(VietNamNet) - Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mỗi khi đi trên chiếc ô tô "cổ lỗ sĩ" của nhạc sĩ Thanh Tùng lại phải nhoài cả người ra ngoài cửa sổ xe rồi la toáng lên để người đi đường biết mà tránh vì xe bị kẹt... thắng! Có lẽ đó chỉ là chuyện vui của giới văn nghệ sĩ nhưng chuyện về những kẻ chuyên săn lùng xế hộp cổ thì hoàn toàn có thật...
|
2 chiếc ô tô cổ "độc" nhất Hà Thành. |
Những chiếc xe ô tô đầu tiên ở Việt Nam
Đầu thế kỷ 20, những chiếc xế hộp đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam là những chiếc xe chạy bằng động cơ hơi nước đốt bằng than. Sau này, khi động cơ xăng ra đời cuộc cách mạng xe hơi mới thực sự bùng nổ. Khi những chiếc xe chạy xăng của Pháp lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, rất nhiều điền chủ, chủ hãng buôn và những gia đình khá giả người Việt đã tậu làm của riêng, coi như một thú chơi sang. Ngày nay, được ngồi trên những chiếc xe cổ lỗ sĩ như vậy là tuyệt thú ăn chơi, được coi là dân sành điệu và là kẻ lịch lãm biết người biết của. Chính vì vậy mà tất cả các xe chở khách tại khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng đều là xe Renault của Pháp sản xuất từ những năm 1930-1940 được phục chế lại.
Giới chơi xế cổ Hà Nội vẫn thán phục mỗi khi nhắc đến chiếc xe Peugeot 1932 của tay chơi xe cổ tên Phương ở Kim Liên. Chiếc xe này nguyên của bác sĩ Hồ Đắc Di đặt mua nên bên sườn xe còn khắc nổi tên: Dr Ho Dac Di. Còn anh Thanh, chủ một ga ra ôtô trên đường Yên Phụ, nguời có thâm niên gần 20 năm phục chế và sưu tầm xe cổ tại Hà Nội cho biết: "Đã là xe cổ không phân biệt ở chỗ của xã hội chủ nghĩa (XHCN) hay tư bản mà ở chỗ xe đó còn “zin” hay không".
"Zin", theo quan niệm của giới chơi xe, là mọi chi tiết như vỏ, máy, sườn phải nguyên bản và không được lai giữa hãng xe này với hãng xe khác. Chính vì tiêu chí đó mà việc phục chế trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó. Rất nhiều chi tiết những người thợ phải làm bằng tay và cũng phải mất vài tháng trời mới xong. Xe XHCN thường dễ tìm phụ tùng hơn xe tư bản nhưng những chiếc xe đời đầu như Traika (Liên Xô cũ), hay xe Hồng Kỳ (Trung Quốc) thì không thể kiếm đâu ra phụ tùng. Những chi tiết khó này thường được giới chơi xe “giao phó” cho ông Bích ở Thuỵ Khuê, hay ông Hà ở Thái Thịnh xử lý.
Số phận của những chiếc xe từng gắn bó với các nhân sĩ, quan chức
Giá một số dòng ôtô cổ đang được rao bán trên Internet: |
Hiện tại một chiếc ôtô Renault sản xuất năm 1999 hiệu RENAULT 20 SPIDER đang rao bán trên http://www.autoweb.com.au có giá tới 115.000 USD. RENAULT hiệu FUEGO GTX sản xuất năm 1985 có giá rẻ nhất là 2.200 USD. Một chiếc Peugeot sản xuất năm 1970 cũng không dưới 55.000USD, chiếc Peugeot ra đời năm 1995 cũng đã lên đến 17.990 USD. Một chiếc Ford hiệu GM mopar rao bán trên ebay có giá 13.000 USD. CADILLAC, SEVILLE SLS (1981): 25.000 USD; CADILLAC SEVILLE (1957):: 48.000 USD; BMW, 20 02 (1975): 9.250 USD; ROLLS-ROYCE, SILVER SHADOW (1978): 99.888 USD; ROLLS-ROYCE, CORNICHE (1974): 76.000 USD; VOLVO, 1 1800 E (1970): 21.950 USD; FERRARI, 308 GTSi (1982) : 65.000 USD (tham khảo tại địa chỉ: www.drive.com.au/) |
|
Ô tô cổ được chuộng hơn ôtô mới. |
Trong bộ sưu tập bốn, năm chiếc xe của mình anh Thanh tâm đắc nhất là chiếc xe Citroen Traction 1937 và chiếc xe Traika 1972. Chiếc Citroen Traction 1937 gần như là chiếc duy nhất ở miền Bắc hiện nay còn nguyên máy móc và vận hành ổn định. Đây cũng chính là chiếc xe mà rất nhiều đoàn làm phim đã nói khó để mượn làm đạo cụ. Đặc biệt nhất là đoàn làm phim “Người Mỹ thầm lặng” đã sử dụng chiếc xe này để quay bối cảnh Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước.
