhựa chiếu rạp đàng hoàng, song cũng có những hãng làm phim video bán cho đài truyền hình, hoặc bắt tay với các nhà đài. Có hãng liên tiếp làm phim, và cũng có hãng thông báo trước đến mấy phim vẫn chưa thấy bấm máy phim nào!...

... và một vẫn chưa thu hồi vốn (cảnh phim Nữ tướng cướp).

Nữ tướng cướp của Thiên Ngân sau đợt chiếu Tết vẫn chưa thu hồi vốn, Khi đàn ông có bầu của Phước Sang thì đã có lãi, Bẫy tình của Việt Phim phát hành qua DVD còn phập phù... Bức tranh nhiều màu sắc của phim ảnh tư nhân vẫn còn loang lổ.

Trong khi đó, nhiều hãng phim tư nhân "cựu trào" vẫn chưa chịu nhập cuộc với thế hệ mới với lý do đang nhìn ngắm tình hình thị trường. Số hãng mới thành lập thì vẫn chưa bấm máy phim của mình nên còn phải chờ. Một vài cái tên khác đang lấp ló muốn nhảy vào thị trường sản xuất phim nhưng vẫn chưa lộ diện vì chưa chín muồi...

Các ông bà chủ hãng phim tư nhân có rất nhiều cái giỏi giống nhau như huy động vốn tốt, trả thù lao cao để lôi kéo nhân sự, phát hành phim bài bản... Nhưng những tồn tại muôn thuở của phim ảnh nước nhà thì họ cũng chưa đủ sức gỡ. Sau hồi hồ hởi làm phim ồ ạt, điều đáng sợ nhất là phim tư nhân hiện nay không khéo lại giẫm lên bước đi bế tắc của dòng phim tư nhân cách đây hơn 10 năm.

  • Võ Tiến

Bạn nhận xét gì về phim tư nhân chiếu tết Ất Dậu vừa qua? Theo bạn, chất lượng những bộ phim này thuộc loại nào? Bạn có thất vọng khi bỏ tiền mua vé vào rạp xem những bộ phim như vậy không? Bạn có giải pháp nào cho các hãng phim tư nhân để tránh tình trạng lãng xẹt như vậy không? Hãy gửi ý kiến theo cách sau:

 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Lấy vợ Sài Gòn" chính thức ra mắt tại "sân nhà" (22/02/2005)
Giải Gấu vàng thuộc về "Carmen in Khayelitsha" (21/02/2005)
Những vấn đề bị bỏ quên của điện ảnh Việt Nam (19/02/2005)
Ai sẽ đăng quang tại Oscar 2005? (18/02/2005)
Lưu Đức Hoa tái ngộ fan VN với "Thiên hạ vô tặc" (17/02/2005)
Mỹ mua bản quyền ''Mê Thảo - Thời vang bóng'' (17/02/2005)
"39 độ yêu": Chưa chiếu tại VN đã "nhòm" thị trường ngoại (16/02/2005)
"Lấy vợ Sài Gòn" ăn khách ở các tỉnh (16/02/2005)
Audrey Hepburn - Nữ minh tinh có phong cách nhất (15/02/2005)
Phim Việt xông đất Tết Ất Dậu (10/02/2005)
"Săn" diễn viên điện ảnh (07/02/2005)
Những đề cử Oscar thắng lớn tại SAG Awards (06/02/2005)
Người Mỹ "Gặp gỡ thông gia" như thế nào? (03/02/2005)
Chỉ sợ ngoài đời có nhiều đàn ông mang bầu! (02/02/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang