(VietNamNet) - Với những thành công đáng chú ý của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua, liệu đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc làm phim giả tưởng, một thể loại luôn giúp các nhà làm phim hái ra tiền?
|
"Chiến tranh giữa các vì sao" (1977), sự ra mắt ấn tượng của thể loại phim giả tưởng. |
Cuối năm 2004, George Lucas, "ông chùm" về kỹ xảo của Hollywood với loạt phim Star Wars - Chiến tranh giữa các vì sao đã mở một "tổng hành dinh" mới ở Singapore để "chiếm lĩnh" thị trường phim kỹ xảo của châu Á. Nhiều đạo diễn VN đã nghĩ đến chuyện "cắp sách đi học" kỹ xảo nhưng điều này dường như còn ngoài tầm với điện ảnh Việt Nam. Tính đến nay, điện ảnh VN chỉ có một bộ phim đáng kể liên quan đến chủ đề... giả tưởng là "Trò đùa của thiên lôi" (ĐD Đỗ Trí Hùng, 2003) nhưng chưa đủ để tạo nên một làn sóng phim mới tại VN. VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ngắn một số đạo diễn được coi là "dám đối đầu với thách thức mới" về khả năng sản xuất phim giả tưởng Việt Nam.
ĐD Vũ Ngọc Đãng: "Làm phim giả tưởng VN gần như là điều không tưởng"
"Việc làm phim giả tưởng ở VN không khả thi bởi lẽ thị trường của ta có quá ít khán giả, lượng người xem đông nhất cũng chỉ dừng lại ở 500.000 người và chưa vượt qua ngưỡng doanh thu 13 tỉ đồng của Gái Nhảy. Do vậy nếu đầu tư quá mức thì chắc chắn phim đó sẽ lỗ. Thêm nữa, tiền đầu tư cho mỗi phim của ta quá ít mà làm phim dùng nhiều kỹ xảo vi tính lại cực kỳ tốn kém. Làm một bộ phim giả tưởng ở thời quá khứ hay tương lai thì ngoài kỹ xảo còn cần phải thiết kế bối cảnh nữa. Một vấn đề nữa là các nhà làm phim Việt Nam chưa biết gì về kỹ xảo vì đâu có được học, chỉ một số người được đi nước ngoài, có cơ hội tiếp xúc thoáng qua với vấn đề này mà thôi. Vì vậy, việc làm phim giả tưởng Việt Nam gần như là điều không tưởng. Nhiều bộ phim chỉ thực hiện một số cảnh cháy nổ, những kỹ xảo đơn giản nhất mà còn chưa xong thì nói gì đến chuyện làm phim toàn dựa trên kỹ xảo máy tính. Không phải là chúng tôi không dám làm mà nếu có làm cũng chỉ là một trò cười với nước ngoài thôi".
ĐD Lê Hoàng: "VN không thể làm được phim giả tưởng"
"Điện ảnh VN không thể làm được phim giả tưởng vì kỹ xảo, khâu tổ chức và quan trọng hơn là trí tưởng tượng cũng kém. Nếu như được đặt hàng đi nữa thì tôi cũng không bao giờ làm phim giả tưởng, đơn giản vì chúng ta không thể làm được. Chỉ có thể làm phim giả tưởng về tâm lý với những hành động thật sự bất ngờ. Với tốc độ phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện tại, với những người nói nhiều nhưng làm ít, thật sự là không thể làm nổi phim kỹ xảo. Một bộ phim giả tưởng, nếu muốn được khán giả chú ý, cần có vấn đề hay và có tính xã hội cao. Khán giả VN dễ tính vô cùng nhưng điều đó lại khiến các đạo diễn khó làm.
ĐD Lâm Lê Dũng: "Chỉ có thể làm phim với những kỹ xảo đã lỗi thời trên thế giới"
"Nói thật lòng, chừng 10 năm nữa Việt Nam mới làm nổi loại phim này. Trước hết, chúng ta thiếu một mặt bằng làm phim chuyên nghiệp (con người, kỹ thuật, phát hành). Hiện vẫn chưa có chuyên gia nào có thể điều khiển kỹ thuật để quay kỹ xảo vì chúng ta đã bị lạc hậu mấy chục năm trong lĩnh vực công nghệ làm phim, chưa ai được học về kỹ xảo quay. Nếu muốn làm loại phim này, chỉ còn cách hợp tác với nước ngoài, mời chuyên gia kỹ xảo của các nước có nền điện ảnh tiên tiến sang VN để "học lỏm" kỹ thuật của họ. Giá thành làm phim giả tưởng rất cao, 1 phút kỹ xảo hoàn chỉnh có giá 1 triệu USD (khoảng 15 tỉ đồng VN) nên ngay cả với điện ảnh Mỹ, một bộ phim có chi phí sản xuất từ 60 triệu USD trở nên họ mới nghĩ đến chuyện dùng kỹ thuật số. Nếu tính đến tất cả các khả năng làm phim ở VN hiện nay thì thể loại phim này là điều... giả tưởng. Mình không có nhân lực, không có tiền, không có kỹ thuật, công nghệ làm phim lạc hậu khá xa và chỉ có thể làm phim với những kỹ xảo đã lỗi thời trên thế giới".
|