Còn chiếc Traika 1972, của anh thì cực kỳ đặc biệt! Đó chính là chiếc xe mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng sử dụng. Đây không chỉ là đỉnh cao về kỹ thuật thời đó mà còn là niềm tự hào đã từng đưa đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam. Cùng với cơn lốc của của việc hiện đại hoá “xe cộ” của các công sở chiếc xe này cứ lăn lóc qua rất nhiều cơ quan trước khi được thanh lý. Anh Thanh kể: "Săn lùng một chiếc xe cổ rất khó, nhưng nhiều khi cũng gặp may đến không ngờ. Như chiếc Traika 1972, tài sản vô giá của anh, được mua hết sức tình cờ khi một cơ quan rao bán với giá thanh lý. “Rẻ thôi! Máy còn nguyên bản nhưng vỏ và nội thất thì phải làm lại toàn bộ. Tiền để phục chế chắc chắn sẽ bằng giá một chiếc xe second hand có chất lượng tương đối,” anh nói thêm. Nhưng cái chính là có trong tay chiếc xe vô giá!
Đi "săn" xế hộp cổ
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, chủ Studio Xính thì cách sưu tầm xe có hơi khác. Ông thường tìm mua và phục chế xe cổ theo kiểu dáng cổ điển mà ông yêu thích. Với ông, chiếc xe không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà nó còn phải là đạo cụ trong lĩnh vực mà ông hoạt động: Làm đẹp cho các đám cưới. Hiện ông đang có trong tay bốn chiếc xe cổ hiệu Citroen Traction có năm sản xuất từ 1952- 1957, giá mỗi chiếc chừng 12.000USD.
Cách đây cả chục năm, khi ông Dũng lặn lội đi tìm những chiếc xe cổ ở miền Tây Nam Bộ, nơi vốn có nguồn xe phong phú, ông đã gặp hai người thợ máy già mà sau này đã trở thành bạn “cánh hẩu” của ông. Đó là ông Tám Tàng ở Biên Hòa và ông Hai Cua ở Bình Dương. Mỗi người một biệt tài, người thì phục chế giỏi, người chỉ cần nghe tiếng xe nổ là biết máy “pan” ở chi tiết nào… Ông Dũng say xe cổ đến độ bỏ hết chuyện làm ăn cho vợ và con trai, lăn lóc cả năm trời cùng hai người bạn khắp các ngõ ngách miền Tây để tìm mua xe chơi.
Theo ông Dũng, xe cổ muốn vận hành được trên đường phải còn đủ số khung, số máy để đăng ký. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được chiếc xe mình muốn. Tìm được rồi cũng chẳng dễ mà mua được. Ông Dũng kể vừa hào hứng, vừa tiếc nuối: Năm ngoái, trong chuyến đi miền Tây tôi bắt gặp một chiếc có niên đại 1912 chỉ còn mỗi vỏ xe đã han gỉ và máy bỏ trong vườn đã hơn 50 năm nay. Nhưng khi hỏi mua gia chủ phát giá đến 70.000 USD bởi đây là một trong mươi chiếc xe cổ cùng loại còn tồn tại trên thế giới…
Một tay chơi khác, anh Khánh, người thường xuyên điều khiển hai chiếc xe Citroen Traction 1936 và 1938 lại cầu kỳ kiểu khác: Mọi chi tiết của xe từ niềng, sườn, nội thất, gương, đèn đều được trau chuốt đến chỉn chu. Mỗi lần vào cua hay leo lên vỉa hè tay lái phải ngọt để làm sao người ngồi bên trong luôn có cảm giác như đi trên đường bằng. Cách sang số phải điệu nghệ để xe không rung giật có như vậy mới là kẻ sành điệu khi chơi xe cổ. Chuyện mua xe của anh Khánh cũng khá ly kỳ. Anh cho biết: cả hai chiếc xe này đều có xuất xứ từ Campuchia. Trước khi đến được tay anh, nó đã qua tay rất nhiều người và đến anh một chiếc vẫn còn mang biển Campuchia. Đặc biệt, chiếc Citroen Traction 1936 là chiếc xe đã từng được xử dụng trong Hoàng cung Campuchia.
Anh Thanh chơi dòng xe độc, ông Dũng vừa chơi vừa kinh doanh, anh Khánh lại chơi kiểu tỉ mẩn. Mỗi người một cách nhưng đều có chung một điểm: họ yêu quý nâng niu những chiếc xe cổ không khác gì máu thịt của chính mình.
Vài hình ảnh về chiếc Citroen Traction 1936
|