(VietNamNet) - Theo nhiều tài liệu sách báo và nhà văn Sơn Nam thì 2 quán cà phê đầu tiên của Sài Gòn ra đời năm 1864 là: quán Café Lyonnais (nằm trên đường Gouvernement, nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1) và quán Café de Paris (góc đường số 16, nay là đường Đồng Khởi, quận 1). Như vậy, cà phê Sài Gòn đã có cách đây khoảng 140 năm.
Ấn tượng cà phê Sài Gòn
Trong một góc trầm mặc ở quán Kim (khu Tây ba lô đường Phạm Ngũ Lão, quận 1), Hélène – người Úc, một khách du lịch đã 3 lần đến Sài Gòn thủ thỉ: “Tôi ghiền không khí cà phê Sài Gòn đến mức lần nào có dịp đến đây cũng phải uống cà phê mỗi sáng”. Còn anh chàng người Pháp Roland Jéol thì tỏ vẻ ngạc nhiên: “Hình như người Việt Nam ai ai cũng biết uống cà phê, kể cả những cô gái…”.
Với đa số người dân Sài Gòn, “đi uống cà phê” là những khoảnh khắc để được thư giãn, để được giải trí, để được nghỉ ngơi thực sự. Cà phê sáng – trưa – chiều – tối, cà phê giữa buổi, cà phê bình dân, cà phê làm ăn, v.v… - một tá kiểu “đi uống cà phê”, tùy mỗi người. Cũng có nhiều người chỉ thích uống cà phê ở nhà, do chính tay mình pha chế mới “hợp khẩu vị”, nhưng nhiều người khác lại cho rằng: cái “thú vị” là ở một góc nào đó trong cái quán thoáng mát, thơ mộng, hay ấm cúng… vừa nhâm nhi cà phê vừa tán gẫu, vừa nghe nhạc. Lựa chọn những quán cà phê “hợp gu” có khi là một việc dày công phu.
Nay cà phê đã trở nên quá quen thuộc với phong cách người Sài Gòn. Một bà bán cá ngoài chợ hàng ngày có thói quen phải “điểm tâm tại chỗ” bằng một ly cà phê đá. Anh xích lô hay xe ôm dậy sớm đón khách cũng nhâm nhi tách cà phê đen trong thời gian chờ khách vừa tỉnh ngủ, vừa lót dạ. Nhưng quán cà phê có “gu” một chút, tự nhiên “chọn lọc” khách hẳn hoi.
Cà phê… “thiên đường”
Sau khi uống cà phê tại quán T.T ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đôi bạn Th – H kể: “Khi đọc slogan của quán T.T, tôi rất bực mình vì “hắn” quá kiêu ngạo, nhưng thật sự chưa bao giờ tôi được uống loại cà phê lạ như vậy”. Cái “cuốn hút” khách của quán cà phê T.T chính là khung cảnh, là hệ thống đèn cao áp tròn – bố trí dọc theo lối đi, và trong những lùm cây tạo một không gian huyền ảo.
Người dân thành phố càng ngày càng có xu hướng ra hóng gió ngoại thành, nên Thanh Đa nghiễm nhiên trở thành… “thiên đường cà phê”. Cả trăm quán cà phê mọc lên, những điểm có lợi thế dọc theo bờ sông đều lấn thêm một khoảng sông để cất sàn. Đặc trưng của “thiên đường cà phê” Thanh Đa chính là khoảng không gian thoáng mát, rộng rãi và yên tĩnh.
Quán cà phê D.S tại Thanh Đa, chủ quán sử dụng nhạc khác nhau cho mỗi thời điểm trong ngày. “Nhiều khách quen đến quán cứ theo lịch nhạc như vậy mà đến quán”, ông chủ quán D.S cho biết.
Những quán cà phê… “độc”
Quán cà phê H. nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) tối tối tấp nập xe hơi của khách đến uống cà phê. Cái gì đã thu hút họ đến đây? “Cách pha chế thức uống ở đây đặc biệt ngon, có khẩu vị và mùi thơm đặc trưng, nhất là các loại thức uống có pha rum”, chị Kiều Trinh, nhân viên xuất nhập khẩu, đã nhận xét.
Quán S.Đ trên đường Tú Xương (quận 3) có một không gian “ấm cúng vào mùa lạnh và mát mẻ vào mùa khô”, nhưng nhiều người đến để thưởng thức nước mơ chùa Hương (thực chất là mơ Hà Nội), nhưng hề gì, miễn là ngon… Những quán H, Đ.H trên đường Điện Biên Phủ, cà phê Đ.D như trong khung cảnh vừa cổ điển vừa hiện đại nhờ những hoa khô, tượng phù điêu, đèn trang trí…, nhạc chính: boléro.
Những quán thường sử dụng nhạc sống: violon, piano, các loại nhạc cụ dân tộc… lại khơi đúng niềm say mê như hoài niệm của loại khách đứng tuổi. Chị T.T, nhiếp ảnh viên, cho biết: cả nhà chị cứ cách tuần lại đi uống cà phê nghe nhạc cổ điển, vì “không khí rất thăng trầm, ngọt ngào mà sâu lắng”.
B.N – khách thường xuyên đến quán cà phê M.A (đường Hai Bà Trưng) bộc bạch: “Tôi rất mê khung cảnh vừa thực vừa ảo ở đây”. Trên mỗi bàn của cà phê M.A, cà phê N (đường Trần Hưng Đạo B) lung linh một ngọn nến hoặc một ánh đèn dầu tạo một không gian huyền ảo.
Một chủ quán tiết lộ, bây giờ kinh doanh quán cà phê chỉ có lời chứ không lỗ. Bỏ ra chừng 15 – 20 triệu là đã có một quán cà phê kha khá, chơi CD đàng hoàng.
Có người rủ nhau “đi uống cà phê” nhưng khi đến quán kêu nước uống lại… không hề có chút cà phê nào, và ĐI UỐNG CÀ PHÊ đã trở thành “từ chung” là thế…
|